Dự án phát triển thủ đô hành chính mới cho Ai Cập của Công ty xây dựng China Fortune Land Development (CFLD – Trung Quốc) đã vấp phải những bất đồng về chia sẻ doanh thu.
Dự án phát triển thủ đô hành chính mới cho Ai Cập của CFLD đã bị hủy bỏ. Ảnh: Egypt Independent
Hãng tin Bloomberg hôm 17-12 cho biết dự án nói trên đã bị hủy bỏ sau 2 năm đàm phán vất vả giữa chính quyền Cairo và CFLD. Ai Cập muốn 40% doanh thu từ dự án nhưng CFLD chỉ đưa ra con số 33%.
CFLD bắt đầu đàm phán với chính phủ Ai Cập từ tháng 6-2016 và đã ký một bản ghi nhớ vào tháng 10 năm đó, nội dung lập kế hoạch, phát triển, quản lý và tiếp thị một phần thủ đô hành chính mới. Dự án dự kiến biến một vùng sa mạc rộng 700 km2 thành một trung tâm hiện đại bao gồm các tòa nhà chính phủ, đại sứ quán nước ngoài và các công ty lớn.
Nó còn giúp giảm bớt áp lực đối với Cairo – thành phố 1.000 năm tuổi với 23 triệu người sinh sống và thường xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Người đứng đầu công ty được thành lập để giám sát hoạt động xây dựng thủ đô hành chính mới của Ai Cập, Ahmed Zaki Abdeen, xác nhận các cuộc đàm phán giữa hai bên đã dừng lại.
Việc không đạt được thỏa thuận với CFLD làm dấy lên câu hỏi về khả năng thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Ai Cập.
Tuy nhiên, điều đó có thể không ngăn cản được các công ty nhà nước Trung Quốc theo đuổi các cơ hội khác ở Ai Cập nhờ vào mối quan hệ chặt chẽ giữa hai chính phủ.
Các quan chức CFLD không bình luận khi được hỏi về dự án bị hủy bỏ nói trên.
Thứ trưởng Các cộng đồng nhà ở và đô thị Ai Cập Khaled Abbas cho biết Cairo có thể sẽ hợp tác với CFLD trong một dự án phát triển khác mà không phải ở thủ đô hành chính mới. Đây có thể là một giải pháp thay thế cho dự án này.
Ngoại trừ khu vực kinh doanh được phát triển bởi một công ty Trung Quốc khác, hoạt động xây dựng và phát triển thủ đô hành chính mới của Ai Cập cho đến nay được thực hiện bởi Bộ Nhà ở, quân đội Ai Cập và các nhà thầu trong nước.
Ai Cập đã tìm mọi cách để thu hút các khoản đầu tư lớn từ nước ngoài bên cạnh lĩnh vực dầu khí, ngay cả sau khi thả nổi tiền tệ vào tháng 11-2016.
Cairo cũng đồng ý một số điều kiện nghiêm ngặt để giành được khoản vay 12 tỉ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Vốn đầu tư nước ngoài vào Ai Cập đã giảm 200 triệu USD xuống còn 7,7 tỉ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6-2018.