Friday, March 29, 2024
Trang chủĐàm luậnNhững nỗ lực tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông của...

Những nỗ lực tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông của các nước trong năm 2018 (kỳ I)

Năm 2018, cộng đồng quốc tế và khu vực đã chứng kiến việc Trung Quốc tiếp tục hành động đơn phương nhằm theo đuổi những yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Bên cạnh đó, dư luận cũng ghi những nỗ lực và sự tham gia tích cực của cộng đồng quốc tế trong giải quyết các tranh chấp, góp phần duy trì hòa bình, ổn định của khu vực.

Sự tham gia mạnh mẽ nhất của Mỹ

Bên cạnh các tuyên bố lên án hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, từ đầu năm 2018 đến nay Mỹ và các nước đã tăng cường các cuộc tập trận chung, tuần tra hàng hải ở Biển Đông để ngăn chặn các hành động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong đó, Hải quân Mỹ đã 08 lần điều tàu chiến đến Biển Đông và triển khai 02 máy bay ném bom chiến lược B-52 bay trên vùng trời Biển Đông. Ngày 06/01/2018, Mỹ triển khai tàu sân bay USS Carl Vinson chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer tới Tây Thái Bình Dương. Trong hành trình của mình, nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson đã thăm hữu nghị Việt Nam. Ngày 17/01/2018, Mỹ triển khai tàu khu trục USS Hopper đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo Hoàng Nham (cách Trung Quốc gọi bãi cạn mà Philippines gọi là Scarborough). Ngày 27/5/2018, Mỹ triển khai 02 chiến hạm là Antiem (CG54) mang tên lửa hành trình và tàu khu trục USS Higgins (DDG-76) tiến vào khu vực 12 hải lý quanh một loạt đảo ở Biển Đông. Đây được coi là một trong những tuần dương hạm mạnh nhất thế giới với sự công thủ toàn diện. Ngày 26/6/2018, Mỹ triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan với hơn 70 máy bay các loại tuần tra trên Biển Đông sau đó cập cảng Manila của Philippines. Mỹ từng nhiều lần công kích các tuyên bố và hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, thậm chí huỷ lời mời Bắc Kinh tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới trong năm nay. Mỹ cảnh báo Trung Quốc sẽ không được tham gia RIMPAC cho đến khi nước này “dừng tất cả các hoạt động cải tạo trên Biển Đông” và “đưa toàn bộ vũ khí ra khỏi các khu vực cải tạo”. Ngày 30/9/2018, Mỹ đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur đi qua quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhằm thực hiện chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Tàu USS Decatur đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý gần đá Gaven và Gạc Ma trong chiến dịch tuần tra kéo dài 10 giờ đồng hồ. Trước khi tàu USS Decatur tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, Mỹ đã đưa các máy bay ném bom B-52 bay qua Biển Đông hai lần vào các ngày 23 và 25/9/2018. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết chuyến bay của B-52 là “hoạt động thường kỳ nhằm nâng cao năng lực tương tác với các đối tác và đồng minh trong khu vực”, đồng thời khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng không, hàng hải và hoạt động ở bất cứ đâu vào bất cứ thời gian nào luật pháp quốc tế cho phép.

Sự tham gia của Singapore – nước Chủ tịch ASEAN 2018

Trong vấn đề Biển Đông, mặc dù Singapore là nước không có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc và các nước, song nước này nhận thức rõ việc duy trì hòa bình, an ninh ổn định ở Biển Đông và hợp tác trong khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Singapore. Năm 2018, khi đảm nhiệm vai trò nước Chủ tịch ASEAN, Singapore đã tích cực ủng hộ giải quyết vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn khu vực, quốc tế, trong đó đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp trong vấn đề này; đồng thời góp phần lên tiếng phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Singapore đã thể hiện lập trường trung lập, không đứng về phía bên nào trong tranh chấp chủ quyền, song khẳng định Singapore có lợi ích và mong muốn các vụ tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Tại các diễn đàn song phương và đa phương, Singapore tiếp tục cho rằng ASEAN cần thể hiện tiếng nói thống nhất và trách nhiệm trước các vấn đề quan trọng ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Singapore thúc đẩy ASEAN có thể thiết lập một khuôn khổ mang lại các điều kiện cần thiết để các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông thương lượng một giải pháp hòa bình. Theo đó, cần sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Singapore thúc giục các bên thực hiện kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, nỗ lực để sớm đạt được COC. Singapore cũng đã tích cực đưa ra các sáng kiến, ủng hộ các nỗ lực giải quyết các tranh chấp của các nước, trong đó đề xuất một khái niệm mới được gọi là Bộ quy tắc cho các vụ va chạm ngoài ý muốn trên biển mở rộng (CUES) với các bên liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông nhằm tránh xảy ra những tính toán sai có thể dẫn đến xung đột trên biển.

Sự tham gia tích cực của Hàn Quốc

Quan điểm của lãnh đạo Hàn Quốc về Biển Đông cũng tương đồng với quan điểm của các quốc gia khác là Nhật Bản, Mỹ, Australia. Đó là cần đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông, không chấp nhận bất kỳ hành vi độc chiếm Biển Đông của bất kỳ quốc gia nào. Hàn Quốcnhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an toàn và tự do hàng hải, cùng nhận thức phải giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thực hiện hiệu quả và toàn diện DOC, thúc đẩy sớm ký COC.Hàn Quốc bày tỏ ủng hộ lập trường chung của ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đề cao các nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết hoà bình các tranh chấp, không quân sự hóa và sớm hoàn tất COC.Tại Đối thoại thường niên ASEAN – Hàn Quốc lần thứ 22 tổ chức tại Seoul (20-21/6/2018), Hàn Quốc đã khẳng định quan điểm nhất quán ủng hộ duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết hoà bình các tranh chấp; kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, không quân sự hoá và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; đề cao các chuẩn mực của khu vực trong hành vi ứng xử. Trong chuyến thăm Hàn Quốc của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam (4/2018), hai bên đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh các bên liên quan cần kiềm chế, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS; cần thực hiện hiệu quả và toàn diện DOC, thúc đẩy sớm ký COC hiệu quả, nhằm giữ gìn hòa bình, ổn định và tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà các bên đều có thể chấp nhận được.Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng ủng hộ gần như mọi sáng kiến hoà bình của các nước trong khu vực, nhất là của ASEAN và Nhật Bản về vấn đề Biển Đông. Hàn Quốc cũng tăng cường hợp tác quốc phòng với Philippines và các nước. Mặc dù phía Trung Quốc phản đối, chính phủ Hàn Quốc vẫn quyết định cung ứng các thiết bị quân sự và vũ khí cho Manila.

RELATED ARTICLES

Tin mới