Vào thời điểm chúc mừng cho thành tích của Trung Quốc nhân dịp 40 năm cải cách và mở cửa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây ra một cuộc chiến thương mại khiến Bắc Kinh thiệt hại.
Một tấm ảnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trưng bày tại Bảo tàng Cải cách và mở cửa tại Bắc Kinh. Ảnh: CNN.
40 năm Trung Quốc chuyển mình
Khi Victor Gao lớn lên ở vùng nông thôn Trung Quốc vào những năm 1970, ô tô và xe tải hiếm hoi đến nỗi ông có thể cùng những đứa trẻ khác chạy đuổi theo những chiếc xe qua những con đường đất, cảm thấy vui mừng trước cảnh tượng kỳ lạ khi lần đầu nhìn thấy một chiếc ô tô.
Ngày nay, Trung Quốc là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, với công suất hơn gấp đôi so với Mỹ.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một gia đình Trung Quốc bình thường sẽ sở hữu một chiếc ô tô. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng Trung Quốc sẽ là một cường quốc sản xuất ô tô. Việc Trung Quốc sản xuất nhiều ô tô hơn Mỹ vượt ra ngoài giấc mơ điên rồ nhất của tôi”, ông Gao nói.
Ngày 18/12 đánh dấu 40 năm kể từ khi Trung Quốc khởi động quá trình sẽ biến nước này từ một quốc gia nghèo đói thành một siêu cường kinh tế.
Thời đại thay đổi lớn này được biết đến rộng rãi với tên gọi quá trình “cải cách và mở cửa” do nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khởi xướng.
Khi ông Đặng Tiểu Bình phát biểu trước lãnh đạo Đảng Cộng sản vào tháng 12/1978, trong một bài phát biểu được coi là khởi đầu của kỷ nguyên cải cách, GDP của Trung Quốc chỉ dưới 150 tỷ USD. 40 năm sau, GDP của Trung Quốc đã tăng lên hơn 12.000 tỷ USD, chỉ xếp sau Mỹ.
Quá trình cải cách và mở cửa đã thay đổi và có tác động sâu rộng với xã hội Trung Quốc chỉ trong chưa đầy nửa thế kỷ.
Năm 1978, Trung Quốc rơi vào tình trạng nghèo đói. Nền kinh tế trên bờ vực phá sản. Ngày nay, Trung Quốc nắm giữ khoảng 10% tài sản toàn cầu. Chỉ trong 20 năm qua, mức độ giàu có trên mỗi người trưởng thành đã tăng gấp 4 lần, khiến chưa đến 1% dân số rơi vào tình trạng cực kỳ nghèo đói. Trung Quốc hiện có 600 tỷ phú, cao hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Cuộc khủng hoảng lớn nhất của ông Tập Cận Bình
Vào thời điểm kỷ niệm 40 năm quá trình cải cách và mở cửa, ở trong nước, một số người đã nhận thấy, ông Tập Cận Bình đang trở nên nổi bật hơn khi được truyền thông ca ngợi là “kiến trúc sư trưởng” của cải cách và mở cửa của Trung Quốc.
Các biện pháp kinh tế và thông điệp chính trị được nhiều người xem là một phần của nỗ lực xác lập kỷ nguyên “Tập Cận Bình” mới, được đánh dấu bằng ngoại giao quyết đoán và sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản, sẽ củng cố một đường lối trong những năm cải cách và mở cửa.
Willy Lam, giáo sư tại Đại học Hồng Kông và nhà nghiên cứu Trung Quốc lâu năm, trả lời với CNN rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc đầy tham vọng không muốn có bất cứ nghi ngờ gì về vai trò của mình trong lịch sử đất nước.
“Tôi đã đọc tất cả các bài phát biểu mà ông Tập Cận Bình đã sử dụng trong chuyến công tác 4 ngày đến Quảng Đông để kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa. Tôi đã rất ngạc nhiên vì ông thậm chí còn không đề cập đến tên ông Đặng Tiểu Bình”, nhà nghiên cứu này nói với CNN.
Nhưng khi thời điểm kỷ niệm 40 năm quá trình cải cách và mở cửa đến gần, một trận chiến đang diễn ra để quyết định tương lai kinh tế của Trung Quốc.
Vào thời điểm nên chúc mừng cho ông Tập Cận Bình và Trung Quốc đang tiến lên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây ra một cuộc chiến thương mại bất ngờ và gây thiệt hại, buộc Trung Quốc phải xem xét lại các kế hoạch kinh tế của mình.
Nhà lãnh đạo Mỹ đã áp dụng thuế quan đối với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD nhập khẩu của Trung Quốc, yêu cầu mở cửa cho các công ty nước ngoài nhiều hơn và giảm bớt hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc cho các ngành công nghiệp chính trong nước.
“Ông Tập Cận Bình đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong toàn bộ sự nghiệp của mình và ở giai đoạn này, ông không có nhiều quân bài như người Mỹ”, Willy Lam nói.