Wednesday, November 27, 2024
Trang chủĐàm luậnNhìn lại một năm tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông...

Nhìn lại một năm tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông của ASEAN tại các diễn đàn khu vực, quốc tế 2018

Trong năm 2018, Hiệp hội các quốc giá Đông Nam Á (ASEAN) đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng tiếng nói chung, khẳng định vai trò trung tâm của tổ chức trong giải quyết các vấn đề khu vực, mà tâm điểm là vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và các bên liên quan.

Hội nghị Ngoại trưởng Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 8. Nguồn: AFP

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 (27-28/4/2018)

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã ra Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Biển Đông, cho biết lãnh đạo các nước tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, ghi nhận lợi ích của khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Theo Tuyên bố, lãnh đạo các nước hoan nghênh sự tăng cường hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc, khởi đầu cho việc đàm phán về lộ trình cho Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và các biện pháp thiết thực nhằm giảm căng thẳng và nguy cơ xảy ra tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai. Trong số này có việc thử nghiệm thành công đường dây nóng bộ ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, cũng như Bộ quy tắc chống va chạm bất ngờ trên biển (CUES). Cùng theo bản Tuyên bố, lãnh đạo các nước ghi nhận quan ngại về việc bồi đắp và các hoạt động khác trên Biển Đông đã xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin, kiềm chế hành động làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi giải pháp hòa bình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật Biển (UNCLOS).

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí với cách tiếp cận chung của ASEAN về quan hệ đối ngoại hiệu quả, thực chất với các đối tác, khẳng định ASEAN cần tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm ở khu vực trên cơ sở đẩy mạnh năng lực tự cường tập thể và đề cao đoàn kết, thống nhất và phát huy vai trò đầu tàu của ASEAN trong thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực. Về tình hình Biển Đông, Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh tình hình cơ bản ổn định nhưng còn diễn biến phức tạp, ASEAN cần tiếp tục giữ vững các nguyên tắc cơ bản và kiên định lập trường đã thống nhất về Biển Đông, nỗ lực thúc đẩy xây dựng COC hiệu quả, ràng buộc về pháp lý, vì một khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định bền vững.

Tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 (AMM 51)

Tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 (AMM 51) ở Singapore đầu 02/8/2018, các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; chia sẻ quan ngại trước hoạt động quân sự hóa làm xói mòn lòng tin, gây phương hại tới hoà bình và an ninh khu vực. Theo đó, các Bộ trưởng ASEAN kêu gọi các bên kiềm chế không có các biện pháp làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Về COC, các Bộ trưởng ghi nhận một số tiến triển vừa qua trong thương lượng, trong đó có việc thống nhất Văn bản dự thảo thương lượng duy nhất làm cơ sở đàm phán, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường thuận lợi cho tiến trình thương lượng COC. Đây được coi là một tiến triển ở Biển Đông sau nhiều năm thảo luận giữa ASEAN và Trung Quốc, khi trước đó các nước đưa ra các phiên bản dự thảo khác nhau. Ngoài ra, trước những diễn biến tình hình phức tạp trên thực địa, các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hoá và kiềm chế, thực hiện đầy đủ cá nghĩa vụ liên quan, trong đó có các nghĩa vụ ghi ở DOC.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh ghi nhận những tiến triển nhiều mặt trong hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Trước những chuyển biến nhanh chóng, khó lường trong cục diện khu vực và quốc tế, Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN cần chú trọng hơn vào hợp tác nội khối, trong đó cần có các biện pháp cụ thể để tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư nội khối, đi đôi với tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển và kết nối. Về các vấn đề hoà bình và an ninh, Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN cần giữ vững đoàn kết và vai trò trung tâm, đồng thời nâng cao năng lực tập thể để có thể ứng phó hữu hiệu với các thách thức đặt ra. Về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng Việt Nam chia sẻ quan ngại về những hoạt động gần đây trên thực địa, trong đó có các hoạt động quân sự hoá, ảnh hưởng tới hoà bình, an ninh ở khu vực cũng như tin cậy giữa các nước; theo đó, đề nghị các bên cần kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp tình hình, tuân thủ các nguyên tắc và cam kết đã thoả thuận, trong đó có nghĩa vụ quy định trong DOC, duy trì môi trường thuận lợi cho tiến trình thương lượng COC.

Tại Hội nghị không chính thức của các ngoại trưởng ASEAN bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 tại New York, Mỹ

Tại Hội nghị không chính thức của các ngoại trưởng ASEAN bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 tại New York, Mỹ (28/9/2018), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc đã đề cao vai trò của ASEAN trong duy trì đối thoại, hợp tác trên nguyên tắc kiềm chế, tránh các hoạt động đơn phương và tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán COC. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị các bên nỗ lực thực hiện đầy đủ DOC, đẩy mạnh thương lượng hướng tới sớm thông qua COC, khẳng định sự đoàn kết và thống nhất ASEAN là nhân tố then chốt giúp duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Liên hợp quố (AUMM) diễn ra cùng ngày, đại diện hai bên nhấn mạnh ủng hộ chủ nghĩa đa phương và các tiến trình liên kết khu vực, đề cao thượng tôn pháp luật và tầm quan trọng của tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, trong giải quyết hòa bình các tranh chấp, ngăn ngừa xung đột và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 8 và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 25

Tại Hội nghị Ngoại trưởng Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 8 tại Singapore (4/8/2018), Ngoại trưởng một số nước bày tỏ lo ngại sâu sắc về những hoạt động quân sự hóa gần đây trên Biển Đông, đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp tình hình, đơn phương thay đổi nguyên trạng. Đại diện các nước này cho rằng mọi tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với những quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, trên cơ sở tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý. Hội nghị EAS là cuộc họp giữa ASEAN và 8 đối tác gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 25, ngoại trưởng các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và vai trò của các tổ chức đa phương, chia sẻ quan ngại về những thách thức an ninh đang nổi lên, gồm khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, an ninh mạng, thiên tai, thảm hoạ. Các nước tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hoà bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực và không quân sự hoá; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm đạt được COC hiệu quả. Hội nghị ARF có sự tham dự của ngoại trưởng 27 nước và tổ chức, gồm 10 nước ASEAN, 10 Đối tác đối thoại của ASEAN và 7 quốc gia khác, trong đó có Triều Tiên.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng giữa ASEAN và Trung Quốc về COC (6/8/2018) tại Manila, Philippines

Ngày 06/8/2017, tại Manila (Philippines), Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đã chính thức thông qua Dự thảo khung COC. Đây là văn kiện thể hiện bước tiến quan trọng trong tiến trình hướng tới quản lý xung đột ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc. Dự thảo khung được kết cấu 03 phần: các điều khoản mở đầu, các điều khoản chung và các điều khoản cuối cùng. Về các điều khoản mở đầu, Dự thảo khung có 03 mục: Cơ sở của COC; Sự liên kết và tương tác giữa DOC và COC; Tầm quan trọng và các nguyện vọng. Về các điều khoản chung, Dự thảo khung đề cập 03 nội dung chủ yếu sau: Các mục tiêu mà văn kiện này hướng tới là: (1) Thiết lập một khuôn khổ dựa trên các quy tắc bao gồm một loạt quy chuẩn chỉ đạo cách ứng xử của các bên và thúc đẩy hợp tác hàng hải trên Biển Đông. (2) Thúc đẩy lòng tin lẫn nhau, sự hợp tác và uy tín, ngăn ngừa các sự cố, giải quyết các sự cố nếu chúng xảy ra và tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp. (3) Đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, quyền tự do đi lại trên biển và trên không. Các nguyên tắc được Dự thảo xác định theo thứ tự: Thứ nhất, COC không phải là một công cụ để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hay các vấn đề về phân định ranh giới trên biển. Thứ hai, cam kết đối với các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC), 5 nguyên tắc chung sống hòa bình và các nguyên tắc khác của luật pháp quốc tế. Thứ ba, cam kết thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC. Thứ tư, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Các nghĩa vụ cơ bản, bao gồm các vấn đề về: nghĩa vụ hợp tác; thúc đẩy hợp tác hàng hải thiết thực; tự kiềm chế/thúc đẩy sự tin cậy và lòng tin; ngăn ngừa các sự cố; xử lý các sự cố; các nghĩa vụ khác phù hợp với luật pháp quốc tế để hoàn thành các mục tiêu và nguyên tắc của COC. Về các điều khoản cuối cùng, Dự thảo khung xác định: khuyến khích các nước khác tôn trọng các nguyên tắc của COC; các cơ chế cần thiết để giám sát việc thực thi; đánh giá COC; bản chất; hiệu lực thi hành. Mặc dù còn nhiều vấn đề cần phải bàn bạc, bổ sung, song việc ASEAN và Trung Quốc thông qua Dự thảo khung này là cơ sở, tiền đề quan trọng cho tiến trình quản lý, giải quyết tranh chấp, xung đột ở Biển Đông để hướng tới hoàn tất một COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Đây là điều mà nhiều quốc gia thành viên ASEAN mong muốn. Thông qua sự kiện quan trọng này, dư luận quốc tế bày tỏ sự ủng hộ một văn kiện COC mang tính ràng buộc về pháp lý và điều quan trọng là COC cần sớm được hoàn thành và có hiệu lực trong thực tế.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN và các đối tác (14/11/2018)

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 21 tại Singapore (14/11), các nước đã chia sẻ tình hình trên thực địa còn diễn biến phức tạp, gây quan ngại cho tất cả các bên và có thể tác động không có lợi tới ổn định ở khu vực. Trong đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục đề cao các nguyên tắc đã nhất trí về thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tôn trọng luật pháp quốc tế, xây dựng và tuân thủ các chuẩn mực ứng xử chung, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, không quân sự hóa, không có hành động làm phức tạp tình hình, triển khai đầy đủ DOC, xây dựng một Bộ COC hiệu quả và thực chất. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục nỗ lực cùng ASEAN hoàn tất COC trong vòng 3 năm tới, thực hiện đầy đủ DOC, đóng góp cho hòa bình, ổn định, tự do an toàn, hàng hải và hàng không, tự do thương mại ở Biển Đông.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Nhật Bản lần thứ 21 và kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác ASEAN – Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định lại tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định và an ninh, tự do an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, đề cao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, kiềm chế, không quân sự hóa, không có hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng, nỗ lực xây dựng COC hiệu quả và thực chất. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận chia sẻ của Nhật Bản, khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông và mong muốn Nhật Bản tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của ASEAN thúc đẩy đối thoại, tăng cường lòng tin, tạo dựng môi trường thuận lợi cho đàm phán COC, vì một khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Thủ tướng Việt Nam hoan nghênh Nhật Bản chia sẻ ý tưởng về thúc đẩy hợp tác kết nối hai bờ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương; khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực cao nhất để nâng tầm quan hệ đối tác ASEAN – Nhật Bản vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của hai bên cũng như khu vực. Việt Nam cũng hoan nghênh sáng kiến của Thủ tướng Shinzo Abe tổ chức Ngày ASEAN – Nhật Bản, và sẵn sàng cùng Nhật Bản tổ chức thành công sự kiện trong năm 2019.

Tại các Hội nghị cấp cao giữa ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Nga, Australia, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao mối quan hệ giữa ASEAN với từng đối tác, đồng thời thúc đẩy các nước tiếp tục tăng cường hợp tác với ASEAN trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, Việt Nam bày tỏ mong muốn các đối tác ủng hộ nỗ lực, lập trường và nguyên tắc của ASEAN thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin vì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, không quân sự hóa, tránh làm phức tạp tình hình, thực hiện đầy đủ DOC, đàm phán COC thực chất và hiệu quả.

          Kết luận: Mặc dù trong năm 2018, ASEAN đã có vai trò tích cực nhất định trong vấn đề an ninh khu vực, nhất là tình hình Biển Đông. Tuy nhiên, ASEAN vẫn còn rất nhiều hạn chế, trong đó khả năng ASEAN có thể đi đến một sự đồng thuận chung thực sự ý nghĩa về vấn đề Biển Đông vẫn tiếp tục mịt mùng. Thành viên của khối cho đến nay vẫn chưa thể hiện tinh thần sẵng sàng hy sinh “lợi ích quốc gia” để đổi lấy “lợi ích chung” cho ASEAN, kể cả khi lợi ích chung này sẽ đem đến lợi ích tối ưu, thậm chí là tuyệt đối cho tất cả các bên. Trong khi đó, một số nước ASEAN còn có lợi ích kinh tế và chiến lược phụ thuộc mạnh mẽ vào Trung Quốc. Vì vậy, dư luận đang trông đợi rất nhiều vào việc vai trò trung tâm của ASEAN sẽ được thể hiện như thế nào trong năm 2019.

RELATED ARTICLES

Tin mới