Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang khiến một số quốc gia rơi vào thế kẹt, điển hình như Canada. Nhưng cũng có nước hưởng lợi và theo Forbes thì Việt Nam sẽ “ngư ông đắc lợi” dù không phải một sớm một chiều. Chúng tôi xin lược dịch bài viết của tác giả Ralph Jennings trên Forbes.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới – Ảnh: Internet
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang khiến một số quốc gia rơi vào thế kẹt, điển hình như Canada. Nhưng cũng có nước hưởng lợi và theo Forbes thì Việt Nam sẽ “ngư ông đắc lợi” dù không phải một sớm một chiều. Chúng tôi xin lược dịch bài viết của tác giả Ralph Jennings trên Forbes.
Dù tin hay không, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung năm 2018 đang cản trở xuất khẩu của Trung Quốc. Hàng rào thuế quan mà Mỹ áp dụng trong năm nay đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc là một cú đánh trực diện đối với các nhà máy sản xuất của Trung Quốc vốn nhắm vào người tiêu dùng Mỹ.
Thêm áp lực đối với Trung Quốc là Việt Nam – với chi phí rẻ hơn – đang trở thành nơi hút đi các nguồn đầu tư tiềm năng. Thậm chí, các nhà phân tích cho biết nhiều công ty đa quốc gia đang muốn tìm đến Việt Nam để họ có thể xuất khẩu hàng hóa được miễn giảm thuế.
Thuận lợi của Việt Nam
Việt Nam đang cải cách thủ tục hành chính để việc đầu tư trở nên dễ dàng, chi phí lao động thấp hơn ở Trung Quốc và nước này đang trong quá trình ký kết các thỏa thuận thương mại tự do. Trong lúc đó, nhiều công ty đa quốc gia lại đang tìm kiếm các địa chỉ đầu tư phù hợp, đồng thời hy vọng vẫn tiếp cận được với thị trường tiêu thụ Trung Quốc.
Ông Kevin Snowball, giám đốc điều hành của PXP Vietnam Asset Management tại TP.HCM cho biết các công ty phải tìm mặt bằng trong các khu công nghiệp, họ phải xây dựng nhà máy nếu họ chưa có và họ phải nhập khẩu máy móc. “Nhưng dường như có một cảm giác rằng Việt Nam là điểm đến thay thế số 1”, ông Snowball cho biết.
Công ty Foxconn Technology, nhà lắp ráp gia công đồ điện tử lớn nhất thế giới, bao gồm cả iPhone, có thể sẽ tìm đến Việt Nam. Công ty Đài Loan này, nơi đã điều hành một loạt các nhà máy lớn ở Trung Quốc, đang đàm phán với thành phố Hà Nội về việc thành lập một nhà máy iPhone để giảm tác động của cuộc chiến thương mại, theo báo cáo của Vietnam Investment Review.
Vào tháng 10, truyền thông Việt Nam đưa tin rằng GoerTek có trụ sở tại Trung Quốc đã lên kế hoạch chuyển sản xuất tai nghe không dây từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh căng thẳng thương mại leo thang. Nhà sản xuất phụ tùng xe đạp Trung Quốc Hl Corp hồi tháng 8 đã nói với các nhà đầu tư rằng thuế quan cũng ảnh hưởng đến quyết định chuyển sản xuất sang Việt Nam.
Việt Nam không thiếu lợi thế. Thặng dư thương mại Việt Nam với Mỹ đạt 35,8 tỉ USD với tổng xuất khẩu đạt 46,5 tỉ USD, nhưng Washington không coi đó là sự chênh lệch.
Việt Nam đang quyết tâm phát triển sau nhiều thập niên chịu ảnh hưởng từ chiến tranh, đã thu hút đầu tư từ nước ngoài bằng cách giữ chi phí lao động ở mức thấp. Hơn nữa, Việt Nam có vị trí lý tưởng cho vận tải biển và có biên giới đất liền giáp với Trung Quốc nên từ đó vẫn rất thuận lợi để đưa hàng hóa vào thị trường đông dân nhất thế giới.
Nền kinh tế Việt Nam nói chung đã khởi sắc kể từ khi nước này dập tắt các vấn đề kinh tế vĩ mô xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lúc này, Việt Nam đang nỗ lực hoàn tất hiệp ước thương mại tự do với Liên minh châu Âu và với 10 quốc gia vành đai Thái Bình Dương (Pacific Rim).
Nhưng không phải một sớm một chiều
Đầu tư trực tiếp nước ngoài thực sự đã giải ngân tại Việt Nam vào tháng trước với tổng trị giá 1,4 tỉ USD, đó là sự tụt giảm nếu so với cùng kỳ năm trước là 1,8 tỉ USD. Đăng ký đầu tư trong 11 tháng đầu năm 2018 đạt 23,18 tỉ USD, giảm 16% so với năm trước, Fiachra MacCana, trưởng phòng nghiên cứu của một công ty môi giới chứng khoán TP.HCM cho biết. Điều này cho thấy việc chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn chỉ là các dấu hiệu chứ chưa thành tiền tươi thóc thật ngay lập tức.
“Những gì chúng tôi thấy là ở cấp độ vi mô và trên truyền thông ở khắp mọi nơi là đang có một sự thay đổi lớn. Nhưng việc thay đổi sản xuất cần có thời gian. Vẫn chưa có ai bóp cò cả”, ông MacCana nói.
Nhiều nhà đầu tư đã trì hoãn vì vẫn lo lắng các cơ chế thiết lập một nhà máy tại Việt Nam, các nhà phân tích thực địa cho biết. Trong đó lo lắng lớn nhất là thời gian để có được giấy phép cần thiết cũng như khó tìm thấy mặt bằng và lao động chuyên môn đối với một số loại hình sản xuất.
Ngoài ra, một số công ty vẫn còn tâm lý muốn giữ chân ở thị trường Trung Quốc nên chưa sẵn sàng rút các cơ sở sản xuất khỏi thị trường này, theo phân tích của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates.