Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNgười TQ đang in và đọc sử Việt một cách hệ thống

Người TQ đang in và đọc sử Việt một cách hệ thống

Ở Trung Quốc gần đây, việc in lại và chú giải sử liệu địa dư VN đang là một hoạt động đáng chú ý…

Đúng ra, tựa bài phải đề là “Tình hình xuất bản và phổ biến sách sử Việt Nam ở Trung Quốc dạo gần đây” thì mới gần sát với nội dung sắp trình bày, bởi cái chuyện in ra và cố tình phổ biến chưa chắc đã nói lên được thực số và thực chất của người đọc và cách đọc.

Nhưng một phần vì muốn gọn ghẽ dễ nhớ và phần khác là muốn nhiều người để ý do sự đối trọng Trung – Việt hình như đã trở thành mối bận tâm sâu sắc của không riêng sử học giới nên mới tạm đặt tựa là vậy.

Là 1/10 nội dung trong buổi nói chuyện gần đây về tương quan sử liệu Việt – Trung, nhưng hình như phần đề cập Đại Việt sử ký toàn thư được lưu tâm đặc biệt của cả người đang học và người đã học.

Người nước ta mua bản dịch bộ Đại Việt sử ký toàn thư ngoài mục đích cầu tìm kiến thức còn có phần do quý trọng, nên quan tâm nó là lẽ thường tình.

Còn chuyện ở Trung Quốc gần đây, việc in lại và chú giải sử liệu địa dư VN đang là một hoạt động đáng chú ý, sử liệu VN được xuất bản khá nhiều, hoặc gõ lại văn bản cổ, hoặc in ảnh ấn, đây là dấu hiệu chứng tỏ nhu cầu khá lớn của độc giả Trung Quốc hiện nay đối với những ghi chép từ bên ngoài.

Hồi năm 2012, Sở nghiên cứu lịch sử thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc phối hợp với Viện quốc học thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc chủ trì thành lập bộ tùng thư “Vực ngoại Hán tịch trân bản văn khố” (Kho sách quý viết bằng chữ Hán ở các nước xung quanh), giao cho nhà xuất bản Đại học Sư phạm Tây Nam (Trùng Khánh) và Nhà xuất bản Nhân Dân (Bắc Kinh) lần lượt in ra.

Dự kiến khoảng 800 cuốn lớn, chứa 2.000 tựa sách. Bộ Đại Việt sử ký toàn thư của VN trong tùng thư này đã xuất bản trong đợt gần đây nhất (2016).

Đại Việt sử ký toàn thư (24 quyển) in lần này do Tôn Hiểu chủ biên, và chuyên gia về cổ sử VN Ngưu Quân Khải (giáo sư, Đại học Trung Sơn) làm phó chủ biên; nội dung được gõ chữ phồn thể, gộp chung Đại Việt sử ký toàn thư 19 quyển (chép việc đến năm 1675) với phần Đại Việt sử ký tục biên 5 quyển (chép việc từ 1676 đến 1789).

Đây là lần đầu tiên bản chữ gõ Đại Việt sử ký toàn thư ra đời ở Trung Quốc. Trước đây, hồi năm 1986, hình thức in bản chữ gõ đã ra đời ở Nhật (Sở Nghiên cứu văn hóa Đông Dương – Đại học Đông Kinh, 1984-1986), tức là bộ Hiệu hợp bản Đại Việt sử ký toàn thư 24 quyển do học giả Hoa kiều Trần Kinh Hòa dày công hiệu khám và chú giải, cùng bài nghiên cứu đầu sách và với phụ lục đặc biệt là “Bảng đối chiếu chữ Hán viết tắt theo cách VN với chữ Hán chuẩn” tạo sự thuận lợi cho người đọc khi gặp phải những chữ rất riêng trong văn bản.

Bản in do Tôn Hiểu chủ biên 2016 với lời nói đầu cho biết đã dựa nhiều vào kết quả nghiên cứu của Trần Kinh Hòa, cả hai bộ này đều có ưu điểm là đã gộp Đại Việt sử ký toàn thư với Tục biên, tạo sự liền mạch rất tiện lợi cho học giả nước ngoài nghiên cứu lịch sử VN trên văn bản cổ sử, không như VN đã mấy lần in bản dịch vẫn tách làm 2 bộ riêng.

Kể thêm, ngoài sách in thì hiện nay trang Duy Cơ văn khố cũng đã đăng bản chữ gõ toàn bộ Đại Việt sử ký toàn thư 19 quyển và phần Tục biên 5 quyển.

Như vậy, hiện nay mọi đối tượng sử dụng chữ Hán (và Trung văn) từ người đọc chơi cho biết đến dân nghiên cứu đã có thể tiếp cận nguyên tác bộ sử quan trọng nhất của VN qua đủ các dạng văn bản: bản chụp sách gốc (do Nhật xuất bản), bản sách in chữ phồn thể, bản chữ điện tử.

Cùng trong tùng thư “Vực ngoại Hán tịch trân bản văn khố”, những sách sử quan trọng khác của VN đã lục tục in ra, gồm:

– Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú

– Đại Việt địa dư toàn biên (tức Phương Đình dư địa chí) của Nguyễn Văn Siêu và Việt sử kính của Hoàng Cao Khải xuất bản vào năm 2012.

– Khâm định Việt sử thông giám cương mục (đã có riêng bản Đài Loan ảnh ấn 1969)

– Hoàng Việt luật lệ, Quốc triều hình luật toát yếu và Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định (2014)

– Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (chính biên và tục biên) và Đại Nam nhất thống chí (2015).

Trong số sách trên, Đại Nam nhất thống chí đang được thực hiện bản gõ chữ điện tử, trang Duy Cơ văn khố đã đưa lên quyển 1 – Kinh sư.

Người Trung Quốc đang in và đọc sử Việt một cách hệ thống - Ảnh 2.

Cổng thành kinh đô Huế, minh họa trên tạp chí Pháp L’Illustraion, số ngày 29-12-1883 – Ảnh: Getty Images

Đại Nam thực lục là bộ sử biên niên chép việc thời Nguyễn – nối tiếp Đại Việt sử ký toàn thư (chép việc từ Hồng Bàng đến hết nhà Lê) – có dung lượng rất lớn.

Ngoài việc đọc toàn bộ từ bản in của Nhật thì học giả TQ cũng khai thác theo hình thức tuyển lục, Đại Nam thực lục: Thanh – Việt quan hệ sử liệu hối biên (Tập hợp sử liệu về quan hệ Thanh – Việt trong Đại Nam thực lục) do Hứa Văn Đường và Tạ Kỳ Ý tuyển chọn, được Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu trung ương Đài Bắc xuất bản năm 2000.

Với chuyên đề hẹp hơn, Đại Nam thực lục: Trung Quốc tây nam biên cương sử liệu tập (Tập hợp sử liệu biên cương tây nam TQ trong Đại Nam thực lục) do Vương Bá Trung tuyển chọn, được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Văn hiến Bắc Kinh xuất bản năm 2015.

Hai bộ này là loại sưu tập chuyên thư, giúp học giới rút ngắn thời gian tra cứu.

Biết những thông tin trên để làm gì?

Để thấy rằng hiện nay một sinh viên hay một nhà nghiên cứu Trung Quốc hoặc một học giả phương Tây biết chữ Hán (hoặc Trung văn) sẽ tiếp cận nguồn cổ sử VN tiện lợi hơn rất nhiều và có thể hiểu đúng hơn so với người Việt đọc qua bản dịch.

Và ở đây chỉ khái lược về tình hình xuất bản lại cổ sử VN trong kế hoạch lớn mà chưa thể kể chi tiết, và cũng chưa nói đến những công trình nghiên cứu tổng quan và chuyên sâu về sử liệu Hán Nôm VN của tác giả Trung Quốc, mà nếu nói đến thì sẽ thấy rất ngược đời, vì học giới VN rất ít khi nghiên cứu về tư liệu cổ của mình, mà hầu hết chỉ dừng ở việc ứng dụng, vì… mù chữ, chỉ tiếp cận được qua bản dịch.

Hiện tượng nhóm sách sử địa trong kho di sản Hán Nôm VN được các quốc gia khác phổ biến bằng nhiều hình thức với những dự án quy mô và kế hoạch lâu dài qua một lộ trình rất bài bản là điều mà người nước ta nên mừng, những ấn phẩm đó góp phần thuận tiện cho việc nghiên cứu nguồn căn cội rễ của tiến trình văn hóa – lịch sử VN, không riêng gì với học giới các nước mà ngay cả học giới VN nữa.

Nhưng sử liệu về lịch sử và địa lý về bản chất vốn chỉ phục vụ học thuật chừng ba phần, còn bảy phần có tính chính trị – xã hội rất lớn, nên khó thể nghĩ rằng bỗng dưng chính phủ – tư nhân Trung Quốc nổi hứng đầu tư cho nghiên cứu VN.

Người Trung Quốc đọc sử Việt một cách hệ thống, toàn diện, xuyên suốt và cặn kẽ, còn người nước ta thì chỉ đọc sử Trung Quốc lẻ mẻ trong chừng mức những trích đoạn liên quan đến VN và việc phổ biến những loại sách sử địa kể cả bản gốc và bản dịch nhằm nâng đỡ cán cân là điều quá xa vời.

Gia Định thành thông chí và một số sách về sử liệu Nam Bộ có liên quan nhiều đến lịch sử Hoa kiều còn được học giới Trung Quốc lưu ý trước các sách sử địa tổng quan kể trên.

Năm 1956, giáo sư Trần Kinh Hòa đã cho đăng bài “Chú giải Thành trì chí của Trịnh Hoài Đức – Hoa kiều và Nam Kỳ đầu thế kỷ XIX” trên Nam Dương Học báo ở Singapore (sau đó ông Trần tự dịch sang tiếng Việt và đăng 3 kỳ trên tập san Đại Học vào năm 1961-1962).

Một sách về giao thông thủy bộ Việt Nam – Thái Lan là Xiêm La quốc lộ trình tập lục cũng được xuất bản ở Hong Kong năm 1966. Năm 1991 thì có bản chú giải toàn bộ 6 quyển Gia Định Thành thông chí và Mạc thị gia phả, do Dương Bảo Quân và Đới Khả Lai chấm câu và chú thích, với bản chữ gõ giản thể (in chung trong Lĩnh Nam chích quái đẳng sử liệu tam chủng, Nhà xuất bản Trung Châu Cổ Tịch, Trịnh Châu, Hà Nam).

RELATED ARTICLES

Tin mới