Wednesday, November 27, 2024
Trang chủĐàm luậnNhững bước đi đầy toan tính của TQ trong năm 2018(kỳ I)

Những bước đi đầy toan tính của TQ trong năm 2018(kỳ I)

Trong năm 2018, Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt các bước đi mới nhằm theo đuổi cho được tham vọng kiểm soát hoàn toàn Biển Đông, như: lần đầu tiên tiến hành tập trận chung hải quân với ASEAN, thúc đẩy cơ chế tham vấn và hợp tác khai thác chung trên biển với Philippines, kêu gọi đầu tư tư nhân trên các đảo không người ở, triển khai máy bay không người lái và ra đa điện tử ở Biển Đông…

Một là, tiến hành tập trận chung với ASEAN ở Biển Đông

Ngày 22/10/2018, Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên với lực lượng hải quân của 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở ngoài khơi thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Giới chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc có nhiều tính toán khi tiến hành hoạt động này với ASEAN. Theo Trung Quốc, các cuộc tập trận chung như trên sẽ “tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, mở rộng giao lưu và hợp tác, giữ gìn hòa bình và ổn định của khu vực”, song thực tế thì tình hình Biển Đông căng thẳng như hiện nay chủ yếu là do các hoạt động đơn phương, đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó Trung Quốc đã liên tục gây phức tạp tình hình bằng hoạt động quân sự hóa, bồi đắp và mở rộng các đảo nhân tạo quy mô lớn ở Biển Đông. Do vậy, để “tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, mở rộng giao lưu và hợp tác, giữ gìn hòa bình và ổn định của khu vực” thì Trung Quốc phải ngừng ngay các hành động nói trên, nếu không, mọi sáng kiến hay tuyên bố của Trung Quốc đưa ra chỉ là hình thức, nhằm đánh lừa dư luận. Cùng với các cuộc tập trận hải quân, không quân liên tục thời gian qua của Trung Quốc ở Biển Đông, các cuộc tập trận chung với ASEAN giúp Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự, gửi đi thông điệp cảnh báo đối với các nước bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ… không nên can dự vào vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích sự can dự của Mỹ và phương Tây vì cho rằng các nước này “không có tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, nên để cho các quốc gia trong khu vực quản lý tranh chấp của mình một cách hữu nghị và hiệu quả”. Đây cũng là dịp để Trung Quốc chứng tỏ khả năng dẫn dắt các nước khu vực thực hiện theo các sáng kiến do Trung Quốc khởi xướng. Một điều nữa là Trung Quốc sử dụng các cuộc tập trận chung với ASEAN để tuyên truyền theo dụng ý rằng tình hình Biển Đông đang ổn định, phát triển và hợp tác nhờ vào những nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN. Trong đó, Trung Quốc và các nước hoàn toàn có thể xây dựng các cơ chế giải quyết tranh chấp mà không cần sự can dự của các nước bên ngoài. Theo như Giáo sư Carl Thayer (Australia) cho rằng Trung Quốc đã nhanh chóng đề nghị tập trận chung để tăng sự tự tin của các nước và bảo vệ tàu thuyền của mình. Các cuộc tập trận này được Trung Quốc coi là một “vụ thu hoạch sớm” trong quan hệ hợp tác dài hạn với khối ASEAN. Ngoài ra, các cuộc tập trận chung với ASEAN cũng nhằm xoa dịu dư luận về hoạt động quân sự hóa ồ ạt của Trung Quốc hiện nay ở Biển Đông; song cũng nhằm phục vụ cho ý đồ này một cách thuận lợi hơn, tránh các phản ứng quyết liệt từ các nước. Chuyên gia về các vấn đề Đông Á của Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Đài Loan Fabrizio Bozzato cho rằng “Lần này, Trung Quốc tiến tới hợp tác với ASEAN ở cấp độ đa phương và trong tư cách một khối để giành được lòng tin của các nước, xoa dịu nỗi sợ hãi về sức mạnh quân sự áp đảo của Trung Quốc bằng cách tăng sự tự tin và vai trò của ASEAN, lấy hiệp hội các nước ASEAN làm nền tảng cho cuộc đối thoại, là giải pháp chọn lựa của Trung Quốc”.

Hai là, kêu gọi đầu tư tư nhân trên các đảo không người ở

Vào tháng 7/2018, Trung Quốc đã kêu gọi mời chào các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác, xây dựng phát triển tại các đảo không có người ở ở Biển Đông để phục vụ các mục đích khác nhau, trong đó quy định thời hạn đầu tư cho hoạt động nuôi trồng thủy sản là 15 năm, hoạt động du lịch giải trí là 25 năm, hoạt động khai thác khoáng sản là 30 năm, các dự án công trình phục vụ dân sinh là 40 năm và thậm chí nếu xây dựng cảng biển là 50 năm. Việc Trung Quốc kêu gọi đầu tư tư nhân tại các đảo không người ở ở Biển Đông là hoàn toàn vi phạm luật quốc tế và nhằm củng cố và đạt được các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Hành động này giúp Trung Quốc huy động các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường hiện diện của Trung Quốc các đảo, đá do nước này đang chiếm đang trái phép ở Biển Đông. Có thể khẳng định rằng Trung Quốc đang sử dụng danh nghĩa hoạt động kêu gọi đầu tư tư nhân để “lách luật”, hướng lãi dư luận rằng các hoạt động xây dựng, cải tạo của Trung Quốc chỉ đơn thuần là phục vụ “mục đích dân sự”. Tuy nhiên dù mục đích gì thì những hoạt động này đều diễn ra tại các đảo, đá do Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Cũng giống như trong các hoạt động khác, Trung Quốc cũng muốn tuyên truyền theo chủ ý, đánh lạc hướng dư luận về hoạt động mở rộng, bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Cũng có thể Trung Quốc sẽ kêu gọi và cho phép một số tư nhân nước ngoài tham gia đầu tư tại một số đảo này.

Ba là, triển khai máy bay không người lái và ra đa điện tử ở Biển Đông

Trung Quốc lên kế hoạch đến năm 2023 sẽ tự chế tạo ít nhất 10.000 máy bay không người lái để biên chế cho quân đội, nhất là lực lượng hải quân và không quân. Đáng chú ý, Trung Quốc đang ưu tiên phát triển các loại máy bay không người lái có khả năng mang theo vũ khí tấn công, như tên lửa, súng laze, bom thông minh… để tăng cường hiệu quả tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển. Tháng 6/2018, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận mô phỏng việc chống lại cuộc tấn công trên không ở Biển Đông, trong đó đã sử dụng 03 máy bay không người lái do nước này tự sản xuất. Cùng với hàng loạt thông tin về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua, cuộc tập trận nói trên của Trung Quốc và việc nước này đẩy mạnh phát triển máy bay không người lái đã dấy lên những lo ngại trong dư luận khu vực và quốc tế. Giới chuyên gia các nước cho rằng Trung Quốc tăng cường triển khai máy bay không người lái ở Biển Đông sẽ tạo ra những thách thức đáng lo ngại với các nước. Chuyên gia Elsa B.Kania, thành viên Nhóm Nghiên cứu chiến lược dài hạn của Mỹ cho biết các loại máy bay không người lái của Trung Quốc có khả năng kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Riêng loại BZK-005 và GJ-1 có thể được trang bị vũ khí nên có khả năng tấn công bất ngờ vào căn cứ quân sự các nước, kể cả căn cứ của Mỹ tại Philippines, Okinawa, thậm chí là tại đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương. Còn theo chuyên gia Michael Boyle từ Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Mỹ, các máy bay không người lái mà Trung Quốc sử dụng có ưu thế hơn so với các loại máy bay không người lái của các nước khu vực, thậm chí như S-100 có thể dễ dàng áp đảo máy bay không người lái Cardianl II của không quân và hải quân Mỹ. Loại BZK-005 có trần bay 8 km hơn hẳn các loại UAV của Nhật Bản, Philippines, Malaysia, nhờ đó Trung Quốc có thể gia tăng hoạt động trinh sát, do thám tình hình Biển Đông, thậm chí ngay cả thông tin từ các nước để phục vụ cho mục đích quân sự và giành ưu thế trong khu vực của Trung Quốc. Nhiều loại máy bay không người lái có thể phối hợp với các tàu và máy bay Trung Quốc để uy hiếp đối phương trong các vụ đụng độ hoặc chạm chán trên biển. Theo nhận định chuyên gia Brandon Hughes, Giám đốc tổ chức FAO Global (Mỹ) cho rằng các loại máy bay không người lái của Trung Quốc sẽ làm gia tăng nguy cơ va chạm, nhất là trong bối cảnh chưa có luật quốc tế quy định cụ thể về việc hoạt động của máy bay không người lái ở không phận quốc tế và các khu vực tranh chấp, quy định về khoảng cách được phép tiếp cận với các phương tiện có người lái của các nước hoạt động trên không phận ở Biển Đông.

(Còn tiếp)

 

RELATED ARTICLES

Tin mới