Tháng 4/ 2018, Xu Yanjun, quốc tịch Trung Quốc, có mặt tại Bỉ để bắt đầu kỳ nghỉ châu Âu. Tuy nhiên các nhà chức trách Mỹ chắc chắn rằng, người này không phải là khách du lịch.
Mỹ cáo buộc các gián điệp kinh tế Trung Quốc đang cố gắng đánh cắp các bí mật thương mại. Ảnh: BBC.
Gián điệp kinh tế sa lưới
Xu được cho là đã đến để gặp một một chuyên gia về thiết kế động cơ máy bay của hãng GE Aviation. GE, chuyên cung cấp động cơ cho cả máy bay thương mại và quân đội, là công ty đã dành hàng thập kỷ và hàng triệu USD để phát triển vật liệu tổng hợp cho phép tăng độ bền của cánh quạt động cơ với trọng lượng và giá thành thấp.
Xu, đang mong đợi người Mỹ trao các bí kíp, bị cáo buộc là thuộc Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc (MSS).
Diễn biến sự việc chắc hẳn đã làm Xu không khỏi bất ngờ. Thay vì là chuyên gia người Mỹ, cảnh sát Bỉ đã đến cuộc hẹn gặp Xu với một lệnh bắt giữ quốc tế do FBI ban hành.
Theo cáo buộc, hoạt động đánh cắp thông tin của Xu đã manh nha từ tháng 3/2017, khi nhân viên người Mỹ của GE Aviation bắt đầu nhận được email từ một người nào đó từ Đại học Hàng không và Thiên văn học Nam Kinh (NUAA).
Vào tháng 5/2017, lời đề nghị về báo cáo kỹ thuật cao cấp của loại vật liệu mới cho động cơ của GE đã được người này đưa ra, cùng với lời mời chuyên gia người Mỹ tới Trung Quốc để nói chuyện vào ngày 2/6.
Đó là lúc nhân viên người Mỹ gặp mặt chủ nhân các email – Xu Yanjun – tự xưng là kỹ sư tên Qu Hui, đang làm việc tại một tổ chức quảng bá khoa học và công nghệ, nhưng thực chất lại là nhân viên MSS tỉnh Giang Tô.
Theo cáo trạng, Xu đã chi trả mọi chi phí ăn, ở của kỹ sư người Mỹ và một khoản phí 3.500 USD cho cuộc nói chuyện giữa hai người. Hai người sau đó vẫn tiếp tục giữ liên lạc với nhiều tài liệu đã được gửi qua.
Dường như ngày càng rõ ràng rằng chuyên gia người Mỹ được yêu cầu cung cấp những thông tin nhạy cảm của công ty mình. Vào tháng 2/2018, kỹ sư người Mỹ đã gửi cho Xu một bản thuyết trình mà trang đầu tiên có logo công ty và lời cảnh báo rằng đây là nội dung được bảo mật thuộc về GE.
Xu sau đó vẫn tiếp tục gửi các yêu cầu khác, thậm chí đề nghị thảo luận trực tiếp về cả các bí mật thương mại, đồng thời khuyên người kỹ sư nên tạo một thư mục sao chép dữ liệu từ máy tính của công ty mình.
“Nếu chúng ta đồng ý hợp tác với nhau thì đây chắc không phải là lần cuối đâu”, Xu nói với đối tác người Mỹ.
Tuy nhiên tập tin đó đã được chỉnh sửa để loại bỏ các thông tin quan trọng bởi lúc này, GE Aviation đã phát hiện ra sự việc. Thực tế, chuyên gia người Mỹ – người sau này không bị truy tố – đã hợp tác với GE và cơ quan thực thi pháp luật. Xu hẳn nhiên không biết những hành động liên lạc đã trở thành bằng chứng chống lại mình.
Cuối cùng, Xu sa lưới tại Bỉ vào ngày 1/4/2018.
Chiến dịch lớn của Washington
Mỹ tuyên bố nhiệm vụ của Xu Yanjun là lấy cắp thông tin kỹ thuật từ các công ty hàng không và hàng không vũ trụ ở Mỹ và châu Âu. Theo cáo trạng, kể từ năm 2013, tên này đã làm việc với các trường đại học và tổ chức Trung Quốc để xác định và lựa chọn mục tiêu là các kỹ sư cụ thể đang nắm giữ những bí mật mà Trung Quốc cần, sau đó truyền dữ liệu cho chính phủ, học viện và các công ty Trung Quốc.
Luật sư người Mỹ của Xu từ chối bình luận, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì tuyên bố vụ việc này đơn thuần chỉ là một sự bịa đặt.
Xu đã trải qua 6 tháng giam giữ trước khi bị dẫn độ về Mỹ, trong khi các phiên xét xử có thể diễn ra vào năm 2019. Công dân Trung Quốc vẫn một mực phủ nhận tội danh âm mưu và cố gắng thực hiện hành vi gián điệp kinh tế và trộm cắp bí mật thương mại.
Trường hợp của Xu là một động thái chưa từng có tiền lệ nhưng được xem như là một phần trong chiến dịch gia tăng của Washington trong việc đối đầu với mạng lưới gián điệp Trung Quốc.
Chính quyền Trump đã quyết tâm đẩy lùi hoạt động gián điệp của Trung Quốc bằng cách theo đuổi một chiến lược truy tố liên tiếp các cá nhân Trung Quốc, như Xu, trong các tháng gần đây, khi các cáo trạng khác nhau đã vạch trần những âm mưu đánh cắp công nghệ liên quan đến chip bán dẫn, vật liệu nhẹ và thậm chí là cả gạo biến đổi gen.
Mỹ nói rằng Xu Yanjun chính là một điển hình trong kế hoạch của Trung Quốc, khi đào tạo các quan chức tình báo làm việc trực tiếp với các công ty Trung Quốc để đánh cắp các bí mật kỹ thuật từ phương Tây và sau đó sử dụng chúng để thúc đẩy nền kinh tế của đất nước.
Trung Quốc đứng đầu các mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ
Cựu quan chức FBI, hiện là giám đốc của Trung tâm phản gián và an ninh quốc gia Mỹ Bill Evanina khẳng định: “Đối với quan điểm về các mối đe dọa nền an ninh quốc gia của người Mỹ, Trung Quốc đến nay vẫn là số một”.
Xu không phải là người duy nhất bị cáo buộc thực hiện các hành vi gián điệp liên quan đến hàng không. Trong một vụ việc khác từ tháng 11/2013, một điệp viên Trung Quốc được cho là đã gặp nhân viên Trung Quốc thuộc một công ty hàng không vũ trụ Pháp có văn phòng tại Tô Châu. Theo cáo trạng chi tiết của Mỹ thì hai người này sắp xếp rằng họ sẽ giả vờ va vào nhau tại một nhà hàng, mà món hàng được trao là “con ngựa”.
“Con ngựa” được nhắc đến chính là phần mềm mã độc Ngựa Trojan, được lên kế hoạch là nhằm lây nhiễm virus cho máy tính của toàn công ty Pháp nói trên. Người nhân viên gốc Hoa đã cắm chiếc USB chứa mã độc vào máy tính tại công ty mình vào ngày 25/1/2014 và tối đó anh ta đã nhắn tin cho nhân viên tình báo Trung Quốc.
Một tháng sau, các máy tính của công ty đều cho thấy dấu hiệu hiệu liên hệ với một tên miền do tin tặc Trung Quốc kiểm soát. Điều này thu hút sự chú ý của Mỹ, khiến nước này thông báo cho tình báo Pháp.
Họ đã liên lạc với công ty nói trên để tiến hành điều tra ngay sau đó. Tuy nhiên các tin tặc đã nhận được mật báo và tên miền đã bị xóa ngay lập tức hòng che đậy dấu vết.
Mỹ cáo buộc rằng từ năm 2010 – 2015, nhóm tin tặc này – do một sĩ quan tình báo Trung Quốc lãnh đạo – đã làm việc với các nhân viên ở Trung Quốc để đánh cắp nhiều dữ liệu mật liên quan đến động cơ phản lực được sử dụng trong máy bay thương mại.
Tuy nhiên, không bị cáo nào bị đưa ra xét xử. Bản cáo trạng chỉ được xem như là một phần trong chiến lược của Washington nhằm cảnh báo công khai về hoạt động phạm pháp của Trung Quốc, đồng thời phần nào gây áp lực đối với Bắc Kinh.
Theo các quan chức Mỹ, đã có rất nhiều hình thức tấn công mạng của Trung Quốc được ghi nhận nhưng tựu chung thì mối đe dọa trong nội bộ thường nguy hiểm hơn nhiều so với hoạt động hack từ xa.
Theo ông Evanina, tình báo Trung Quốc còn nhắm mục tiêu vào các thành viên của những trang truyền thông xã hội như Linkedin. Nếu nhìn từ góc độ của cơ quan tình báo, sẽ là một tính toán mang lại khả năng cao và rủi ro thấp nếu gửi đi 30.000 – 40.000 email và nhận được lại được câu trả lời của khoảng 20 – 40 người rằng: “Tôi biết công nghệ đó và tôi có thể thuyết trình về nó”. Đó thực sự là một thành công lớn.
Một năm trước, dịch vụ an ninh Đức đã cảnh báo rằng 10.000 người Đức đã liên lạc với các hồ sơ giả được ngụy trang thành những nhà tuyển dụng, chuyên gia tư vấn, nhà tư tưởng hay các học giả nhưng thực chất lại là các nhân viên tình báo Trung Quốc.