Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngKinh tế TQ năm 2019: Khó khăn và thách thức là yếu...

Kinh tế TQ năm 2019: Khó khăn và thách thức là yếu tố chủ đạo

Các nhà kinh tế dự đoán sự tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm hơn so với năm 2018, ảnh hưởng tới các nền kinh tế trên khắp châu Á. Theo ngân hàng đầu tư Nomura của Nhật Bản, một trong những thách thức chính mà châu Á phải đối mặt sẽ là sự chậm lại so với dự kiến của Trung Quốc, đặc biệt trong khoảng nửa đầu năm 2019.

Những trọng tâm chính về kinh tế của Trung Quốc trong năm 2019

Theo đuổi tiến độ trong khi vẫn đảm bảo sự ổn định: Kể từ đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã theo đuổi tăng trưởng ổn định, qua đó có thể ứng phó hữu hiệu với những thay đổi sâu sắc của môi trường bên ngoài. Những nỗ lực chống chọi với kiểm soát rủi ro, giảm nghèo và giải quyết nạn ô nhiễm đã cho thấy Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trong công cuộc cải cách cơ cấu trọng cung. Tại Hội nghị Kinh tế Trung ương Trung Quốc vừa qua đã đề xuất những nỗ lực nhằm ổn định hơn nữa việc làm, các thị trường tài chính, ngoại thương, đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước. Hội nghị còn kêu gọi duy trì sự tăng trưởng kinh tế liên tục và lành mạnh, ổn định xã hội toàn diện, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng và phát sinh bất ổn trong tăng trưởng kinh tế thế giới. Bằng cách duy trì phát triển theo chiều hướng ổn định, Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế thế giới.

Phát triển chất lượng cao: Trong bài phát biểu tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE) tháng 11/2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng trong quá trình phát triển, nền kinh tế Trung Quốc đã gặp phải một số vấn đề nổi cộm. Trong một số lĩnh vực, rủi ro và bất ổn ngày càng gia tăng, một số doanh nghiệp đã vấp phải nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh rằng đây là những vấn đề song hành với sự phát triển và Trung Quốc đang áp dụng nhiều biện pháp để giải quyết các vấn đề trên. Những biện pháp quan trọng nhất được Tập Cận Bình đề cập đến là khuyến khích phát triển chất lượng cao, mang lại lợi ích cho nhân dân Trung Quốc. Trong năm 2019, sự phát triển chất lượng cao cũng như việc cải thiện an ninh và tâm lý hạnh phúc của nhân dân sẽ là những nguyên tắc chỉ đạo sự tịnh tiến kinh tế của Trung Quốc. Đó là lý do Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi cải cách cơ cấu trọng cung, đồng thời coi đó là nhiệm vụ chính của nước này. Trung Quốc sẽ thực hiện cải cách theo định hướng thị trường, mở cửa hơn nữa và đẩy nhanh hiện đại hóa nền kinh tế. Trung Quốc cũng sẽ tìm kiếm các bước đột phá trong việc ngăn ngừa những nguy cơ lớn, giảm nghèo theo mục tiêu đề ra, kiểm soát ô nhiễm, phát triển khu vực sản xuất, mở mang thị trường trong nước, chấn hưng nông thôn và điều phối khu vực. Có thể hy vọng rằng công cuộc mở rộng nhu cầu trong nước và củng cố nền kinh tế sẽ đóng vai trò nổi bật hơn trong tăng trưởng vào năm tới.

Chủ động đi đầu: Chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc đã trở thành cuộc cách mạng thứ hai của nước này. Nó đã làm thay đổi sâu sắc Trung Quốc và ảnh hưởng sâu rộng đến thế giới. Chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp mở cửa mới, trong đó có việc giảm đáng kể thuế nhập khẩu đối với 1.449 mặt hàng tiêu dùng và 1.585 sản phẩm công nghiệp, giảm bớt các hạn chế mang tính tiêu cực đối với đầu tư nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc còn cam kết mở cửa hơn nữa đối với đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực tài chính, ô tô, máy bay và tàu thuyền…  Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), xếp hạng môi trường kinh doanh của Trung Quốc đã tăng hơn 30 bậc kể từ năm 2017. Doanh thu từ Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc đầu tiên đã đạt 57,8 tỷ USD, qua đó phản ánh tiềm năng đối với thị trường rộng lớn của Trung Quốc. Năm 2019, Trung Quốc sẽ tổ chức Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế về “Vành đai và Con đường” lần thứ hai và Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ hai. Đối với vấn đề phát triển, Trung Quốc luôn hành động theo các điều kiện quốc gia của riêng mình, chủ động đi đầu và nắm bắt các cơ hội chiến lược để phát triển.

Linh hoạt trong chính sách tài chính, tiền tệ: Chính sách tài chính của Trung Quốc sẽ tích cực hơn, việc giảm thuế và thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ trở thành trọng điểm. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tập trung thực hiện một số chính sách về kinh tế như đối xử bình đẳng với tất cả các doanh nghiệp theo mọi chế độ sở hữu, đồng thời đề cập nhiều hơn đến phương diện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhằm giảm bớt sự lo ngại của dư luận bên ngoài, xốc lại lòng tin của các doanh nghiệp tư nhân; đẩy nhanh thực thi các biện pháp cải cách mở cửa đã cam kết để lấy lại niềm tin thị trường; thúc đẩy hình thành thị trường nội địa mạnh; thúc đẩy tiêu dùng và chính sách dân sinh…

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang sụt giảm

Trung Quốc sẽ một lần nữa định hình viễn cảnh của kinh tế châu Á vào năm 2019 khi nền kinh tế lớn nhất khu vực phải đối mặt với các thách thức trong và ngoài nước, bao gồm căng thẳng thương mại với Mỹ. Các nhà kinh tế dự đoán sự tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm hơn so với năm 2018, ảnh hưởng tới các nền kinh tế trên khắp châu Á. Theo ngân hàng đầu tư Nomura của Nhật Bản, một trong những thách thức chính mà châu Á phải đối mặt sẽ là sự chậm lại so với dự kiến của Trung Quốc, đặc biệt trong khoảng nửa đầu năm 2019. Năm 2018, tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, với tổng sản phẩm quốc nội tăng 6,8% trong quý đầu của năm, 6,7% trong quý hai và 6,5% trong quý ba, khi chính phủ cắt giảm chi tiêu cơ sở hạ tầng để cố gắng giảm nợ ở cấp địa phương. Ngân hàng HSBC cho biết trong một báo cáo gần đây rằng sự leo thang của cuộc chiến thương mại có thể làm giảm từ 0,7 đến 0,8 điểm % tăng trưởng GDP của Trung Quốc vào năm 2019. Theo khảo sát kinh tế Trung Quốc mới nhất do Nikkei thực hiện, tăng trưởng kinh tế của nước này được dự báo sẽ giảm từ 6,6% vào năm 2018 xuống 6,2% năm 2019. Cùng quan điểm trên, Ngân hàng Thế giới dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,2% trong năm 2019.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của nước này trong tháng 12/2018 giảm còn 49,4. Con số này không chênh lệch nhiều so với chỉ số PMI của Caixin là 49,7. PMI dưới 50 cho thấy nền kinh tế của Trung Quốc đang co lại trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa họ và Mỹ vẫn chưa hề kết thúc, mà chỉ đang trong giai đoạn đình chiến. Như vậy, đây là lần đầu tiên PMI của Trung Quốc giảm xuống dưới mức 50,0 kể từ tháng 5/2017, và cũng là lần đầu tiên nền kinh tế của nước này có dấu hiệu co lại kể từ tháng 7/2016. Cụ thể, trong tháng 12/2018, số lượng đơn hàng mới của Trung Quốc lần đầu tiên giảm mạnh trong vòng 2,5 năm dù có nhiều ưu đãi về giá thành. Đặc biệt, số lượng đơn hàng xuất khẩu mới của Trung Quốc đã liên tục giảm trong vòng 9 tháng cuối năm 2018. Bên cạnh đó, tuy hoạt động sản xuất có dấu hiệu phục hồi sau 2 tháng đình trệ, nhưng các nhà máy vẫn tiếp tục cắt giảm việc làm – tình trạng này đã kéo dài trong 62 tháng liên tiếp. Thực tế, theo Reuters, chỉ số PMI của kinh tế Trung Quốc trong tháng 11/2018 đã ngấp nghé mức báo động với con số 50,1. Như vậy, những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế suy yếu đã xuất hiện từ trước khi con số này giảm xuống dưới 50.

Ngoài các yếu tố trong nước, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc. Dữ liệu cho thấy tăng thuế quan của Mỹ đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã bắt đầu xấu đi, với Chỉ số quản lý mua hàng sản xuất của chính phủ Trung Quốc cho thấy sự sụt giảm trong đơn hàng xuất khẩu trong vài tháng qua, cho đến tận tháng 11/2018. Ông Ding Shuang, một nhà kinh tế học tại Ngân hàng Standard Chartered, nhận định giới chức Bắc Kinh sẽ phải đối diện với thử thách lớn vào cuối quý I năm nay, khi các số liệu cho thấy nền kinh tế nước này tiếp tục suy yếu. Hiện tại, Trung Quốc và Mỹ đang trong giai đoạn 90 ngày đình chiến tạm thời, và thỏa thuận này sẽ hết hiệu lực vào ngày 1/3 tới. Sau thời hạn này, 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tiếp tục bị đe dọa tăng mức thuế từ 10% lên 25%, theo tuyên bố ban đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mặc dù Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn tinh thần đối mặt với những thiệt hại từ cuộc chiến thương mại, trong đó bao gồm việc nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại, tuy nhiên hiện nay những thiệt hại từ cuộc chiến này không chỉ giới hạn trong vấn đề trao đổi thương mại nữa, mà nó còn ảnh hưởng tới các nhà sản xuất trong nước và nhu cầu về hàng hóa của các nước khác.

Nền kinh tế Trung Quốc tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục

Nợ xấu của Trung Quốc tăng mạnh và cao nhất 5 năm qua. Các doanh nghiệp quốc doanh quản lý tài sản của Trung Quốc đang phải mua lại nhiều khoản nợ xấu từ hệ thống ngân hàng thương mại khi số khoản nợ xấu tăng kỷ lục từ năm 2013. Các ngân hàng Trung Quốc đang phải chịu sức ép ngày một lớn từ Chủ tịch Tập Cận Bình về việc loại bỏ những khoản nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, dữ liệu của công ty tài chính Great Wall lại chứng tỏ sự gia tăng trở lại của nợ xấu tại Trung Quốc. Great Wall là một trong bốn doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài sản và có trách nhiệm mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại trong nước. Ba cái tên còn lại là China Cinda, China Huarong và China Orient.Theo đó, số lượng các khoản nợ xấu tăng hơn 100% trong khoảng thời gian giữa năm 2016 và 2017. Nếu lấy năm 2014 làm mốc, thời điểm ghi nhận số lượng các khoản vay không hiệu quả thấp nhất trong hơn 10 năm qua, mức tăng lên tới gần 300%. Năm 2011, khi 4 doanh nghiệp nhà nước có nhiệm vụ quản lý tài sản được tái cấp vốn, thị trường Trung Quốc ghi nhận kỷ lục về số vụ mua lại các khoản nợ xấu. Con số này sau đó giảm dần nhưng tăng trở lại từ năm 2014. Theo số liệu từ báo cáo thường niên của Ủy ban Quản lý Ngân hàng Trung Quốc, mức tăng trung bình dư nợ của những khoản nợ xấu tại các ngân hàng thương mại từ năm 2015 đến 2016 ở những tỉnh thuộc vành đai công nghiệp cao hơn các nơi khác. Theo Harry Hu, nhà phân tích tại công ty xếp hạng tín nhiệm Standards & Poor’s (S&P), giới chức Trung Quốc đang khuyến khích 4 doanh nghiệp quốc doanh quản lý tài sản mua thêm các khoản nợ xấu để ổn định thị trường tài chính. Với chính sách phân bổ vốn cũng như hạn chế mở rộng và đầu tư nước ngoài, chính phủ Trung Quốc buộc các doanh nghiệp quản lý tài sản phải tập trung vào việc mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại, nhà phân tích của S&P nhận định. Thêm vào đó, nhà chức trách tại đây đã giảm thiểu rủi ro đối với 4 doanh nghiệp quản lý tài sản khi mua lại các khoản vay không hiệu quả. Hiện tại, các công ty này đang hưởng lợi từ phần chiết khấu của những khoản nợ xấu phải giải quyết. Gần đây, tỷ lệ nắm giữ nợ xấu đã bị hạ xuống từ 1,2 đến 1,5 lần, phụ thuộc vào khả năng quản lý tài sản rủi ro. Chính sách này nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại Trung Quốc bán lại nợ xấu trước khi chúng vượt quá giới hạn cho phép. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những doanh nghiệp quản lý tài sản quy mô nhỏ hơn thuộc các địa phương từ 3 năm trước cũng thúc đẩy hệ thống ngân hàng Trung Quốc thanh lý nợ xấu khi giá bán lại các khoản vay không hiệu quả được đẩy lên. Harry Hu cũng đưa ra dự đoán hai doanh nghiệp quốc doanh quản lý tài sản chưa niêm yết trên sàn chứng khoán là Great Wall và China Orient sẽ mua lại nhiều khoản nợ xấu hơn trong tương lai gần.

Trong khi đó, nợ công Trung Quốc lớn hơn tất cả thị trường mới nổi cộng lại. Trong 11 tháng gần đây, Trung Quốc từ quốc gia không có trái phiếu doanh nghiệp bằng đồng đôla, đã trở thành nơi sở hữu nhiều nợ công hơn bất kỳ thị trường mới nổi nào khác. Dựa trên số liệu thống kê không chính thức, nợ công của Trung Quốc có thể lên tới 6.000 tỷ USD, tương đương hơn một nửa GDP của cả nước năm 2017. Sự thay đổi mạnh mẽ của khối lượng trái phiếu Trung Quốc cũng buộc các công ty mới gia nhập thị trường phải đối mặt với chi phí vốn vay cao nhất trong vòng hai năm. Tác động của cuộc thương chiến lên Trung Quốc trở nên rõ rệt hơn với sự tăng lên của lãi suất tại Mỹ và lợi suất Kho bạc, đặt nền kinh tế Bắc Kinh vào tình trạng báo động.

Không những vậy, giới bất động sản Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với chi phí vay vốn tăng cao khi áp lực tái cấp vốn gia tăng, trong bối cảnh chính phủ Bắc Kinh nỗ lực thắt chặt kiểm soát lĩnh vực bất động sản.

Ngoài ra, việc mở cửa nền kinh tế, đón nhận dòng tiền đầu tư nước ngoài đã giúp Trung Quốc có những bước nhảy vọt trong 40 năm qua, song làn sóng đô thị hóa ồ ạt đã tác động gần 1 triệu ngôi làng nhỏ tại Trung Quốc. Những ngôi làng còn sót lại có khoảng 30 triệu người dân sống ở mức nghèo khổ. Tiếp đến, khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc cũng là một vấn đề. 1/3 tài sản trên cả nước tập trung trong tay 1% dân số. Có 80 triệu người trên cả nước thu nhập dưới 2 USD (khoảng 40.000 đồng)/ngày.

Một số biện pháp kích cầu nền kinh tế của Trung Quốc

Trong báo cáo mới nhất, WB (12/2018) nhận định thách thức chủ đạo đối với các chính sách của Trung Quốc là việc quản lý rủi ro liên quan đến vấn đề thương mại, trong khi vẫn duy trì các nỗ lực nhằm hạn chế rủi ro tài chính. Tiêu dùng sẽ vẫn là động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc, trong bối cảnh đà tăng trưởng tín dụng yếu đi và ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư tại nước này. Ngoài ra, nhu cầu thế giới “hạ nhiệt” cùng các biện pháp thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc cũng tác động nhiều tới hoạt động xuất khẩu của quốc gia châu Á này. Theo WB, để kích thích nền kinh tế, chính sách tài khóa có thể tập trung vào việc thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình thay vì hướng vào cơ sở hạ tầng công cộng. WB cũng cho biết thêm rằng Trung Quốc còn khả năng để có thể giảm thuế kinh doanh hơn nữa. Trước đó, Bắc Kinh đã cam kết cắt giảm thuế mạnh mẽ hơn vào năm tới. Song động thái này đã làm dấy lên cuộc tranh luận giữa các nhà kinh tế Trung Quốc về việc liệu nước này có nên mở rộng thâm hụt ngân sách tài chính vượt quá mức tương đương 3% GDP vào năm tới hay không. Ngoài ra, WB cũng đề cập đến việc trong khi Trung Quốc tiếp tục tiến hành đàm phán thương mại với Mỹ để nỗ lực giải quyết những quan ngại của các đối tác thương mại về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

Chính phủ Trung Quốc trong những tháng gần đây đã đưa ra một loạt các biện pháp chính sách, bao gồm cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng để thúc đẩy hoạt động cho vay, cắt giảm thuế và các bước đẩy nhanh các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC, Ngân hàng trung ương) đã đưa ra cơ chế cho vay trung hạn có xác định mục tiêu (TMLF) nhằm đảm bảo nguồn vốn dài hạn ổn định để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và thuộc lĩnh vực tư nhân. TMLF có thời gian đáo hạn tối đa ba năm và lãi suất hàng năm là 3,15%, thấp hơn mức công cụ cho vay trung hạn (MLF) hiện tại là 15 điểm cơ bản.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm sẽ ảnh hưởng lớn đối với khu vực

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sụt giảm sẽ tác động lên khắp châu Á, vì đây là đối tác thương mại lớn đối với hầu hết các quốc gia trong khu vực. Điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin thị trường của khu vực. Hầu hết các nền kinh tế ở Đông Nam Á bắt đầu hạ nhiệt vào nửa cuối năm 2018 khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang.

Đồng thời, tăng trưởng trong lĩnh vực công nghệ đang chậm lại trên toàn thế giới, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng của các nhà xuất khẩu điện tử. Thống kê thương mại bán dẫn thế giới vào tháng 11 dự đoán thị trường chip nói chung sẽ chỉ tăng 2,6% trong năm 2019, so với 15,7% vào năm 2018, do nhu cầu về điện thoại thông minh ít hơn. Sản lượng điện tử ở những nơi như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan có thể bị ảnh hưởng. Doanh số tại Largean Precision của Đài Loan, một trong những nhà sản xuất ống kính lớn nhất thế giới cho máy ảnh điện thoại thông minh, đã giảm gần 30% trong năm vào tháng 11.

RELATED ARTICLES

Tin mới