Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChuẩn Đô đốc Mỹ: Hợp tác MIA góp phần đưa quan hệ...

Chuẩn Đô đốc Mỹ: Hợp tác MIA góp phần đưa quan hệ Việt-Mỹ sang trang sử mới

Chuẩn Đô đốc Jon Kreitz khẳng định, hợp tác tìm kiếm người Mỹ mất tích (MIA) đóng vai trò cầu nối giúp gắn kết bền chặt quan hệ song phương.

Trong khuôn khổ Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 30 năm hợp tác về tìm kiếm người Mỹ mất tích (MIA) trong chiến tranh, Chuẩn Đô đốc Jon Kreitz, Phó giám đốc Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA) đã có những chia sẻ rất thiết thực về vấn đề này.

Trao đổi với Phóng viên VOV.VN, ông Kreitz khẳng định việc đưa hài cốt các quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam trở về quê nhà là điều vô cùng quan trọng, góp phần mang lại sự an bình cho nhiều gia đình, giúp nhân dân hai nước hiểu hơn về thiện chí, chính sách nhân đạo của nhau. Ông cũng nhấn mạnh, sự phối hợp trong nhiệm vụ tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh  chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay và điều đó đã đóng vai trò cầu nối giúp xây dựng sự gắn kết trong quan hệ song phương.

PV: Xin ông cho biết kết quả hợp tác trong hoạt động tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ trong chiến tranh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian qua?

Chuẩn Đô đốc Jon Kreitz: Nhân kỷ niệm dịp 30 năm quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong việc tìm kiếm người Mỹ mất tích ở Việt Nam. Trước hết chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ Hoa Kỳ thực hiện các công việc mang tính nhân đạo này. Việc đưa được hài cốt của các quân nhân Mỹ trở về với gia đình là công việc vô cùng quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi đã có được sự hợp tác rất lớn từ phía Việt Nam. Tôi đánh giá cao tinh thần làm việc đồng đội giữa Hoa Kỳ với Việt Nam trong hoạt động này.

Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã khai quật và hồi hương hài cốt của hơn 1.000 người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam về nước. Kết quả này có được là do các hoạt động phối hợp giữa hai bên và một phần cũng là nhờ hoạt động tìm kiếm từ phía Việt Nam.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về quá trình hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong hoạt động MIA suốt 30 năm qua?

Chuẩn Đô đốc Jon Kreitz: Sự hợp tác của chúng ta trong hoạt động MIA thực sự bắt đầu từ trước khi cả hai bên bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Đã có các cuộc thảo luận cấp cao giữa Việt Nam với chính phủ Hoa Kỳ trong nhiều năm, tiếp theo là chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho chuyến thăm Hà Nội của Liên đoàn Quốc gia Các gia đình POW/MIA (gia đình có lính Mỹ bị chết hoặc mất tích trong chiến tranh). Chuyến đi này đã giúp truyền thêm sức mạnh và tập trung đối thoại song phương sau chiến tranh và là một bước tiếp theo trên con đường hướng tới bình thường hóa quan hệ, trên thực tế là đi qua “cầu nối” để bình thường hóa quan hệ-điều mà chính phủ Việt Nam đã đặt trong tầm nhìn từ lâu.

Mối quan hệ chúng ta đã thay đổi rất nhiều, vượt qua những đau thương trong chiến tranh, chúng ta đã dần dần tin tưởng lẫn nhau. Nhờ vậy đã có nhiều tiến triển mới trong việc thực hiện các cuộc điều tra và khai quật hài cốt quân nhân, và chúng ta đã tìm ra những cách thức mới và sáng tạo để thúc đẩy sứ mệnh của mình. Nhờ các quyết định có tầm nhìn xa của chính phủ Việt Nam, chúng tôi hiện có thể tiến hành các nhiệm vụ ở các tỉnh mà trước đây có các khu vực hạn chế. Đây là một ví dụ điển hình về hợp tác song phương và nền tảng của quan hệ đối tác ngày càng mở rộng giữa hai nước chúng ta. Mặc dù trước mắt còn rất nhiều việc phải làm nhưng chúng tôi tin rằng mối quan hệ giữa hai bên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chúng tôi rất tự hào về điều này.

PV: Thưa ông, đối với việc tìm kiếm các quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh, phía Mỹ có những hỗ trợ như thế nào?

Chuẩn Đô đốc Jon Kreitz: Chúng tôi nhận thức về sự mất mát to lớn của nhân dân Việt Nam trong thời chiến, và còn một số lượng lớn người Việt mà hài cốt vẫn chưa được khai quật. Vì thế, trong quá trình chúng tôi thực hiện công việc tìm kiếm và nghiên cứu, khi có được những tài liệu hay thông tin về những người lính Việt Nam mất tích trong chiến tranh chúng tôi chia sẻ các thông tin đó với các đối tác tại Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP).

Một ví dụ khác là cách đây một vài năm, chúng tôi từng gặp một nhân chứng và họ đã chia sẻ thông tin với chúng tôi về khu vực có hài cốt của các quân nhân Việt Nam hy sinh trong chiến tranh. Chúng tôi đã chia sẻ thông tin này với chính phủ Việt Nam và phía Việt Nam đã khai quật được hài cốt của gần 1.000 người tại khu vực đó. Bên cạnh chia sẻ thông tin, phía Hoa Kỳ cũng tham gia vào quá trình đào tạo và hỗ trợ, đồng thời thường xuyên chia sẻ kiến thức về lĩnh vực này cho phía Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông.

RELATED ARTICLES

Tin mới