Các chuyên gia cho rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc không chỉ đơn thuần là một chương trình phát triển cơ sở hạ tầng như nước này tuyên bố, mà là chiến lược để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng quân sự toàn cầu.
Căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti. (Ảnh: SCMP)
Sáng kiến Vành đai và Con đường, chương trình phát triển cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc, từ lâu đã được xem là nền tảng để Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn thế giới, mặc dù chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận điều này. Những phát hiện gần đây của báo New York Times càng củng cố thêm nhận định trên, đồng thời tạo cơ sở để tin rằng chiến lược đầu tư của Trung Quốc không chỉ đơn thuần là một dự án kinh tế như Bắc Kinh vẫn thường khẳng định.
Tuần trước, New York Times đưa tin báo này đã biết được một kế hoạch bí mật về các dự án quân sự của Trung Quốc tại Pakistan trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường. Theo đó, một đặc khu kinh tế thuộc Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan sẽ được thiết lập để chế tạo máy bay chiến đấu, trong khi các hệ thống chuyển động và các khí tài quân sự khác sẽ được sản xuất tại các nhà máy ở Pakistan. Theo New York Times, điều này đã hé lộ cách nền kinh tế lớn thứ hai thế giới “lần đầu tiên kết nối Sáng kiến Vành đai và Con đường với tham vọng quân sự” của Trung Quốc.
Lijian Zhao, phó trưởng phái đoàn ngoại giao Trung Quốc tại Pakistan, đã bác bỏ thông tin từ báo Mỹ. Ông Zhao gọi đây là bài viết tuyên truyền từ phương Tây, đồng thời khẳng định Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan chỉ đơn thuần là về kinh tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cũng phủ nhận những thông tin trên New York Times, khẳng định đây là những thông tin không chính xác. Bà Hua nhấn mạnh hành lang kinh tế là nền tảng quan trọng cho sự hợp tác chung nhằm mang lại lợi ích lâu dài cho cả hai nước.
“Không bất ngờ”
Đối với giới quan sát chính trị, bài báo của New York Times đã củng cố thêm những nghi ngờ từ lâu nay rằng, Sáng kiến Vành đai và Con đường – kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD của Bắc Kinh tới hơn 70 quốc gia trên thế giới là một “công cụ” của quân đội Trung Quốc.
“Đây cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên”, Michael Fuchs, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ và là cựu phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương từ năm 2013-2016, cho biết.
Ông Fuchs nhận định bài báo của New York Times đã củng cố thêm lập luận rằng, Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc có liên quan tới hoạt động quân sự. Theo ông, quân đội Trung Quốc không cần thiết đưa toàn bộ Sáng kiến Vành đai và Con đường vào hoạt động của lực lượng này, nhưng chắc chắn sẽ sử dụng nhiều dự án nằm trong khuôn khổ sáng kiến.
“Các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường tại nhiều quốc gia như Pakistan, Sri Lanka và Djibouti đều mở đường tiếp cận cho quân đội Trung Quốc”, ông Fuchs nói thêm.
Năm ngoái, Trung Quốc đã chính thức khánh thành căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti. Cảng Hambantota tại Sri Lanka, nơi hiện nằm dưới quyền kiểm soát của một công ty Trung Quốc, và một cảng nước sâu ở vùng Gwadar của Pakistan đều được đồn đoán là các căn cứ quân sự của hải quân Trung Quốc.
Cảng biến do Trung Quốc xây dựng tại Gwadar giúp nước này rút ngắn quãng đường giao thương với tàu bè từ biển Ả rập. Mặt khác, cảng này cũng được coi là “lá bài” địa chiến lược mà Bắc Kinh có thể dùng để kiềm chế Ấn Độ và Mỹ trong trường hợp căng thẳng leo thang.
“Hầu hết những ai hoạt động trong giới quân sự đều biết có khía cạnh an ninh trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, do vậy bài báo của New York Times chỉ là một lời xác nhận mà thôi”, James Chin, giám đốc Viện châu Á tại Đại học Tasmania, nhận định.
Theo ông Chin, không có chuyện một quốc gia tách rời sức mạnh quân sự và sức mạnh kinh tế khi quốc gia đó đang nỗ lực để đạt được sức mạnh toàn cầu.
Ảnh hưởng toàn cầu
Mối quan hệ quân sự ngày càng khăng khít giữa Trung Quốc và Pakistan được cho là sẽ khiến Ấn Độ lo lắng. Ấn Độ từ lâu vẫn quan ngại về mạng lưới các cơ sở thương mại và phòng vệ của Bắc Kinh tại những quốc gia dọc Ấn Độ Dương.
“Đây có thể là bước tiếp theo trong mối quan hệ đối đầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Xét từ quan điểm của Ấn Độ, Trung Quốc đang tìm cách bao vây họ, do vậy New Delhi bây giờ có thể sẽ tăng cường các hoạt động quân sự”, ông Fuchs nhận định.
Thông tin về sự can dự của quân đội Trung Quốc có thể sẽ gây tổn hại cho “danh tiếng” của Sáng kiến Vành đai và Con đường đúng vào thời điểm dư luận quốc tế đang ngày càng giận dữ về tác động của chương trình này. Người dân tại một số quốc gia được tiếp nhận dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường bất mãn với cách Trung Quốc rót tiền và tuyển dụng lao động.
“Trước mắt tôi nghĩ Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục tung hô Sáng kiến Vành đai và Con đường như một chương trình thương mại và thúc đẩy sự thịnh vượng, nhưng tôi cho rằng sẽ ngày càng có nhiều người hoài nghi và tập hợp dư luận phản đối sáng kiến này. Rốt cuộc, Sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ chỉ là một tuyến đường hậu cần dùng để bán các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất. Ngoài ra không còn gì khác”, chuyên gia Chin nhận định.