Công bố đóng cửa một nhà máy sản xuất tại Trung Quốc của Tập đoàn Samsung đang khiến nhiều người quan tâm việc đơn vị này sẽ chuyển sang sản xuất ở đâu.
VN, Ấn Độ là điểm đến ?
Sau ngày 31.12 tới đây, các thiết bị cầm tay của Samsung chính thức ngưng sản xuất tại nhà máy có công suất lớn thứ 2 ở Trung Quốc – Nhà máy Thiên Tân. Điều này đồng nghĩa với việc có ít nhất 36 triệu điện thoại làm ra mỗi năm tại đây sẽ được chuyển sang sản xuất tại nhà máy còn lại của Samsung ở TP.Huệ Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) hoặc sang nước thứ 3.
Theo số liệu từ các báo cáo kinh doanh của tập đoàn này tại Trung Quốc, doanh số bán ra của điện thoại di động Samsung ở thị trường Trung Quốc giảm từ 20% xuống chỉ còn 1% trong 5 năm trở lại đây. 19% thị phần còn lại được coi là đã buộc phải nhường lại cho một số ông lớn như Huawei và Xiaomi. Với thị trường hơn 1 tỉ dân, tỷ lệ sụt giảm này cũng quá lớn đối với một tập đoàn điện tử lớn mạnh như Samsung. Năm 2013, khi Samsung đã chiếm hơn 20% thị phần điện thoại thông minh tại Trung Quốc, nhà máy ở Thiên Tân được xem là trụ cột, tạo ra doanh thu 15.000 tỉ won (tương đương 13,3 tỉ USD) mỗi năm. Tuy nhiên, sang năm 2014, con số này đã tụt xuống một nửa và tiếp tục về 1% như hiện nay. Có thể thấy, Trung Quốc khiến nhà đầu tư mở rộng đầu tư rất nhanh chóng, nhưng cũng có thể đóng cửa nhà máy ngay lập tức nếu người tiêu dùng nội địa có sự lựa chọn khác.
Trong bối cảnh đó, VN và Ấn Độ được đánh giá là “điểm đến” cho sự lựa chọn thay thế. Lý do cả hai đều có nguồn lao động dồi dào và người tiêu dùng cũng đang yêu chuộng và sử dụng điện thoại Samsung.
Bên lề Hội thảo về nhận diện rủi ro, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp trong M&A được tổ chức tại TP.HCM trong hai ngày 20 – 21.12, một chuyên gia tư vấn nhận định việc mở rộng thêm nhà máy của hãng này để sản xuất phần thiếu hụt sau khi đóng cửa nhà máy là điều khó xảy ra. Tuy nhiên, khả năng công suất của nhà máy Samsung ở VN sẽ được tận dụng tối đa. Có thể một phần đơn hàng từ thị trường Trung Quốc sẽ được chuyển sang VN hay Ấn Độ. VN sẽ cạnh tranh trực tiếp với Ấn Độ trong cuộc đua giành đơn hàng này.
“Cả Ấn Độ và VN có điểm chung là vẫn yêu thích dòng điện thoại cao cấp Galaxy. Tuy nhiên, đầu tháng 7 vừa qua, Samsung đã khánh thành nhà máy sản xuất điện thoại vào hàng lớn nhất thế giới tại thành phố Noida (Ấn Độ) với sản lượng lên đến 120 triệu chiếc mỗi năm. Ấn Độ đã vượt mặt Mỹ, trở thành nơi sản xuất điện thoại lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc. Thêm yếu tố nhân công giá rẻ và nhà máy có công suất lớn mới khánh thành, có thể tập đoàn điện tử này sẽ dành ưu tiên cho Ấn Độ hơn VN”, vị chuyên gia này phân tích.
Lợi thế của VN
Tính hết quý 3 năm nay, theo khảo sát của GfK, Samsung vẫn dẫn đầu thị phần điện thoại tại VN với con số ấn tượng 41,4% tổng thị phần.
Đầu tháng 11, trang tin công nghiệp điện tử Thelec từ Hàn Quốc đã có bài viết về việc Samsung sẽ xây dựng nhà máy sản xuất smartphone thứ 3 tại VN nhân dịp đoàn lãnh đạo tập đoàn này sang thăm VN. Khi đó, trang tin này cũng cho rằng Samsung muốn mở thêm nhà máy mới tại VN trong bối cảnh sắp ngừng sản xuất tại Nhà máy Thiên Tân, Trung Quốc. Thelec đưa ra nhận định Chính phủ VN có thể đưa ra chính sách hỗ trợ để Samsung quyết tâm đầu tư vào nhà máy thứ 3 tại VN dự kiến có công suất 60 – 120 triệu điện thoại/năm, sẽ tập trung sản xuất các điện thoại từ giá rẻ đến trung cấp, cung cấp cho các thị trường như Đông Nam Á, Hàn Quốc, Ấn Độ.
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đánh giá VN có khá nhiều lợi thế trong cuộc đua giành mở rộng sản xuất, đón đơn hàng của Samsung hơn Ấn Độ. “Từ năm 2016 trở về trước, trung tâm R&D của Samsung chỉ được giao nhiệm vụ nghiên cứu một vài chi tiết trong chiếc điện thoại nhưng từ 2016 đến nay, nơi đây đã nghiên cứu và làm thành công nguyên một chiếc điện thoại. Hiện trung tâm R&D của Samsung tại Hà Nội là một trong những trung tâm nghiên cứu lớn của hãng này trên thế giới. Trong cuộc triển lãm lớn của Samsung diễn ra tại Malaysia cách đây 1 tháng rưỡi, chiếc điện thoại được nghiên cứu sáng tạo toàn bộ bởi người Việt được giới thiệu và gây hiệu ứng tốt. Thế nên, VN hoàn toàn có lợi thế hơn trong việc tiếp nhận dòng đơn hàng được dịch chuyển từ Trung Quốc về VN, nếu có”, GS Nguyễn Mại cho biết thêm.
Ngoài Samsung, vị chuyên gia này cũng cho rằng đầu tư từ Nhật vào VN cũng đang tăng mạnh. Năm tới, VN đang có nhiều cơ hội đón nguồn đầu tư đến từ các nước châu Âu như Đức, Pháp, Ý… nếu hiệp định thương mại với EU ký thành công trong tháng 3.2019. Ngoài ra, VN và Mỹ sẽ tiến đến bàn ký kết hợp tác song phương.