Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngQuan điểm và sự tham gia của New Zealand trong vấn đề...

Quan điểm và sự tham gia của New Zealand trong vấn đề tranh chấp Biển Đông

Mặc dù là nước cách xa và không liên quan trực tiếp đến các tranh chấp ở Biển Đông, song trong những năm gần đây, New Zealand đã tích cực tham gia vào nỗ lực chung của các nước trong giải quyết vấn đề này.

New Zealand có lợi ích trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

          New Zealand là một đảo quốc tại khu vực Tây Nam của Thái Bình Dương, gồm hai đại lục chính là đảo Bắc và đảo Nam, cùng một số đảo nhỏ. New Zealand nằm cách khoảng 1500 km về phía Đông của Australia qua biển Tasman và cách khoảng 1.000 km về phía Nam của Nouvelle-Calédonie, Fiji và Tonga. New Zealand là thành viên của tổ chức Liên hợp quốc, Khối Thịnh vượng chung các quốc gia, ANZUS, OECD, Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương và APEC. New Zealand là một nền kinh tế thị trường phát triển chủ yếu dựa vào trao đổi thương mại quốc tế, với các đối tác thương mại chính là Australia, Mỹ và Nhật Bản. New Zealand có thế mạnh về du lịch, xuất khẩu nông nghiệp.

          Trong vấn đề Biển Đông, về cơ bản quan điểm, lập trường và chính sách của New Zealand là không đứng về phía bên nào ở Biển Đông, song phản đối các hành động phá hoại hòa bình và làm xói mòn niềm tin trong khu vực. New Zealand ủng hộ quyền hợp pháp của các quốc gia trong việc sử dụng các cơ chế khác nhau để giải quyết các tranh chấp và cho rằng duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông mang ý nghĩa sống còn đối với sự thịnh vượng liên tục của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các tranh chấp cần phải được giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS).

          New Zealand đã nhiều lần lên án hành động của TQ ở Biển Đông

          Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh ABC của Australia (10/7/2018), quyền Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters khẳng định, quân sự hóa Biển Đông tạo ra ảnh hưởng không tốt đối với khu vực. Ông cho biết: “Tôi không tin rằng việc quân sự hóa Biển Đông là một việc làm tốt đối với khu vực và nó tác động nhiều tới New Zealand. Tôi tin tưởng là các nước cần phải tuân thủ mọi quy định và luật pháp quốc tế để đảm bảo thế giới này an toàn và an ninh hơn… Tôi không muốn thấy quyền tự do đi lại ở vùng biển quốc tế bị cản trở. Việc làm này gây ra rất nhiều hệ lụy và đây là chính là ảnh hưởng rõ ràng nhất khi Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông”.

          Trong Báo cáo của Bộ Quốc phòng New Zealand công bố hôm 06/7/2018, New Zealand cảnh báo ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương có thể phá hoại sự ổn định trong khu vực. Báo cáo cho rằng Trung Quốc làm leo thang căng thẳng với các quốc gia khác, trong đó có Mỹ, khi theo đuổi các lợi ích ở châu Á. Bắc Kinh còn đang hiện đại hóa quân đội và phô trương sức mạnh kinh tế cùng tham vọng lãnh đạo. Báo cáo cảnh báo New Zealand đối mặt với “những thách thức lớn chưa từng có” tại khu vực lân cận. Cùng thời gian nay, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã lên tiếng ủng hộ “quan điểm mạnh mẽ chống lại quân sự hóa ở Thái Bình Dương”. Để đối phó với Trung Quốc, từ ngày 02-9/10/2018, quân đội New Zealand đã cũng Australia, Malaysia, Singapore và Anh tiến hành cuộc tập trận chung tại Biển Đông. Đại tá Nicholas Pratt, Chỉ huy lực lượng Australia tham gia đợt diễn tập chung cho biết cuộc diễn tập dự kiến bao gồm huấn luyện thực địa và bắn đạn thật với mục đích kiểm tra khả năng tác chiến của quân đội nước này. Trước đó hôm 9/7/2018, New Zealand đã mua 4 máy bay tuần tra Boeing P-8A Poseidon của Mỹ, thông qua chương trình bán hàng quân sự nước ngoài của Mỹ trị giá 1,6 tỷ USD, bao gồm cả chi phí đào tạo. Các máy bay này sẽ hoạt động vào năm 2023. Bộ Quốc phòng New Zealand cho biết “duy trì năng lực tuần tra hàng hải là điều cần thiết cho an ninh quốc gia của New Zealand và tăng khả năng đóng góp cho các nỗ lực an ninh toàn cầu”.

          Phát biểu tại Diễn đàn Xiangshan (11/10/2016), vốn được Trung Quốc coi là đối trọng với Diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La thường niên tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee đã bày tỏ những lo ngại của nước này về tình hình Biển Đông. Ông Gerry Brownlee cho biết: “Chúng tôi phản đối các hành động hủy hoại hòa bình và làm xói mòn lòng tin, đồng thời mong muốn được thấy tất cả các bên có các bước đi tích cực nhằm giảm thiểu căng thẳng. Là một quốc gia nhỏ có hoạt động giao thương hàng hải, luật quốc tế nói chung và UNCLOS nói riêng rất quan trọng đối với New Zealand. Chúng tôi ủng hộ các tiến trình phân xử trọng tài và tin rằng tất cả các nước có quyền tìm kiếm giải pháp quốc tế”. Cũng tại diễn đàn này, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand đã phê phán hành động xây dựng các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông, trong đó có việc xây đường băng gây phản đối khắp khu vực.

          Tháng 4/2016, Thủ tướng New Zealand John Key khẳng định quan điểm của nước này về vấn đề Biển Đông sẽ không thay đổi. “Có nhiều ý kiến về vấn đề này nhưng tôi sẽ nỗ lực tối đa. Quan điểm của New Zealand về vấn đề Biển Đông không thay đổi. Chúng tôi sẽ tìm cách thích hợp để đưa vấn đề ra với giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, Thủ tướng John Key nhấn mạnh. Về kế hoạch cử quân đội tham gia tập trận do Malaysia tổ chức, Thủ tướng Key cho biết đây là một phần của hoạt động luân chuyển thông thường.

          New Zealand ủng hộ Phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016)

          Tháng 7/2016, trong một bài phát biểu quan trọng tại Viện các vấn đề quốc tế mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee đã lên tiếng ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Philippines – Trung Quốc, đồng thời nêu rõ lập trường của New Zealand về yêu sách của Trung Quốc, cũng như các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông. “New Zealand không đứng về phía bên nào ở Biển Đông, nhưng chúng tôi phản đối các hành động phá hoại hòa bình và làm xói mòn niềm tin trong khu vực. Chúng tôi ủng hộ quyền hợp pháp của các quốc gia trong việc sử dụng các cơ chế khác nhau để giải quyết các tranh chấp. Chúng tôi cũng ủng hộ các tiến trình giải quyết tranh chấp nói trên cần phải được tôn trọng”, ông Brownlee tuyên bố. Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand hi vọng các bên có thể sử dụng phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Philippines – Trung Quốc như là một cơ sở để làm việc với nhau để giải quyết những khác biệt của họ. Trước đó, Ngoại trưởng New Zealand Murray McCully cũng đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc, cũng như các bên khác, tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Philippines – Trung Quốc. “Chúng tôi hy vọng rằng, quyết định của Tòa án có thể cung cấp một nền tảng cho việc giải quyết các vấn đề lâu dài và phức tạp ở Biển Đông và chúng tôi kêu gọi tất cả các bên cùng làm việc để hướng tới mục tiêu này. Duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông mang ý nghĩa sống còn đối với sự thịnh vượng liên tục của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tất cả các bên đều có lợi ích khi UNCLOS được tôn trọng”, ông McCully khẳng định.

          Sự tham gia củaNew Zealandkhiến TQ bất an

          Truyền thông Trung Quốc nhiều lần cảnh báo “New Zealand là quốc gia đứng ngoài vấn đề tranh chấp hiện nay và làm một bên không liên quan. Bất cứ nỗ lực nào của Wellington nhằm phá vỡ cam kết không ủng hộ bên nào trong vấn đề này cũng sẽ gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới mối quan hệ kinh tế đang suôn sẻ giữa Trung Quốc và New Zealand”. Hôm 9/7/2018, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết “sự phát triển của Trung Quốc không gây ra mối đe dọa cho bất cứ ai. Chúng tôi kêu gọi New Zealand nên hiểu đúng về Trung Quốc và quan hệ của chúng tôi với New Zealand, chúng tôi kêu gọi họ khắc phục các hành động sai trái và nên làm những gì có lợi cho sự tin tưởng lẫn nhau và hợp tác giữa Trung Quốc và New Zealand”.

          Lập trường, quan điểm của Việt Nam

          Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông vừa là lợi ích vừa là trách nhiệm của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Quan điểm của Việt Nam là mọi hoạt động của các nước ở Biển Đông phải đóng góp tích cực vào mục tiêu trên với tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS”. “Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông vừa là lợi ích vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Hoạt động của các bên ở Biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực”. Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố.

RELATED ARTICLES

Tin mới