Tại Hội thảo an ninh được tổ chức tại Makati, Manila, Philippines ngày 7/12/2018, Giám đốc tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) Gregory Poling cho rằng, lực lượng dân quân trên biển Trung Quốc đang làm nhiệm vụ chủ yếu là đe dọa các nước láng giềng có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.Mặc dù các lực lượng dân quân biển xuất hiện dưới hình thức là các đội tàu cá, song chúng ta cần cảnh giác với lực lượng này.
Từ khi các căn cứ hải quân nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa đi vào hoạt động, các tàu hải quân, hải cảnh và tàu cá của Trung Quốc đã hiện diện liên tục ở Biển Đông, làm tăng nguy cơ căng thẳng giữa các nước trong khu vực. Ông Gregory Poling cho biết “những gì Bắc Kinh đã làm trong vài năm qua là thiết lập sự hiện diện 24/7 của các tàu hải quân và bảo vệ bờ biển, cũng như các lực lượng dân quân bán quân sự khắp Biển Đông, theo cách thức chưa từng có cách đây 4 hoặc 5 năm. Tôi đang đề cập tới lực lượng dân quân trên biển, các lực lượng bán quân sự. Chúng ta thường cho rằng lực lượng này tương đối nhỏ trong lực lượng quân sự Trung Quốc và chúng ta đang mắc sai lầm”. Một hình ảnh vệ tinh được chụp vào tháng 8/2018 cho thấy chỉ trong 1 ngày đã có khoảng 200 tàu ở trong khu vực vùng nước của đá Xu Bi. Các tàu này có chiều dài trung bình 51m, dài hơn nhiều tàu đánh cá của Philippines và các nước khác. Ông Poling cho biết không có tàu nào thực sự đang đánh cá. Khi theo dõi họ, chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy họ làm gì đó ngoài việc hăm dọa tàu nước khác. Những tàu này thường rời đá Subi và neo đậu xung quanh đá Thị Tứ trong nhiều ngày và hàng tuần để hăm dọa lực lượng Philippines khi làm nhiệm vụ bảo đảm hậu cần. Ngoài ra, các tàu này cũng hiện diện thường xuyên quanh các đảo Trung Quốc chiếm đóng ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và xua đuổi tàu cá của Việt Nam đánh bắt cá tại khu vực này.
Lực lượng dân quân, trong đó có dân quân biển là một trong ba tổ chức thuộc Lực lượng vũ trang nhân dân Trung Quốc bao gồm lực lượng quân đội, cảnh sát vũ trang. Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc năm 2013 khẳng định, các lực lượng dân quân đóng vai trò như một lực lượng hỗ trợ và dự phòng của lực lượng quân đội Trung Quốc.
Các đơn vị dân quân biển được tổ chức xung quanh các thị trấn, làng mạc, các tiểu khu đô thị… và rất đa dạng về thành phần cũng như nhiệm vụ. Ngoài công việc thường ngày, lực lượng dân quân biển được tổ chức và huấn luyện như các lực lượng dân quân khác. Trước đây, lực lượng dân quân biển đã thuê tàu cá của các công ty hoặc ngư dân, nhưng nay đã xây dựng được đội tàu đánh cá do nhà nước sở hữu. Kể từ năm 2015, bắt đầu từ “thành phố Tam Sa”, Trung Quốc đã phát triển lực lượng dân quân biển chuyên nghiệp hơn, quân sự hóa hơn, được trả lương cao hơn, tàu thuyền chuyên dụng có vòi rồng phun nước và thân tàu được gia cố để có thể đâm va. Một số lượng lớn tàu của lực lượng dân quân biển tham gia huấn luyện cùng với sự trợ giúp của Lực lượng hải quân và hải cảnh Trung Quốc trong nhiều sứ mệnh như bảo vệ các yêu sách hàng hải, giám sát, bảo vệ ngư trường, hỗ trợ hậu cần, nghiên cứu và cứu hộ. Để ủng hộ và khuyến khích các nỗ lực của lực lượng dân quân biển, chính phủ Trung Quốc còn trợ cấp cho nhiều tổ chức ở cấp tỉnh và địa phương để vận hành các tàu dân quân thực hiện các nhiệm vụ “chính thức” trên biển.
Trong báo cáo thường niên về sự phát triển quân sự và an ninh liên quan tới Trung Quốc được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi tháng 8/2018, Mỹ cho rằng Bắc Kinh đang sở hữu một lực lượng dân quân biển lớn nhất và mạnh nhất hành tinh. Một trong số ít các lực lượng dân quân biển còn tồn tại ngày nay và là lực lượng duy nhất được giao nhiệm vụ liên quan đến tranh chấp chủ quyền. Vốn là thành phần chính của Các Lực lượng vũ trang Trung Quốc, lực lượng dân quân biển hoạt động dưới sự chỉ huy quân sự trực tiếp để tiến hành các hoạt động do nhà nước bảo trợ. Trung Quốc hiểu rất rõ giá trị mập mờ danh tính của lực lượng dân quân biển. Nhờ bản chất là các tàu cá được trang bị vũ khí hạng nhẹ, lực lượng dân quân biển có thể tham gia hỗ trợ các hoạt động bảo đảm lợi ích trên biển và củng cố yêu sách “đường lưỡi bò” sai trái trên Biển Đông của mình mà không gây phương hại tới hình ảnh của PLA hoặc đẩy các vụ đụng độ thành leo thang căng thẳng.
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ cảnh báo về các hoạt động gây ảnh hưởng của lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đến các hoạt động của các nước xung quanh Biển Đông. Trước đây, tại cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ tháng 9/2016, Giáo sư, tiến sỹ Andrew Erickson, Học viện Hải chiến Mỹ, cho biết lực lượng dân quân biển của Trung Quốc là lực lượng bán quân sự hoạt động ở tiền tuyến nhưng ẩn náu dưới dạng dân sự. Lực lượng được cho là phát triển trong bóng tối để thực hiện những mưu đồ đen tối này thường xuất hiện dưới dạng tàu đánh cá nhưng lại không mấy khi để tâm tới việc đánh bắt. Giới chuyên gia cho rằng những tàu cá này đang thực hiện chiến dịch “xâm chiếm vùng xám”, tức nơi đang xảy ra tranh chấp trên biển. Khi khoác lên mình đồng phục màu xanh, ngư dân Trung Quốc trở thành dân quân biển, núp bóng tàu cá để tiến hành trinh sát, do thám cũng như nhiều hành động gây rối. Sự nhập nhằng giữa tàu cá với tàu dân quân biển của Trung Quốc đã khiến lực lượng chức năng các nước trên Biển Đông không khỏi do dự khi đối mặt những đối tượng này và chúng lại càng được đà lấn lướt, coi thường luật pháp quốc tế. Khi các tàu cá này hoạt động phi pháp, bị lực lượng chức năng nước khác bắt giữ, Trung Quốc có thể viện dẫn Điều 95 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 [1] và yêu cầu miễn trừ vì nó thuộc sở hữu của lực lượng dân quân biển (tức là tàu chiến về mặt kỹ thuật), thậm chí cho rằng vụ bắt giữ này là một hành động gây chiến.
Trước đây, các tàu thuộc lực lượng dân quân biển giả danh tàu cá đã tham gia vào nhiều vụ việc gây hấn với tàu nước ngoài nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc, gây ảnh hưởng môi trường ổn định của khu vực Biển Đông như: tháng 5/2014, lợi dụng việc Trung Quốc kéo và đặt giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (HD-981) trái phép trong vùng biển của Việt Nam, ngoài các tàu của lực lượng Hải cảnh, Kiểm ngư và tàu quân sự thì hàng chục tàu cá Trung Quốc đã thiết lập hàng rào bảo vệ quanh giàn khoan HD-981 và có những động thái khiêu khích các tàu hải quân và tàu cảnh sát biển của Việt Nam, gây căng thẳng tình hình dẫn đến các xung đột tiềm ẩn giữa hai bên. Theo Defense News, tháng 10/2015, khi tuần tra áp sát đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo, tàu khu trục của Mỹ Lassen bị nhiều tàu Trung Quốc bao quanh khiêu khích. Trong lúc các tàu chiến lớn của Trung Quốc đứng từ xa thì nhiều tàu nhỏ manh động hơn, chạy ngang mặt hoặc lởn vởn quanh chiến hạm Mỹ. Nhiều nguồn tin tiết lộ số tàu nhỏ này đều là tàu cá hoặc tàuthương mại và điều khiển chúng là những thành viên của cái gọi là lực lượng dân quân biển…
Núp dưới bóng là các tàu cá và không được chú ý nhiều trên Biển Đông nhưng lực lượng dân quân biển đã và đang được Trung Quốc sử dụng ngày càng thường xuyên hơn để tăng cường sự hiện diện của mình trên biển, thực hiện các nhiệm vụ giám sát, theo dõi hoạt động của các tàu cá, tàu hải quân, tàu cảnh sát biển của các nước khác trong khu vực. Thậm chí, các tàu cá này còn được sử dụng để tiến hành các hoạt động gây hấn, bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trên biển, đe dọa tàu của các nước khác khi hoạt động trên biển ở khu vực này. Ở Biển Đông, lực lượng dân quân biển đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động “xâm chiếm” khu vực nhằm giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu chính trị mà không cần giao chiến, một phần trong học thuyết quân sự Trung Quốc rộng lớn hơn là đối đầu nhưng không gây chiến. Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo rằng, việc Bắc Kinh sử dụng lực lượng dân quân biển đang làm suy yếu các lợi ích của các nước trong khu vực và quốc tế trong việc duy trì hiện trạng tại Biển Đông, nơi có các quy tắc và quy chuẩn là nền móng của hòa bình và thịnh vượng.
Trong tương lai, Trung Quốc sẽ phát triển lực lượng dân quân biển ngày càng hiện đại và chuyên nghiệp hơn nữa cả về chất và lượng, bởi các hoạt động của lực lượng này chưa bị quản lý bởi chế tài nào. Năm 2014, các quốc gia vùng Tây Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam và Trung Quốc đồng ý ký Bộ quy tắc về tránh các vụ đụng độ không báo trước trên biển (CUES). Lúc đó CUES được đưa ra chỉ giới hạn ở phạm vi lực lượng hải quân và quân đội của các nước với nhau và cho đến nay CUES cũng chỉ dừng lại ở mức độ đó. Việt Nam đã đề nghị ký CUES mở rộng bao gồm cả lực lượng cảnh sát biển, ngư dân, nhưng đến nay Bắc Kinh vẫn chưa đồng ý. Điều này phản ánh rõ ý đồ của Trung Quốc trong việc sử dụng lực lượng dân quân biển của mình để thực hiện các hoạt động gây hấn, quấy rối tàu cá, tàu chiến của các quốc gia khác khi hoạt động trong khu vực Biển Đông nhằm củng cố yêu sách biển phi lý của mình.
[1] Điều 95: Các tàu chiến trên biển cả được hưởng quyền miễn trừ hoàn toàn về tài phán của bất ký quốc gia nào khác ngoài quốc gia mà tàu mang cờ.