Tuesday, November 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiChiến lược quốc phòng - an ninh Nhật Bản đang dịch chuyển

Chiến lược quốc phòng – an ninh Nhật Bản đang dịch chuyển

Đứng trước những thay đổi căn bản của cục diện thế giới, sự cạnh tranh sức mạnh của các cường quốc tại châu Á-Thái Bình Dương, Chính phủ Nhật Bản đang đưa ra những thay đổi có tính chất bước ngoặt trong chiến lược quốc phòng-an ninh (QPAN) của mình. Xây dựng một nền quốc phòng mạnh, tự chủ về kỹ thuật quân sự sẽ là một trong những mục tiêu lớn của Nhật Bản trong những năm tới…

Tàu khu trục Izumo của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản. Ảnh: Asahi Shimbun

Đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng

Theo tờ Mainichi, Chính phủ Nhật Bản và Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) mới đây đã thông qua Kế hoạch Phòng vệ trung hạn giai đoạn 2019-2023 và Đại cương Kế hoạch phòng vệ với dự kiến chi 27,4 nghìn tỷ yên (243 tỷ USD) dành cho ngân sách quốc phòng 5 năm tới, con số cao nhất từ trước tới nay.

Riêng năm tài khóa 2019, chính phủ đã phê chuẩn ngân sách quốc phòng kỷ lục trị giá 5,26 nghìn tỷ yên (48 tỷ USD), trong đó chú trọng nâng cấp khu trục hạm, mua thêm máy bay chiến đấu tàng hình và tên lửa để đối phó các thách thức an ninh khu vực.

Năm 2019, đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp quốc gia Mặt trời mọc tăng ngân sách quốc phòng.

Lý giải về điều này, Nhật Bản cho rằng môi trường an ninh khu vực và xung quanh nước này đang thay đổi nhanh chóng, với những diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó nổi lên các hoạt động gia tăng quân sự của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, biển Nhật Bản, Biển Đông, cũng như gia tăng tần suất tiến ra Thái Bình Dương, gây ra những quan ngại lớn về an ninh đối với khu vực, thế giới và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng đánh giá Triều Tiên đang nỗ lực thu nhỏ đầu đạn hạt nhân trang bị cho tên lửa đạn đạo và chưa có thay đổi thực chất trong tiến trình phi hạt nhân hóa.

Xây dựng sức mạnh phòng vệ tổng hợp

Trước những quan ngại nói trên cũng như muốn tăng cường khả năng bảo vệ các đảo ở Thái Bình Dương, Tokyo có kế hoạch hoán cải, nâng cấp hai khu trục hạm lớp Izumo trong vòng 5 năm tới để loại tàu này có thể vận chuyển và là nơi cất cánh của các máy bay chiến đấu.

Bên cạnh đó, Nhật Bản dự định đầu tư 176 tỷ yên chi phí ban đầu cho hai hệ thống radar phòng không Aegis Ashore đặt trên mặt đất do Mỹ sản xuất, có khả năng theo dõi và khóa mục tiêu các tên lửa đạn đạo trên không, với mục tiêu đưa hệ thống phòng không này vào hoạt động trong năm 2023.Xây dựng sức mạnh phòng vệ tổng hợp

Theo Đại cương Kế hoạch phòng vệ, Nhật Bản cũng quyết định mua thêm 105 máy bay chiến đấu thế hệ mới F-35, trong đó 42 tiêm kích là mẫu F-35B, giá khoảng 115 triệu USD/chiếc, có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng.

Với việc chi hàng tỷ USD mua thêm F-35, Nhật Bản đã vượt Anh, trở thành quốc gia sở hữu lượng tiêm kích F-35 nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, Defense News cho biết.

Ngoài các hình thái tác chiến truyền thống, Nhật Bản cũng lần đầu tiên xác định tác chiến trên mạng máy tính, không gian vũ trụ và sóng điện từ là những hình thái mới cần tập trung phát triển để xây dựng sức mạnh phòng vệ tổng hợp nhằm đối phó hiệu quả với sự thay đổi của môi trường an ninh quốc tế.

Cụ thể, Nhật Bản sẽ nâng cấp đơn vị tác chiến mạng, thành lập một đơn vị mới có nhiệm vụ giám sát không gian vũ trụ để ngăn chặn các mảnh rác vũ trụ gây nguy hiểm cho hệ thống vệ tinh nhân tạo hoặc ngăn chặn hệ thống chỉ huy tác chiến sử dụng hệ thống định vị vệ tinh của đối phương.

Nhật Bản sẽ nghiên cứu áp dụng kỹ thuật cao, tập trung vào trí tuệ nhân tạo, củng cố ngành công nghiệp quốc phòng và bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Nỗ lực thoát khỏi ràng buộc

Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chính sách quốc phòng của Nhật Bản vẫn bị ràng buộc bởi bản “Hiến pháp Hòa bình”, trong đó có Điều 9 quy định ngăn cấm Nhật Bản sở hữu năng lực chiến đấu và quyền tham chiến.

Sau hơn 70 năm thực hiện “Hiến pháp Hòa bình”, trước những thay đổi to lớn của tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Chính phủ Nhật Bản mong muốn sửa đổi bản hiến pháp này nhằm tăng cường bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và có đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, việc sửa đổi hiến pháp vấp phải nhiều rào cản cả trong và ngoài nước, khiến tiến trình này vẫn giậm chân tại chỗ.

Trên thực tế, dù “Hiến pháp Hòa bình” chưa được sửa đổi, song những thay đổi “tiệm tiến” về chiến lược QPAN của Nhật Bản vẫn diễn ra.

Điển hình là những động thái gần đây của Nhật Bản, như: Nâng cao năng lực của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ, sửa đổi quy định về quyền tự vệ tập thể trong hiến pháp… qua đó cho phép quân đội được can thiệp quân sự ra bên ngoài lãnh thổ, nới lỏng quy định cấm xuất khẩu vũ khí…

Tất cả cho thấy một Nhật Bản đang dần dần thay đổi để phù hợp với điều kiện hoàn cảnh mới, đáp lại những thay đổi của môi trường an ninh xung quanh và gia tăng sự cạnh tranh sức mạnh với các nước Đông Bắc Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực tiềm ẩn những thay đổi nhanh chóng và khó lường hàng đầu thế giới, sự dịch chuyển trong chiến lược QPAN của Nhật Bản được dự báo sẽ có những tác động không nhỏ đến cục diện chính trị, an ninh, hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới