Saturday, November 16, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiThấy gì từ việc Philippines điều chỉnh quan hệ với TQ do...

Thấy gì từ việc Philippines điều chỉnh quan hệ với TQ do sức ép từ vấn đề Biển Đông

Sau chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 10 năm 2016 của tổng thống Philippines Duterte, quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đã có tiến triển trên nhiều lĩnh vực. Hai bên thường xuyên trao đổi chuyến thăm các cấp nhằm xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, bước đầu hợp tác về quốc phòng, an ninh và tìm kiếm cơ chế đàm phán song phương để giải quyết bất đồng trong vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc bác bỏ việc xây cơ sở trên bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines.

Những bước đi trong quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc trong thời gian gần đây có thể thấy rõ trên những mặt sau:

Một là, xây dựng lòng tin lẫn nhau, hướng tới xây dựng lòng tin chiến lược.

Sau những căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế (PCA) về vấn đề Biển Đông mà kết quả là PCA ra phán quyết Philippines thắng kiện. Những tưởng quan hệ Philippines – Trung Quốc giống như một cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa ly hôn, để rồi sau đó đường anh anh đi, đường tôi tôi đi. Thế nhưng, tổng thống Duterte lại chọn giải pháp giảm căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc.

Để đưa quan hệ hai nước trở lại quỹ đạo bình thường, Duterte đã ba lần tiếp đại sứ Trung Quốc tại Philippines; yêu cầu các bộ, ngành, truyền thông trong nước không đưa ra các tuyên bố, bình luận chế nhạo Trung Quốc liên quan đến phán quyết của PCA; tuyên bố sẵn sàng hợp tác và chia sẻ với Trung Quốc nguồn tài nguyên thiên nhiên trong các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở phán quyết của PCA. Đồng thời, tìm cách trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thông qua đó bày tỏ thiện ý sẵn sàng cải thiện và coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc; mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với Trung Quốc để xây dựng lòng tin, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho duy trì và phát triển quan hệ song phương, cũng như giải quyết hòa bình các vấn đề còn tồn tại, nhất là tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Ở chiều ngược lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng bày tỏ hy vọng về mối quan hệ giữa hai nước sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp, bất chấp những gì đã diễn ra do tranh chấp ở Biển Đông thời gian qua. Trung Quốc cho rằng, mối quan hệ giữa hai nước mới là tất cả, bất đồng trong vấn đề Biển Đông chỉ là một khía cạnh chứ không phải là toàn bộ. Vì vậy, duy trì mối quan hệ hữu nghị, bền vững và tốt đẹp phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước hơn và cho rằng, hai nước có trách nhiệm tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác, cố gắng hết sức để đưa quan hệ hai nước đi đúng hướng.

Đáng chú ý, trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Diễn đàn cấp cao hợp tác Quốc tế “Một vành đai, một con đường” được tổ chức ở Bắc Kinh, tổng thống Duterte khẳng định, Philippines sẽ duy trì “tiếp xúc hòa bình” với Trung Quốc nhằm giảm căng thẳng trên Biển Đông, mở đường cho những bước đi đúng đắn trong tiến trình giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.

Hai là, thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc.

Chỉ trong một thời gian ngắn, hai bên đã nối lại thành công cuộc họp Ủy ban hỗn hợp Philippines – Trung Quốc về hợp tác kinh tế – thương mại (JCETC) đã bị ngừng hoạt động từ năm 2011. Đồng thời, nhân việc Trung Quốc triển khai sáng kiến “Một vành đai, một con đường” và kêu gọi các nước trong khu vực tham gia hiện thực hóa sáng kiến trên, Philippines đã nhanh chóng tuyên bố hưởng ứng và đồng ý cho phép Trung Quốc tham gia đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp tại Philippines trị giá hàng tỷ USD. Thậm chí, phía Philippines còn công bố chiến lược kinh tế gọi là “Dutertenomics” nhằm tận dụng tối đa nguồn vốn của Trung Quốc để đưa Philippines trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2022 và là nước có thu nhập cao vào năm 2024…

Ba là xúc tiến quan hệ quốc phòng và an ninh với Trung Quốc.

(1) Lực lượng chấp pháp hai nước thành lập Ủy ban Bảo vệ bờ biển chung (JCGC) để làm nền tảng cho sự hợp tác giữa hai lực lượng, nhằm tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, đẩy mạnh giao lưu và hợp tác thân thiện, dựa trên nguyên tắc bình đẳng, đồng thuận và có sự nhượng bộ lẫn nhau; nhất trí hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống ma túy và tội phạm xuyên quốc gia, tìm kiếm và cứu hộ, cứu nạn… thiết lập cơ chế đường dây nóng giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước; tăng cường các chuyến thăm cấp cao, các cuộc diễn tập, các chuyến thăm hải quân, xây dựng lực lượng. Học viện Cảnh sát biển Trung Quốc (05/2017) đã huấn luyện cho 20 sỹ quan cảnh sát biển Philippines nhiều khoa mục, trong đó có khoa mục thông tin liên lạc và báo hiệu hàng hải, vận hành tàu thuyền và cập cảng, các kỹ năng lặn và cứu hộ… (2) Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống ma túy. Tháng 10/2016, đại diện cơ quan phòng chống ma túy của hai nước đã tổ chức hội đàm về hợp tác phòng chống ma túy tại Bắc Kinh; ký văn kiện hợp tác chống ma túy, xây dựng cơ chế gặp mặt thường niên, thiết lập đường dây nóng liên lạc, hợp tác chấp pháp, trao đổi thông tin tình báo, hỗ trợ đào tạo… (3) Bước đầu hợp tác về trang bị kỹ thuật quân sự phục vụ mục đích chống khủng bố. Quý I/2017, Trung Quốc đã cung cấp miễn phí một số trang, thiết bị, gồm tàu cao tốc, tên lửa vác vai, máy bay không người lái, kính nhìn đêm trị giá 14,4 triệu USD hỗ trợ Philippines phòng chống khủng bố, đồng thời Trung Quốc còn cho Philippines vay 500 triệu USD với thời hạn thanh toán 25 năm để mua các trang thiết bị quân sự khác. Đáng chú ý, Trung Quốc tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động chống khủng bố tại thành phố Malawi của Philippines và mong muốn tìm kiếm cơ hội huấn luyện, chia sẻ thông tin tình báo và diễn tập chung với Philippines ở khu vực có giao tranh với khủng bố. Đại sứ Trung Quốc tại Philippines (27/6/2017) tuyên bố Trung Quốc sẽ tài trợ 298.436 USD cho các hoạt động cứu trợ, khôi phục lại thành phố Malawi và đã bàn giao lô vũ khí trị giá 7,35 triệu USD (28/6/2017), gồm 3.000 khẩu súng trường và 5 triệu viên đạn để Philippines chống khủng bố ở Malawi.

Thậm chí, trên cơ sở những bước tiến trong quan hệ song phương, phía Philippines còn bày tỏ ý định ký thỏa thuận viếng thăm quân sự với Trung Quốc, nhằm mở đường cho các cuộc diễn tập quân sự song phương trong tương lai.

Xem xét những bước tiến triển như trên trong quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc thời gian gần đây, có thể thấy rằng, chính quyền Philippines dưới thời Tổng thống Duterte đã lựa chọn giải pháp ngược hẳn so với giải pháp “Quốc tế hóa, đa phương hóa và pháp lý hóa” nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc do chính quyền tổng thống Aquino trước đó đưa ra. Giải pháp trên, có những khía cạnh khá khôn ngoan, thực dụng, nhưng cũng có không ít khía cạnh chưa hẳn đã là “cao tay”, thậm chí có khi còn mang lại hệ lụy khó lường không những cho bản thân Philippines, mà còn cho cả các nước có liên quan. Đó là:

Về khía cạnh khôn ngoan, thực dụng:

Thứ nhất, những hành động của Philippines cho thấy chính quyền Duterte chủ trương tiếp cận vấn đề Biển Đông một cách thận trọng và khôn ngoan, không đẩy nóng vấn đề, kể cả không tận dụng phán quyết của PCA để “thừa thắng xốc tới” nhằm tránh đẩy Trung Quốc tới chỗ có những hành động “cực đoan” ở Biển Đông, qua đó duy trì môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi để phát triển đất nước. Ông Duterte tuyên bố: “Philippines không thể ngăn chặn tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, bởi ngay cả Mỹ cũng không có khả năng này và sẽ là vô nghĩa nếu phát động một cuộc chiến tranh với Trung Quốc”. Có thể nói đây là chủ trương khá “biết mình, biết người” của Philippines, nhất là trước “người” ở đây là một Trung Quốc đang thịnh chứ không phải suy.

Thứ hai, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh hải, bảo đảm quyền hợp pháp trong khai thác tài nguyên ở Biển Đông dựa trên phán quyết của PCA là mục tiêu không thay đổi của Philippines. Philippines khẳng định, sẽ “không từ bỏ” các thắng lợi về pháp lý đã đạt được theo phán quyết của PCA. Tuy nhiên, Duterte đã sử dụng linh hoạt phán quyết của PCA trong quan hệ với Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền. Theo đó, trong Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 31, với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN năm 2017, Philippines đã không đề cập đến hành động cải tạo đảo đá và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như kết quả phán quyết của PCA. Bên cạnh đó, Philippines đã khéo léo kết hợp chiến thuật “kẻ đấm, người xoa” giữa việc duy trì đường lối ngoại giao mềm dẻo, thân thiện của tổng thống Duterte với lập trường cứng rắn của Bộ Quốc phòng, hệ thống tư pháp để chống lại tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thứ ba, tìm kiếm, lựa chọn cơ chế đàm phán song phương với Trung Quốc về giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Duterte cho rằng, Trung Quốc là nước láng giềng, không phải kẻ thù của Philippines, chỉ cần Trung Quốc đồng ý, Philippines sẽ “gác tranh chấp, cùng khai thác” trên Biển Đông với Trung Quốc. Philippines không muốn mối quan hệ đang “ấm” lên giữa hai nước bị đổ vỡ vì vấn đề Biển Đông. Nhờ sự lựa chọn này mà Philippines và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận, nhất trí triển khai xây dựng một cơ chế tham vấn song phương, nhằm giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Trong khuôn khổ cơ chế đó, mỗi năm sẽ có 2 cuộc họp được tổ chức với thành phần tham gia là các quan chức Bộ Ngoại giao hai nước. Ngày 19/5/2017, tại Quý Châu, Trung Quốc, hai bên đã thành lập cơ chế tham vấn song phương về Biển Đông và tiến hành cuộc họp đầu tiên.

Về khía cạnh chưa “cao tay” và hệ lụy:

Thứ nhất, Philippines sẽ gặp nhiều khó khăn về đối sách quan hệ với Trung Quốc, vì đến nay, nguồn vốn của Trung Quốc vẫn chưa hề được chuyển vào Philippines đúng như cam kết và chưa có dự án cơ sở hạ tầng lớn nào chính thức được khởi công. Mới chỉ thấy một vài hành động “nhỏ giọt” của phía Trung Quốc, chưa thấy rõ thực tâm Trung Quốc sẽ đáp ứng những mong muốn của Philippines. Trong khi đó, tình hình bất ổn xảy ra thường xuyên tại một số nơi của Philippines cũng khiến Trung Quốc e ngại khi đầu tư vào nước này, nhất là các dự án cơ sở hạ tầng. Trung Quốc tận dụng việc cải thiện mối quan hệ với Philippines nhằm tạo hình ảnh “nước lớn có trách nhiệm” trong khu vực, thúc đẩy sáng kiến “một vành đai, một con đường” mà ở đó Philippines sẽ là một “mắt xích” quan trọng.

Thứ hai, Trung Quốc duy trì quan hệ với Philippines theo hướng “mềm dẻo” nhằm “kéo” Philippines “rời xa” Mỹ, thực hiện chính sách ngăn chặn từ xa những ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực, nhất là đối với “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc hỗ trợ Philippines theo kiểu “công thưởng, tội phạt” và chỉ nhằm xây dựng “hình ảnh nước lớn”, buộc Philippines phải chấp nhận mọi điều kiện. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ Philippines phải chấp nhận sự chi phối của Trung Quốc để đổi lại sự bảo trợ về kinh tế. Nếu Philippines không đáp ứng các điều kiện, Trung Quốc sẽ tiến hành “trừng phạt” và gây thiệt hại lớn cho nước này như đã từng thực hiện trước đây.

Thứ ba, trong bối cảnh Châu Âu ngày càng lâm vào tình thế khó khăn cả về kinh tế, chính trị, an ninh, thì việc gia tăng quan tâm tới châu Á – Thái Bình Dương đang là hướng ưu tiên của Mỹ, trong đó Biển Đông rất dễ trở thành mối quan tâm lớn của chính quyền Donald Trump. Hơn nữa, do cả Mỹ và Trung Quốc đều có nhiều lợi ích ràng buộc, nên hai nước vẫn luôn để ngỏ cho sự thỏa hiệp, đổi chác lợi ích ở Biển Đông, khiến cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc sẽ không theo ý đồ của Philippines. Rõ ràng, Philippines muốn là “người đánh cờ” với Trung Quốc, trong khi không nghĩ rằng “ván cờ” Biển Đông còn có “người chơi” khác mạnh hơn Philippines là Mỹ.

Thứ tư, việc Philippines chủ động cải thiện quan hệ với Trung Quốc đã góp phần làm giảm bớt căng thẳng, tạo môi trường tương đối ổn định ở Biển Đông thời gian qua nhưng nó lại có tác động nhất định đến việc chi phối, gây ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực, điều này không chỉ cản trở Mỹ thực thi chiến lược “tái cân bằng” tại Châu Á – Thái Bình Dương, mà còn làm cho Mỹ và Nhật Bản mất đi một “quân cờ” quan trọng khi triển khai các ý đồ chiến lược tại Biển Đông, buộc Mỹ, Nhật phải tính toán lại chiến lược quân sự theo hướng lôi kéo các đồng minh, đối tác khác có chung lợi ích, cũng như tìm kiếm các đối tác mới ở Đông Nam Á, nhằm bảo đảm sự hiện diện vững chắc tại khu vực.

Thứ năm, sự thực dụng của Philippines trong quan hệ với Trung Quốc đẩy ASEAN vào những khó khăn, thách thức mới, nhất là việc xây dựng lập trường chung, sự đồng thuận đối với vấn đề của khu vực, trong đó có lập trường chống lại tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông. Kết quả hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 50 là minh chứng rõ ràng cho sự chia rẽ trong nội khối, khi vấn đề Biển Đông được đề cập hết sức “mờ nhạt” trong Tuyên bố Chủ tịch. Sự phân hóa, chia rẽ đó có thể mang lại những hệ lụy lâu dài đối với ASEAN, khiến ASEAN khó có thể cân bằng vị thế giữa Mỹ và Trung Quốc. Đồng thời, có phần “làm khó” cho những nỗ lực hướng tới giải pháp mang tính đa phương trong giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, gây ảnh hưởng tới vị thế của các bên còn lại có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.

Thứ sáu, trước đây, Trung Quốc liên tục đề xuất ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác” với các nước có tranh chấp ở Biển Đông, nhưng không nhận được sự hưởng ứng, thì nay những động thái của Philippines đã và đang tạo điều kiện cho Trung Quốc đẩy mạnh ý tưởng trên ở Biển Đông, cũng như ngầm biến các khu vực vốn thuộc thềm lục địa của các nước thành vùng “cùng khai thác”, giúp Trung Quốc từng bước hợp thức hóa tham vọng chủ quyền, đồng thời, ngăn chặn khả năng can dự của Mỹ vào khu vực.

Như vậy, những diễn biến gần đây cho thấy, việc Philippines điều chỉnh chính sách trong quan hệ với Trung Quốc bước đầu đã đem lại lợi ích cho nước này, góp phần làm dịu tình hình ở Biển Đông. Tuy nhiên, điều đó cũng khiến Philippines đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Với cách tiếp cận “song phương”, thậm chí là “đánh đổi chủ quyền lấy lợi ích kinh tế” trong vấn đề Biển Đông, Philippines sẽ có nguy cơ đánh mất hoặc phá vỡ các quan hệ và sự hỗ trợ truyền thống từ các quốc gia, tổ chức quốc tế.

Trước đây, Philippines luôn là nước đi đầu trong đấu tranh với tham vọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng nay lại có sự thỏa hiệp, nhượng bộ với Trung Quốc. Sự thay đổi này sẽ tác động tiêu cực tới nguyên tắc đồng thuận, mối đoàn kết trong ASEAN, nhất là đối với các nước đang đấu tranh với những hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt trên mặt trận ngoại giao và pháp lý.

RELATED ARTICLES

Tin mới