Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngChính quyền Duterte thu được những gì khi ký thỏa thuận về...

Chính quyền Duterte thu được những gì khi ký thỏa thuận về hợp tác năng lượng ở Biển Đông?

Đối với đất nước và người dân Philippines, một thỏa thuận thăm dò hoặc khai thác dầu khí chung với Trung Quốc tại vùng biển Philippines nằm trong “đường lưỡi bò” sẽ mang lại những hậu quả rất nghiêm trọng đối với chủ quyền trên biển.

Sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Philippines của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một số báo chí khu vực và Philippines đưa tin Trung Quốc và Philippines đã đạt được thỏa thuận về phát triển dầu khí chung tại các vùng biển mà hai bên đều yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Ngày 23/11/2018, tức là sau ba ngày MOU được ký, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Locsin cho biết chưa có thỏa thuận giữa Philippines và Trung Quốc về thăm dò dầu khí chung vùng biển tranh chấp và bản MOU được ký ngày 20/11 trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ là để tìm cách nghiên cứu và thảo luận về triển vọng hợp tác dầu khí giữa hai nước. Gần một tuần sau khi các nhà chính trị đối lập kêu gọi tiến hành điều tra về thỏa thuận, ngày 26/11/2018, Văn phòng của Tổng thống Philippines mới rò rỉ văn bản của MOU về hợp tác năng lượng trên biển giữa Trung Quốc và Philippines do Bộ trưởng Ngoại giao Locsin và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ký ngày 20/11 nhân chuyến thăm Philippines của Chủ tịch Tập Cận Bình. Mặc dù không nêu rõ vị trí những vùng biển mà hai bên dự định hợp tác chung, nhưng qua nghiên cứu nội dung văn bản MOU, quá trình đàm phán trong hai năm qua và phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Locsin thì có thể kết luận rằng, hai bên đang nỗ lực đàm phán để đi đến một thỏa thuận về hợp tác thăm dò dầu khí chung tại vùng biển của Philippines nằm trong “đường lưỡi bò”. Như vậy, có thể nói rằng chính quyền Tổng thống Duterte đã mở ngỏ khả năng có thể hợp tác thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc trong vùng biển của mình. Vậy chính quyền ông Duterte thu được những gì qua việc ký kết bản MOU này?

Những tin tức được đăng tải trên hệ thống thông tin đại chúng cho thấy, với việc ký kết MOU về hợp tác năng lượng trên biển giữa Philippines và Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống Duterte đã thu được một số kết quả nhất định về kinh tế và ngoại giao.

Về kinh tế, Trung Quốc đã phê chuẩn cấp tiền cho dự án xây con đập Kaliwa trị giá 232,5 triệu USD. Tập đoàn Cát Châu Bá của Trung Quốc cam kết sẽ đầu tư 2 tỷ USD để xây dựng một khu công nghiệp tại căn cứ không quân Clark Hoa Kỳ ở Philippines. Cho đến nay, dự án là một trong những khoản đầu tư lớn nhất của Trung Quốc tại nước này. Trung Quốc và Philippines cũng đã ký thỏa thuận xây tuyến đường sắt dài 581km từ Los Banos tới Matnog và thỏa thuận về phát triển cơ sở hạ tầng ở Davao, quê hương ông Duterte. Ngoài ra, theo lời ông Duterte thì ông Tập Cận Bình cũng hứa hẹn sẽ tăng cường thương mại và đầu tư, và tích cực tham gia vào chương trình cơ sở hạ tầng lớn trị giá 180 tỷ USD mang tên “Xây, Xây nữa, Xây mãi” do ông Duterte khởi xướng.

Về ngoại giao, quan hệ giữa hai nước sau chuyến thăm dường như nồng ấm hơn, ít nhất là qua những phát biểu hoa mỹ của hai nguyên thủ quốc gia về tình hữu nghị. Ông Tập tuyên bố: “Hai nước chúng ta sẽ luôn là hàng xóm tốt, bạn bè và đối tác tốt, và cùng hưởng sự phát triển và thịnh vượng chung”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong một tuyên bố gửi qua email, cũng khẳng định “Trung Quốc coi trọng việc hợp tác hữu nghị với Philippines và sẽ tích cực hỗ trợ kế hoạch ‘Xây dựng Lớn, Xây dựng Mạnh’ của Tổng thống Duterte”.

Nhưng có thể nói, những kết quả về kinh tế nói trên là hết sức khiêm tốn và chắc là không đáp ứng được kỳ vọng của Tổng thống Duterte.

Chỉ có 4 dự án nằm trong số 38 dự án mà Trung Quốc hứa hẹn sẽ đầu tư tại Philippines vào năm 2016 được cam kết lại nhân dịp chuyến thăm Philippines vừa qua của ông Tập Cận Bình. Khoản tiền mà Trung Quốc cam kết tài trợ cho các dự án trên chỉ chiếm khoảng 10% số tiền mà Trung Quốc đã cam kết tài trợ cho Philippines khi ông Duterte thăm Trung Quốc hai năm trước đây. Chưa kể, những cam kết tài chính của Trung Quốc lần này chưa chắc sẽ được thực hiện, tương tự như những cam kết ở Bắc Kinh cách đây hai năm. Mặc dù chính quyền của Tổng thống Duterte thúc giục Trung Quốc thực hiện cam kết đầu tư 24 tỷ USD tại Philippines, nhưng phần lớn các thỏa thuận giữa hai bên về các dự án lớn vẫn còn nằm trên giấy. Cho đến nay, theo Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Ernesto Pernia, Philippines mới chỉ được giải ngân một khoản vay 73 triệu USD cho dự án thủy lợi và một khoản viện trợ 75 triệu USD để xây dựng hai cây cầu tại Manila.

Về quan hệ với Trung Quốc, ông Duterte tự hào là đã xây dựng được mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc, biến Trung Quốc từ một nước thù địch trở thành một người bạn lớn đáng tin cậy của Philippines. Nhận định đó có lẽ chỉ đúng với ông Duterte, chứ chưa hẳn đúng vớiđất nước và nhân dân Philippines. Ông Duterte coi Bắc Kinh là người bạn đáng tin cậy và Bắc Kinh cũng coi ông là người bạn đáng tin cậy của mình. Nhưng Trung Quốc có lẽ không phải là “hàng xóm tốt, bạn bè và đối tác tốt” của Philippines như lời nói của ông Tập Cận Bình. Trung Quốc vẫn đang đe dọa chủ quyền trên biển của Philippines, vẫn muốn lấy chủ quyền trên biển của Philippines. Trung Quốc vẫn khẳng định chủ quyền và quyền sở hữu đối với vùng biển của Philippines nằm trong “đường lưỡi bò”. Người ta có thể đặt câu hỏi một nước lúc nào cũng lăm le muốn chiếm đoạt chủ quyền và tài nguyên trên biển của Philippines thì nước đó có thể là “người bạn tốt, hàng xóm tốt, đối tác tốt” của Philippines hay không?

Bên cạnh những cái được ít ỏi nói trên, chính quyền của Tổng thống Duterte và đất nước Philippines cũng mất rất nhiều.

Đối với Tổng thống Duterte thì đó là sự mất lòng tin của người dân Philippines về quyết tâm của ông trong công cuộc bảo vệ chủ quyền trên biển. Theo kết quả một cuộc thăm dò được thực hiện ngay trước chuyến viếng thăm Philippines của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 84% người dân Philippines không chấp nhận việc chính phủ Manila đã không có hành động gì ở vùng Biển Đông, không chịu phê phán việc Trung Quốc củng cố hiện diện quân sự ở Biển Đông, cũng như không chịu yêu cầu Trung Quốc tuân theo Phán quyết Tòa Trọng tài. Người dân Philippines cho rằng ông Duterte đã nhún nhường Trung Quốc quá nhiều về chính trị để chạy theo những hứa hẹn cho vay và đầu tư hàng tỷ USD, nhưng chưa được thực hiện. Sự tín nhiệm của người dân đối với Tổng thống Duterte chắc chắn sẽ xuống thấp hơn nữa sau việc ông ký bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng trên Biển Đông với Trung Quốc.

Bản thân Tổng thống Philippines cũng mất mát không nhỏ: sự tín nhiệm của cử tri đối với ông ngày càng bị suy giảm. Nếu chính thức ký kết một thỏa thuận thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc tại vùng biển Philippines nằm trong “đường lưỡi bò”, chính quyền của Tổng thống Duterte và bản thân ông Duterte khó có thể giành được sự ủng hộ của cử tri Philippines trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sẽ được tổ chức vào năm 2019 và trong cuộc bầu cử Tổng thống sẽ được tiến hành vào năm 2020. Đó là vấn đề ông Duterte phải tính toán thận trọng trong 12 tháng tới.

Các nhà chính trị đối lập Philippines cũng lên tiếng chỉ trích gay gắt chính quyền của Tổng thống Duterte về việc ký thỏa thuận hợp tác dầu khí với Trung Quốc trên Biển Đông. Theo tờ Finacial Times, Thượng nghị sĩ Senator Antonio Trillanes IV cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc về hợp tác dầu khí chung tại vùng biển Philippines cũng sẽ làm suy yếu các quyền chủ quyền của Philippines và vi phạm hiến pháp của đất nước. Trước khi MOU được ký kết, ông Fernando Hicap, người lãnh đạo tổ chức công đoàn ngư dân, nói với New York Times rằng Philippines có thể sẽ ký kết thỏa thuận triển khai kế hoạch hợp tác trong chuyến thăm của ông Tập, và đó là hành động “tương tự với sự đầu hàng hoàn toàn trước tuyên bố chủ quyền và sự kiểm soát của Trung Quốc tại vùng biển giàu tài nguyên” của Philippines.

Đối với đất nước và nhân dân Philippines, cái mất lớn nhất là thông qua việc ký MOU, về nguyên tắc chính quyền của Tổng thống Duterte đã gián tiếp thừa nhận vùng biển Philippines nằm trong “đường lưỡi bò” là vùng biển tranh chấp và đặt Trung Quốc ngang hàng với Philippines trong vùng biển Philippines, mặc dù theo luật pháp quốc tế và Phán quyết Tòa Trọng tài, Philippines có quyền chủ quyền và quyền tài phán không thể chối cãi đối với tài nguyên trong vùng biển của mình. Cái mất thứ hai là việc ký MOU nói trên đã phần nào vô hiệu hóa Phán quyết PCA, một cơ sở pháp lý quan trọng để Philippines đối phó với Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Việc tự vô hiệu hóa Phán quyết PCA và xa rời cơ sở luật pháp quốc tế sẽ làm suy yếu chủ quyền trên biển của Philippines. Về lâu dài, sức ép về chủ quyền đối với Philippines chẳng những không giảm mà sẽ tăng lên bởi vì bản MOU sẽ càng củng cố yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông nói chung và trong vùng biển của Philippines nói riêng.

Việc làm của chính quyền Tổng thống Duterte rõ ràng là đã đi ngược lại nguyện vọng của phần lớn người dân Philippines và lợi ích của đất nước Philippines.

Tóm lại, với việc ký MOU về hợp tác dầu khí trên Biển Đông, những kết quả mà Philippines thu được rất khiêm tốn, nhưng những tổn thất thì quá to lớn. Đối với đất nước và người dân Philippines, một thỏa thuận thăm dò hoặc khai thác dầu khí chung với Trung Quốc tại vùng biển Philippines nằm trong “đường lưỡi bò” sẽ mang lại những hậu quả rất nghiêm trọng đối với chủ quyền trên biển của Philippines. Trước hết, vùng biển của Philippines sẽ chính thức bị biến thành vùng biển tranh chấp. Về lâu dài, vùng biển của Philippines sẽ không còn là của người Philippines. Vì thế, người dân Philippines chắc chắn sẽ không cho phép chính quyền của Tổng thống Duterte ký kết một thỏa thuận tai hại như vậy.

RELATED ARTICLES

Tin mới