Thursday, November 28, 2024
Trang chủBiển nóngHoạt động quân sự hóa phi pháp của TQ ở Biển Đông...

Hoạt động quân sự hóa phi pháp của TQ ở Biển Đông năm 2018

Sau khi hoàn thiện cải tạo phi pháp 7 đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, năm 2018, Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc quân sự hóa trên các thực thể này. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tiếp tục triển khai (phi pháp) thêm một số trang thiết bị, khí tài quân sự ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông trong năm 2018

Đầu năm 2018, Trung Quốc đã điều hai máy bay quân sự Tây An Y-7 tới đá Vành Khăn, đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Máy bay vận tải Y-7 do Tổng Công ty Công nghiệp máy bay Tây An sản xuất từ những năm 1960 dựa trên mẫu An-24 của Liên Xô. Hiện vẫn còn hàng chục chiếc hoạt động ở Trung Quốc. Đáng chú ý, Bắc Kinh gần đây đã cải tiến Y-7 để có thể triển khai các hoạt động ném bom tấn công.

Ngày 19/2, Trung Quốc đã thiết lập hơn 40 cơ sở radar khác nhau trên 7 đảo đá mà nước này chiếm giữ phi pháp ở Trường Sa, góp phần nâng cao đáng kể năng lực “C4ISTAR” (chỉ huy, kiểm soát, truyền tin, máy tính, thông tin/tình báo, giám sát, thu thập thông tin về mục tiêu và trinh sát) của Trung Quốc ở khu vực.Hệ thống radar trên của Trung Quốc có khả năng kết nối với các đơn vị chỉ huy trên mặt đất, thu thập thông tin tình báo cho quân đội, hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ chiến tranh không gian mạng và điện tử, kết nối với hệ thống định vị vệ tinh Beidou mở rộng của Trung Quốc, phối hợp thực hiện các kế hoach “bảo vệ” bờ biển và các hoạt động của dân quân Trung Quốc, tác chiến chống ngầm và cảnh báo sớm ở Biển Đông. Không những vậy, hệ thống trên còn có khả năng kết nối với hệ thống chỉ huy và điều khiển của Lực lượng Tên lửa PLA, cụ thể là các tên lửa đạn đạo DF-21D và DF-26.

Ngày 9/4, Trung Quốc đã triển khai 03 xe đặc chủng mang thiết bị phá song quân sự trên đá Vành Khăn và cũng đã triển khai một số hệ thống phá sóng tại đá Chữ Thập.

Ngày 28/4, Trung Quốc điều 1 máy bay Thiểm Tây Y-8 tới đá Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Y-8 là máy bay vận tải tầm trung sản xuất bởi Công ty Máy bay Thiểm Tây của Trung Quốc, dựa theo máy bay Antonov An-12 của Liên Xô. Nó đã trở thành một trong những máy bay vận tải/vận chuyển hàng hóa quân sự và dân sự phổ biến nhất của Trung Quốc, với nhiều phiên bản được sản xuất và xuất khẩu. Mặc dù An-12 không còn được chế tạo ở Ukraine, Y-8 của Trung Quốc tiếp tục được nâng cấp và sản xuất. Ước tính có khoảng 169 máy bay Y-8 đã được đóng vào năm 2010. Y-8 dài 34,02m, cao 11,16m, trọng lượng cất cánh tối đa 61 tấn. Chiếc máy bay này được trang bị 4 động cơ tuốc bin cánh quạt cho phép đạt tốc độ tối đa 660km/h, tầm bay gần 6.000km, trần bay hơn 10km.

Ngày 2/5, Trung Quốc triển khai tên lửa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và các tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9A hoặc HQ-9B trên 3 thực thể địa lý đã bị Trung Quốc bồi lấp trái phép thành đảo nhân tạo gồm đá Vành Khăn, đá Xu Bi và đá Chữ Thập. YJ-12B là loại tên lửa không đối hạm siêu âm rất lợi hại, được xác định là vũ khí chủ lực dành cho oanh tạc cơ H-6K của Không quân Hải quân Trung Quốc, thiết kế của YJ-12 theo nhận định chính là sao chép từ bia bay hành trình tốc độ cao GQM-163 Coyote của Mỹ. Loại vũ khí này có thể trang bị cho oanh tạc cơ H-6, cường kích JH-7B, tiêm kích J-10, J-11 và J-16. Các nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết biến thể YJ-12B có tầm bắn tối đa 545 km và tốc độ 4.940 km/h nếu phóng từ độ cao lớn, nhưng thông số này sẽ giảm đáng kể nếu tên lửa phải bay thấp, gần mặt biển. YJ-12 từng được đánh giá là mối đe dọa nghiêm trọng với các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ. Trong khi đó, tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9 là tổ hợp phòng không tầm trung – xa do Trung Quốc phát triển, tương tự hệ thống S-300 Nga. Một số nguồn tin cho rằng HQ-9 được phát triển dựa trên công nghệ tên lửa S-300, trước khi được đưa vào biên chế năm 1997. Biến thể mới nhất của HQ-9B có tầm bắn khoảng 295 km, sử dụng cơ cấu dẫn đường quán tính có cập nhật giữa hành trình. Trong pha tiếp cận mục tiêu, radar bán chủ động ở mũi tên lửa sẽ được kích hoạt để tăng độ chính xác. Phiên bản HQ-9B thử nghiệm từ năm 2006, được bổ sung đầu dò hồng ngoại để diệt mục tiêu trong môi trường bị gây nhiễu mạnh. Một tổ hợp HQ-9 gồm 8 xe chở đạn kiêm bệ phóng (TEL), mỗi TEL mang được 4 quả tên lửa. Để tiết kiệm chi phí, hệ thống này có thể sử dụng nhiều loại radar cảnh giới và điều khiển hỏa lực khác nhau để phát hiện, tấn công mục tiêu. HQ-9 được cho là có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo, dù tính năng này khá hạn chế.

Ngày 9/5, Trung Quốc triển khai phi pháp một loạt khí tài như hệ thống tên lửa đất đối không hoặc đối hạm, radar, xe hậu cần, thiết bị phá sóng đến đảo Phú Lâm.

Ngày 18/5, Không quân Trung Quốc tuyên bố lần đầu tiên đã đưa máy bay ném bom, kể cả Tây An H-6K tới ở đảo Phú Lâm. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa máy bay ném bom chiến lược ra khu vực đang trong tranh chấp. Bán kính chiến đấu của H-6 là 1.000 hải lý, gần như bao phủ toàn bộ lãnh thổ Philippines. Còn máy may H-6K được nâng cấp có thể đạt bán kính chiến đấu gần 1.900 hải lý, đưa toàn bộ khu vực Đông Nam Á vào tầm hoạt động. H-6K có thể mang loại tên lửa hành trình Trường kiếm-10A (CJ-10A) có tầm bắn tới 2.500km, độ chính xác 10m. Nó có thể treo 6 tên lửa bên ngoài và mang 1 quả trong khoang hoặc mang 20 quả bom không điều khiển loại 500kg, hoặc các tên lửa điều khiển bằng laser có độ chính xác cao. Lượng dầu mang theo từ 34.360kg lên 40.000kg, tầm bay của H-6K lên đến khoảng 8.000km, bán kính tác chiến tăng lên 3.500km, lượng vũ khí mang có thể tăng lên 12 tấn. Như vậy việc đưa máy bay ném bom chiến lược H6K đến đảo Phú Lâm, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng khống chế toàn bộ các nước Đông Nam Á ASEAN và khống chế căn cứ quân sự của Mỹ ở phía Bắc Australia.

Ngày 5/7, Trung Quốc đã âm thầm kích hoạt và thử nghiệm các thiết bị tác chiến điện tử được lắp đặt trên các đá Vành Khăn, Chữ Thập. Hãng tin Stratfor của Mỹ cho biết, tại đá Vành Khăn, thiết bị tác chiến điện tử di động được Trung Quốc lắp đặt thêm vào lưới điện tổng đã có trên đảo. Tại khu vực phía Đông Nam đá Vành Khăn, Trung Quốc đã xây dựng khu vực có thể là dải ăng-ten định hướng cao tần, có thể sử dụng để tìm tín hiệu điện, thông tin được chuyển đi của những tàu, máy bay trong khu vực cũng như để phát hiện máy bay tàng hình. Phía Bắc đá Vành Khăn, Trung Quốc cũng xây dựng trái phép công trình có thể là tháp liên lạc nội bộ trong đảo với những dải ăng-ten giống như tại đá Châu Viên, đá Tư Nghĩa, phía Nam đá Gạc Ma và đá Ga Ven. Ngoài ra, Trung Quốc còn xây dựng hệ thống radio dải tần cao đa hướng sử dụng hiệu ứng Doppler (DVOR) ở ngay sát sân bay trên đá Vành Khăn. Hệ thống này cung cấp thông tin định vị tầm ngắn cho máy bay mà không cần sử dụng dữ liệu vệ tinh. Việc Trung Quốc triển khai thiết bị tác chiến điện tử cần được chú ý đặc biệt bởi vì chúng có thể được sử dụng để gây nhiễu và tấn công các thiết bị điện của rất nhiều nước hoạt động trên Biển Đông bao gồm cả Mỹ.

Ngày 28/7, Trung Quốc lần đầu tiên đưa tàu tìm kiếm cứu nạn “Nam Hải cứu 115”, có bãi đáp cho trực thăng cứu hộ cỡ trung tới neo đậu thường trú tại Đá Xu Bi.

Ngày 9/4, Trung Quốc đã điều tàu chiến có tên lửa dẫn đường Type 054A ra Đá Chữ Thập ở Trường Sa. Đây là một trong những hành động phi pháp, gây leo thang căng thẳng mới ở Biển Đông của Trung Quốc. Các tàu Type 054A là thế hệ tàu hộ vệ đầu tiên của Trung Quốc có khả năng tàng hình và tác chiến biển xa, Hiện Trung Quốc có 26 tàu được chế tạo và biên chế cho hải quân, trong đó Hạm đội Nam Hải được biên chế 10 tàu. Các tàu Type 054A có lượng giãn nước 4.000 tấn, dài 134m, rộng 16m, mớn nước 4,5m; trang bị động cơ diesel 25.300 mã lực; tốc độ 27 hải lý/h; tầm hoạt động 4.000 hải lý. Trên các tàu Type 054A được trang bị 2 bệ phóng tên lửa YJ-83, 1 bệ phóng tên lửa HQ-16, pháp cao xạ, 2 bệ phóng ngư lôi, 2 bệ phóng bom nhiễu điện tử, 01 trực thăng săn ngầm. Ngoài ra, Type 054A được trang bị hệ thống khí tài điện tử tiên tiến, trong đó có hệ thống dữ liệu chiến đấu, hệ thống thông tin vệ tinh, radar cảnh giới 3D, radar quan sát mặt biển, radar điều khiển hỏa lực, radar hàng hải… Ngoài các tàu Type054A được biên chế cho Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc còn thường xuyên huy động một lượng lớn tàu Type 054A của Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Bắc Hải tới tuần tra, tập trận phi pháp trên Biển Đông.

Trung Quốc luôn biện minh cho hành động quân sự hóa của mình

Tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc (17/1) cho rằng Bắc Kinh triển khai vũ khí, khí tài tới Biển Đông nhằm “bảo vệ hòa bình ở Biển Đông”, đồng thời chỉ trích Mỹ và các nước liên quan liên tục có các hành vi “khiêu khích” trong khu vực, “đe dọa an ninh và chủ quyền” của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc (10/4) cũng tuyên bố Trung Quốc có “quyền đương nhiên của một quốc gia có chủ quyền” trong việc triển khai lực lượng và vũ khí đến các căn cứ ở quần đảo Trường Sa. Đáng chú ý, phát biểu bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (4/8) hùng hồn tuyên bố: “Một số nước ngoài khu vực, chủ yếu là Mỹ, đã đưa vũ khí chiến lược lớn đến khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, như là cách để phô bày sức mạnh quân sự và gây sức ép với các nước tại khu vực, bao gồm Trung Quốc. Tôi e rằng đây là động lực lớn nhất cho việc Trung Quốc thúc đẩy việc quân sự hóa tại khu vực”. Không những vậy, ông Vương Nghị còn ngang nhiên cho rằng “Trung Quốc hoàn toàn có quyền làm những việc đó vì Trung Quốc cần bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Và bởi vì ngày càng có nhiều áp lực với Trung Quốc, việc Trung Quốc tiến hành thêm nhiều biện pháp tự vệ là điều tự nhiên”.

Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự hóa trong năm 2018 là nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược:

Đầu tiên, Trung Quốc đưa máy bay ném bom chiến lược ra Hoàng Sa là để làm chủ và khống chế toàn bộ vùng Biển Đông. Đồng thời cảnh báo tất cả các nước về việc hoạt động tàu thuyền khi đi qua biển Đông đều bị Trung Quốc giám sát chặt chẽ, khi cần thiết họ sẵn sàng nổ súng. Bên cạnh đó, Trung Quốc quân sự hóa biển Đông nhằm ngăn chặn và đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này, biến khu vực Biển Đông thành vùng chịu ảnh hưởng chi phối của Trung Quốc.

Thứ hai, từ sau Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thể hiện sự kiểm soát của mình đối với quân đội (PLA), trong đó có lời cam kết và kêu gọi PLA tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu trên Biển Đông. Vì vậy, việc đẩy mạnh quá trình quân sự hóa phi pháp trên các đảo, đá ở Biển Đông là một trong những biện pháp hữu hiệu thể hiện quyết tâm của Tập Cận Bình cũng như giới chức quân sự Trung Quốc về cái gọi là “quyết tâm bảo vệ chủ quyền” ở Biển Đông.

Thứ ba, cùng với việc Mỹ và các nước đồng minh tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc, Bắc Kinh cũng muốn thông qua hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông để gây áp lực với các nước liên quan.

Cuối cùng, trong bối cảnh Mỹ đánh thuế nặng đối với nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc tác động mạnh mẽ đến tình hình xuất khẩu cũng như giá trị đồng tiền của nước này, từ đó ảnh hưởng lớn đến tình hình trong nước. Vì thế, Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông là nhằm hướng sự chú ý của người dân sang một vấn đề khác.

Cộng đồng quốc tế đều phản ứng trước hành vi trên của Trung Quốc

Tại Đối thoại Ngoại giao và An ninh Mỹ – Trung thường niên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã chỉ trích về các động thái và hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tuân thủ những cam kết đã đưa ra trước đây về tình hình khu vực”. Trước đó, tại Shangri-La 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã cảnh báo Bắc Kinh là sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức và cơ hội trong những năm sắp tới nếu không chấm dứt các hành động phi pháp, mang tính khiêu khích ở Biển Đông. Trong khi đó, Thượng viện Mỹ (1/8) thông qua dự luật quốc phòng trị giá 716 tỷ USD với những điều khoản được cho là cứng rắn nhất với Trung Quốc từ trước đến nay, đặc biệt nhằm vào hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh trên Biển Đông. Đáng chú ý, để đáp trả hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã hủy lời mời Hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận đa phương Vành đai Thái Bình Dương năm 2018.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng bày tỏ lo ngại Trung Quốc quân sự hóa và mở rộng xây dựng ở Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện đúng phát ngôn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật – Trung (9/2017), rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa tại Biển Đông.Ngoại trưởng Australia Julie Bishop (5/2018) thể hiện quan ngại đối với việc những hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc rõ ràng có trách nhiệm với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, tức phải bảo đảm hòa bình và an ninh trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông đều đi ngược lại trách nhiệm đó.Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (13/8) tuyên bố, Trung Quốc cần tôn trọng quyền tự do đi lại trên Biển Đông của tàu bè tất cả các nước và Trung Quốc chớ nên gây căng thẳng không cần thiết ở vùng biển này.Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Hoàng Vĩnh Hoành (Ng Eng Hen) cho rằng việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông là mối quan ngại hàng đầu ở khu vực.

Trong khi đó, giới chuyên gia, học giả quốc tế cũng đưa ra nhiều nhận định liên quan hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo chuyên gia Richard Javad Heydarian, giáo sư về các vấn đề quốc tế và khoa học chính trị tại Đại học De La Salle, việc Trung Quốc triển khai máy bay ném bom có khả năng tấn công hạt nhân, cùng nhiều tên lửa và các thiết bị phá sóng radar đã làm thay đổi căn bản các toan tính chiến lược trong khu vực Biển Đông. Tiến sĩ Constantinos Yiallourides, Nghiên cứu viên tại Viện Luật quốc tế và So sánh Anh (BIICL) cho rằng, dù Trung Quốc đã nhiều lần cam đoan rằng “sẽ không sử dụng vũ lực” để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ nhưng các hoạt động cải tạo và xây dựng quân sự không ngừng tại các vùng lãnh thổ tranh chấp nhằm tạo ra một “sự đã rồi” và ép buộc các bên tranh chấp khác chấp nhận nguyên trạng mới này. Những hành động của Trung Quốc được xem là một sự mở rộng lãnh thổ bất hợp pháp thông qua vũ lực, trái với luật pháp quốc tế. Bằng cách quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp, Trung Quốc muốn cho các “đối thủ” của mình thấy rằng họ chỉ có hai lựa chọn, một là chấp nhận nguyên trạng mới và hai là “đối mặt với một cuộc chiến tranh tốn kém với một cường quốc lớn trong khu vực”.

Báo chí, truyền thông và giới chuyên gia các nước cũng đưa ra nhiều bình luận, nhận định nhiều về hoạt động tập trận liên tục của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng sự hiện diện và các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ làm gia tăng tình trạng căng thẳng và các nguy cơ xảy ra sự cố trên biển; gây phức tạp thêm tình hình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường an ninh, hòa bình, hợp tác trong khu vực; gây tổn hại đến các quy chuẩn của luật pháp quốc tế và những nỗ lực thúc đẩy hợp tác, giải quyết hòa bình các tranh chấp của các nước; đe dọa nghiêm trọng đến an toàn của hoạt động hàng hải, hàng không của khu vực và quốc tế, cũng như hoạt động đánh bắt cá của ngư dân các nước.

Kết luận:

Trong năm 2018, Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động quân sự hóa phi pháp trên Biển Đông. Việc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông không chỉ đi ngược lại cam kết của ông Tập Cận Bình mà còn vi phạm hiến chương Liên Hợp quốc; vi phạm Công ước luật biển; vi phạm tuyên bố ứng xử các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký ASEAN (2002) ở PhnomPenh Campuchia. Về mặt đối ngoại họ đã đi ngược lại điều cam kết với các nước ASEAN là giữ nguyên hiện trạng trong quan hệ Việt Nam và thống nhất 6 nguyên tắc ứng xử giải quyết tranh chấp Biển Đông. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng ký tuyên bố chung Việt – Trung, trong đó khẳng định lại hai bên cam kết đảm bảo hòa bình ổn định khu vực. Đặc biệt, trong cuộc họp báo quốc tế ở nhà trắng, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc không quân sự hóa Biển Đông. Tuy nhiên, trên thực tế Trung Quốc đã đi ngược lại với điều cam kết, ngược lại với quốc tế. Hành động của Trung Quốc sẽ khiến cộng đồng quốc tế hiểu rõ bản chất và bộ mặt thật của Trung Quốc. Điều này không chỉ khiế Trung Quốc đã tự cô lập họ trong khu vực, đặc biệt trong mối quan hệ với các nước ASEAN mà còn khiến uy tín, danh dự quốc gia của Trung Quốc bị tụt giảm nghiêm trọng.

RELATED ARTICLES

Tin mới