Friday, April 19, 2024
Trang chủĐàm luậnQuyền đánh cá của ngư dân các nước tại bãi cạn Scarborough:...

Quyền đánh cá của ngư dân các nước tại bãi cạn Scarborough: Từ khía cạnh luật quốc tế đến thực tiễn (Kỳ II)

Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham thực chất là một đảo san hô vòng gồm nhiều đá ngầm và đá nổi, nằm giữa bãi Macclesfield và đảo Luzon của Philippines ở Biển Đông.

Vị trí đảo Scarborough

Cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế về đánh cá trên biển

Cùng với nội dung toàn diện về chế độ pháp lý của các vùng biển, Công ước đã dành một số lượng khá lớn quy định về giải quyết tranh chấp. Với gần 100 điều khoản (gồm cả phần chính và bốn phần phụ lục), Công ước là cơ sở pháp lý đầu tiên, quan trọng và toàn diện nhất trong giải quyết các tranh chấp về luật biển nói chung và tranh chấp về đánh cá nói riêng. Cùng với những nguyên tắc, Công ước còn mang đến cho các bên rất nhiều lựa chọn trong khi tìm kiếm một hay nhiều phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với mình, từ hoà giải, trọng tài, đến toà án hay trọng tài đặc biệt. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, bốn phần phụ lục (Phụ lục (5) về hoà giải, Phụ lục (6) về Toà án quốc tế về luật biển, Phụ lục (7) về trọng tài và Phụ lục (8) về trọng tài đặc biệt) còn là những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cho từng loại phương thức.

Cùng với Công ước, Hiệp định thực thi các quy định của Công ước về bảo tồn và quản lý đàn cá di cư xa năm 1995 đã thiết lập một khung pháp lý trong việc bảo tồn và quản lý các loài cá di cư. Hiệp định cũng đã đưa ra một số quy định về việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế mà các quốc gia ven biển cũng như các quốc gia đánh cá tầm xa có nghĩa vụ phải tuân theo dựa trên cơ chế giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế về đánh cá theo quy định của Công ước. Điều này có nghĩa là phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài, toà án, sử dụng những tổ chức hoặc những điều ước khu vực, hoặc bằng các biện pháp hoà bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình và phù hợp với quy định của Hiệp định.

Hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế là nguyên tắc quan trọng nhất được ghi nhận trong bất kì một điều ước quốc tế nào, từ những điều ước song phương, khu vực đến những điều ước phổ cập toàn cầu. Điều 279 Công ước quy định: “Các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp xảy ra giữa họ về việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng phương pháp hòa bình theo đúng Điều (2), khoản (3) của Hiến chương Liên Hợp Quốc và vì mục đích này, cần phải tìm ra giải pháp bằng các phương pháp đã được nêu ở Điều 33, khoản 1 của Hiến chương”. Nguyên tắc này tiếp tục được khẳng định trong Công ước cũng như các điều ước quốc tế khác trong việc bảo tồn, quản lý tài nguyên biển. Chẳng hạn, Điều 27 Hiệp định năm 1995 quy định nghĩa vụ của các quốc gia phải giải quyết tranh chấp một cách hoà bình.

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết tranh chấp, các quốc gia được quyền lựa chọn những biện pháp phù hợp với mình. Điều 280, Công ước quy định: “Không một quy định nào của phần này ảnh hưởng đến quyền của các quốc gia thành viên đi đến thỏa thuận giải quyết vào bất cứ lúc nào, bằng bất kỳ phương pháp hòa bình nào theo sự lựa chọn của mình một vụ tranh chấp xảy ra giữa họ về vấn đề giải thích hay áp dụng Công ước”. Công ước cũng như Hiệp định năm 1995 mặc dù liệt kê rất nhiều những biện pháp mà các bên có thể sử dụng, từ thương lượng, trung gian, hoà giải, Uỷ ban điều tra đến Toà án, Trọng tài hay giải quyết thông qua các tổ chức khu vực, nhưng đồng thời không hạn chế quyền của quốc gia được tìm đến những biện pháp khác, miễn sao đó là biện pháp hoà bình.

Phương thức giải quyết tranh chấp

Phần XV Công ước ghi nhận những phương thức giải quyết tranh chấp bao gồm thương lượng, hoà giải và giải quyết thông qua các cơ quan tài phán là Toà án và Trọng tài. Theo quy định tại Hiệp định năm 1995, những quy định tại Phần XV của Công ước sẽ được áp dụng để giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia thành viên về việc giải thích, áp dụng Hiệp định cũng như giải thích, áp dụng các thoả thuận nghề cá tiểu khu vực, khu vực hay toàn cầu liên quan đến các đàn cá lưỡng cư, di cư xa mà các bên là thành viên, bao gồm bất kỳ tranh chấp nào về bảo tồn, quản lý những đàn cá đó, không phụ thuộc vào việc các bên tranh chấp có phải thành viên của Công ước hay không. Bài viết này tập trung vào phương thức giải quyết tranh chấp thông qua cơ quan tài phán là Tòa án và Trọng tài.

Trong trường hợp khi một vụ tranh chấp không thể giải quyết được bằng thương lượng hay hòa giải thì theo yêu cầu của một bên, tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua các cơ quan tài phán có thẩm quyền sau: (1) Toà án quốc tế về luật biển (sau đây gọi tắt là Toà luật biển); (2) Toà án công lý quốc tế Liên Hợp Quốc; (3) Toà trọng tài được thành lập theo đúng Phụ lục VII của Công ước; (4) Một tòa trọng tài đặc biệt giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực riêng biệt về nghề cá.

Khi ký hay phê chuẩn Công ước hoặc tham gia Công ước, hay ở bất kỳ thời điểm nào sau đó, một quốc gia được quyền tự do lựa chọn, hình thức tuyên bố bằng văn bản, một hay nhiều biện pháp đã nêu trên. Tương tự, một quốc gia thành viên của Hiệp định nhưng không tham gia Công ước, khi ký, thông qua hay gia nhập Hiệp định hay ở bất kỳ thời điểm nào sau đó, được quyền tự do lựa chọn một hay nhiều biện pháp đã nêu trên dưới hình thức tuyên bố bằng văn bản. Nếu các bên tranh chấp đã chấp nhận cùng một thủ tục để giải quyết tranh chấp, thì vụ tranh chấp đó chỉ có thể được đưa ra giải quyết theo thủ tục đó, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Nếu các bên tranh chấp không chấp nhận cùng một thủ tục để giải quyết tranh chấp, thì vụ tranh chấp đó chỉ có thể được đưa ra giải quyết theo thủ tục trọng tài đã được trù định ở Phụ lục VII, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

Quyền đánh bắt cá truyền thống ở vùng biển xung quanh Bãi Scarborough

Dựa vào các bằng chứng có được, Tòa cho rằng Bãi Scarborough là ngư trường đánh bắt cá truyền thống của ngư dân từ nhiều quốc gia, bao gồm Philippines, Trung Quốc và Việt Nam. Ngư dân các nước có quyền đánh bắt cá truyền thống trong phạm vi lãnh hải của các đảo đá thuộc Bãi Scarborough. Từ tháng 5 năm 2012, tàu công vụ Trung Quốc đã ngăn cản ngư dân Philippines đánh bắt cá tại Bãi Scarborough. Trong giai đoạn đó, ngư dân Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động đánh bắt cá bình thường tại khu vực này. Hành vi này của Trung Quốc đã vi phạm quyền đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Philippines.

Tòa cũng lưu ý rằng một quốc gia ven biển có thể điều chỉnh quyền đánh bắt cá truyền thống của ngư dân nước ngoài trong lãnh hải của mình nhằm mục đích bảo tồn hay ngăn chặn đánh bắt cá gây hại cho môi trường. Quốc gia ven biển cũng có thể đặt ra quy định xác định tiêu chí về đánh bắt cá truyền thống, thủ công, và đánh bắt cá công nghiệp. Giả sử Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo đá thuộc Bãi Scarborough thì việc ngăn chặn ngư dân Philippines ở đây cũng không thể biện minh rằng nước này chỉ đang điều chỉnh hoạt động đánh cá nhằm mục đích bảo tồn môi trường hay mục đích nào khác, bởi lẽ trong khi ngư dân Philippines bị cấm đánh bắt thì ngư dân Trung Quốc vẫn tiếp tục đánh bắt như thường lệ. Đương nhiên, trong trường hợp giả định này, Trung Quốc cũng có thể cho rằng ngư dân Trung Quốc đã tuân thủ các quy định đánh bắt cá của nước này, nên có thể đánh bắt cá bình thường.

Thực tế, việc Trung Quốc ngăn cản ngư dân Philippines ở Bãi Scarborough không liên quan đến việc điều chỉnh hoạt động đánh bắt cá mà chủ yếu xuất phát từ tình hình leo thang căng thẳng giữa hai nước xung quanh tranh chấp chủ quyền ở Bãi này.

RELATED ARTICLES

Tin mới