Quyết định trì hoãn cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện Anh ngày 10/12 một lần nữa cho thấy, sự chia tay êm thấm giữa Anh và EU không hề dễ dàng như mong đợi.
Bà Theresa May nói phiên bỏ phiếu quan trọng về thỏa thuận Brexit của bà sẽ hoãn lại bởi nó sẽ “bị bác với tỷ lệ lớn”.
Thủ tướng Anh Theresa May ngày 11/12 bắt đầu tham vấn các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) để có thể nhận được thêm những đảm bảo đối với thỏa thuận Brexit theo yêu cầu của các nghị sĩ nước này. Có thể nói, quyết định trì hoãn cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện Anh ngày hôm qua đã một lần nữa cho thấy, một sự chia tay êm thấm giữa Anh và Liên minh châu Âu vẫn không hề dễ dàng như mong đợi của hai bên, bất chấp thỏa thuận lịch sử đạt được hôm 25/11.
Đối mặt với thực tế rằng thỏa thuận Brexit không thể chắc chắn vượt qua ải Nghị viện, Thủ tướng Anh Theresa May ngày 10/12 quyết định hoãn vô thời hạn cuộc bỏ phiếu dự kiến trong ngày hôm nay để bắt đầu một vòng thảo luận mới với những người đồng cấp châu Âu.
Ngay từ sáng 11/12, bà Theresa May đã bắt đầu các cuộc tham vấn với các nhà lãnh đạo châu Âu, mà đầu tiên là với Người đồng cấp Hà Lan Mark Rutte tại La Hay, Hà Lan và sau đó là với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại thủ đô Berlin. Theo một người phát ngôn Chính phủ Anh, bà Theresa May mong muốn có thể “chia sẻ” với đối tác châu Âu về những lo ngại của các nghị sĩ Anh.
Có thể nói, vị nữ lãnh đạo nước Anh đang đứng trước thử thách vô cùng khó khăn khi phải đối mặt với một bên là sự quyết liệt của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, vốn nhiều lần từ chối mở lại các cuộc đàm phán, với một bên là sự phản đối ngày càng tăng tại Nghị viện Anh. Cả phe đối lập và đa số hiện nay đều kêu gọi đàm phán lại thỏa thuận Brexit, đặc biệt liên quan tới giải pháp “chốt chặn an ninh” (backstop), tức là thông qua một sự ưu tiên đặc biệt cho Bắc Ireland nhằm tránh phải quay lại một đường biên giới cứng với Cộng hòa Ireland, một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu.
Ông Jim Shannon, thành viên đảng Hợp nhất Dân chủ Bắc Ireland chia sẻ: “Trong một tuyên bố trước đây, Thủ tướng từng nói rằng, Bắc Ireland sẽ không phải là một sự hi sinh và rằng đàm phán phải có sự thỏa hiệp, song Bắc Ireland là điều tuyệt đối không thể. Nhưng thật đáng tiếc, những bước đi của Thủ tướng không đủ để trấn an các lo ngại và sự ngờ vực đang ngày một lớn”.
Tại Brussels, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã thông báo dành hẳn một ngày trong 2 ngày họp của Hội đồng châu Âu, tức ngày 13/12 tới để thảo luận về Brexit nhằm trả lời những lo ngại của nước Anh. Theo ông Donald Tusk, Liên minh châu Âu sẵn sàng thảo luận cách thức nhằm thúc đẩy Nghị viện Anh thông qua thỏa thuận. Song tái đàm phán lại văn kiện sẽ là điều không thể, bao gồm cả giải pháp “chốt chặn an ninh”.
Giáo sư chính trị châu Âu Anand Menom của Anh cho rằng, các nhà lãnh đạo châu Âu tới nay vẫn tin rằng, Thủ tướng Theresa May sẽ tìm cách đạt được sự nhượng bộ trong tuyên bố chính trị hơn là đối với thỏa thuận hiện nay. Được Anh và Liên minh châu Âu thông qua đồng thời với thỏa thuận Brexit, tuyên bố chính trị, dù không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, song phác thảo những đường nét của mối quan hệ tương lai giữa Anh và Liên minh châu Âu “hậu chia tay”.
Theo Giáo sư Menom, niềm tin của các nước châu Âu là hoàn toàn có cơ sở. Bởi Thủ tướng Theresa May chắc chắn sẽ không chỉ hài lòng với việc nhận được những nhượng bộ, mà phải làm thế nào để Liên minh châu Âu phải ra thông báo rõ ràng rằng, đây là những nhượng bộ duy nhất có thể dù bà Theresa May còn tiếp tục tại vị hay không. Đây sẽ là “một thông điệp không thể rõ ràng hơn” cho những người vẫn còn gièm pha thỏa thuận tại Anh cũng như ảo tưởng về việc đàm phán một thỏa thuận khác.
Bộ trưởng Pháp về các vấn đề châu Âu Nathalie Loiseau cho biết: “Những diễn biến mới đây không thể khiến chúng ta phủ nhận thực tế rằng, thỏa thuận Brexit hoàn toàn có khả năng bị bác bỏ, cũng như thực tế về một sự chia tay không có thỏa thuận. Điều này sẽ gây tổn hại cho cả Anh và Liên minh châu Âu, Một số người đang vẽ lên các kịch bản khác và tại Anh, sự hiểu nhầm vẫn rất lớn”.
Hơn nữa, sau Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu về Brexit và giữa tuần này, Nghị viện Anh sẽ làm việc thêm trong 3 ngày trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ (20/12-7/1/2019). Khoảng thời gian ngắn ngủi này là không đủ để tiến hành một cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit. Đối với giáo sư Anand Menom, quyết định trì hoãn của Thủ tướng Anh có thể là một chiến thuật kéo dài thời gian nhằm gia tăng sức ép đối với các nghị sĩ Anh về lập trường đối với văn kiện, trước kịch bản một Brexit không có thỏa thuận.
Thủ tướng Anh Theresa May ngày 10/12 cảnh báo, chừng nào các bên vẫn không thể nhất trí được một thỏa thuận, nguy cơ một sự chia tay không vui vẻ sẽ càng tăng. Bản thân Chính phủ Anh cũng đã công bố hàng chục hướng dẫn kỹ thuật giúp người dân chuẩn bị cho kịch bản này. Trong khi đó, Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 11/12 đều chia sẻ quan điểm rằng cần phải tăng cường sự chuẩn bị cho kịch bản “Brexit không có thỏa thuận”.