Căng thẳng ở vùng biển chiến lược này có thể ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong năm 2019 do Trung Quốc quyết không chịu lùi bước.
Một sự kiện đã được báo chí nhắc nhiều lần, đó là vào ngày 30/9/2018, tàu khu trục lớp Luyang của Trung Quốc đã xua đuổi và áp sát tàu khu trục USS Decatur. Lý do là tàu chiến Mỹ xuất hiện gần một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trong khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tàu chiến Mỹ cũng đã tiến hành tuần tra trong khoảng mười giờ đồng hồ.
Về sự “va chạm” này, Hải quân Mỹ khẳng định, tàu khu trục Trung Quốc có hành động chủ đích gây mất an toàn khi chỉ cách tàu khu trục của Mỹ có 41 m. Tàu Luyang suýt đâm vào đối phương khiến tàu USS Decatur phải thay đổi hành trình di chuyển để tránh va chạm.
Không phải chuyện bây giờ mới xảy ra. Từ năm 2016 đến nay, tàu chiến của hải quân Mỹ và Trung Quốc đã 18 lần đối mặt nhau trên Biển Đông. Trước mỗi lần va đâm tàu, phía Mỹ luôn khẳng định hành động của Bắc Kinh là “thiếu chuyên nghiệp và mất an toàn”.
Tình hình căng thẳng nêu trên, theo CNN, giới chuyên gia nhận định Biển Đông mà cụ thể là quan hệ giữa Mỹ – Trung trên vùng biển chiến lược này sẽ không được cải thiện trong năm 2019, thậm chí còn ngày một xấu hơn. Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông. Bất chấp sự phản đối của các nước có cùng tuyên bố chủ quyền ở vùng biển chiến lược, Trung Quốc đã đẩy mạnh chương trình cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa trái phép ở khu vực này.
Ông Malcom Davis, nhà phân tích năng lực và chiến lược quốc phòng tại Viện Chính sách chiến lược Australia ở Canberra nhận định: “Trung Quốc sẽ không từ bỏ những nỗ lực kiểm soát toàn bộ khu vực Biển Đông. Điều Trung Quốc muốn làm là biến Biển Đông thành cái hồ của nước này”. Và trên thực tế, Mỹ cũng sẽ không để Trung Quốc lộng hành trên Biển Đông, một trong những tuyến đường biển có giá trị thương mại lớn nhất trên thế giới.
Hoạt động bồi đắp và quân sự hóa trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông đã đưa hàng nghìn tỷ USD của các ngành thương mại, du lịch và viễn thông nằm trong sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Vẫn theo ông Malcom Davis: “Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không lùi bước trước sức ép từ phía Trung Quốc. Làm như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Mỹ đồng thời khuyến khích Trung Quốc ngày càng hung hăng và táo tợn”. Như vậy các tàu chiến của hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành hoạt động “tuần tra đảm bảo tự do hàng hải” gần các đảo đang xảy ra tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông để dằn mặt Trung Quốc.
Phía các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Anh, Canada và Pháp cũng đã điều động hoặc có kế hoạch điều tàu chiến đi qua Biển Đông. Tuy nhiên tàu chiến của các nước này không tiến lại gần các đảo mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền như hải quân Mỹ đã làm.
Trước sự “ngông nghênh” của các nước lân cận, chính quyền Trung Quốc cho rằng, hải quân nước này sẽ mạnh tay hơn với các tàu chiến Mỹ và các nước khác di chuyển trên Biển Đông. “Nếu một tàu chiến Mỹ tiến vào vùng lãnh thổ của Trung Quốc trái phép một lần nữa, Trung Quốc cần điều động hai tàu chiến. Một chiếc sẽ ngăn tàu Mỹ và chiếc còn lại đâm sau đó đánh chìm tàu chiến Mỹ”. Đó là thái độ diều hâu của Dai Xu, Chủ tịch Viện An ninh và Hợp tác hàng hải của Trung Quốc.
Nhận định của ông Dai Xu không đại diện cho quan điểm chính thức từ phía quân đội Trung Quốc. Song theo cựu thuyền trưởng hải quân Mỹ Carl Schuster, những lời bình luận cá nhân của ông Dai xuất hiện trên trang web của quân đội Trung Quốc đã cho thấy sự ủng hộ phần nào của quân đội nước này với tư tưởng của ông Dai.
Theo nhà phân tích Davis, năm 2019 sẽ có thể là năm chứng kiến Trung Quốc triển khai thêm nhiều loại vũ khí mới ra các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở bãi Vành Khăn và bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hồi tháng 5/2018, Trung Quốc đã cho các oanh tạc cơ H-6K hạ cánh xuống đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đây cũng là lần đầu các máy bay ném bom của Trung Quốc hạ cánh xuống một hòn đảo trên Biển Đông.
Một khi Trung Quốc cho các oanh tạc cơ H-6K hạ cánh xuống các đường băng trên bãi Vành Khăn và bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, thì Australia và đảo Guam của Mỹ cũng sẽ nằm trong tầm tấn công của Trung Quốc.
Dự kiến Trung Quốc còn có thể triển khai tăng cường các tên lửa chống hạm hoặc tên lửa đất đối không ra quần đảo Trường Sa nhằm tăng khả năng tấn công mọi mục tiêu di chuyển trên hoặc ngoài Biển Đông. Ngoài việc tăng cường quân sự hóa trên các đảo mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền, Bắc Kinh cũng sẽ ra tuyên bố các vùng biển xung quanh những hòn đảo này thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Khả năng Trung Quốc đang chơi trò mạo hiểm và có thể đối mặt với những phản ứng bất ngờ từ phía Mỹ.
Ông Timothy Heath chuyên gia nghiên cứu châu Á tại Viện Rand Corporation, ông Timothy Heath nhận định: “Chiến thuật bên miệng hố chiến tranh có thể mang lại nhiều lợi ích chiến lược cho Bắc Kinh, nếu chiến lược này thành công song rủi ro cũng vô cùng lớn và hậu quả có thể rất thảm khốc”.
Cùng với đó, thái độ thù địch của Trung Quốc còn gây ảnh hưởng lớn tới quan hệ của Bắc Kinh với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như dự thảo khung đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Bất cứ tranh chấp chủ quyền nào giữa Trung Quốc với các nước có cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng có thể trở thành một cuộc xung đột mở rộng khi có sự can thiệp từ các nước bên ngoài.
Xin nhắc lại rằng, trong tuyên bố hồi tháng 6/2018, ông Tập Cận Bình rất cứng rắng: Trung Quốc sẽ không thay đổi quan điểm ở Biển Đông. Ông nói: “Quan điểm của chúng tôi là kiên định và rõ ràng trong vấn đề chủ quyền và hợp nhất lãnh thổ. Chúng tôi không để mất bất cứ phân đất lãnh thổ nào mà tổ tiên để lại và cũng không cần thứ gì từ bên ngoài”.