Bản tin Biển Đông ngày 10/01/2019.
Dự thảo tuyên bố ASEAN tiếp tục nhắc lại “quan ngại” về việc xây dựng đảo
Ngày 10/1, Nikkei đưa tin, theo bản dự thảo Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ diễn ra ngày 17-18/1 tại Chiang Mai, Thái Lan, các quốc gia thành viên lưu ý về “mối quan ngại” đối với việc Trung Quốc cải tạo đảo ở Biển Đông. Các từ ngữ nhạy cảm về chính trị có thể sẽ được loại bỏ, nhưng nếu được đưa vào văn bản cuối cùng, Thái Lan với tư cách là nước chủ nhà ASEAN năm 2019 sẽ theo bước Singapore khi chỉ sử dụng từ “quan ngại” mà không nêu đích danh Trung Quốc.
Bên cạnh đó, dự thảo tuyên bố cũng cho biết ASEAN nhằm mục tiêu hoàn thành “Bản dự thảo đơn nhất” Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong năm nay.
Cách Trung Quốc khoa trương sức mạnh quân sự có đóng góp gì cho hòa bình và ổn định khu vực?
Ngày 10/1, tờ South China Morning Post đăng bài viết của Brian YS Wong, cho rằng cách Trung Quốc thể hiện sức mạnh quân sự thực ra là động lực cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Bài viết biện luận cho phát biểu cuối năm ngoái của Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi quân đội Trung Quốc “chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến toàn diện từ một khởi đầu mới”, cho rằng đây không phải báo hiệu sự bất ổn chính trị hay căng thẳng quân sự gia tăng ở khu vực, mà trái lại, cần phải nhìn theo hướng thực tế hơn là đóng góp quan trọng cho ổn định khu vực. Bài viết đưa ra một số lý do để bảo vệ quan điểm này, đó là:
i) Hoạt động chủ nghĩa dân tộc quân phiệt của Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng trong việc dập tắt các làn sóng chủ nghĩa dân tộc trong nước, ví dụ như các phong trào chống đối Nhật Bản liên quan đến tranh chấp đảo Senkake/Điếu Ngư.
ii) Việc Trung Quốc gia tăng các dấu hiệu về quân sự không chỉ là cách chống lại các nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm nắm bắt chiến lược Châu Á mà còn giúp Trung Quốc chuẩn bị sẵn sàng cho các hoạt động quân sự lâu dài ở Đông Á. Một khu vực Đông Á mà các nước phải lựa chọn giữa hai siêu cường cạnh tranh nhau sẽ kém hòa hợp và ổn định hơn một khu vực mà chỉ có Trung Quốc nổi lên chiếm ưu thế là lực lượng bá quyền khu vực.
iii) Việc Trung Quốc kêu gọi đàm phán với Đài Loan hiện vẫn chưa có được sự tin cậy, chủ yếu là do thiếu sự hỗ trợ bởi lực lượng quân sự hoặc lợi ích kinh tế cho Đài Loan để đổi lại việc từ bỏ chế độ tự trị về chính trị. Việc Trung Quốc tập trung vào quân sự hóa có thể khuyến khích Đài Loan xem xét mở lại các cuộc đàm phán mà chắc chắn sẽ có lợi cho cả hai bên, cũng như sự ổn định khu vực.
Do vậy, việc Trung Quốc tăng cường chủ nghĩa quân sự là vì ổn định khu vực; vẫn còn lý do để lạc quan về tương lai của chính trị Đông Á.