Ngoài sự hiện diện của các tàu Hải quân và Cảnh sát biển Trung Quốc luôn thu hút chú ý ở khu vực Biển Đông tranh chấp, có một lực lượng ngầm luôn thường trực không hề đơn giản.
Ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, và là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, cho biết những chiếc tàu trông giống như thuyền đánh cá nhưng đó là dân quân hàng hải Trung Quốc nhằm tránh gây chú ý cho đối phương. Lực lượng này thực hiện nhiệm vụ đe dọa những tàu khác ở Biển Đông bao gồm cả Philippines, ông Poling nói.
“Những gì Bắc Kinh làm trong nhiều năm qua là thiết lập sự hiện diện liên tục của các tàu Hải quân và Cảnh sát biển, cũng như dân quân bán quân sự trên Biển Đông chưa từng thấy cách đây 4-5 năm”, ông Poling nói trong diễn đàn an ninh ở Makati City, Philippines hôm thứ Sáu (7/12).
Mặc dù thất bại trước Tòa án Trọng Tài Thường trực do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn vào tháng 7/2016, Trung Quốc vẫn ngang nhiên khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Và để củng cố các yêu sách của mình, Trung Quốc đã xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo trên 7 rạn san hô ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và phát triển các căn cứ quân sự được trang bị tên lửa chống hạm và tên lửa đất đối không.
Theo ông Poling, những gì nhìn thấy được như lực lượng dân quân hàng hải, lực lượng bán quân sự, đó chỉ là một phần tương đối nhỏ trong “kho vũ khí” của Trung Quốc. Ông đã đưa ra một hình ảnh vệ tinh của rạn san hô Zamora (tên quốc tế Subi) do Philippines tuyên bố, được chụp vào tháng 8, cho thấy khoảng 200 chiếc thuyền chỉ trong 1 ngày.
Những chiếc thuyền dài trung bình 51 mét, lớn hơn nhiều so với những chiếc thuyền đánh cá của Philippines và những quốc gia khác ở Biển Đông. Không chiếc nào trong số những chiếc thuyền này thực sự đang đánh cá, tất cả đều xuất hiện như dân quân hàng hải. Khi chúng tôi theo dõi họ, chúng tôi không bao giờ thấy họ làm gì khác ngoài việc khiến người khác sợ hãi, ông Poling nói.
Ông cho biết những chiếc thuyền thường rời khỏi đầm phá và lang thang quanh đảo Pagasa (Thitu) trong nhiều ngày và nhiều tuần để đe dọa các tàu tiếp tế đến hòn đảo do Philippines chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa.
Trong báo cáo thường niên trước Nghị viện Hoa Kỳ, Lầu Năm góc xác định lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc (PAFMM) là lực lượng vũ trang thường dân sẵn sàng huy động và “là lực lượng duy nhất được chính phủ phê chuẩn trên thế giới”. Lực lượng này cho phép Trung Quốc theo đuổi các mục tiêu trong vùng biển tranh chấp mà không có nguy cơ xung đột.
Tại Biển Đông, PAFMM đóng vai trò chính trong các hoạt động cưỡng chế nhằm đạt các mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà không cần chiến đấu. Trước đây, PAFMM thuê tàu đánh cá của các công ty hoặc ngư dân, nhưng hiện nay Trung Quốc đã xây dựng một đội tàu đánh cá do nhà nước quản lý, ít nhất là một phần lực lượng dân quân hàng hải ở Biển Đông, báo cáo cho biết thêm.