Monday, January 27, 2025
Trang chủNhìn ra thế giới"Kho báu trời ban" cho nước Nga: Trị giá 75 nghìn tỉ...

“Kho báu trời ban” cho nước Nga: Trị giá 75 nghìn tỉ USD, nhiều hơn cả Mỹ – Trung cộng lại

Với lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, Nga rất khó bị “hạ gục” bởi cấm vận từ các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ.

Miền Đông Siberia. Ảnh: Reuters / Ilya Naymushin

“Kho báu” khổng lồ của nước Nga

Là quốc gia có trữ lượng khoáng sản lớn nhất thế giới, Nga xếp vị trí thứ hai trong số những nhà xuất khẩu các khoáng sản hiếm của thế giới. Theo RT, tổng giá trị của số nguyên liệu này được ước tính lên tới hàng chục nghìn tỉ USD.

Nga có nguồn cung cấp dồi dào các loại dầu, khí đốt, gỗ, khoáng sản có giá trị, ví dụ như đồng, kim cương, chì, kẽm, bô xít, nhôm, thiếc, thủy ngân, vàng và bạc. Hầu hết các mỏ khoáng sản này đều tập trung tại Siberia và vùng Viễn Đông.

Công nghiệp khai khoáng của Nga – đứng thứ hai sau ngành dầu khí – chiếm một tỉ trọng quan trọng trong GDP và sản lượng xuất khẩu của nước này. Nga hiện nằm trong top 3 những nhà sản xuất khoáng sản thô của platinum, vàng và quặng sắt.

Nga cũng là quốc gia khai thác kim cương và palladium lớn nhất thế giới. Vùng núi Ural chứa khối lượng lớn khoáng sản trong khi các mỏ dầu, khí, than và gỗ tập trung tại Siberia.

Nga là nhà sản xuất than lớn thứ 5 thế giới với trữ lượng khoảng 175 tỉ tấn, hầu hết các mỏ lớn đều nằm quanh khu vực Siberia và núi Ural.

Công nghiệp khai thác gỗ – đem về 20 tỉ USD hàng năm cho Nga – cũng là một nguồn thu tài chính khổng lồ đối với nền kinh tế đất nước. Ngành hải sản Nga đứng vị trí thứ 4 trên thế giới.

Giá trị tài nguyên thiên nhiên của Nga được xếp vào ngưỡng “khổng lồ”. Theo các số liệu và ước tính cơ bản, tài nguyên của Nga có giá trị khoảng 75 nghìn tỉ USD, trong khi Mỹ chỉ có khoảng 45 nghìn tỉ USD và Trung Quốc sở hữu 23 nghìn tỉ USD giá trị khoáng sản.

Vì vậy, tờ RT cho rằng, giá trị tài nguyên dồi dào chính là nguyên nhiên khiến Nga khó có thể bị các cấm vận “hạ gục”. Trong khi đó, theo các bình luận, đây cũng là lí do các nước phương Tây và Mỹ thường xuyên “nhòm ngó” lãnh thổ Nga.

Công ty Norilsk Nickel (Nga) là một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới đối với mặt hàng niken và platinum. Công ty này sản xuất gần một nửa lượng palladium và platinum của thế giới. Riêng Nga và Nam Phi đã cung cấp 3/4 lượng khoáng sản nói trên hàng năm.

Trong năm 2017, Nga đã cung cấp cho thế giới 81 tấn platinum. Loại kim loại quý hiếm này được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp then chốt của thế giới, bao gồm công nghiệp ô tô, sản xuất vũ khí, ngành hàng không và cả trong y học.

Norilsk Nickel hoạt động khai khoáng tại Nga, Botswana, Australia, Nam Phi và Phần Lan. Doanh thu của hãng đạt 10 tỉ USD trong năm ngoái.

Hoạt động khai thác kim cương

Trong khi đó, công ty Alrosa của Nga – nhà sản xuất kim cương hàng đầu – đã đóng góp tới 1/3 sản lượng kim cương thô toàn thế giới. Các cơ sở sản xuất chính hiện tập trung chủ yếu ở vùng Tây Yakutia và Arkhangelsk. Tổng cộng, Alrosa có 30 cơ sở khai thác.

Tháng 11/2018 vừa qua, công ty đã mở một mỏ kim cương khổng lồ ở Yakutia theo lệnh của tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tại lễ khánh thành, ông Putin nói: “Nga là quốc gia rất giàu có về tài nguyên thiên nhiên, và kim cương tại Yakutia là một kho báu quốc gia mà chúng ta luôn luôn tự hào. Việc mở cửa mỏ kim cương sẽ củng cố vị thế dẫn đầu của Nga trên thị trường kim cương thế giới.”

Mỏ kim cương nói trên là dự án đầu tư lớn nhất của Alrosa. Công ty này sẽ rót hơn 60 tỉ ruble (khoảng 1 tỉ USD theo tỉ giá hiện tại) để khai thác khu mỏ cho tới năm 2042.

Ước tính, Alrosa sẽ sản xuất được 1.8 triệu cara kim cương mỗi năm, và trữ lượng của mỏ đủ cho công ty khai thác trong hơn 20 năm.

Dự án hướng tới mục tiêu đảm bảo nguồn sản xuất kim cương bền vững, cung cấp việc làm cho người dân địa phương cũng như đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho nước Nga.

RELATED ARTICLES

Tin mới