Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến kéo dài sang ngày thứ 3 sau khi cả 2 bên chưa thể tìm được tiếng nói chung cho một giải pháp về cuộc chiến thương mại.
Phó thủ tướng Lưu Hạc (cà vạt đỏ, bên phải) bất ngờ xuất hiện tại cuộc đàm phán. (Ảnh: SCMP)
Cuộc đàm phán Mỹ-Trung kéo dài 2 ngày bắt đầu từ hôm 7/1 tại Bắc Kinh là cuộc gặp mặt đầu tiên giữa quan chức 2 nước kể từ sau khi cuộc gặp giữa lãnh đạo 2 nước ở Argentina đầu tháng 12/2018.
Trợ lý Bộ trưởng Bộ năng lượng Mỹ phụ trách các vấn đề dầu mỏ, Steven Winberg nói với các phóng viên ở Bắc Kinh rằng cuộc đàm phán đã diễn ra tốt đẹp.
“Tôi xác nhận rằng chúng tôi sẽ tiếp tục vào ngày 9/1”, ông Winberg nói nhưng từ chối trả lời các câu hỏi khác.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 8/1 cho biết sẽ đưa ra các tuyên bố sau khi các cuộc đàm phán kết thúc nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể.
“Cả 2 bên vẫn đang nghiên cứu để tìm cách đảm bảo Trung Quốc sẽ tuân theo các cam kết của mình”, tờ Wall Street Journal đưa tin. Phái đoàn Mỹ dự kiến sẽ rời Bắc Kinh vào chiều nay 9/1.
Trên Twitter của mình vào tối 8/1, Hu Xijin, biên tập viên của tờ Hoàn Cầu thời báo cho biết các cuộc đàm phán đã không thể kết thúc sau 2 ngày đàm phán khó khăn.
“Tôi nghe nói họ sẽ tiếp tục vào ngày mai. Điều này gửi đi một tín hiệu rằng 2 bên đang đàm phán nghiêm túc và làm việc thực sự để giải quyết các bất đồng”, Hu viết.
Ngay trong ngày đầu tiên của của cuộc đàm phán, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, trợ lý kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và là nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc trong các cuộc thảo luận thương mại với Mỹ đã bất ngờ xuất hiện và đưa ra những tuyên bố ngắn gọn về cuộc họp.
Các nhà quan sát cho rằng sự xuất hiện của ông cho thấy giới chức lãnh đạo Trung Quốc đang hết sức quan tâm tới các cuộc thương thảo với người Mỹ.
Theo các nhà phân tích, việc đàm phán Mỹ-Trung kéo dài quá thời hạn là một vấn đề tốt, cho thấy 2 bên đều đang rất nghiêm túc trong việc đưa ra một thỏa thuận chi tiết hơn.
Nhà kinh tế Hu Xingdou tới từ Bắc Kinh tin rằng đây là dấu hiệu chứng tỏ cả 2 bên đều muốn đạt được thỏa thuận, đặc biệt là Trung Quốc bởi nền kinh tế của Bắc Kinh có dấu hiệu suy yếu dù đang bước vào giai đoạn quan trọng.