Trong các bảng xếp hạng chỉ số tiềm lực quân sự toàn cầu, Quân đội Lào chưa bao giờ là quốc gia được đánh giá cao, khi thứ hạng của họ luôn nằm ngoài Top 120 TG và xếp cuối ĐNÁ.
Xe tăng T-72B “đại bàng trắng” của Quân đội Nhân dân Cách mạng Lào vừa mới nhận từ Nga.
23,5 triệu USD nuôi 130.000 quân?
Nhận định trên xuất phát từ việc Quân đội Nhân dân Cách mạng Lào (LPAF) đang cởi mở hơn trong việc cho phép giới truyền thông tiếp cận với các thông tin về LPAF dưới nhiều hình thức khác nhau. Và cũng chính nhờ điều này cũng đã khiến cả thế giới nhận ra một sự thật là Quân đội Lào ngày nay không khiêm tốn như người ta vẫn nhầm tưởng.
Theo Tradinge Conomics, chi tiêu quân sự của Lào được thống kê vào năm 2014 ước tính chiếm khoảng 0.2% GDP của nước này tương đương 23,5 triệu USD trong năm 2013, và đã hơn 4 năm kể từ khi bảng báo cáo này xuất hiện người ta vẫn chưa tiến hành thống kê lại trong những năm qua Viêng Chăn đã chi ra bao nhiêu cho quốc phòng.
Trong các bảng xếp hạng chỉ số tiềm lực quân sự toàn cầu, Lào chưa bao giờ là quốc gia được đánh giá cao, khi thứ hạng của Viêng Chăn luôn nằm ngoài top 120 thế giới và xếp cuối ở khu vực Đông Nam Á.
Quân số của Lào cũng giữ ở mức khiêm tốn vào khoảng 130.000 quân, trong đó có hơn 29.000 quân thường trực và 100.000 quân dự bị, được trang bị 55 xe tăng các loại, 30 máy bay và không có lực lượng hải quân.
Hầu hết trang thiết bị quân sự của Lào đều do Liên Xô sản xuất từ thời Chiến tranh Lạnh và vẫn được duy trì cho tới thời điểm hiện tại. Với một nền tảng quân đội như trên, yêu cầu hiện đại lực lượng vũ trang của Lào ở thời điểm hiện tại đang lớn hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, với ngân sách chỉ vỏn vẹn 23,5 triệu USD theo các số liệu được thống kê gần đây nhất, số tiền trên còn không đủ để duy trì 130.000 quân của Lào chứ chưa nói đến tái trang bị hay mua sắm vũ khí mới.
Và theo nhiều chuyên gia quốc phòng, chi tiêu quân sự của Lào đang thấp một cách bất thường và có vẻ như Viêng Chăn không muốn bên ngoài để ý quá nhiều vào ngân sách quốc phòng của nước này, vậy lý do cho điều này gì?
Sự thật đằng sau ngân sách 23.5 triệu USD
Không giống như nhiều quốc gia khác, trong những năm gần đây Lào bắt đầu kế hoạch hiện đại hóa quân đội của nước này trong lặng lẽ và không quá ồn ào với hàng loạt vũ khí mới được đưa vào trang bị theo từng giai đoạn, bản thân các hợp đồng quốc phòng của Viêng Chăn với bên ngoài cũng được giữ kín.
Có một điều khá đặc biệt là những hợp đồng vũ khí xuất hiện lặng lẽ trong quân đội Lào gần đây đều là với Trung Quốc, và chúng chỉ mới được tiết lộ thông qua các hoạt động chuẩn bị cho lễ duyệt binh kỷ niệm thành lập Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lào sắp tới.
Và chỉ cần điểm sơ qua cũng có thể thấy có tới ít nhất 5 mẫu vũ khí mới của Quân đội Lào có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Đó những cái tên như hệ thống phòng không di động Yitian, hệ thống cối tự hành CS/SS4, hệ thống pháo phản lực phóng loạt SR5, xe bọc thép chở quân Tiger và còn nhiều cái tên khác. Từ đây có thể thấy rõ vai trò của vũ khí Trung Quốc trong kế hoạch tái trang và hiện đại hóa quân đội của Viêng Chăn.
Quay lại với ngân sách quốc phòng của Lào chỉ với 23.5 triệu USD thật khó để Lào có thể mua được số vũ khí trên từ Trung Quốc kể cả khi họ mua với số lượng nhỏ.
Đó là còn chưa kể Viêng Chăn vừa được Nga chuyển giao ít nhất 10 chiếc xe tăng T-72B “đại bàng trắng” đầu tiên trị giá trên dưới 3 triệu USD cho mỗi chiếc, và ngay sau đó máy bay tiêm kích huấn luyện đa năng Yak-130 ước tính 15 triệu USD một chiếc.
Và chỉ cần tính sơ qua, số vũ khí mà Lào vừa mua từ Nga và Trung Quốc đang vượt quá ngân sách quốc phòng của nước này hàng chục lần, điều này chỉ chứng minh rằng những con số mà giới quan sát quốc tế có được về chi tiêu quốc phòng của Lào trong thời gian gần đây đều chưa đúng với thực tế đang diễn ra.
Ở đây chúng ta còn chưa nhắc đến các nguồn viện trợ quân sự từ bên ngoài giành cho Lào trong những năm gần đây.
Ai đang giúp Lào hiện đại hóa quân đội?
Theo Business Insider, trong một chuyến thăm đến Lào vào năm 2017, các quan chức Trung Quốc cam kết tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển của Quân đội Lào dựa trên mối quan hệ ngoại giao lâu đời giữa hai nước. Đưa hợp tác quân sự Lào – Trung Quốc lên tầm cao mới.
Với chính sách hợp tác quân sự của Bắc Kinh với các quốc gia láng giềng, có thể thấy Trung Quốc sẽ hỗ trợ “hết minh” cho Lào trong việc hiện đại hóa quân đội và đẩy nhanh quá trình này lên gấp nhiều lần bằng viện trợ quân sự hoặc cho vay để mua vũ khí.
Và số tiền mà Trung Quốc sẵn sàng “cho” Lào có thể gấp hàng chục lần ngân sách quốc phòng được Viêng Chăn công bố vào năm 2013.
Các loại vũ khí “giá rẻ” của Trung Quốc là sự lựa chọn không thể tốt hơn giành cho ngân sách quốc phòng eo hẹp của Lào, trong khi đó các gói viện trợ quân sự của Bắc Kinh cũng thường đi kèm những điều kiện nhất định và trong đó có việc Lào phải mua vũ khí Trung Quốc bằng chính tiền mà Trung Quốc viện trợ.
Và tới tốc độ hiện tại, tới năm 2025, rất có thể Lào sẽ hoàn tất việc hiện đại hóa hoàn toàn kho vũ khí của nước này bằng cách nhập khẩu ồ ạt vũ khí từ Trung Quốc và một số quốc gia khác.
Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi trang bị của Quân đội Lào hiện tại không có nhiều và số lượng vũ khí cần mua mới cũng ít hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.
Từ những điểm trên có thể nói sự hỗ trợ “hết mình” của Trung Quốc đòng vai trò đặc biệt quan trọng trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Lào, và với nguồn lực vô tận của mình chỉ trong “một đêm” Bắc Kinh có thể khiến Quân đội Lào “lột xác” thành một lực lượng vũ trang sở hữu sức mạnh đáng gờm trong khu vực.