Friday, March 29, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiViệt Nam vẫn là "thiên đường trú ẩn" cho doanh nghiệp TQ...

Việt Nam vẫn là “thiên đường trú ẩn” cho doanh nghiệp TQ dù bão thương chiến tạm ngừng?

Việc khách hàng Mỹ tăng đơn đặt hàng tại các nhà máy ở Việt Nam đã khiến các nhà sản xuất Trung Quốc “đổ xô” di dời địa điểm sang đây với hi vọng tìm kiếm cơ hội mới.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang di dời nhà máy sang nước ngoài để tránh chiến tranh thương mại. Ảnh minh họa: Asia Nikkei Review/Ken Kobayashi

Viễn cảnh khó đoán sau 90 ngày đình chiến

Thỏa thuận “đình chiến thương mại” 90 ngày giữa ông Trump và ông Tập đã có những hiệu quả nhất định đối với thị trường thế giới.

Mức áp thuế từ 10% tới 25% đối với 200 tỉ USD trị giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc gây ra không ít trở ngại trong hoạt động của các doanh nghiệp.

Mức thuế 10% có thể coi là mốc khó khăn nhưng “vẫn xoay xở được” đối với hầu hết công ty, nhưng mức thuế 25% lại là con số “tử thần”, buộc các nhà sản xuất Trung Quốc phải tìm cách di dời địa điểm hoạt động.

Nhiều tập đoàn trên thế giới đang hi vọng chính phủ Mỹ và Trung Quốc sẽ hoàn thiện quá trình đàm phán, kết thúc chiến tranh thương mại trong năm tới và dẹp bỏ các vấn đề thuế quan còn tồn đọng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết 90 ngày là khoảng thời gian quá ngắn để thỏa thuận thành công và đưa ra giải pháp chung cho cả Mỹ lẫn Trung Quốc, đặc biệt đối với các vấn đề như cải cách doanh nghiệp do nhà nước quản lí và kế hoạch công nghiệp “Made in China 2025” của Bắc Kinh.

Ngày 4/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đe dọa sẽ nâng thuế quan lên 25% sau khi đình chiến 90 ngày kết thúc nếu Trung Quốc không đưa ra được giải pháp thỏa đáng.

Các chuyên gia nhận định thuế quan cao sẽ tiếp tục hiện hữu trong nhiều năm, kể cả khi thời hạn đình chiến được kéo dài.

Các doanh nghiệp Trung Quốc “đổ xô” tìm kiếm cơ hội mới

Trong bối cảnh đó, một số nhà sản xuất mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tại các trung tâm sản xuất lớn ở Đồng bằng sông Dương Tử và sông Châu Giang đã tận dụng cơ hội để xem xét kế hoạch dời địa điểm nhà máy.

Trong khi đó, việc khách hàng Mỹ tăng đơn đặt hàng tại các nhà máy ở Việt Nam đã khiến các nhà sản xuất Trung Quốc “đổ xô” di dời địa điểm sang đây với hi vọng tìm kiếm cơ hội mới.

Tờ SCMP từng nhận định Việt Nam đang trở thành “điểm đầu tư tiềm năng” nhất trong khu vực khi giá nhà đất tại TP. HCM chỉ bằng 14%-18% so với giá tại Hồng Kông và Singapore. Do đó, khi thương chiến chưa có dấu hiệu chấm dứt, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã mau chóng lên kế hoạch thuê đất cũng như đa dạng hóa các nguồn đầu tư tại Việt Nam.

Nhiều nhà máy Trung Quốc đã lên kế hoạch từ mùa hè để chuẩn bị di dời nhà máy tới Việt Nam, kể cả khi chi phí sản xuất tại những khu vực như Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai đã không còn thấp như trước nữa.

Theo SCMP, những khu vực này thường được các nhà sản xuất lựa chọn vì có cơ sở hạ tầng giao thông tốt, dễ dàng kết nối các nhà máy với cảng nước sâu và sân bay lân cận.

Mặc dù không có số liệu chính thức, nhưng trong năm nay, khoảng 5.000 tới 6.000 nhà máy tại Trung Quốc – thuộc sở hữu của các nhà đầu Hồng Kông, Đài Loan, hoặc các nhà đầu tư tư nhân ở Đại lục – đã cử người khảo sát cơ hội triển khai sản xuất hàng hóa ở Việt Nam để tự bảo vệ doanh nghiệp khỏi mức thuế quan cao từ Mỹ đối với các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc.

SCMP cho hay, dù giá đất, tiền thuê nhân công và giá nguyên vật liệu tại Việt Nam đã tăng lên nhiều nhưng vẫn “không cản” được làn sóng di dời từ các nhà đầu tư .

Theo một nguồn tin, giá thuê đất tại một khu công nghiệp ở Đồng Nai đã tăng lên tới 90 USD/1m2 vào tháng trước, so với mức giá từ 60USD tới 70USD/1m2 trong năm ngoái.

“Nhà đầu tư cần phải quyết định nhanh trước khi hết lựa chọn. Hàng tuần, rất nhiều nhà sản xuất Trung Quốc tới hỏi thuê tại khu công nghiệp của chúng tôi,” một chủ cơ sở cho biết.

“Khoảng một nửa số nhà máy của dự án ở Bình Dương – hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng – đã được cho thuê. Chi phí thành lập một nhà máy sản xuất thiết bị với khoảng 300 nhân công tại những khu công nghiệp gần TP. HCM là hơn 1 triệu USD,” một nhà tư vấn doanh nghiệp Trung Quốc tiết lộ.

“Với nhà máy rộng 5.000m2, chủ doanh nghiệp sẽ chi khoảng 20.000 USD tiền thuê 1 tháng. Khi kí hợp đồng, người thuê thanh toán 140.000 USD cho 6 tháng thuê đất và 1 tháng tiền đặt cọc.”

“Ước tính trung bình, chủ doanh nghiệp trả 90.000 USD mỗi tháng cho 300 người lao động. Những khoản chi phí khác có thể kể tới thuế, chi phí vận chuyển đối với thiết bị nhập khẩu và các nguyên liệu thô sơ khác.”

Ngành công nghiệp Việt Nam ngày càng hoàn thiện

Hsu Yu-lin, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam, cho rằng cuộc chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã khiến các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng có xu hướng di dời nhà máy sang nước ngoài.

“Ví dụ, đã có khoảng 100 nhà máy của doanh nghiệp Đài Loan chuyển tới Việt Nam trong vài tháng trở lại đây. Số lượng nhà máy của doanh nghiệp Hồng Kông và Đại lục phải gấp 3 lần hoặc hơn số đó,” ông Hsu nói.

“Sự chuyển đổi diễn ra ngày càng nhanh đối với các sản phẩm như đồ nội thất, giày dép, thiết bị điện tử. Chuỗi cung ứng công nghiệp đối với hoạt động sản xuất giày dép, quần áo và phụ kiện đã ngày càng hoàn thiện ở Việt Nam trong những năm gần đây”.

Cũng theo ông Hsu, nhiều nhà máy sản xuất thiết bị điện tử đã bắt đầu chuyển ra khỏi Trung Quốc vì lo ngại rằng chiến tranh thương mại sẽ kéo dài nhiều năm.

“Di dời nhà máy càng sớm, thì càng có nhiều thuận lợi để tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực của thương chiến,” ông Hsu kết luận.

Đối với các doanh nghiệp tiếp tục ở lại Trung Quốc, lệnh đình chiến đã cho họ cơ hội không phải di dời nữa, ít nhất trong tương lai gần.

Mặc dù kết quả đình chiến khá mong manh, nhưng tính đến yếu tố chi phí dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam đang gia tăng, một số doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chọn cách tạm thời trì hoãn và hy vọng chính phủ của họ sẽ sớm đạt được những thỏa thuận bền vững hơn với phía Mỹ để chấm dứt thương chiến.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn ngoài Trung Quốc vẫn quan tâm đến việc đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Foxconn, nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới và là một trong những nhà cung cấp lớn cho hãng Apple, mới đây đã thông báo dự định đặt nhà máy tại Việt Nam để tránh ảnh hưởng của thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đây được đánh giá là một bước tiến quan trọng của doanh nghiệp quốc tế lớn với mục tiêu chuyển các cơ sở sản xuất then chốt ở Trung Quốc sang nước khác.

Ngoài Việt Nam, Thái Lan cũng được đánh giá là một khu vực tiềm năng để giúp các doanh nghiệp “tạm trú” trước sức ép của chiến tranh thương mại.

RELATED ARTICLES

Tin mới