Sunday, January 12, 2025
Trang chủBiển nóngMở căn cứ quân sự ở Biển Đông: Động thái mới của...

Mở căn cứ quân sự ở Biển Đông: Động thái mới của Indonesia nhằm đối phó với ảnh hưởng từ TQ

Tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Indonesia Hadi Tjahjanto cho biết Indonesia hôm 18/12 đã mở một căn cứ quân sự mới nằm ở Selat Lampa trên đảo Natuna Besar thuộc quần đảo Natuna ở Biển Đông, với quy mô hơn 1.000 binh lính, nhằm đối phó với bất kỳ mối đe dọa an ninh tiềm tàng nào, đặc biệt là ở khu vực biên giới của Indonesia. Đây là động thái mới nhất của Indonesia cho thấy quyết tâm của nước này trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Căn cứ quân sự mới của Indonesia trên đảo Natuna Besar. Nguồn: ABS-CBN.

Truyền thông Indonesia và các nước cho biết Indonesia hôm 18/12 đã mở một căn cứ quân sự mới nằm ở Selat Lampa trên đảo Natuna Besar thuộc quần đảo Natuna (Biển Đông), có quy mô hơn 1.000 binh lính và nhiều hạ tầng liên quan,có thể cho phép triển khai cả một phi đội máy bay không người lái. Theo Tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Indonesia Hadi Tjahjanto, tiền đồn mớ này này nhằm đối phó với bất kỳ mối đe dọa an ninh tiềm tàng nào, đặc biệt là ở khu vực biên giới của Indonesia.

Indonesia khẳng định họ không phải là quốc gia có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nhưng có xung đột về quyền đánh bắt cá với Trung Quốc ở quanh quần đảo Natuna. Hai bên đã có nhiều lần chạm trán trên biển. Những năm gần đây, Trung Quốc đang ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động xuống phía Nam của Biển Đông, đe dọa trực tiếp chủ quyền của Indonesia tại quần đảo Natuna – Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) có tầm quan trọng đặc biệt với Indonesia. Đỉnh điểm của vấn đề này là vào Tháng 6/2014, khi Trung Quốc công bố bản đồ quốc gia theo chiều dọc (“đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường chính đoạn”) bao phủ toàn bộ Biển Đông, trong đó chồng lấn với EEZ và thềm lục địa của Indonesia tại khu vực quần đảo Natuna. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thường xuyên hoạt động cải tạo mở rộng đảo nhân tạo, quân sự hóa Biển Đông, tập trận khu vực phía Nam Biển Đông, gần vùng biển của Indonesia. Những sân bay mới do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa cách lục địa Trung Quốc ở Hải Nam 1.000 km, nhưng chỉ cách lãnh thổ Indonesia (quần đảo Natuna) khoảng 750 km. Vừa qua, việc Trung Quốc triển khai các hệ thống tên lửa hành trình YJ-12B và tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B tại Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa được giới phân tích cho rằng Trung Quốc có thể ngắm tới các mục tiêu tại Indonesia. Đáng chú ý, đây là nơi diễn mà ngư dân Trung Quốc đánh bắt thủy sản trái phép phổ biến nhất. Theo giới quan sát, Trung Quốc khuyến khích ngư dân đánh bắt cá trong vùng biển các nước và sử dụng vũ khí để đối đầu với lực lượng chấp pháp của Indonesia. Nhiều cuộc đụng độ giữa Indonesia và Trung Quốc đã xảy ra trong vùng biển của Indonesia. Tháng 3/2013, tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã chặn và gây sức ép buộc tàu Indonesia phải thả những ngư Trung Quốc bị Indonesia bắt giữ vì đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Natuna của Indonesia. Trước đó (2010), một tàu ngư chính Trung Quốc đã chĩa súng vào tàu tuần tra của Indonesia, buộc thả tàu cá của Trung Quốc bị bắt giữ vì đánh bắt cá trái phép trong EEZ của Indonesia.

Từ trước đến nay, chính giới và giới chuyên gia Indonesia đều nhận thức rõ Biển Đông có vai trò quan trọng, sống còn đối với Indonesia. Đây tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền khu vực Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, khu vực châu Âu với châu Á và khu vực Trung Đông với châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng 150 đến 200 tàu các loại qua lại Biển Đông. Nhiều nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào tuyến đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua Biển Đông. Biển Đông có những eo biển quan trọng như eo biển Malacca, eo biển Đài Loan là những eo biển khá nhộn nhịp trên thế giới. Do đó, Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, địa chính trị chiến lược, an ninh quốc phòng, giao thông hàng hải và kinh tế. Đối với một quốc đảo như Indonesia, Biển Đông lại càng có vai trò địa chính trị chiến lược quan trọng, ảnh hưởng sống còn đối với nước này. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia ước khoảng 940,953 tỷ USD, trong đó lĩnh vực vận tải hàng hóa, cảng biển, du lịch biển, công nghiệp dầu khí và đánh bắt, chế biến thủy hải sản chiếm tỷ trọng lớn. Khu vực quần đảo Natuna của Indonesia có vai trò chiến lược quan trọng của Indonesia. Đây là tuyến đường hàng hải chung chuyển dầu khí quan trọng từ Trung Đông qua Đông Bắc Á, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, ước tính có khoảng 1,3 tỷ m3 khí tự nhiên, gần bằng một nửa trữ lượng khí đốt của Indonesia. Biển Đông cũng là nơi sinh sống, đánh bắt thủy hải sản của một bộ phận không nhỏ người dân Indonesia. Vì vậy có thể nói, mọi diễn biến tình hình ở Biển Đông đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của Indonesia, nhất là vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Hiện nay vấn đề Biển Đông đã trở thành chủ đề quan trọng nhất tại các diễn đàn khu vực ASEAN và là mối quan tâm của các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia… Với vai trò là một trong những quốc gia nòng cốt của ASEAN, việc thể hiện rõ lập trường và tham gia tích cực trong giải quyết vấn đề Biển Đông sẽ giúp Indonesiakhẳng định và nâng cao vai trò vị thế của mình. Ngoài ra, việc tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông cũng góp phần thực hiện nghiêm các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), giúp bảo vệ chủ quyền của Indonesia do đây là quốc đảo bao gồm hơn 17.000 đảo lớn nhỏ, kéo dài từ Đông sang Tây với tổng chiều dài là 5300 km.

          Indonesia đã chú trọng tăng cường lực lượng, trong đó đặt trọng tâm vào lực lượng hải quân để triển khai các hoạt động nhằm khẳng định và bảo vệ chủ quyền tại vùng biển khu vực đảo Natuna. Từ năm 2014, Chính phủ Indonesia đã thiết lập một đơn vị máy bay chiến đấu F-16 ở Penkanbaru và một đơn vị máy bay trực thăng Apache ở gần Biển Đông để bảo vệ giếng dầu Đông Natuna (còn gọi là Natuna-A Alpha) của Indonesia. Nâng cấp sân bay và triển khai máy bay chiến đấu Su-27 và S-30 đến căn cứ không quân tại Ranai nằm trên quần đảo Natuna. Tổ chức tập trận đa phương “Komodo 2014” tại vùng biển Natuna với sự tham gia của hải quân các nước ASEAN và 8 đối tác khác. Mục đích của cuộc tập trận được cho là nhằm thể hiện sự quan tâm của Indonesia đối với Biển Đông, đồng thời gửi thông điệp đến Trung Quốc trong vùng biển Natuna thuộc chủ quyền của Indonesia. Indonesia đã đặt mua 16 trực thăng AS565 Panther có chức năng tác chiến chống tàu ngầm, mua 03 tàu hộ tống lớp Bung Tomo của Anh, ký hợp đồng với Hàn Quốc trị giá 1,8 tỷ USD phát triển máy bay chiến đấu và chuyển giao công nghệ đóng tàu ngầm. Ngay sau khi chính thức nhậm chức vào tháng 10/2014, Tổng thống Indonesia đã cân nhắc khỏi động kế hoạch mua 2 tàu ngầm diesel của Nga. Indonesia cũng có kế hoạch tiếp tục gia tăng ngân sách quốc phòng hàng năm từ 0,9 lên 1,5% trong giai đoạn 2015-2020. Indonesia cũng đáp trả những hành động này của Trung Quốc một cách mạnh mẽ, chẳng hạn như tích cực củng cố căn cứ quân sự ở đảo Natuna Besar, tịch thu và phá hủy các tàu Trung Quốc đánh cá bất hợp pháp trong EEZ. Ngoài ra, Indonesia áp dụng nhiều biện pháp thắt chặt an ninh đối với các hoạt động của khách du lịch nước ngoài trên đảo Natuna như người nước ngoài phải đăng ký, nộp bản sao hộ chiếu, không được chụp ảnh cho đến khi rời sân bay và phải khai báo lịch trình thăm quan đảo trước khi rời Natuna. Năm 2016, Tổng thống Jokowi đã hai lần đến thị sát quần đảo Natuna để khẳng định lập trường, quan điểm rõ ràng của Indonesia trong việc bảo vệ chủ quyền của họ đối với quần đảo Natuna. Tháng 7/2017, Chính phủ Jakarta đã đặt lại tên vùng biển phía Bắc vùng biển Natuna của Indonesia trên Biển Đông là Biển Bắc Natuna. Đây là khu vực có hoạt động khai thác dầu của Indonesia. Bắc Kinh đã ngay lập tức phản ứng, cho rằng hành động nói trên của Indonesia là “hoàn toàn vô nghĩa”. Nhưng theo giới quan sát, việc đặt tên Biển Bắc Natuna chính là nhằm bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.

Bên cạnh các động thái tăng cường sự răn đe về mặt quân sự nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước mối đe dọa từ Trung Quốc, Indonesia đã nhiều lần tuyên bố công khai phản đối ảnh hưởng và sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực. Tháng 3/2015, Tổng thống Indonesia Widodo đã tuyên bố rằng ông không công nhận tính hợp pháp của cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Phía Indonesia khẳng định vùng biển xung quanh quần đảo Natuna ở phần phía nam của Eo biển Malacca trên lý thuyết hiện giờ không “dính dáng” đến vùng lãnh hải mà Trung Quốc đòi chủ quyền ở Biển Đông, nhưng vấn đề là ở chỗ Bắc Kinh không làm rõ lập trường của nước này về EEZ của Indonesia. Trong khi đó, EEZ của Indonesia kéo dài từ nhóm đảo Natuna chồng lấn với vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ ra để yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông. Bộ Quốc phòng Indonesia tháng 3/2014 cũng từng khẳng định việc Trung Quốc đưa khu vực EEZ và thềm lục địa của quần đảo Natuna vào bản đồ “đường chín đoạn” và bản hộ chiếu của Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Indonesia. Ngoài ra, Indonesia là nước khuyến khích, đồng thời tham gia tích cực trong việc giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại và trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Cơ quan điều phối An ninh biển Indonesia (9/2014) cho rằng “vùng biển bao quanh nhiều hòn đảo của Indonesia đang thực sự gặp nguy hiểm trước sự xâm lấn của Trung Quốc và Indonesia phải hết sức thận trọng đối phó với những động thái của Trung Quốc muốn tăng cường mở rộng lãnh thổ ở khu vực này. Tổng thống Indonesia Widodo mong muốn tăng cường vai trò của Indonesia trong giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông, khẳng định sẵn sàng làm trung gian hòa giải nhằm giảm bớt căng thẳng tại Biển Đông, thúc đẩy đàm phán “Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông” (COC). Indonesia cũng ủng hộ và khuyến khích vai trò trung tâm của ASEAN đối với vẫn đề Biển Đông. Tại cuộc họp song phương cấp bộ trưởng Ngoại giao giữa Australia và Indonesia tháng 3/2018 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marsudi cho biết Indonesia đã vận động các nước Đông Nam Á tiến hành tuần tra hàng hải trong vùng biển Biển Đông có tranh chấp để cải thiện an ninh.

RELATED ARTICLES

Tin mới