Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngTQ xây dựng phi pháp tại Đá Bông Bay, thuộc quần đảo...

TQ xây dựng phi pháp tại Đá Bông Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) chia sẻ hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiến hành xây dựng phi pháp một cấu trúc mới trên Đá Bông Bay, quần Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

Ảnh vệ tinh chụp cấu trúc phi pháp trên Đá Bông Bay

Theo AMTI, cấu trúc xây dựng mới, có kích thước 27,5 m x 12 m, lần đầu tiên bị phát hiện trong đợt chụp ảnh vào ngày 7/7/2018. Cấu trúc phi pháp trên được giấu kín bên dưới mái che radar có đường kính 6 m, bên cạnh là một dãy các bản điện mặt trời trên diện tích 124 m2. Toàn bộ bố trí như trên giúp che giấu bất kỳ các cơ sở hoặc thiết bị nào ở bên dưới. AMTI cho rằng mái che radar có thể sử dụng cho mục đích quân sự.

Việc Trung Quốc bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế tiến hành cải tạo phi pháp đá Bông Bay sẽ khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng.

Âm mưu, ý đồ của Trung Quốc khi xây dựng và cải tạo phi pháp đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là nhằm: (1) Trung Quốc xây dựng và cải tạo phi pháp nhằm tăng cường năng lực tác chiến; thăm dò, thử phản ứng của cộng đồng quốc tế trước khi tiến hành rầm rộ các hoạt động quân sự hóa; tuyên truyền, quảng bá khả năng kiểm soát Biển Đông. (2) Lợi dụng việc cộng đồng quốc tế đang tập trung, theo dõi vào những điểm nóng trên thế giới, nhất là vấn đề hạt nhân Triều Tiên, bất ổn tại khu vực Trung Đông – châu Phi, cạnh tranh thương mại Trung – Mỹ… không đủ “sức lực” quan tâm, theo dõi, giám sát các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông để tiến hành các hoạt động phi pháp tại các đảo nhân tạo để đánh lạc hướng dư luận, hạn chế tối đa sự chỉ trích, lên án của các nước. (3) Tạo thế “sự đã rồi” khi xây dựng và cải tạo phi pháp đá Bông Bay.

Đá Bông Bay thuộc chủ quyền của Việt Nam

Quần đảo Hoàng Sa nằm ở vĩ độ 15o45′ đến 17o15′ Bắc, kinh độ 111ođến 113o Đông, cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi khoảng 120 hải lý; là một quần đảo đá san hô, cồn, bãi cát gồm hơn 30 hòn đảo, nằm trên vùng biển rộng từ Tây sang Đông khoảng 100 hải lý, từ Bắc xuống Nam khoảng 85 hải lý, diện tích chừng 15.000km2. Đá Bông Bay là một rạn san hô vòng thuộc nhóm đảo An Vĩnh của quần đảo Hoàng Sa. Đá này nằm ở góc Đông Nam của quần đảo, cách đảo Phú Lâm thuộc khu trung tâm nhóm An Vĩnh gần 48 hải lý (89 km) về phía Nam Đông Nam và cách đảo Quang Hoà thuộc khu trung tâm nhóm Lưỡi Liềm khoảng 53 hải lý (98 km) về phía Đông Nam. Trước khi Trung Quốc tiến hành xây dựng phi pháp tại đây, Đá Bông Bay chỉ có một ngọn hải đăng cũ kỹ ở phần phía Nam.

Trung Quốc đã hai lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa. Năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc đã xâm chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thực sự chiếm đóng một phần quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản đối mạnh mẽ sự chiếm đóng này. Năm 1959, một nhóm binh lính Trung Quốc giả dạng ngư dân âm mưu đổ bộ lên nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa đã bị lực lượng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đập tan. Năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã tấn công và chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật quốc tế và các thỏa thuận song phương. Hành vi trên của Trung Quốc là hoàn toàn trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), trái với các cam kết chính trị giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN với Trung Quốc, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002; xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực. Không những vậy, hành vi của Trung Quốc vi phạm các Thỏa thuận, tuyên bố chung giữa Trung Quốc với Việt Nam.

Trước những hành động phi pháp của Trung Quốc, Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối những hành động trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế; đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp. Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế; đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), chấm dứt ngay việc cải tạo, xây dựng công trình, phá vỡ nguyên trạng tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và không để tái diễn những hành động sai trái tương tự.

RELATED ARTICLES

Tin mới