Ngoại trưởng Canada đưa ra lời kêu gọi chỉ một ngày sau khi Tổng thống Trump nói sẽ can thiệp vụ Canada bắt giữ lãnh đạo tài chính Huawei theo yêu cầu của Mỹ nếu nó giúp Washington có lợi trong đàm phán với Trung Quốc.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 12-12 (giờ địa phương), tức rạng sáng 13-12 theo giờ Việt Nam, Ngoại trưởng Chrystia Freeland thừa nhận một công dân Canada thứ hai có thể đã gặp rắc rối ở Trung Quốc.
Người này đã liên lạc với nhà chức trách Canada, cho biết anh ta sắp sửa bị Trung Quốc thẩm vấn và mất liên lạc luôn kể từ đó.
Chính quyền Bắc Kinh đã bắt giữ ông Michael Kovrig, một nhà cựu ngoại giao Canada hôm 10-12. Cho đến thời điểm hiện tại, đại diện ngoại giao Canada tại Trung Quốc vẫn chưa thể gặp mặt ông Kovrig và mù tịt về địa điểm ông này bị giam giữ.
Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Canada cho biết, đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc chưa thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy vụ bắt giữ ông Kovrig có liên quan việc Canada bắt giám đốc tài chính toàn cầu tập đoàn Huawei, bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), theo yêu cầu của Mỹ.
Nhưng các nhà ngoại giao Canada tin rằng các động thái đó của Trung Quốc không gì khác ngoài sự trả đũa, trong khi bắt đầu xuất hiện vài nhận định nói Bắc Kinh đã cao tay trong vụ việc lần này.
Hôm 11-12, Tổng thống Mỹ Trump cho biết có thể sẽ can dự vào vụ bắt giữ bà Mạnh nếu việc này nhằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ hoặc giúp Washington đạt được một thỏa thuận thương mại tốt hơn với Trung Quốc.
Tuyên bố của ông Trump khiến nhiều người trong và ngoài nước Mỹ lo lắng. Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Demers nói thẳng rằng cơ quan này không phải là công cụ cho các cuộc đàm phán thương mại.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Canada Freeland nhấn mạnh các tiến trình pháp lý không nên bị lợi dụng cho mục đích chính trị và luật sư của bà Mạnh sẽ viện dẫn câu nói của ông Trump trong trường hợp họ chống lại việc dẫn độ thân chủ về Mỹ.
“Các đối tác dẫn độ của Canada không nên tìm cách chính trị hóa quá trình dẫn độ hoặc sử dụng nó cho mục đích khác ngoài việc theo đuổi công lý và tuân thủ luật pháp” – bà Freeland kêu gọi.
Cảnh sát Trung Quốc đứng gác bên ngoài đại sứ quán Canada ở Bắc Kinh – Ảnh: REUTERS
Trung Quốc chuyển lửa sang Canada?
Dù bà Mạnh bị bắt theo yêu cầu của Mỹ, truyền thông nhà nước Trung Quốc đang thể hiện sự thống nhất khi cùng hướng búa rìu về Canada.
Thời báo Hoàn Cầu – tờ báo của chính quyền Trung Quốc, trong bài xã luận đăng sáng nay 13-12 đã kêu gọi Canada nên tách mình khỏi “chủ nghĩa bá quyền” của Mỹ và trả tự do vô điều kiện cho bà Mạnh.
“Canada nên thực hiện nghĩa vụ của mình để giúp duy trì trật tự quốc tế và bảo vệ quyền con người” – tờ báo Trung Quốc viết, khẳng định “bởi vì Canada đã đi quá xa” nên khi công dân Canada bị bắt ở Trung Quốc “theo lẽ tự nhiên người ta sẽ nghĩ là Bắc Kinh đang trả đũa”.
Còn tờ China Daily cho rằng nếu Mỹ cố tình tạo ra sự cố ngoại giao vừa rồi để phục vụ cho mục đích chính trị thì Washington đã sai lầm.
“Mỹ đã lầm to nếu nghĩ rằng có thể biến bà Mạnh trở thành con tin với khoản tiền chuộc là các nhượng bộ trong những vòng đàm phán thương mại sắp tới” – tờ báo của chính quyền Bắc Kinh khẳng định.
Vụ bắt giữ sếp Huawei đã làm xói mòn mối quan hệ của Canada với Trung Quốc trong thời điểm Ottawa đang cố gắng thúc đẩy thương mại song phương.
Sự việc cũng khiến ác cảm đối với Canada gia tăng tại Trung Quốc, buộc giới chức ngoại giao nước này phải thông báo với nhà chức trách Bắc Kinh nhằm tăng cường các biện pháp an ninh.
Có một thuyết âm mưu được đưa ra sau vụ công dân Canada bị bắt giữ ở Trung Quốc, rằng dường như Bắc Kinh đang cố gắng biến trách nhiệm thương lượng thả bà Mạnh thành chuyện giữa Ottawa và Washington.
Bằng việc đẩy lửa cho Canada, nó cũng có nghĩa Trung Quốc sẽ không chấp nhận nhượng bộ thương mại với Mỹ để đổi lấy sự tự do của bà Mạnh.
Quan hệ giữa Mỹ và Canada vẫn đang khá nặng nề sau một năm căng thẳng đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Hiện Washington vẫn chưa chính thức phát yêu cầu dẫn độ bà Mạnh.
Nhưng một khi điều đó xảy ra và tòa án Canada ra phán quyết ủng hộ, Bộ trưởng Tư pháp Canada sẽ quyết định có dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ hay không.
Các quan chức chính phủ Canada cho biết bà Mạnh có nhiều lựa chọn pháp lý để chống lại việc bị dẫn độ và quá trình này có thể mất nhiều năm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Canada có thể từ chối yêu cầu dẫn độ của Mỹ nếu Ottowa cho rằng “nó đã được thực hiện cho một mục đích không phù hợp”.
Vụ việc lần này xem ra không chỉ dừng lại ở chuyện giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc bị bắt giữ.