Saturday, April 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLiên tục kêu gọi chuẩn bị chiến tranh: TQ có thực sự...

Liên tục kêu gọi chuẩn bị chiến tranh: TQ có thực sự phát triển hòa bình hay đang đe dọa ổn định trên thế giới

Ngay đầu năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục kêu gọi quân đội chuẩn bị sẵn sàng chiến tranh. Hành động này của ông Tập đang đi ngược lại chính những gì mà Trung Quôc luôn tuyên truyền và cam kết về việc Bắc Kinh sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình, không xưng bá.

Kể từ khi nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc và lãnh đạo Ủy ban quân ủy trung ương vào cuối năm 2012, ông Tập Cận Bình đã liên tục kêu gọi quân đội tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Trung Quốc kêu gọi quân đội chuẩn bị sẵn sàng chiến tranh

Tại Hội nghị công tác quân sự của Quân Ủy Trung ương Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình (4/1) tuyên bố toàn quân cần phải kiên trì lấy Tư tưởng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới làm chỉ đạo, đi sâu quán triệt tinh thần Đại hội 19 và Hội nghị Trung ương 2, Trung ương 3 khóa 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đi sâu quán triệt tư tưởng xây dựng quân đội hùng mạnh của Đảng trong thời đại mới, đi sâu quán triệt phương châm chiến lược quân sự trong thời đại mới, làm tốt công tác chuẩn bị cho đấu tranh quân sự, mở ra cục diện mới về sự nghiệp xây dựng quân đội hùng mạnh trên khởi điểm mới. Ông Tập Cận Bình còn cho rằng “thế giới đang đứng trước tình hình biến đổi chưa từng có trong một trăm năm qua, sự phát triển của Trung Quốc vẫn đang ở trong thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, đồng thời các loại rủi ro thách thức có thể dự kiến và khó dự kiến tăng lên. Toàn quân cần phải nhận thức đúng đắn và nắm bắt xu thế an ninh và phát triển của Trung Quốc, tăng cường ý thức về hoạn nạn khốn khó, ý thức khủng hoảng, ý thức chiến đấu, làm vững chắc các công tác chuẩn bị cho đấu tranh quân sự, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ sứ mệnh mà Đảng và Nhân dân giao phó”. Theo Đài truyền hình CCTV, mệnh lệnh do ông Tập Cận Bình đưa ra ưu tiên hoạt động huấn luyện nâng cao cho quân đội, tập trung vào sự sẵn sàng chiến đấu, tập trận quân sự, thị sát binh sĩ và tập trận đối kháng. Yêu cầu này được áp dụng cho tất cả các đơn vị của quân đội Trung Quốc bao gồm cả binh sĩ, cảnh sát vũ trang và các học viện.

Trước đó, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã ban hành một loạt chỉ thị để nâng cao tinh thần binh sĩ. Cơ quan này cho biết sẽ mở rộng thăng cấp cho quân nhân dựa trên thành tích và “rộng lượng hơn” đối với những sai sót trong quá trình huấn luyện. Báo PLA Daily (tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc, 1/1) đã có bài xã luận tuyên tuyền rằng tăng cường huấn luyện và chuẩn bị cho chiến tranh là những ưu tiên hàng đầu của quân đội Trung Quốc trong năm 2019, nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc này, đồng thời khẳng định quân đội nên chuẩn bị tốt tất cả các định hướng đấu tranh quân sự và cải thiện toàn diện khả năng ứng phó chiến đấu trong các trường hợp khẩn cấp… để đảm bảo có thể đối mặt thách thức và chiến thắng trong những tình huống như vậy. Các ưu tiên khác được vạch ra trong bài báo bao gồm lập kế hoạch và triển khai hoạt động phát triển quân đội, thúc đẩy cải cách và đổi mới, cũng như xây dựng đảng trong lực lượng PLA.

Trước đó, Phát biểu trong chuyến thị sát Quảng Đông, ông Tập Cận Bình (25/10) đã yêu cầu Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam, vốn có nhiệm vụ giám sát Biển Đông và Đài Loan, “phải tăng cường chuẩn bị để sẵn sàng ứng chiến, tăng cường diễn tập chung và diễn tập tác chiến để tăng khả năng chiến đấu và chuẩn bị cho chiến tranh”; cho rằng Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam phải gánh vác một “trách nhiệm quân sự nặng nề”, phải “nắm vững mọi tình huống phức tạp và dựa trên đó để đề ra các kế hoạch khẩn cấp phù hợp”, đồng thời ca ngợi quân nhân khi cho rằng “Các bạn đã liên tục làm việc ngoài tuyến đầu, đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích biển. Tôi hy vọng các bạn có thể hoàn tất các sứ mạng thiêng liêng ấy”. Phát biểu trong buổi lễ mít tinh kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc, ông Tập Cận Bình (30/9) đã có bài phát biểu ngắn gọn, kêu gọi binh sĩ Trung Quốc tin tưởng “có khả năng đánh bại mọi kẻ thù”. Hay phát biểu trong cuộc họp Quốc hội Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (20/3/2018) tuyên bố: “Bất cứ hành động nào nhằm chia cắt Trung Quốc chắc chắn sẽ thất bại, gặp phải sự lên án của mọi người cũng như sự trừng phạt của lịch sử; Người dân Trung Quốc đã luôn kiên cường và bất khuất, chúng ta có đủ ý chí để chiến đấu đẫm máu với kẻ thù cho đến cùng”; đồng thời ông Tập Cận Bình cũng tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng “chiến đấu đẫm máu” cho vị trí chính đáng của mình trên trường quốc tế. Tương tự năm 2019, phát biểu trong cuộc tổng diễn tập quân sự toàn quân năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (3/1/2018) kêu gọi: “Chúng ta phải xây dựng một quân đội hùng mạnh, sẵn sàng đợi lệnh, sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào”.

Trong năm 2014, ông Tập Cận Bình cũng đưa ra các lời kêu gọi tương tự. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/2014) đã kêu gọi quân đội Trung Quốc “nâng cao tính sẵn sàng và năng lực chiến đấu để chiến thắng một cuộc chiến khu vực trong thời đại công nghệ thông tin”; đồng thời nhấn mạnh “thúc đẩy phát triển các phương tiện quân sự hiện đại để xây dựng một quân đội mạnh”. Trong tháng 9/2014, ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi “Các bộ chỉ huy của quân đội Trung Quốc phải tuyệt đối trung thành và có niềm tin vững mạnh vào đảng Cộng sản Trung Quốc, phải đảm bảo luồng chỉ huy thông suốt và đảm bảo tất cả những quyết định từ lãnh đạo trung ương phải được chấp hành; nhấn mạnh Bộ chỉ huy của tất cả các lực lượng quân đội Trung Quốc nên cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu và nâng cao năng lực để có thể giành chiến thắng một cuộc chiến tranh khu vực trong thời đại công nghệ thông tin”.

Những cam kết phát triển hòa bình của Trung Quốc

Văn phòng báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc (6/9/2011) đã công bố Sách Trắng về “Phát triển hòa bình của Trung Quốc”. Sách trắng đề cập về nguồn gốc, mục tiêu phát triển hòa bình, phương châm chính sách đối ngoại cũng như ý nghĩa của việc phát triển hòa bình của Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc từng nhiều lần bày tỏ với cả thế giới về việc lựa chọn con đường phát triển hòa bình, và cam kết duy trì hòa bình thế giới cũng như đẩy mạnh phát triển và thịnh vượng chung cho tất cả các quốc gia. Sách Trắng khẳng định Trung Quốc sẽ kiên định đi theo con đường phát triển hòa bình, sách trắng nhấn mạnh, và đây là con đường phát triển chung của khoa học, độc lập, cởi mở, hòa bình và hợp tác. Theo mục tiêu toàn diện của Trung Quốc trong việc theo đuổi phát triển hòa bình, Bắc Kinh muốn thúc đẩy phát triển và hài hòa ở khía cạnh đối nội, đồng thời theo đuổi hợp tác và hòa bình về đối ngoại. Sách Trắng cũng cho biết, Trung Quốc cũng hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ đánh giá cao và tin tưởng vào sự chân thành của người dân Trung Quốc, đồng thời bày tỏ quyết tâm đạt được mục tiêu phát triển hòa bình, và hy vọng cộng đồng quốc tế ủng hộ con đường mà nước này theo đuổi.

Báo cáo chính trị Đại hội 19, ông Tập Cận Bình (18/10/2017) đã cam kết Trung Quốc sẽ kiên trì con đường phát triển hòa bình, vĩnh viễn không xưng bá, vĩnh viễn không bành trướng. Về đường lối, phương châm, chính sách đối ngoại, báo cáo chính trị do ông Tập Cận Bình đọc, nêu một số nội dung chính. Nổi bật là, Trung Quốc theo đuổi chính sách ngoại giao hòa bình, độc lập tự chủ, phản đối can thiệp công việc nội bộ nước khác. Ông Tập Cận Bình cũng khẳng định, Trung Quốc tôn trọng quyền tự lựa chọn con đường phát triển của nhân dân các nước, bảo vệ công bằng chính nghĩa quốc tế, phản đối áp đặt ý chí của bản thân lên người khác, phản đối ỷ mạnh hiếp yếu. Trung Quốc theo đuổi chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự; sự phát triển của Trung Quốc không gây thành mối đe dọa đối với bất cứ quốc gia nào. Trung Quốc dù phát triển đến trình độ (cao) như thế nào cũng vĩnh viễn không xưng bá, vĩnh viễn không bành trướng. Thế giới đang ở vào cục diện không ổn định, loài người đứng trước nhiều thách thức chung; các nước cần đồng lòng xây dựng cộng đồng vận mệnh; cần tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng hiệp thương, theo đuổi tư duy mới đối thoại không đối đầu, kết bạn không kết bè phái. Cần kiên trì dùng đối thoại giải quyết tranh chấp, dùng hiệp thương giải quyết bất đồng, cùng nhau ứng phó các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, chống mọi hình thức khủng bố.

Chủ tịch Tập Cận Bình (18/12/2018) cho rằng tuy Bắc Kinh đã đạt được những thành tựu kinh tế nhưng Trung Quốc sẽ “không bao giờ tìm cách bá chủ thế giới”, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc luôn nỗ lực trong việc hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn và khẳng đinh Bắc Kinh là một “người cổ súy cho hòa bình thế giới”, một “người bảo vệ trật tự quốc tế”. Trước đó, Phát biểu tại lễ bế mạc phiên họp đầu tiên của Đại hội đại biểu toàn quốc khóa 13, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (20/3/2018) tuyên bố “Trung Quốc sẽ không bao giờ cố gắng bành trướng hay bá quyền, chỉ những ai quen đe dọa người khác mới coi tất cả đều là mối đe dọa”, nhấn mạnh “nhân dân Trung Hoa thể hiện nguyện vọng chân thành và sẽ hành động thực sự để góp phần duy trì hòa bình và phát triển toàn thể nhân loại, vì vậy bên ngoài không nên lý giải sai lệch hoặc xuyên tạc cố gắng này”. Tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (28/3/2015) cho rằng bất ổn ở trong nước hay nước ngoài không phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc, đồng thời cam kết Bắc Kinh sẽ không bao giờ đi trệch khỏi con đường phát triển hòa bình. Ông Tập Cận Bình nêu rõ: “Điều Trung Quốc cần nhất là môi trường hài hòa, ổn định trong nước và môi trường quốc tế hòa bình… Trung Quốc trong quá khứ đã có hơn 100 năm hứng chịu bất ổn và chiến tranh, và nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ áp đặt lên các quốc gia và nhân dân khác lịch sử đau thương mà chính nhân dân chúng tôi đã trải qua”. Hay phát biểu tại lễ kỷ niệm quốc khánh lần thứ 65 của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ông Tập Cận Bình (30/9/2014) cho rằng kể từ khi khai quốc, Bắc Kinh luôn “theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập hòa bình”, sánh vai cùng các quốc gia đang phát triển và được xem là “hình mẫu dẫn đầu trong việc duy trì hòa bình thế giới cũng như thúc đẩy phát triển chung”.

Đại biện lâm thời Sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Doãn Hải Hồng (13/4/2018) cho biết, Trung Quốc chủ trương xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới và cộng đồng vận mệnh chung nhân loại, kiên trì theo đuổi con đường phát triển hòa bình là mục tiêu đối ngoại xuyên suốt của chính sách đối ngoại Trung Quốc trong giai đoạn tới.

Giới phân tích có những cái nhìn khác nhau vê lời kêu gọi chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu của ông Tập Cận Bình

Ông Zeng Zhiping, Trung tá và nhà phân tích quân sự đã nghỉ hưu ở Nanchang, tỉnh Giang Tây, nhận định: “Trong suốt 20 năm tôi ở trong PLA trước khi rời đi năm 2004, huấn luyện quân đội để tăng cường khả năng sẵn sàng luôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng, lần này có gì đó rất khác. Khi vấn đề huấn luyện và chuẩn bị cho chiến tranh được nhấn mạnh vào đầu năm có nghĩa đây là kế hoạch cho cả năm, mặc dù chúng tôi không biết ý định thực sự phía sau những những lời lẽ ở giai đoạn này là gì”.

Các chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định những động thái nhằm củng cố thanh thế quân đội gần đây của Bắc Kinh là thông điệp gửi tới Đài Loan, và cũng là phản ứng trước chính sách ngày càng cứng rắn hơn về thương mại, chính trị và quân sự của Mỹ. Ni Lexiong, một chuyên gia quân sự ở Thượng Hải, cho rằng những động thái này của Bắc Kinh dường như là một lời cảnh báo cho bất cứ lực lượng nào cản trở kế hoạch của Trung Quốc nhằm thống nhất Đài Loan. Ông Tập nói rằng ông muốn thống nhất Đài Loan “một cách hòa bình” nhưng rất ít chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ giảm bớt sức ép quân sự lên hòn đảo này. Trong khi đó, Yue Gang, một cựu quan chức quân đội đã về hưu của Trung Quốc, cho rằng lời kêu gọi của ông Tập dành cho quân đội không phải chỉ liên quan đến căng thẳng leo thang hiện nay giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan mà còn là sự sẵn sàng ứng phó với căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc; khẳng định Trung Quốc đang tăng cường huấn luyện quân đội để sẵn sàng cho tình huống xấu nhất liên quan đến Mỹ và tình hình ở eo biển Đài Loan. Trong năm tới, Mỹ có thể dùng Đài Loan và Biển Đông là quân bài để gây sức ép đàm phán với Trung Quốc trong chiến tranh thương mại. Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở Biển Đông ngày càng gia tăng và việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, thúc đẩy quan hệ quốc phòng với các nước đồng minh (Nhật Bản, Đài Loan, Australia…) khiến Trung Quốc lo ngại sẽ bị đe dọa về “an ninh quốc gia”. Những lần ông Tập Cận Bình kêu gọi quân đội Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh là nhằm thúc đẩy tinh thần tự hào dân tộc và nhắc lại các tuyên bố lãnh thổ (vô lý và phi pháp) của Bắc Kinh ở Biển Đông. Nhà nghiên cứu Collin Koh từ Singapore nhận định: “Đây có thể là thông điệp cho Mỹ nói riêng và bất kỳ bên nào mà Bắc Kinh đang cảm thấy khiêu khích (ở Biển Đông)”. Cùng quan điểm trên, nhà phân tích Zhou Chenming ở Bắc Kinh cho rằng “Mỹ sẽ thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông bởi Washington không công nhận chủ quyền của Bắc Kinh đối với các đảo nhân tạo và có thể sẽ xảy ra đụng độ quân sự giữa hai nước tại vùng biển này”. Cùng quan điểm trên, Hãng tin Reuters nhận định, Trung Quốc đang tập trung tăng cường lực lượng vũ trang trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông và leo thang căng thẳng với Mỹ về các vấn đề từ thương mại đến Đài Loan.

Tuy nhiên, cựu lãnh đạo quân sự Đài Loan Lin Chong Pin cho rằng động thái này là nhằm phô trương sức mạnh quân sự của PLA. Ưu tiên huấn luyện quân sự và chuẩn bị cho chiến tranh không gì khác hơn một động thái để tăng cường sức mạnh ngoại giao. Đây là điều mà PLA đã nhấn mạnh trong bốn thập kỷ qua, mặc dù lực lượng này chưa tham chiến với kỳ nước nào khác trong suốt thời gian đó. Đáng chú ý, ông Lin Chong Pin cũng cho rằng động thái này đưa ra giữa lúc Mỹ gia tăng sức ép lên Trung Quốc bằng hàng loạt chiến dịch quân sự, song PLA sẽ không tiến hành bất kỳ cuộc chiến nào, cho dù đó là ở khu vực Biển Đông hay eo biển Đài Loan. Đáng chú ý, ông Victor Gao, giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu Quốc tế của Nhà nước Trung Quốc cho biết những phát biểu của ông Tập Cận Bình được cho là dấu hiệu của sự dồn nén những tức giận mà chính phủ Trung Quốc tích lũy nhiều tháng từ những chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Mỹ đang dồn ép Trung Quốc khắp mọi phía, làm nhục Trung Quốc, áp đặt hàng rào thuế quan đơn phương đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, tuyên bố Trung Quốc là đối thủ và là mối đe dọa lớn đối với sự tồn vong của nước Mỹ. Bắc Kinh không có niềm tin về những chính sách đối ngoại của Washington với Trung Quốc. Vì vậy quân đội sẽ chuẩn bị “chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh cuối cùng với Mỹ”. Cả hai nước đều là cường quốc hạt nhân, một chiến tranh quy mô lớn có thể dẫn đến “ngày tận thế”. Đồng thời ông Victor Gao khuyến cáo Mỹ bỏ “chiến thuật ức hiếp và bắt nạt” đối với Trung Quốc, khi cho rằng Trung Quốc không muốn có một cuộc chiến thương mại và xung đột vũ trang với Mỹ, nhưng nếu Mỹ thực sự muốn áp đặt những điều kiện thiếu công bằng lên Trung Quốc, toàn dân Trung Quốc đứng dậy cùng đoàn kết ủng hộ chính phủ Trung Quốc.

Nhìn chung, Trung Quốc một mặt đưa ra cam kết theo đuổi chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự; sự phát triển của Trung Quốc không gây thành mối đe dọa đối với bất cứ quốc gia nào; kiên trì con đường phát triển hòa bình, vĩnh viễn không xưng bá, vĩnh viễn không bành trướng; tôn trọng quyền tự lựa chọn con đường phát triển của nhân dân các nước, bảo vệ công bằng chính nghĩa quốc tế, phản đối áp đặt ý chí của bản thân lên người khác, phản đối ỷ mạnh hiếp yếu. Mặt khác, Trung Quốc liên tục kêu gọi quân đội sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trong mọi cuộc chiến. Cho thấy lời nói và hành động không nhất quán của Bắc Kinh.

Bản chất của việc Trung Quốc kêu gọi quân đội sẵn sàng chiến đấu là nhằm răn đe, chuẩn bị sẵn sàng đối phó với Mỹ, Đài Loan, cũng như vấn đề Biển Đông. Hành động này của Bắc Kinh sẽ khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng, có khả năng vượt ra khỏi quỹ đạo hiện nay, đẩy khu vực rơi vào khủng hoảng và xung đột vũ trang.

RELATED ARTICLES

Tin mới