Tuesday, November 26, 2024
Trang chủBiển nóngXu hướng chính sách của Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông...

Xu hướng chính sách của Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông trong năm 2019

Nối tiếp chủ trương, chính sách và hoạt động ở Biển Đông trong năm 2018, Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy các kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, gia tăng các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác và tập trận chung với các nước đồng minh và nghiên cứu, tìm kiếm các biện pháp trừng phạt Trung Quốc khi có các hành vi khiêu khích ở Biển Đông.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tuần tra ở Biển Đông ngày 26/6/2018

Chủ trương, chính sách và hoạt động của Mỹ ở Biển Đông trong năm 2018

Trong năm 2018, Mỹ đã thúc đẩy nhiều hoạt động thực tế nhằm đối phó, ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Những tuyên bố, hoạt động của Mỹ ở Biển Đông đều được triển khai dựa trên chính sách mới của Chính quyền Tổng thống Donald Trump, theo đó: Mỹ sẽ thúc đẩy các hoạt động tự do hàng hải, ngoại giao pháp lý, hỗ trợ an ninh trên biển và hỗ trợ các nước ASEAN đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc.

Về ngoại giao: Mỹ cho rằng việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hoá các tiền đồn ở khu vực làm gia tăng căng thẳng, làm phức tạp và leo thang tranh chấp, gây tổn hại đến tự do thông thương và ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực; yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động quân sự hóa ở Biển Đông, rút ngay các loại khí tài đã triển khai phi pháp trên các thực thể nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ không lùi bước trước sự đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định cam kết của Mỹ về sự hiện diện ở khu vực, cho rằng các tàu chiến của Hải quân Mỹ được phép sử dụng sức mạnh đề phản ứng bảo vệ bản thân và các thủy thủ khỏi các hành động đe dọa ở biển cả; khẳng định Mỹ không tìm cách đối đầu với Trung Quốc, song Mỹ sẽ tiếp tục đi qua, bay qua các vùng biển và vùng trời quốc tế. Ngoài ra, Mỹ cũng tích cực kêu gọi các nước đồng minh phối hợp trên biển để ngăn ngừa việc một cường quốc (ám chỉ Trung Quốc) thống trị Biển Đông.

Về luật pháp: Mỹ công bố một số báo cáo, dự luật liên quan vấn đề Biển Đông. Trong đó Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật về chi tiêu cho hoạt động quân sự, khẳng định sẽ không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) cho đến khi Bộ Quốc phòng Mỹ xác minh rằng Trung Quốc đã chấm dứt các hoạt động bồi đắp đảo trên Biển Đông, đồng thời di dời khí tài quân sự ra khỏi các vùng biển tranh chấp và đưa ra chương trình hành động 4 năm nhằm ổn định tình hình khu vực.

Về quân sự: Mỹ thúc đẩy nhiều hoạt động tập trận, tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Washington lần lượt điều tàu sân bay USS Carl Vinson, USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan tới tuần tra tại Biển Đông, đây đều là những siêu tàu sân bay, hiện đại bậc nhất mà Hải quân Mỹ đang sở hữu. Không những vậy, Mỹ còn nhiều lần điều các tàu khu trục tiến hành tuần tra, áp sát các đảo do Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông như: Tàu khu trục USS Hopper (17/1) đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo Hoàng Nham (cách Trung Quốc gọi bãi cạn mà Philippines gọi là Scarborough); tàu khu trục Mustin (24/3) tiến hành hoạt động tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý gần Đá Vành Khăn; tàu khu trục Antiem (CG54) mang tên lửa hành trình và tàu khu trục USS Higgins (DDG-76) áp sát các đảo Cây, đảo Lincon, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur (30/9) di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma; tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville (29/11) đã tiến hành tuần tra tự do hàng hải tại Hoàng Sa, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc; tàu khu trục mang tên lửa hành trình USS Mustin (DDG-89) và USS Benfold (DDG-65) “hoạt động quá cảnh thường kỳ” qua khu vực eo biển có chiều rộng 110 dặm nằm giữa Trung Quốc và Đài Loan…

Ngoài ra, Mỹ còn tích cực điều máy bay trinh sát, máy bay ném bom chiến lược tuần tra tự do hàng không ở Biển Đông. Trong năm 2018, Không quân Mỹ 12 lần điều máy bay ném bom B-52H Stratofortress tham gia sứ mệnh huấn luyện thường xuyên, tập trận gần Biển Đông và áp sát gần các điểm đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhiều lần khẳng định đây là một phần của “những hoạt động định kỳ nhằm tăng cường sự sẵn sàng và tính tương tác với các đối tác cũng như đồng minh của Mỹ trong khu vực”, đồng thời khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi tàu qua vùng biển và hoạt động ở bất kỳ nơi đâu luật quốc tế cho phép vào những thời điểm và khu vực do Mỹ lựa chọn. Ngoài máy bay ném bom B-52H Stratofortress, Mỹ còn nhiều lần cử máy bay P8-A Poseidon thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông.

Hợp tác với các nước đồng minh và các nước trong khu vực. Trong năm 2018, cùng với những hoạt động trên thực địa và tuyên bố ngoại giao, Mỹ tăng cường quan hệ với các nước đồng minh thân thiết trong khu vực như Nhật Bản, Australia, Philippines để tìm cách kiềm chế và ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc. Hải quân Mỹ nhiều lần cử tàu sân bay, tàu khu trục… tham gia giao lưu, tập trận chung với các nước đồng minh và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ từng nhiều lần khẳng định Mỹ vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với các nước bạn bè, đối tác và đồng minh nhằm bảo đảm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Những hoạt động phối hợp chung này là một phần của các cuộc diễn tập nhằm nâng cao năng lực tương tác giữa Mỹ và các đồng minh lâu năm.

Xu hướng chính sách của Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông trong năm 2019

Chính sách Biển Đông của Mỹ ngày càng có xu hướng cứng rắn hơn và mức độ can dự vào vấn đề Biển Đông ngày càng sâu hơn.

Về khía cạnh ngoại giao: Chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục tiếp cận ngoại giao trong xử lý tranh chấp Biển Đông. (1) Thượng viện Mỹ có khả năng sẽ xem xét phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 để tạo cơ sở vững chắc ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đây, Thượng viện Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS do lo ngại Công ước sẽ gây rủi ro cho lợi ích của Mỹ, liên quan đến các thỏa thuận xung đột, quyền khai thác tài nguyên tại vùng nước sâu, và quyền hành hợp pháp của bộ máy quan chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc. (2) Tiếp tục kêu gọi tất cả các bên liên quan cần tôn trọng nguyên tắc và luật pháp quốc tế trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. (3) Mỹ sẽ chủ động tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, nhất là các nước tồn tại tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. (4) Tăng cường hợp tác với các nước, nhất là những nước đồng minh (Nhật Bản, Ấn Độ, Australia…) để can thiệp vào tình hình Biển Đông, qua đó bảo vệ lợi ích của đồng minh trong khu vực. (5) Mỹ sẽ thông qua các kênh khác nhau góp phần thúc đẩy quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông.

Về khía cạnh quân sự: (1) Mỹ sẽ thúc đẩy các cuộc diễn tập quân sự tại khu vực mang tính thường niên, với quy mô ngày càng lớn hơn. (2) Mỹ sẽ gia tăng bố trí lực lượng hải quân tại khu vực. (3) Đẩy mạnh về tần suất và quy mô của các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Về khía cạnh hợp tác kinh tế và thương mại: (1) Mỹ sẽ thể hiện sự ủng hộ và có biện pháp thiết thực bảo vệ các công ty dầu mỏ (của Mỹ) hợp tác khai thác dầu khí với tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông. (2) Mỹ thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và năng lượng với các nước ASEAN để tăng cường ảnh hưởng dối với những nước này.

Tuy nhiên, Mỹ cũng gặp một số khó khăn nhất định khi tăng cường can dự vào vấn đề Biển Đông. Đầu tiên, diễn biến tình hình Biển Đông có nhiều thay đổi, nhất là việc Philippines, đồng minh thân cận của Mỹ ngả theo Trung Quốc; Thứ hai, do bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính cùng với hệ lụy của các cuộc chiến tranh Afghanistan và Irắc khiến sức mạnh tương đối của Mỹ sụt giảm; Thứ ba, xét từ bố cục chiến lược toàn cầu của Mỹ, Đông Nam Á cũng không phải là địa bàn chiến lược hàng đầu của Mỹ, hiện nay Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông một mặt tích cực hơn trước đây chủ yếu là nhằm đẩy mạnh điều chỉnh chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của mình; Thứ tư, tuy Mỹ giữ cho khu vực Biển Đông căng thẳng ở mức độ vừa phải để duy trì lợi ích chiến lược của mình, nhưng cũng không muốn thấy khu vực này xảy ra chiến tranh, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh của tuyến đường hàng hải thương mại và quân sự của Mỹ và tăng thêm tính phức tạp trong việc xử lý mối quan hệ với các nước đồng minh khu vực của họ; thứ năm, lợi ích của Mỹ và Trung Quốc đan xen, chồng chéo, khiến hai nước lệ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế, nên khả năng Mỹ và Trung Quốc xảy ra xung đột nghiêm trọng trong vấn đề Biển Đông không nhiều.

Trung Quốc tìm mọi cách ngăn chặn Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông

Trong bối cảnh Mỹ tích cực tiến hành các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, tăng cường phối hợp với các nước trong khu vực và đưa ra nhiều tuyên bố lên án, chỉ trích các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, khiến Bắc Kinh gặp khó khăn khi triển khai thêm các hoạt động quân sự hóa phi pháp trên các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Xuất phát từ vấn đề này, giới tướng lĩnh Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố mang tính hiêu chiến, đe dọa Mỹ nhằm ngăn chặn Washington can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Phó Giám đốc Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc, Thiếu tướng La Viện (20/12/2018) nhận định, một trong “5 nền tảng” hạ gục sức mạnh của quân đội Mỹ chính là nhắm vào các tàu sân bay bởi “điều mà Mỹ sợ nhất là thương vong”. Theo ông La Viện, với năng lực ngày càng lớn của lực lượng tên lửa hành trình và tên lửa chống hạm, quân đội Trung Quốc hoàn toàn có thể tiêu diệt nhóm hộ tống tàu sân bay Mỹ. Một khi đánh chìm một tàu sân bay Mỹ đã cướp đi sinh mạng của 5.000 quân nhân và nếu đánh chìm hai tàu sân bay, con số thương vong sẽ tăng lên gấp đôi. Ngoài ra, để đối phó với Mỹ, Trung Quốc cũng “cần tăng cường sức mạnh tấn công vào điểm yếu của đối phương. Tấn công vào những nơi mà đối phương sợ bị tấn công. Bất cứ đâu đối phương bị yếu, phải tập trung giành được ưu thế”. Trong cùng tháng 12/2018, Viện trưởng Viện Nghiên cứu An toàn và Hợp tác biển Trung Quốc, Đại tá Đới Húc kêu gọi quân đội Trung Quốc sẵn sàng tấn công và đánh chìm tàu chiến Mỹ nếu tàu này xâm phạm “lãnh hải Trung Quốc” ở Biển Đông.

Chính giới, nhất là các quan chức ngoại giao và quân đội Trung Quốc cũng sẽ tùy từng hoạt động của Mỹ ở Biển Đông để lên án Washington, tìm cách đổ lỗi cho Mỹ là nước gây căng thẳng trong khu vực. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chắnc chắn sẽ cử tàu chiến, máy bay đe dọa, ngăn chặn và cản trở các hoạt động ở Mỹ ở Biển Đông. Thậm chí giới chức lãnh đạo Trung Quốc còn có thể ra lệnh cho quân đội có các hoạt động khiêu khích quân sự, cố tình tạo ra va chạm quân sự để gây sự với Mỹ khi áp sát các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc.

Ngoài việc đe dọa Mỹ, Trung Quốc còn triển khai nhiều hoạt động khác để đối phó với Mỹ ở Biển Đông, nhất là trong lĩnh vực tuyên truyền. Giới truyền thông, báo chí Trung Quốc sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm bôi xấu hoạt động của Mỹ ở Biển Đông; tìm cách buộc tội Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác sử dụng các biện pháp chính trị, ngoại giao, quân sự và công luận để kiềm chế Trung Quốc; vu cáo Mỹ phô trương sức mạnh và tạo căng thẳng dưới vỏ bọc “hoạt động tự do hàng hải”, thêu dệt tin đồn và đánh lừa thế giới bằng sức mạnh thống trị của mình để xoay chuyển dư luận quốc tế, chọc ngoáy vào các bên liên quan trong vấn đề Biển Đông và tạo áp lực buộc các bên lựa chọn phe phái. Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc cũng có thể sẽ tìm cách buộc tội Mỹ đã lợi dụng vấn đề Biển Đông để điều khiển các nước trong khu vực chống đối lẫn nhau; đồng thời sẽ chỉ trích sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ ở Biển Đông đe dọa nguy cơ tạo ra các vụ đụng độ có thể dẫn đến chiến tranh.

RELATED ARTICLES

Tin mới