Saturday, November 23, 2024
Trang chủĐiểm tinTàu sân bay TQ gặp "hạn"

Tàu sân bay TQ gặp “hạn”

Bắc Kinh muốn có 4 tàu sân bay vào năm 2030 nhưng kế hoạch này có thể thay đổi do một loạt yếu tố kinh tế, chính trị.

Tàu sân bay Type 001A của Trung Quốc Ảnh: SCMP

Quá trình đóng tàu sân bay đầu tiên của Bắc Kinh đang bị phủ bóng bởi một loạt thông tin xấu liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) thuộc sở hữu nhà nước.

Hàng loạt bê bối

Trong vụ bê bối mới nhất được báo South China Morning Post đăng tải hôm 28-12, ông Jin Tao, 54 tuổi, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu 712 thuộc CSIC, đang đối mặt cáo buộc tham nhũng theo sau cuộc điều tra kéo dài 4 tháng.

Ông Jin, một nhà nghiên cứu cấp cao xử lý thông tin nhạy cảm liên quan đến dự án phát triển tàu sân bay nội địa, bị bắt hồi tháng 9 qua.

Đến ngày 27-12, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương (CCDI) Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo ông Jin “sẽ bị xử lý nghiêm khắc” vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng” và “bị nghi phạm tội gây tổn thất lớn cho lợi ích quốc gia”.

Ông Jin từng đứng đầu Viện Nghiên cứu 712, có trụ sở tại TP Vũ Hán và chuyên nghiên cứu về động cơ đẩy điện tử và pin đặc biệt, trong 2 năm qua. Trước đó, ông có thâm niên 13 năm giữ chức Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu 704 của CSIC tại TP Thượng Hải.

Cú “ngã ngựa” của ông Jin Tao xảy ra sau 2 vụ bê bối tham nhũng gần đây liên quan đến CSIC. Vào đầu tuần này, ông Bu Jianjie, một nhà khoa học tàu ngầm và cựu giám đốc một viện nghiên cứu khác của CSIC, bị khai trừ khỏi đảng và điều tra hình sự với nhiều tội danh.

Gây chấn động hơn là cáo buộc nhằm vào cựu Tổng giám đốc CSIC Sun Bo, người bị bắt hồi tháng 6, được đưa ra hôm 17-12.

Thông báo của CCDI cho biết ông này bị khai trừ khỏi đảng, cách chức tổng giám đốc CSIC vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và gây thiệt hại nặng nề đến lợi ích quốc gia”, và bị buộc tội lợi dụng chức vụ để tham ô và nhận hối lộ.

Sức ép tài chính

Không dừng lại ở đó, SCMP dẫn một số nguồn tin cho biết các nhà điều tra của CCDI còn đang xem xét cáo buộc ông Sun chuyển thông tin mật về tàu sân bay Liêu Ninh cho tình báo nước ngoài.

Hiện chưa rõ ông Sun cung cấp thông tin gì nhưng nhân vật này có nguy cơ đối mặt án tử nếu đây là những dữ liệu quan trọng thuộc loại tuyệt mật. Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết nhà chức trách nhiều khả năng không công khai chi tiết các hành vi phạm tội của ông Sun vì mức độ nhạy cảm của chúng.

“Vụ việc của ông ta phức tạp và liên quan đến nhiều bí mật nhà nước nên nhà chức trách sẽ chỉ cho biết ông bị bắt giữ vì những cáo buộc tham nhũng” – nguồn tin này giải thích.

Ngoài ra, một nguồn tin khác cho biết thêm Bắc Kinh muốn sử dụng vụ việc của ông Sun để “cảnh báo” các quan chức cấp cao giữa lúc chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động vẫn đang diễn ra.

CSIC nắm vai trò quan trọng trong việc phát triển tàu hải quân, trong đó có cả tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay. Tập đoàn này đã đóng tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc chế tạo, gọi là tàu Type 001A tại xưởng đóng tàu ở tỉnh Liêu Ninh.

Thiết kế của tàu sân bay Type 001A này được dựa trên tàu sân bay Liêu Ninh được Bắc Kinh mua lại của Ukraine năm 1998.

Các chuyên gia quân sự nhận định tàu sân bay Type 001A sẽ được bàn giao cho hải quân Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nước (1-10-2019). Ngoài ra, CSIC còn đang phát triển tàu sân bay thứ 2, gọi là Type 002, trong lúc nâng cấp tàu sân bay Liêu Ninh.

Dù vậy, thách thức đối với tham vọng mở rộng đội tàu sân bay của Trung Quốc không chỉ đến từ những vụ bắt giữ nói trên.

Một nguồn tin quân sự gần đây tiết lộ với SCMP rằng công việc đóng tàu sân bay Type 002 đang bị chậm lại do ngân sách bị cắt giảm trong lúc chi phí liên quan đến chiến đấu cơ J-15 hoạt động trên tàu này lại tăng.

Bắc Kinh muốn có 4 tàu sân bay vào năm 2030 nhưng kế hoạch này có thể thay đổi vì những khó khăn về tài chính, tác động từ cuộc cải tổ quân sự chưa từng có tiền lệ và một loạt yếu tố kinh tế, chính trị khác.

“Một công ty đóng tàu khác lẽ ra dự kiến bắt đầu đóng một tàu sân bay Type 002 nữa (tàu sân bay thứ 4) của Trung Quốc trong những ngày gần đây nhưng kế hoạch đó đã bị hoãn lại giữa lúc chiến tranh thương mại với Mỹ diễn ra… Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại kể từ khi hai nước bắt đầu tranh chấp thương mại” – nguồn tin cho biết.

RELATED ARTICLES

Tin mới