Thursday, March 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNhững sự kiện chấn động TQ năm 2018

Những sự kiện chấn động TQ năm 2018

Giám đốc tài chính Huawei bị bắt, Phạm Băng Băng biến mất hay các em bé được chỉnh sửa gene là những sự kiện nhận được nhiều quan tâm.

Phạm Băng Băng tại Liên hoan phim Cannes ở Pháp hồi tháng 5. Ảnh: AFP.

Dư luận Trung Quốc năm 2018 xôn xao khi diễn viên Phạm Băng Băng không xuất hiện trước công chúng trong ba tháng, kể từ tháng 6. Cô là một trong những ngôi sao được trả cat-xê cao nhất ở Trung Quốc, thường xuyên xuất hiện tại các giải thưởng lớn và các buổi lễ thời trang.

Trước đó, bản sao hợp đồng phim mà cô ký bị rò rỉ trên mạng xã hội. Cô có hai hợp đồng khác nhau, một bản nói cô được trả 1,5 triệu USD, bản còn lại là 7,5 triệu USD. Đó là một hình thức trốn thuế ở Trung Quốc được gọi là “hợp đồng âm dương”. Hợp đồng thứ nhất với số tiền nhỏ hơn được báo cáo cho chính quyền trong khi hợp đồng thứ hai mới là số tiền được thực trả.

Sự biến mất của nữ diễn viên làm dấy lên nhiều tin đồn rằng cô đã bị bắt vì trốn thuế. Tháng 10, Phạm tái xuất với bài đăng trên Weibo, xin lỗi người hâm mộ và đảng Cộng sản Trung Quốc vì đã sử dụng hợp đồng âm dương và các phương thức trốn thuế khác. Cô chấp nhận hình phạt là nộp gần 884 triệu NDT (128 triệu USD) tiền thuế và tiền phạt.

SCMP đưa tin rằng Phạm đã bị giam lỏng tại một khu nghỉ dưỡng và cô được thả hai tuần trước khi đăng tuyên bố.

Nhà khoa học Hạ Kiến Khuê tháng 11 khiến thế giới chú ý khi tuyên bố đã tạo ra hai bé gái sinh đôi được chỉnh sửa gene có khả năng miễn nhiễm với HIV. Kết quả nghiên cứu vẫn chưa được xuất bản trên tạp chí khoa học nào và gây ra phản ứng quyết liệt.

Hạ không thông báo về thí nghiệm với cơ quan đang làm việc là Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam. Ông chỉ xin nghỉ phép không lương hồi tháng hai để thực hiện nghiên cứu trong bí mật.

Vài ngày sau, Hạ xuất hiện tại một hội nghị ở Hong Kong, nói lời xin lỗi vì đã để rò rỉ tin tức trước khi trình bày nó tại một sự kiện khoa học. Ông nhấn mạnh rằng ông cảm thấy tự hào về thành tựu của mình và nói thêm rằng cha mẹ của hai đứa trẻ hiểu biết và có kiến thức về công nghệ chỉnh sửa gene.

Hơn 120 nhà khoa học Trung Quốc đã ký tên vào bức thư phản đối nghiên cứu này với lý do “ảnh hưởng sâu sắc đến vấn đề đạo đức”. Trung Quốc đình chỉ mọi dự án nghiên cứu của Hạ và mở cuộc điều tra. Các chuyên gia quốc tế mô tả thí nghiệm của Hạ bất ngờ và gây lo ngại, kêu gọi thực hiện đánh giá độc lập để xác minh.

Một sự kiện nổi bật khác trong ngành y ở Trung Quốc là bê bối vắcxin rởm. Công ty Công nghệ sinh học Trường Sinh ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm bị phát hiện bán ra hơn 250.000 liều vắcxin bạch hầu, ho gà, uốn ván rởm, đồng thời vi phạm quy định về sản xuất vắcxin bệnh dại.

Đây là cuộc khủng hoảng thứ ba ở Trung Quốc liên quan đến vắcxin từ năm 2010. Nhiều phụ huynh nói rằng họ đã chán ngấy tình trạng này và kêu gọi chính phủ có các hành động nghiêm khắc hơn. “Chúng ta luôn nói rằng trẻ em là tương lai của đất nước, nhưng nếu chúng ta không đảm bảo an toàn cho lũ trẻ thì tương lai sẽ ra sao”, Huo Xiaoling, 37 tuổi, có con gái một tuổi đã tiêm vắcxin của công ty Trường Sinh, nói.

Em bé được tiêm vắcxin ở An Huy, Trung Quốc ngày 26/7. Ảnh: AFP.

Em bé được tiêm vắcxin ở An Huy, Trung Quốc ngày 26/7. Ảnh: AFP.

Hồi tháng 11, để quảng bá chương trình biểu diễn thời trang ở Thượng Hải, hãng Dolce & Gabbana tung video có hình ảnh một người mẫu châu Á sử dụng đũa để ăn món Italy. Dù video không có từ ngữ xúc phạm văn hóa Trung Quốc, nhiều người dân nước này cho rằng video chế giễu, châm biếm và coi thường văn hóa của họ.

Sự phẫn nộ được đẩy lên cao khi nhà thiết kế Stefano Gabbana trả lời một khán giả về video trên Instagram: “Không có các người chúng tôi vẫn sống tốt” kèm theo biểu tượng phân. Sau đó, Stefano Gabbana khẳng định tài khoản của ông bị xâm nhập.

Công ty cũng đưa ra lời xin lỗi nhưng điều đó không đủ để cứu chương trình ở Thượng Hải. Người mẫu và người nổi tiếng đều từ chối xuất hiện. Nhãn hàng này cũng bị người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay, các sản phẩm bị xóa khỏi các trang thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc.

Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt tại Vancouver vào ngày 1/12 theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran. Mạnh là con gái của ông chủ Huawei Nhậm Chính Phi. Cô sau đó được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD trong thời gian chờ quyết định về việc dẫn độ sang Mỹ.

Vụ bắt diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang trong chiến tranh thương mại. Trump gợi ý rằng ông có thể can thiệp nếu điều đó giúp đảm bảo một thỏa thuận với Bắc Kinh, khiến Canada cảnh báo ông không nên chính trị hóa vụ này.

9 ngày sau khi Mạnh bị bắt, Trung Quốc bắt hai công dân Canada, cáo buộc họ hoạt động gây nguy hiểm cho Trung Quốc. Người đầu tiên là Michael Kovrig, cựu nhân viên ngoại giao hiện là cố vấn cấp cao về Đông Bắc Á cho Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Bỉ. Người còn lại là Michael Spavor, doanh nhân có nhiều kết nối với Triều Tiên. Giới chuyên gia cho rằng đây là động thái của Bắc Kinh nhằm gây sức ép với Ottawa.
Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu.

Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu. Ảnh: SCMP.

Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu. Ảnh: SCMP.

Trung Quốc còn bắt một người Canada thứ ba là Sarah McIver. Tuy nhiên, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết người này bị bắt vì lao động trái phép và không liên quan đến hai vụ giữ công dân nói trên.

Phong trào #MeToo – phụ nữ tố cáo hành vi tấn công tình dục tiếp tục làm dậy sóng ở Trung Quốc vào năm 2018, đặc biệt là những lời tố cáo chống lại học giả tại các trường đại học và những người có vai vế. Sư trụ trì Thích Học Thành của chùa Long Tuyền, trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đồng thời là cố vấn chính trị của chính phủ, hồi tháng 8 bị tố cáo đã gửi tin nhắn dụ dỗ hoặc đe dọa ít nhất 6 ni cô để họ quan hệ tình dục với ông. Ông này sau đó từ chức tại Hiệp hội Phật giáo.

Cuối tháng 8, Lưu Cường Đông (Richard Liu), giám đốc điều hành của doanh nghiệp thương mại điện tử Trung Quốc JD.com, bị bắt tại Mỹ với cáo buộc cưỡng hiếp. Tháng này, các công tố viên ở Minnesota cho rằng không có đủ bằng chứng nên ông không bị buộc tội.

Một vụ biến mất gây chú ý khác ở Trung Quốc là Chủ tịch Interpol, đồng thời là Thứ trưởng An ninh Trung Quốc Mạnh Hoành Vĩ. Vợ ông không biết tung tích của chồng sau khi ông từ Pháp trở về Trung Quốc hồi cuối tháng 9 nên đã xin giới chức Pháp giúp đỡ.

Ngày 8/10, chính quyền Trung Quốc tuyên bố ông đang bị điều tra hối lộ và gửi thư từ chức của ông cho Interpol. Việc Trung Quốc giữ kín mọi thông tin về việc điều tra Mạnh Hoành Vĩ, chỉ đưa ra những tuyên bố ngắn gọn khi dư luận quốc tế lên tiếng, đã khiến nước này bị giới chuyên gia cho là thiếu minh bạch và đi ngược lại các thông lệ quốc tế.

Trong khi đó Trung Quốc nhấn mạnh rằng dù giữ cương vị Chủ tịch Interpol, Mạnh Hoành Vĩ vẫn là công dân Trung Quốc nên phải bị xử lý theo quy định của nước này. Ủy ban Giám sát Quốc gia (NSC), cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc, có quy trình Lưu trí – điều tra viên có quyền triệu tập thẩm vấn bất cứ cá nhân nào bị nghi ngờ dính líu đến tham nhũng, bao gồm những đối tượng bị tình nghi đưa và nhận hối lộ. Sau khi thẩm vấn, NSC được phép bí mật giữ nghi phạm tham nhũng trong ba tháng để điều tra và có thể gia hạn thêm ba tháng. Điều tra viên cũng có thể đóng băng tài sản và lục soát nơi ở, nơi làm việc của nghi phạm mà không cần lệnh từ tòa án hay viện kiểm sát.

Hồi tháng 11/2016, khi Mạnh Hoành Vĩ trở thành người Trung Quốc đầu tiên được bầu làm chủ tịch Interpol, truyền thông nước này từng ca ngợi ông là minh chứng cho thấy cộng đồng quốc tế đã “công nhận đầy đủ” năng lực hành pháp của Trung Quốc và coi đây là một quốc gia thượng tôn pháp luật.

Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể đã đặt lợi ích của đảng và vấn đề nội bộ quốc gia lên trên hình ảnh quốc tế khi ra quyết định điều tra Mạnh Hoành Vĩ.

“Cú ngã ngựa đầy bất ngờ của Mạnh Hoành Vĩ là một bằng chứng cho thấy khi cần thiết, Trung Quốc sẵn sàng đặt vấn đề chính trị nội bộ và yêu cầu của đảng lên trên hết, ngay cả khi phải đánh đổi bằng vai trò lãnh đạo tại các tổ chức quốc tế mà họ đã dày công xây dựng”, Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc SOAS ở London, nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới