Kế hoạch quốc phòng 5 năm trị giá 244 tỉ USD mới của Nhật Bản đã được thông qua ngày hôm qua (18/12). Theo đó, kế hoạch này đề nghị nâng cấp hai chiến hạm mang trực thăng thành tàu sân bay để có thể cho các chiến đấu cơ của Mỹ cất cánh từ đó.
Trong khi đó, Nhật Bản đã có kế hoạch mua 42 chiếc chiến đấu cơ tàng hình tối tân thế hệ thứ năm F-35 của hãng Lockheed Martin, Mỹ.
Động thái tăng cường sức mạnh quân sự đáng kế của Thủ tướng Shinzo Abe diễn ra vào thời điểm khi các bộ trưởng trong nội các Nhật Bản đang thực sự lo lắng về những hành động của Trung Quốc trong thời gian qua đồng thời tiếp tục quan ngại vì Triều Tiên vẫn là một mối đe dọa.
Tuy nhiên, động thái của Tokyo cũng gây tranh cãi khi những người chỉ trích cho rằng việc đó sẽ khiến chính quyền Tokyo rời xa cam kết tuân thủ chặt chẽ chính sách chỉ theo đuổi năng lực phòng thủ mà Nhật Bản đưa ra trong hiến pháp hòa bình thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ II.
“Chúng tôi sẽ đảm bảo cả về số lượng và chất lượng của năng lực phòng thủ ở mức cần thiết… để có thể đáp ứng với môi trường an ninh đang thay đổi ngày một nhanh chóng”, Tổng thư ký nội các Nhật Bản – ông Yoshihide Suga cho biết tại một cuộc họp báo định kỳ diễn ra ngày hôm qua. “Chúng tôi tin rằng điều đó nằm trong phạm vi những gì cho phép trong hiến pháp”, ông Suga nói thêm.
Theo kế hoạch 5 năm vừa được phê chuẩn ngày hôm qua, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản sẽ đạt một mức kỷ lục mới lên 192 tỉ bảng Anh đến tháng Ba năm 2024. Bản kế hoạch này kêu gọi Bộ Quốc phòng nâng cấp hai chiếc tàu khu trục lớp Izumo thành tàu sân bay để các chiến đấu cơ có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng như F-35 có thể hoạt động trên những con tàu này.
Một kế hoạch riêng rẽ khác cũng được nội các Nhật Bản thông qua ngày hôm qua cho phép nước này mua đến 42 chiếc chiến đấu cơ F-35 trong thập kỷ tới và phiên bản F-35B được xem là ứng cử viên nặng ký nhất. Tokyo cũng có kế hoạch trong giai đoạn này mua đến 105 F-35A – một phiên bản cất cánh và hạ cánh thông thường của F-35 và không thể được sử dụng trên các tàu khu trục được nâng cấp.
Phản ứng trước loạt thông tin trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cho rằng, những quan ngại của Nhật Bản về quân đội Trung Quốc là “không có lợi cho sự phát triển và cải thiện của mối quan hệ Trung-Nhật”.
Bắc Kinh bày tỏ sự “không hài lòng rất lớn và phản đối mạnh mẽ” đồng thời “kêu gọi Nhật Bản tuân thủ chặt chẽ chính sách chỉ theo đuổi năng lực phòng thủ đơn thuần”, phát ngôn viên Hua nhấn mạnh tại cuộc họp báo ngày hôm qua.
Động thái tăng cường sức mạnh quân sự nói trên của Nhật Bản chắc chắn sẽ khiến nước láng giềng Trung Quốc lo ngại bởi nó diễn ra trong thời điểm mà quan hệ Trung-Nhật đặc biệt căng thẳng. Trung Quốc đang ngày càng nổi lên một cách đáng lo ngại trong khu vực. Bắc Kinh được cho là đã tăng chi tiêu quốc phòng từ 10 tỉ USD năm 1997 lên con số chóng mặt 150 tỉ USD vào 20 năm sau đó – năm 2017. Giữa Trung Quốc và Nhật Bản hiện đang có cuộc tranh chấp quyết liệt xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Ngoài ra, giữa Trung Quốc và Nhật Bản còn có cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ngầm ở khu vực và trên thế giới.
Trung Quốc đặc biệt lo ngại trước thông tin Nhật Bản sẽ cải tiến hai chiếc tàu khu trục lớp Izumo tối tân của nước này thành những chiếc tàu sân bay thực thụ được trang bị những chiếc chiến đấu cơ cực mạnh F-35B.
Tàu Izumo là một chiếc tàu chiến hùng dũng dài 250m và có trọng lượng nước rẽ là 27.000 tấn. Đây là chiếc tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ II. Con tàu khổng lồ này của Nhật có thể mang tới 14 chiếc trực thăng và nó được ví là không khác gì một chiếc tàu sân bay – loại tàu được ví là bá chủ của đại dương. Trong khi đó, chiến đấu cơ F-35 do hãng Lockheed Martin thiết kế và phát triển dựa trên phiên bản máy bay X-35 trước đó. Đây là loại chiến đấu cơ tiêm kích đa năng tàng hình hiện đại và cơ động bậc nhất thế giới. Máy bay này được phát triển để thực hiện các nhiệm vụ như tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trinh sát và phòng không.
Dự án F-35 được ca ngợi là kỳ tích công nghệ, tạo ra sản phẩm có thể thống trị bầu trời. F-35 có 3 phiên bản khác nhau gồm F-35A, F-35B và F-35C. Trong đó, F-35A có khả năng cất và hạ cánh như máy bay chiến đấu thông thường; F-35B cất và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng và F-35C triển khai trên các tàu sân bay.
Các thông số kỹ thuật của F-35 cho thấy đây là một thế hệ máy bay tàng hình vượt bậc, với chiều dài khoảng 15m, có sức chứa trong hơn 7.200 lít nhiên liệu và có thể bay với tốc độ lên tới hơn 1.920 km/h. Vũ khí mà F-35 được trang bị cũng hết sức tối tân, bao gồm 1 khẩu pháo GAU-12/U 25 mm – gắn từ 180 quả đạn đến 220 quả đạn tùy phiên bản nâng cấp. F35 được trang bị tên lửa, bom nhiều hơn và một thùng nhiên liệu phụ. Trong thân máy bay, tối đa có 4 tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM hoặc 2 tên lửa đối không và 2 tên lửa đối đất.