Thủ tướng đẹp trai Justin Trudeau của Canada xem ra khá vất vả từ khi ông Trump lên nắm quyền tới nay, từ NAFTA cho đến Huawei mới đây đều là những chuyện khó khiến lãnh đạo Canada dễ mất điểm trong mắt dân chúng và cộng đồng quốc tế.
Hôm 13-12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận hai nhà ngoại giao Canada là ông Michael Spavor và Michael Kovrig đang “bị điều tra”, với nghi án có “những hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc”.
Động thái này được nhiều phía ngầm hiểu là hệ quả của sự căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc, sau khi Ottawa bắt bà Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Châu) Giám đốc Tài chính (CFO) đồng thời là con gái của nhà sáng lập công ty công nghệ Huawei.
Thế gọng kìm
Cần biết, Canada đáng ra không phải bên trực tiếp mâu thuẫn với Trung Quốc. Lệnh bắt bà Mạnh Vãn Châu được phía Mỹ yêu cầu, với lý do CFO này đã che giấu hành vi vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ.
Sau khi thông tin bắt bà Mạnh được đưa ra, giới quan sát lập tức liên hệ trường hợp này với bối cảnh căng thẳng trong quan hệ thương mại – và có thể rộng hơn nữa – giữa Mỹ và Trung Quốc.
Có điều, trái với mọi dự đoán, Bắc Kinh dường như tập trung chĩa mũi dùi vào Canada chứ không phải Mỹ, mà việc điều tra hai nhà ngoại giao Canada đến lúc này là minh chứng rõ ràng nhất.
Truyền thông quốc tế đoán rằng Trung Quốc đang dùng Canada làm “vật tế thần” nhằm cân đối quan hệ ngoại giao.
Một mặt, Bắc Kinh vì thể diện không thể ngồi yên khi nhân vật lớn tại một tập đoàn lớn như Huawei bị bắt bớ.
Một mặt, Mỹ – Trung vừa thống nhất lệnh “đình chiến thương mại” 90 ngày sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở sự kiện thượng đỉnh nhóm G20, nên tất cả mọi xung đột đều cần kiểm soát.
Chọn Canada để phản đối xem ra là phương án hợp lý.
Nhưng dù ai toan tính điều gì, Canada trước mắt vẫn chịu thiệt.
Hãng tin AP (Mỹ) ngày 14-12 nhận xét Canada đang kẹt cứng giữa hai thế lực Mỹ – Trung và cảm thấy “cô đơn” trên trường quốc tế.
Ngoài ra, một điểm đáng chú ý là Mỹ – đồng minh thân cận nhất, chưa thể hiện thiện chí sẽ ra tay tương trợ. Nhà sử học Robert Bothwell nói: “Chúng tôi chưa bao giờ đơn độc thế này. Chúng tôi không có đồng minh thực sự nào”.
Trong khi Mỹ khoanh tay đứng nhìn, Canada lại không thể vui nếu quan hệ với Trung Quốc đổ vỡ. Trong quá khứ, cựu thủ tướng Pierre Trudeau còn đóng góp vào việc xây dựng khái niệm “Một Trung Quốc” trong những năm 1970, và đến nay vẫn không công nhận Đài Loan là một quốc gia. Theo chiều ngược lại, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada, sau Mỹ.
Du khách từ Trung Quốc đến Canada cũng tham gia vào việc kêu gọi trả tự do cho bà Mạnh trước tòa án ở Vancouver ngày 10-12 – Ảnh: REUTERS
Ác mộng của Thủ tướng Trudeau
Tầm quan trọng của Trung Quốc với Canada trong vấn đề kinh tế là điều không thể chối cãi. Nó còn được thể hiện qua việc Thủ tướng Justin Trudeau thậm chí từng nói về khả năng ký thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc để đa dạng hóa ngành thương mại Canada, vốn dĩ đang phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu sang… Mỹ.
Hiện tới 75% tổng xuất khẩu của Canada là vào thị trường Mỹ, và nó cũng phản ánh khó khăn của ông Trudeau sau khi Tổng thống Trump tái đàm phán Hiệp định mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Hiện thực trái khoái này càng bổ sung cho luận điểm cho thấy Canada đang chịu áp lực quá lớn từ chính đồng minh Mỹ.
Từng thân thiết với chính quyền cựu tổng thống Barack Obama, nay tình thế của ông Trudeau đã khác hẳn dưới thời ông Trump. Có vẻ như Ottawa không còn nhận được sự ủng hộ – ít ra trên mặt báo, từ Washington.
Mới tháng 6 vừa qua, ông Trump tuyên bố sẽ buộc Canada phải trả thêm tiền sau khi bất đồng quan điểm với ông Trudeau về NAFTA. Thời điểm ấy, ông Trump cho rằng ông Trudeau yếu đuối và không thành thật, và đây là những nhận xét “gây sốc người Canada” theo cách mô tả của AP.
Rõ ràng hơn, trong tháng 8 qua, chính quyền Saudi Arabia trục xuất đại sứ Canada sau khi Bộ Ngoại giao Canada đăng dòng trạng thái ủng hộ việc bắt giữ một nhà hoạt động người Saudi Arabia.
Vương quốc Trung Đông này cũng bán tháo các khoản đầu tư của Canada, yêu cầu du học sinh Saudi Arabia ở Canada rời khỏi đây. Và tương tự, không một ai kể cả Mỹ ở thời điểm ấy công khai ủng hộ Canada.
Trong khi uy tín của ông Trudeau bị ảnh hưởng, các đối thủ chính trị trong nước không quên bỏ qua thời cơ.
Lãnh đạo Đảng Bảo thủ đối lập Andrew Scheer qua vụ Huawei nhận xét như sau: “Tình huống này chứng tỏ được cách tiếp cận ngây thơ của Justin Trudeau vào quan hệ song phương với Trung Quốc đã chẳng hiệu quả chút nào”.
Bấy nhiêu rắc rối cho thấy, giờ đây ông Trudeau từ một diện mạo gần như hoàn hảo trên chính trường quốc tế, đã bắt đầu lộ ra những khó khăn trong lẫn ngoài nước.
Khi diện mạo ấy không còn lung linh, thậm chí số phận chính trị của ông Trudeau cũng đầy nguy cơ, mà điển hình là quyết định nâng cấp đường ống Trans Mountain gây tranh cãi lâu nay. Dự án này được cho sẽ có khả năng lấy cả ghế Thủ tướng mà ông đang giữ ở cuộc bầu cử sắp tới.