Tuesday, April 23, 2024
Trang chủBiển nóngQuân đội Mỹ cảnh báo tàu đánh cá TQ có thể gây...

Quân đội Mỹ cảnh báo tàu đánh cá TQ có thể gây ra chiến tranh trên các vùng biển quốc tế

Quân đội Mỹ vừa đưa ra cảnh báo tình trạng hung hãn và ngang ngược của các tàu đánh cá Trung Quốc hiện nay có thể gây ra chiến tranh trên các vùng biển quốc tế.

Tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép tại các nước. Nguồn: Reuters

Bộ Tư lệnh miền Nam nước Mỹ hôm 03/1 vừa qua đã cảnh báo rằng“sự thèm ăn vô độ” của Trung Quốc đối với hải sản đang khiến các quốc gia Nam Mỹ khó xử trong việc bảo vệ ranh giới chủ quyền trên biển của họ.Các quốc gia trên bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương đã bị ảnh hưởng và hầu hết các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp tại các khu vực này đều đến từ các tàu đánh cá Trung Quốc. Theo Đại diện ngành ngư nghiệp của Peru tại Tổ chức phi chính phủ về bảo tồn đại dương Oceana, ông Juan Carlos Sueiro cho biết Peru và Argentina đã từng chứng kiến những đoàn thuyền đánh cá lớn nhất thế giới của Trung Quốc. “Không phải là họ không thể đánh bắt ở vùng biển quốc tế nhưng việc họ tiếp cận quá gần ranh giới các quốc gia khác đã gây tranh cãi. Điển hình là Tổ chức Oceana đã phát hiện tàu cá Trung Quốc đi vào lãnh hải Peru mà không có giấy phép hay hoặc dùng ID sao chép để xâm nhập trái phép”, ông Suiero giải thích. Ngoài ra, tổ chức này còn phát hiện những tàu cá đông lạnh chở cá đánh bắt được và nhiên liệu của các tàu cá Trung Quốc và những hoạt động trung chuyển này có thể “rửa tiền” từ những hoạt động đánh bắt cá trái phép. Các quan chức và chuyên gia từng cảnh báo rằng nhu cầu đang tăng mạnh về cá và cạnh tranh gia tăng đối với những đàn cá giống và trữ lượng cá có thể gây ra những mâu thuẫn mới. Nhiều người trong số họ đã đặc biệt đề cập đến Trung Quốc. Trữ lượng cá xung quanh Trung Quốc đã sụt giảm đáng kể trong vài năm qua. Nhưng Bắc Kinh đã cho phát triển những đoàn tàu đánh bắt xa bờ và những tàu cá này đã vướng vào các vụ mâu thuẫn trên các vùng biển xa xôi như tận Argentina, nơi lực lượng bảo vệ bờ biển đã bắn chìm tàu cá của họ và ở châu Phi, nơi các công ty Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở chế biến cá biển.

Các quan chức lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cho biết họ có quan hệ tốt với các đối tác Trung Quốc trong việc đảm bảo các quy tắc khi đánh bắt cá nhưng họ vẫn đang rất chú ý đến những diễn biến ở phía Bắc Thái Bình Dương. Theo giới quan sát, Trung Quốc là nước có đội tàu cá đông nhất thế giới (khoảng 450.000 tàu cá), trong đó khoảng 200.000 tàu đánh cá đại dương. Hàng năm, số tàu cá Trung Quốc khai thác, đánh bắt khoảng 71 triệu tấn cá ở khu vực Biển Đông. Theo số liệu thống kê, Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về tốc độ phát triển nghề cá. Những tàu cá của Trung Quốc thường được trang bị súng, mìn, vòi rồng, hệ thống vệ tinh hàng hải cấp độ quân sự, kết nối với lực lượng tuần duyên Trung Quốc và dễ dàng nhận được sự “trợ giúp” của lực lượng này. Tại Nam Hải, ngư dân Trung Quốc thậm chí còn được khuyến khích đi vào các vùng biển tranh chấp của các nước và hệ thống vệ tinh trên tàu cá sẽ giúp cảnh báo, phát hiện các tàu nước ngoài. Theo các chuyên gia, khi khoác lên mình đồng phục màu xanh, ngư dân TQ trở thành dân quân biển, núp bóng tàu cá để tiến hành trinh sát, do thám cũng như nhiều hành động gây rối tại vùng biển các nước. Ngoài ra, Trung Quốc còn huy động lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẵn sàng tiếp tế xăng dầu cho tàu cá, thậm chí ra tay can thiệp khi tàu cá bị cơ quan hành pháp của nước khác truy đuổi, bắt giữ vì hành vi đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Indonesia từng đánh chìm một số tàu đánh bắt cá trái phép, bao gồm cả tàu Trung Quốc. Bộ trưởng Ngư nghiệp Indonesia đã nói rằng những gì các tàu đánh cá Trung Quốc đang làm “không phải là đánh cá mà là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia”. Tháng 9/2017, một ngư dân Trung Quốc thậm chí còn phát biểu “Chúng tôi (ngư dân Trung Quốc) không việc gì phải lo lắng về xung đột với các nước khác vì chúng tôi được tàu của Chính phủ bảo vệ”. Vùng biển quanh cực Bắc Trái Đất nơi băng đang tan dần và thu hút các đội tàu thương mại đến khai thác đánh bắt cũng có thể sẽ trở thành một địa điểm cạnh tranh mới. Cuối năm 2018, Phó Chủ tịch cấp cao của châu Âu, lục địa Á – Âu và Bắc Cực tại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, bà Heather Conley rằng “Tôi cho rằng người Trung Quốc rất quan tâm đến trữ lượng cá và các nguồn protein tiềm năng ở Bắc Cực”. Cuối năm 2017, 9 quốc gia bao gồm Trung Quốc và EU đã ký một thỏa thuận cấm đánh bắt cá vì mục đích thương mại ở trung tâm Bắc Cực trong vòng 16 năm để cho phép nghiên cứu về khu vực này, một thỏa thuận nhằm đảm bảo có đủ thông tin để “đánh bắt cá một cách có quản lý và kiểm soát hợp lý trong tương lai”, theo bà Conley. “Chúng ta đang chứng kiến ​​cá di chuyển lên phía Bắc để đến các vùng nước mát hơn và Trung Quốc chắc chắn muốn đảm bảo rằng họ không bị loại trừ khỏi những ngư trường tiềm năng đó”, bà Conley nói thêm. Trước đây, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Indonesia cũng đã đưa ra cảnh báo về tình trạng tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép, xậm phạm chủ quyền của Indonesia và các nước, thậm chí còn gọi đó không phải là đánh bắt cá mà là “hành vi phạm tội” có tổ chức xuyên quốc gia.

Trong khi hoành hành tại các vùng biển, hàng năm Trung Quốc đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6. Năm 2018, Trung Quốc đơn phương thông báo lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8, trên phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough. Lệnh cấm này cũng được áp dụng ở vùng biển Bột Hải, Hoàng Hải và Hoa Đông. Phía Việt Nam đã nhiều lần phản đối, nêu rõ “Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”. Quy định của Trung Quốc cũng đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thoả thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Quy chế của Trung Quốc cũng không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới