Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLo điện mặt trời theo 'vết xe TQ':Đâu là sự thật?

Lo điện mặt trời theo ‘vết xe TQ’:Đâu là sự thật?

“EVN đang nhìn vào lợi ích riêng của ngành vì mua lại điện từ nhiện điện than, thủy điện thì phần hưởng lợi sẽ lớn hơn…”

Làm ngược

Ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (Green ID) nhắc lại những lo ngại trong vấn đề quy hoạch các dự án điện mặt trời của Bộ Công thương sẽ làm đường dây truyền tải rơi vào tình trạng đầy tải, quá tải.

Hay những cảnh báo về việc năng lượng tái tạo của Việt Nam đi theo vết xe đổ của Trung Quốc; hay giá mua điện mặt trời khá cao (9,35UScent/kWh), tạo ra thị trường mua bán dự án trở nên quá nóng… như khẳng định phần trách nhiệm của Bộ Công thương.

Ông Sính nhấn mạnh, trong việc phát triển năng lượng tái tạo như mặt trời và gió, Bộ Công thương đang làm ngược. Cho đến nay Việt Nam chưa có quy hoạch quốc gia về năng lượng tái tạo.

Theo ông Sính, lẽ ra Bộ Công thương phải lập quy hoạch trước, vùng nào có công suất bao nhiêu, hệ thống đường dây truyền tải như thế nào, vận chuyển ra sao, sau đó mới đưa ra giá mua điện bao nhiêu, thời hạn mua là bao nhiêu.

Tuy nhiên, Bộ Công thương lại đưa ra giá mua là 9,35 cent/1kWh trước khi thực hiện các bước đã nêu.

Hậu quả là nơi nào có tiềm năng lớn là các nhà đầu tư xông vào làm nhà máy trong khi chưa có quy hoạch lưới truyền tải mà vẫn dựa vào lưới hiện có.

“Như vậy nguy cơ nơi xây nhiều, nơi có nhiều nguồn mà lưới truyền tải không đủ, gây quá tải là hiển nhiên”, ông Sính phân tích và cho rằng, chỉ đạo của Thủ tướng rất kịp thời nhằm nhắc Bộ Công thương phải làm quy hoạch cho đúng.

Trao đổi thêm, ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định) lại lo ngại về nguy cơ thiếu điện, gây mất an toàn, an ninh năng lượng quốc gia.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nguy cơ thiếu điện trong năm 2019 ngày càng ở mức đáng lo ngại.

Nguyên nhân chính là do nhiều nhà máy nhiệt điện phải “đóng cửa” do thiếu nguyên liệu than và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trong khi, các nhà máy thủy điện cũng không tích đủ nước, cùng với đó là sản lượng điện khí giảm, dẫn tới khả năng thiếu điện tới hết năm 2019.

Do đó, phát triển năng lượng tái tạo mặt trời được xem là một giải pháp quan trọng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là xu hướng phát triển chung của thế giới, đang nhận được rất nhiều sự quan tâm.

Tuy nhiên, do là loại hình năng lượng mới, giá thành sử dụng còn cao vì thế, mức giá bán đưa ra cao hơn so với giá điện than hay thủy điện.

“Tôi cho rằng với vai trò quản lý nhà nước của Bộ Công thương, cơ quan này nên đứng ra như một đầu mối xử lý toàn bộ quá trình chuyển tiếp từ điện than sang điện mặt trời, điện gió theo một lộ trình nhất định, tránh gây sốc cho nền kinh tế. Đây là trách nhiệm thuộc Bộ Công thương”, ông Nhường chỉ rõ.

EVN phải đứng trên lợi ích chung

Nói về vai trò của EVN, ĐBQH Lê Công Nhường cho rằng, đứng trên phương diện của một doanh nghiệp kinh doanh, EVN có quyền từ chối đầu tư nếu thấy rủi ro hoặc không có lãi.

Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển năng lượng xanh, sạch đã được Chính phủ đề ra, đây không chỉ là phát triển của một ngành, một lĩnh vực mà còn liên quan tới chiến lược quốc gia, liên quan tới vấn đề an ninh năng lượng. 

Vì thế, EVN cần đứng trên quan điểm phát triển chung, phải đứng trên lợi ích quốc gia để quyết định chứ không phải quyết định dựa trên quan điểm phát triển lợi ích của riêng mỗi ngành.

“EVN đang nhìn vào lợi ích riêng của ngành vì khi EVN mua lại điện từ nhiện điện than, thủy điện thì phần hưởng lợi sẽ lớn hơn mua và bán lại điện mặt trời.

Ví dụ, giá điện than, điện thủy điện đang được mua vào với giá hơn 300 đồng/kwh, trong khi giá bán ra bình quân hơn 1.000 đồng/kwh.

Trong khi đó, giá điện mặt trời bán ra đang được đề xuất với mức giá 9,35UScent/kWh, mức giá này rất có thể nhà nước sẽ phải bù lỗ. Vì lý do này mà EVN không muốn đầu tư đường truyền tải để phát triển điện mặt trời.

Việc này Chính phủ cần phải rất rõ ràng trách nhiệm của từng đơn vị. EVN là tập đoàn nhà nước nhưng lại từ chối nhiệm vụ chính trị là thiếu trách nhiệm với xã hội.

Tôi cho rằng, Chính phủ cần phải có cơ chế chống độc quyền phân phối điện, mở cửa cho nhiều đơn vị khác cùng tham gia, như vậy sẽ buộc EVN đi theo cơ chế thị trường, kinh doanh cạnh tranh và như vậy cũng không còn nhập nhèm, chỉ nhận phần dễ, bỏ lại phần khó nữa”, ông Nhường nói rõ.

RELATED ARTICLES

Tin mới