Saturday, November 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNăm 2018: Thế giới trước bước ngoặt lịch sử (Phần 2)

Năm 2018: Thế giới trước bước ngoặt lịch sử (Phần 2)

Năm 2018, nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ đã đưa ra nhiều chính sách quan trọng như khởi động cuộc chiến thương mại vào tháng 3 hay đưa ra các đạo luật chính thức coi Trung Quốc là “địch thủ”, hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC…

Năm 2018: Thế giới trước bước ngoặt lịch sử (Phần 1)

Bản đồ sáng kiến “vành đai – con đường” của Trung Quốc.

(tiếp theo kỳ trước)

Cạnh tranh giữa “vành đai – con đường” (BRI) của Trung Quốc và chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ

BRI xuất phát từ “Con đường tơ lụa” của các Hoàng đế Trung Hoa trong thế kỷ II trước Công Nguyên với tham vọng bá chủ thiên hạ. Thời Mao Trạch Đông cầm quyền ở Trung Quốc, tham vọng bá chủ thiên hạ của Bắc Kinh được thể hiện ở chủ trương phân chia thế giới thành “thế giới thứ nhất” gồm các nước tư bản Châu Âu, Mỹ), “thế giới thứ hai” gồm các nước xã hội chủ nghĩa và “thế giới thứ 3” là các nước đang phát triển. Theo đó, Trung Quốc cần đóng vai trò lãnh đạo “thế giới thứ ba” để đối đầu với Mỹ, Châu Âu và “đế quốc xã hội Liên Xô”. Hiện nay, Liên Xô đã không còn nữa, nước Nga không phải là đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc, còn Mỹ đang trong tình cảnh “thất thế” nên Trung Quốc phải nắm lấy thời cơ lịch sử này để vươn lên nắm vai trò “lãnh đạo thế giới”.  

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Trung Quốc chủ trương thu hút các nước trên thế giới tham gia đề án chiến lược BRI đầy tham vọng.  Đây là một tập hợp địa chính trị rộng lớn, chỉ đứng sau Khu vực thương mại tự do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), vượt xa Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Giới phân tích chính trị ở Mỹ coi BRI của Trung Quốc là trật tự thế giới mới kiểu Trung Quốc. Tờ Thời báo Tự do (Đài Loan) số ra ngày 6.3.2018, nhận định Trung Quốc sẽ chi tới gần 8.000 tỷ USD để thực hiện các dự án của BRI trên khắp các châu lục. Hiện nay số nước tham gia BRI trải rộng trên toàn cầu, đã tập hợp được khoảng 77 nước ở Châu Âu và Châu Phi trên tổng số hơn 100 nước tuyên bố ý định muốn tham gia, chiếm hơn một nửa trong tổng số 197 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc.

Về ý nghĩa địa kinh tế, BRI liên quan tới khoảng 75% nguồn tài nguyên thế giới; 62% dân số (4,5 tỷ người); 41% diện tích (khoảng 60 triệu km2, trên tổng số 148 triệu km2); 35% trao đổi thương mại thế giới, khoảng 30% GDP toàn cầu năm 2017 (29% năm 2016); 28% lượng tiêu thụ toàn cầu vào năm 2016. Giá trị trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và các nước thành viên tham gia BRI đạt 955 tỷ USD vào năm 2016 và dự kiến đạt 2.500 tỷ USD vào năm 2025. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với các nước tham gia dự án này đạt 235 tỷ USD vào năm 2016. Trung Quốc đã đầu tư hơn 100 tỷ USD vào các quỹ khác nhau sau khi các thỏa thuận hợp tác công nghiệp được ký kết trong khuôn khổ BRI. Hiện đã có ít nhất là 60 thỏa thuận hợp tác đã được Trung Quốc ký kết với các nước (38 thỏa thuận với các nước Châu Âu). Tập đoàn xây dựng viễn thông Trung Quốc đã thu được hơn 40 tỷ USD trong các hợp đồng thương mại, xây dựng 10.320km đường, 95 cảng nước sâu, 10 sân bay, 152 cầu và 2.100km đường sắt tại các nước tham gia BRI.

Theo Báo cáo năm 2016 của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), từ năm 2016 đến năm 2030, các nước Châu Á cần phải huy động 26.000 tỷ USD để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Vì thế, nhiều nước Châu Á muốn tham gia BRI bởi họ cho rằng đề án chiến lược này là một phương thức  kích hoạt đầu tư có thể mang lại hiệu quả. Năm 2017, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các nước tham gia BRI vượt 780 tỷ USD. Từ năm 2013 đến nay, dọc theo các tuyến đường của BRI Trung Quốc đã đầu tư trên 50 tỷ USD để xây dựng 75 khu kinh tế, thương mại tại 24 quốc gia. Chỉ trong năm 2017, có tới 3.270 chuyến tàu hàng hóa đi lại giữa Trung Quốc và Châu Âu, chiếm hơn một nửa trong số 6.235, chuyến được thực hiện từ năm 2011 đến nay. Dự kiến năm 2018 số lượng chuyến tàu có thể tăng lên 4.000.

Năm 2017, Trung Quốc đầu tư xây dựng hai tuyến đường mới trong đề án BRI là tuyến đường đi qua Bắc Cực có thể tiết kiệm thời gian và kinh phí trong vận tải hàng hóa giữa Trung Quốc và Châu Âu so với con đường đi qua Ấn Độ Dương và tuyến đường đi qua kênh đào Suez. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu xây dựng 10.500km cáp quang kết nối Châu Âu với Trung Quốc (bao gồm cả Phần Lan, Na Uy, Nga và Nhật Bản) vào năm 2020. Tuyến đường thứ hai là kỹ thuật số bởi thương mại điện tử tại Trung Quốc là một lĩnh vực có triển vọng rất lớn với lượng người sử dụng Internet tại Trung Quốc là 751 triệu người.

Rõ ràng, BRI không chỉ là một dự án cơ sở hạ tầng mà còn liên quan mật thiết đến các vấn đề địa kinh tế và địa chính trị. Vì thế, BRI đã từng được đưa vào Văn kiện của Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng lâu dài của đề án này đối với “Giấc mộng Trung Hoa” nhằm đưa Trung Quốc vào vị thế sức mạnh toàn cầu vào năm 2050 thông qua việc cắt giảm sản lượng công nghiệp dư thừa, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các khu vực kinh tế trong nội địa, đầu tư vào đầu ra, mua lại bí quyết công nghệ nước ngoài và tăng trưởng thương mại. Từ đó, Trung Quốc thực hiện chiến lược toàn cầu hóa mới đặc sắc Trung Quốc.

Theo báo cáo gần đây của phía Mỹ, BRI đã khiến 8 quốc gia bao gồm Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mongolia, Montenegro, Pakistan, Tajikistan sa vào “bẫy nợ” của Trung Quốc. Trong đó, nợ công của Djibouti hiện chiếm tới 91% GDP của nước này. Cựu quan chức Bộ tài chính Mỹ Scott Morris nhận định, với mức nợ công ngày càng tăng tới giới hạn không thể trả nợ sẽ buộc các quốc gia này phải chịu lệ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc và gán nợ bằng tài nguyên và chủ quyền quốc gia. Ngày 13.8.2018, Thủ tướng Malaysia, ông Mahathir Mohamad, bất ngờ tuyên bố sẽ tìm cách hủy bỏ các dự án xây dựng cơ bản trị giá 22 tỷ USD thuộc đề án chiến lược “vành đai – con đường” mà người tiền nhiệm của ông đã ký kết với Trung Quốc vì Malaysia không muốn sa vào bẫy nợ của Bắc Kinh.

Để cạnh tranh với BRI của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điều chỉnh chiến lược “xoay trục sang Châu Á” của Tổng thống Mỹ Barack Obama thành chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ngày 14.8.2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) cho năm tài chính 2018-2019, trong đó dành khoản đầu tư lớn để thực hiện các biện pháp  nhằm kiềm chế hành động của Trung Quốc ở Biển Đông – nơi khởi đầu BRI trên biển của Trung Quốc.

Các biện pháp đó bao gồm: (1) Ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc trong vành đai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt chú ý ngăn chặn Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông; (2) Mở rộng chức năng của Sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam Á hướng tới khả năng bao quát khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; (3) Tăng cường các hoạt động diễn tập phòng thủ tên lửa tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có khu vực truyền thống ở Đông Bắc Á; (4) Tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh trong khuôn khổ bộ tứ giác kim cương Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ-Australia (gia tăng các cuộc tập trận liên quân, tăng cường quyền hạn cho Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, hạn chế khả năng của Tổng thống Donald Trump cắt giảm lực lượng của Mỹ hiện diện tại Hàn Quốc); (5) Giao cho Bộ quốc phòng Mỹ lập báo cáo thường niên gửi Quốc hội Mỹ về các hoạt động quân sự, hàng hải và hàng không của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông; (6) Giao Bộ Quốc phòng Mỹ báo cáo công khai minh bạch về việc Trung Quốc bố trí vũ khí và các trang thiết bị mới ở khu vực Biển Đông; (7) Cấm vĩnh viễn Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) cho tới khi nào Bắc Kinh chấm dứt các hoạt động quân sự hóa ở biển Đông như loại bỏ các hệ thống vũ khí ra khỏi các căn cứ tiền đồn ở Biển Đông.

Cạnh tranh giữa hai mô hình kinh tế của Mỹ và Trung Quốc

Nguyên nhân có tính chất bao trùm cuộc cạnh tranh toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc là cạnh tranh giữa hai mô hình kinh tế khác nhau của hai cường quốc này. Trong đó, những đặc trưng cơ bản của mô hình kinh tế Trung Quốc là: nền kinh tế thị trường do nhà nước quản lý và đóng vai trò chủ đạo; chính phủ Trung Quốc hỗ trợ cho các ngành và các công ty thông qua các hình thức trợ cấp tài chính và hỗ trợ chính sách và tiếp cận thị trường thế giới; chính phủ đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển, điện lực, đường sắt và sân bay, tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp và mở rộng thị trường trên phạm vi toàn cầu; chính phủ ra sức tận dụng các lợi thế từ quá trình toàn cầu hóa và WTO. Chính vì thế, Mỹ và EU nhìn nhận kinh tế Trung Quốc là “phi thị trường”.

Trong khi đó, mô hình kinh tế Mỹ là thị trường tự do, theo đó nhà nước không trợ cấp thương mại cho hoạt động của các công ty. Vì thế, Tổng thống Mỹ Donald Trump hết sức lo ngại về những nguy cơ và thách thức từ mô hình kinh tế của Trung Quốc. Ông Donald Trump cho rằng sau khi gia nhập WTO vào năm 2001, Trung Quốc đã lợi dụng cơ chế kinh tế thị trường tự do của thế giới để trục lợi. Vì thế, Tổng thống Mỹ Donald Trump coi thành tựu của Trung Quốc sau khi gia nhập WTO là “xâm lược kinh tế” và vi phạm các quy định của WTO suốt 16 năm qua.

Trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung hiện nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương phản đối toàn cầu hóa, phản đối các hiệp định đa phương, chủ trương xem xét lại WTO và thậm chí giải tán tổ chức này. Còn Trung Quốc phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mà nòng cốt là WTO. Theo cách diễn tả hình  ảnh của giới phân tích, Trung Quốc đang chiếm giữ “ngôi nhà thế giới” mà Mỹ đã dày công xây dựng nên sau Chiến tranh thế giới lần thứ II. Chính vì thế, Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương phá bỏ ngôi nhà đó và xây một “ngôi  nhà thế giới mới”.

Trong cuộc cạnh tranh giữa hai mô hình kinh tế đang diễn ra sự cạnh tranh giữa vị thế đồng USD và đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc. Trong hơn nửa thế kỷ qua, đồng đô la của Mỹ (USD) đã từng là đồng tiền chung của thế giới và đóng vai trò là một trong những trụ cột dựng nên “ngôi nhà thế giới” với chủ nhân là Mỹ. Hiện nay, một trong những biện pháp để Trung Quốc từng bước làm chủ “ngôi nhà thế giới” ấy chính là thực hiện chiến lược quốc tế NDT nhằm thay thế vị thế USD theo lộ trình gồm 3 giai đoạn: láng giềng hóa trong 10 năm đầu, trong đó Trung Quốc sẽ đưa đồng NDT vào thanh toán thương mại với các nước láng giềng; khu vực hóa trong 10 năm tiếp theo nhằm tiền tệ hóa hoạt động đầu tư mang tính khu vực trên cơ sở NDT; quốc tế hóa 10 năm cuối, trong đó NDT sẽ trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế, soán ngôi vị thế USD.

Tại Diễn đàn Hội nghị APEC 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, thế giới đang đứng trước ngã rẽ lịch sử, trong đó Trung Quốc sẽ không từ bỏ mô hình phát triển của mình dưới bất kỳ sức ép nào từ bên ngoài. Phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm nhập khẩu quốc tế đầu tiên ở Thượng Hải, bà Christine Lagarde, Giám đốc IMF, nhận định sự chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc không chỉ thay đổi bản thân họ mà còn thay đổi toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.

Do đó, cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là cuộc chiến lâu dài và có ý nghĩa quyết định cục diện chính trị và kinh tế thế giới trong thế kỷ 21. Sự cạnh tranh giữa các cường quốc đầu thế kỷ 20 đã từng dẫn tới 2 cuộc đại chiến thế giới, còn sự cạnh tranh giữa các cường quốc hiện nay, trước hết là giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu không dẫn tới Thế Chiến III thì cũng sẽ thay đổi căn bản thế giới, chí ít cũng tương tự như Chiến Tranh Lạnh trong thế kỷ 20.

RELATED ARTICLES

Tin mới