Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giới40 năm TQ cải cách: Ông Tập đọc diễn văn hùng hồn...

40 năm TQ cải cách: Ông Tập đọc diễn văn hùng hồn nhưng điều quan trọng nhất thì “quên”

Những khó khăn và thách thức là điều được ông Tập Cận Bình nêu ra trong diễn văn kỷ niệm 40 năm Trung Quốc tiến hành công cuộc cải cách mở cửa.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc diễn văn trong lễ kỷ niệm 40 năm Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa, ngày 18/12/2018 (Ảnh: AP)

Nêu thành tựu, thách thức nhưng không giải pháp

Lễ kỷ niệm quy mô lớn được tổ chức tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh ngày 18/12, mở đầu bằng nghi thức vinh danh 100 “nhà cải cách tiên phong” của Trung Quốc, cùng 10 người nước ngoài được trao Huân chương hữu nghị Trung Quốc nhờ có đóng góp cho công cuộc cải cách mở cửa của nước này – bao gồm cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.

Trong bài diễn văn khoảng 1 tiếng rưỡi, chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc là chìa khóa để Trung Quốc trỗi dậy trong hơn 40 năm qua. Dù vậy, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) bình luận, bài phát biểu hùng hồn của ông hé lộ rất ít về tương lai của cuộc cải cách và những kỳ vọng mạnh từ các chuyên gia thị trường về những sáng kiến mới được công bố để mở cửa tự do hơn nữa nền kinh tế.

Ông Tập cũng không đề cập cụ thể nào bất kỳ thách thức mà Trung Quốc đối mặt, bất chấp thực tế kinh tế tăng trưởng giảm tốc và hệ quả của chiến tranh thương mại với Mỹ đã có tác động rõ rệt lên thị trường trong nước.

Thay vào đó, ông dành phần lớn thời lượng diễn văn để tán dương thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc trong 4 thập kỷ qua, kể từ thời lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.

Điều được nhấn mạnh nhất, bài học thành công rút ra trong 40 năm qua – theo chủ tịch Trung Quốc – là nước này phải kiên trì vững chắc theo sự lãnh đạo của đảng.

“Mỗi một bước cải cách mở cửa đều không phải là điều dễ dàng, trong tương lai chúng ta chắc chắn sẽ đối mặt với những thách thức và rủi ro, thậm chí gặp phải sóng gió và bão táp không thể tưởng tượng,” ông Tập Cận Bình phát biểu trước khoảng 3.000 quan chức cùng các khách mời nước ngoài tại Đại lễ đường nhân dân.

“Đảng chúng ta cần phải nắm vững toàn cuộc, phối hợp các phương hướng, kiên trì đường lối quản trị khoa học, dân chủ, tuân thủ luật pháp, hoàn thiện phương thức lãnh đạo và quản trị của đảng, nâng cao trình độ lãnh đạo và năng lực quản trị, không ngừng nâng cao năng lực nắm phương hướng, tính toán đại cuộc, hoạch định chính sách, thúc đẩy cải cách, bảo đảm con thuyền cải cách mở cửa vượt sóng tiến lên theo lộ trình chính xác.”

Diễn văn không được như kỳ vọng

Ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc phải kiên định với lộ trình đã lựa chọn, khẳng định con đường, học thuyết, hệ thống, và văn hóa Xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc là “hoàn toàn đúng đắn”.

Trong thông điệp được cho là cam kết đường hướng tiếp cận và trấn an phương Tây, lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố nước này “sẽ tiến hành cải cách và mở cửa đến cùng”.

Ông Tập Cận Bình ca ngợi Đặng Tiểu Bình với công mở đường cho cải cách, và ghi nhận đóng góp của những người tiền nhiệm Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào trong việc đưa cải cách mở cửa đi đúng phương hướng, dù hai cựu lãnh đạo đều vắng mặt trong lễ kỷ niệm ngày hôm qua.

Julian Gewirtz, học giả tại Trung tâm nghiên cứu sự vụ quốc tế Weatherhead, thuộc Đại học Harvard, Mỹ, đánh giá mục tiêu hàng đầu trong diễn văn của chủ tịch Trung Quốc là tạo điểm nhấn vào sức mạnh trong chiến lược cải cách của ông.

“Đối với ông Tập, khía cạnh quan trọng nhất trong lịch sử 40 năm qua của Trung Quốc chính là sự độc đáo và ‘hoàn toàn đúng đắn’ của ban lãnh đạo đảng,” Gewirtz nói với SCMP.

“Bất chấp căng thẳng quốc tế và những lo ngại trong nước về tình hình kinh tế, rõ ràng lễ kỷ niệm này nhằm củng cố ‘lòng tin’ và lan truyền ‘năng lượng tích cực’.”

Lễ kỷ niệm 40 năm cải cách mở cửa diễn ra trong tình hình Trung Quốc vật lộn với tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm lại và Mỹ đe dọa tái áp đặt thuế quan nếu hai nước không đạt được thỏa thuận thương mại hợp lý. Trong nước, doanh nghiệp tư nhân bất an và phàn nàn nhiều về tình trạng doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh thiếu công bằng, đặc biệt là trong tiếp cận thị trường và các nguồn lực, tài nguyên.

Trong những tháng gần đây, các lãnh đạo Trung Quốc – kể cả ông Tập – nhiều lần trấn an thị trường trong nước với cam kết trung ương sẽ “ủng hộ kiên định”, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi các chính sách và hành động cụ thể được đưa ra.

“Phát biểu của ông Tập không hé lộ bất kỳ biện pháp cải cách bền vững nào như mọi người kỳ vọng,” một nhà quản trị cấp cao từ doanh nghiệp công nghệ ở Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, cho biết.

Các chỉ số chứng khoán ở Thượng Hải và Thâm Quyến đã tăng ở đầu phiên giao dịch ngày 18, trước hy vọng các chính sách mới sẽ được ông Tập hé lộ, nhưng đều sụt giảm trở lại sau bài diễn văn. Chỉ số chỉ tăng nhẹ vào buổi chiều và kết thúc ở mức thấp hơn đầu phiên.

Nhà phân tích Chương Lập Phàm ở Bắc Kinh nhận định, với những khó khăn bên ngoài lẫn nội bộ, sự kiện ngày 18 thể hiện “ông Tập cần nêu cao sức mạnh của đảng và yêu cầu [tất cả quan chức] đồng lòng vượt qua thời điểm khó khăn này”.

RELATED ARTICLES

Tin mới