Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTrung - Mỹ tạm “chững” cuộc chiến mậu dịch nhưng rất “căng”...

Trung – Mỹ tạm “chững” cuộc chiến mậu dịch nhưng rất “căng” về Đài Loan

Quan hệ Trung – Mỹ tưởng như dịu đi sau khi cuộc chiến mậu dịch có được 90 ngày “ngừng bắn” thì ngay đầu năm mới đã căng thẳng trở lại với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành Đạo luật Sáng kiến tái bảo đảm Châu Á 2018 (Asia Reassurance Initiative Act 2018, ARIA) với nội dung tăng cường hỗ trợ, kể cả bán vũ khí cho Đài Loan. Và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra “Phương án Đài Loan” gồm 5 điểm thay thế cho Phương án “Giang Trạch Dân 8 điểm” trước đây nhằm thực hiện thống nhất Đài Loan.

Ông Donald Trump ký Đạo luật sáng kiến tái bảo đảm Châu Á với cam kết: Mỹ sẽ tiếp tục định kỳ bán vũ khí phòng ngự cho Đài Loan để đối phó lại sự uy hiếp từ Trung Quốc Đại Lục.

Tổng thống Donald Trump ký ban hành Đạo luật sáng kiến tái bảo đảm Châu Á

Ngày 31.12.2018 theo giờ Washington, ngay trước khi bước vào năm mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Đạo luật sáng kiến tái bảo đảm Châu Á (ARIA) được cho là nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trước những thách thức đang lên từ phía Trung Quốc. Thông báo của Nhà Trắng viết: “Tổng thống Donald Trump đã kí ban hành ‘Đạo luật sáng kiến tái bảo đảm châu Á 2018’, nhằm thiết lập chiến lược đa phương để bảo vệ an ninh, lợi ích kinh tế và giá trị của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Đạo luật cũng bao gồm cam kết của Mỹ trong 5 năm tới mỗi năm chi ngân khoản gồm 1,5 tỷ đô la để tăng cường sự hợp tác giữa Mỹ với các đồng minh chiến lược trong khu vực trong các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao và an ninh.

Trung - Mỹ tạm “chững” cuộc chiến mậu dịch nhưng rất “căng” về Đài Loan  - ảnh 1

Đạo luật sáng kiến tái bảo đảm Châu Á (ARIA) được ông Donald Trump ký hôm 31.12.2018 khiến Trung Quốc tức giận, phản ứng quyết liệt.

Đây là dự luật đã được các Thượng nghị sĩ Cory Gardner, Ed Markey, Marco Rubio và Ben Cardin giới thiệu vào tháng 4.2018, trong đó kêu gọi đối thoại giữa 4 nước là Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, hay còn được biết đến là Tứ giác kim cương. ARIA đã được Thượng nghị viện thông qua ngày 4.12 và Hạ nghị viện phê chuẩn hôm 12.12.2018.

Đạo luật này được ông Trump ký ban hành đúng vào dịp kỉ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung – Mỹ và 40 năm “Luật quan hệ với Đài Loan” của Mỹ có hiệu lực. Đạo luật này tập trung làm rõ mục tiêu chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc Đại Lục và Đài Loan. Ngoài ra còn làm rõ và khẳng định mối quan hệ giữa Washington với các quốc gia đồng minh trong khu vực, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Australia.

Theo trang tin Đa Chiều, trong vấn đề Đài Loan, Đạo luật sáng kiến tái bảo đảm Châu Á (ARIA) cam kết: Mỹ sẽ tiếp tục định kỳ bán vũ khí phòng ngự cho Đài Loan để đối phó lại sự uy hiếp từ Trung Quốc Đại Lục và khuyến khích các quan chức cao cấp tiến hành đi thăm Đài Loan theo quy định mà “Luật du lịch Đài Loan” đã mở ra.  

Ngoài ra, ARIA khẳng định: Mỹ căn cứ theo Luật quan hệ với Đài Loan và “3 bản thông cáo chung Trung – Mỹ”, thực hiện những cam kết với Đài Loan. Mỹ phản đối thay đổi hiện trạng, ủng hộ giải quyết hòa bình tranh chấp giữa hai bên bờ eo biển với phương thức cả hai bên đều có thể chấp nhận.

Ông Trump sau đó đã phát biểu: đối với vấn đề Đài Loan ông đồng nhất với mục tiêu của quốc hội về việc bảo vệ an ninh và thực lực của Mỹ, nhưng chuyện liên quan đến đối ngoại quân sự và ngoại giao  trong ARIA là thuộc chức quyền của ông với vai trò thống soái hải, lục, không quân theo hiến pháp.

Đa Chiều cho biết, Đài Bắc đã lập tức hoan nghênh và bày tỏ cảm ơn. Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ, Quốc hội Mỹ không phân biệt đảng phái đã thể hiện sự coi trọng và ủng hộ quan hệ Mỹ – Đài cũng như hòa bình và ổn định của khu vực. Ông Hoàng Trọng Ngạn, người phát ngôn của Tổng thống Thái Anh Văn cho rằng, việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp Mỹ – Đài Loan, ổn định cục diện Đông Á là rất quan trọng đối với các bên trong khu vực, trong đó có Mỹ và Đài Loan.

Trung Quốc phản ứng quyết liệt với ARIA

Ngày 2.1, phát biểu tại cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức, phát ngôn viên Lục Khảng khi trả lời câu hỏi của một phóng viên về bình luận của phía Trung Quốc trước việc ông Donald Trump ký ban hành Đạo luật ARIA đã nói: “Đạo luật này đã đi ngược lại nguyên tắc Một Trung Quốc và quy định của 3 bản tuyên bố chung Trung – Mỹ, can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc. Trung Quốc bất bình mạnh mẽ và kiên quyết phản đối phía Mỹ cố ý ký ban hành luật này, đã nghiêm khắc can thiệp với phía Mỹ”.

Ông Lục Khảng nói: “Xin phía Mỹ hãy lưu ý, Chủ tịch nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu tại cuộc mít tinh kỉ niệm 40 năm ngày công bố “Thư gửi nhân dân Đài Loan” đã nhấn mạnh: “Vấn đề Đài Loan là công việc nội bộ của Trung Quốc, liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và tình cảm của nhân dân Trung Quốc, không cho phép bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài”.

“Chúng tôi nhắc nhở phía Mỹ cần tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc và 3 bản thông cáo chung Trung – Mỹ, không được thực thi những nội dung trong ARIA, thận trọng xử lý ổn thỏa các vấn đề liên quan đến Đài Loan để tránh làm tổn hại đến đại cục quan hệ Trung – Mỹ và hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan”.

Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất “Phương án Đài Loan” 5 điểm

Sáng 2.1.2019, khi phát biểu trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày ban hành “Thư gửi nhân dân Đài Loan” (năm 1979) tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tái khẳng định quyết tâm thống nhất Đài Loan và kêu gọi ủng hộ giải pháp “Một nước hai chế độ”.

Sau khi điểm lại lịch sử 70 năm chia cắt hai bờ eo biển Đài Loan, khẳng định nhiệm vụ lịch sử không thay đổi giải quyết vấn đề Đài Loan và thống nhất đất nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình đã đưa ra 5 phương châm (hay Phương châm 5 điểm) để thực hiện mục tiêu thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan, bao gồm: 1. Chung tay thúc đẩy phục hưng dân tộc và thực hiện mục tiêu thống nhất hòa bình; 2. Tìm kiếm phương án “hai chế độ” cho Đài Loan, làm phong phú thêm thực tiễn hòa bình thống nhất; 3. Kiên trì nguyên tắc Một Trung Quốc, bảo vệ tương lai thống nhất hòa bình; 4. Đi sâu phát triển kết nối giữa hai bờ eo biển Đài Loan để củng cố nền tảng cho việc thống nhất hòa bình; 5. Thực hiện sự hòa hợp về tâm hồn giữa nhân dân hai bờ eo biển Đài Loan để tăng cường nhận thức chung về thống nhất hòa bình.

Ông đề xướng trên cơ sở “Nhận thức chung 1992 chống Đài Loan độc lập”, các chính đảng, các giới hai bên lần lượt cử nhân sĩ đại diện để hiệp thương dân chủ rộng rãi về quan hệ hai bên eo biển và tương lai dân tộc, thúc đẩy đạt được sự sắp xếp có tính chế độ về phát triển hòa bình quan hệ hai bên bờ”.

Ông Tập Cận Bình nói, thống nhất đất nước sẽ không tổn hại lợi ích chính đáng của bất cứ quốc gia nào, bao gồm lợi ích kinh tế ở Đài Loan, sẽ chỉ mang lại cơ hội phát triển nhiều hơn cho các nước. Ông khẳng định: “Tổ quốc nhất định thống nhất, đương nhiên sẽ thống nhất”, “Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc, hai bên eo biển có cùng một lịch sử và sự thực pháp lý, bất cứ ai, bất cứ thế lực nào cũng không thể thay đổi được”.

Trang tin Đa Chiều nhận định, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình thể hiện ý đồ rõ ràng: tuyên bố Đại Lục chính thức khởi đầu tiến trình thống nhất. Trong đó, tại điểm thứ 2 của Phương châm 5 điểm “Tìm kiếm phương án “hai chế độ” cho Đài Loan, làm phong phú thêm thực tiễn hòa bình thống nhất” ông Tập Cận Bình đã nói rõ: “chế độ khác nhau không phải là trở ngại cho thống nhất, càng không phải là cớ để chia cắt. Việc đề xuất một nước hai chế độ chính là nhằm chiếu cố đến tình hình hiện thực của Đài Loan, sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến và đề nghị của các giới ở hai bên eo biển…Sau khi thống nhất, tài sản cá nhân, tín ngưỡng tôn giáo, quyền lợi hợp pháp của nhân dân Đài Loan sẽ được bảo đảm đầy đủ”.

Một điều đáng lưu ý là, trong “Thư gửi nhân dân Đài Loan” năm 1979 có đề cập đến “kỳ vọng vào 17 triệu nhân dân Đài Loan, cũng kỳ vọng vào nhà đương cục Đài Loan”, còn trong bài phát biểu lần này, ông Tập Cận Bình chỉ nhắc đến “kiên trì phương châm kỳ vọng vào nhân dân Đài Loan” chứ không nhắc gì đến chính quyền Đài Loan nữa, cho thấy dù chính đảng nào cầm quyền ở Đài Loan thì Trung Quốc Đại Lục cũng vượt qua chính phủ ở Đài Bắc, trực tiếp ra tay với dân chúng Đài Loan để thúc đẩy thống nhất.

Đặc biệt, trong bài nói của mình, ông Tập Cận Bình khẳng định: “Trung Quốc không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực, bảo lưu áp dụng mọi biện pháp cần thiết đối phó với các thế lực bên ngoài mưu đồ phá hoại tiến trình thống nhất”. Tại cuộc họp báo chiều ngày 2.1, khi có phóng viên hỏi “thế lực bên ngoài” cụ thể là gì, ông Lục Khảng đã trả lời: “Thông điệp mà Chủ tịch Tập truyền đi rất rõ ràng, Trung Quốc không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực tuyệt đối không phải nhằm vào nhân dân Đài Loan mà là các thế lực bên ngoài can thiệp và số rất ít phần tử chia rẽ “Đài Loan độc lập” cùng hoạt động chia cắt của chúng. Lập trường này của Trung Quốc trước nay không hề thay đổi”.

Đài Loan thẳng thừng bác bỏ đề xuất của ông Tập Cận Bình

Phản ứng trước “Phương châm 5 điểm” thống nhất Đài Loan mà ông Tập Cận Bình đưa ra, ngay chiều ngày 2.1, bà Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan đã khẳng định: “Chúng tôi từ trước đến nay không chấp nhận “Nhận thức chúng 1992”; Đài Loan quyết không chấp nhận Một nước hai chế độ”. Bà nói: “Trước nay chúng tôi không chấp nhận “Nhận thức chung 1992”, nguyên nhân căn bản do Bắc Kinh định nghĩa về “nhận thức chung” này là “Một Trung Quốc, một nước hai chế độ”…Tôi khẳng định lại, Đài Loan quyết không chấp chấp nhận “một nước hai chế độ”, tuyệt đại đa số dân ý Đài Loan cũng kiên quyết phản đối, đó mới là ‘nhận thức chung của Đài Loan’ ”.

Bà cũng bày tỏ: “Chúng tôi muốn ngồi vào bàn nói chuyện, nhưng là quốc gia dân chủ, bất cứ cuộc hiệp thương chính trị, đàm phán liên quan đến hai bên eo biển đều cần phải được nhân dân Đài Loan ủy quyền và giám sát và tiến hành theo mô thức giữa chính phủ với chính phủ hai bên bờ. Với nguyên tắc đó, không có bất cứ ai, bất cứ đoàn thể nào có quyền thay mặt cho nhân dân Đài Loan tiến hành hiệp thương chính trị [với Đại Lục]”.

Được biết, đây là lần đầu tiên bà Thái Anh Văn chính thức công khai bày tỏ thái độ không chấp nhận “nhận thức chung 1992”.

“Nhận thức chung 1992” hay còn gọi “Thỏa thuận chung 1992” là thuật ngữ chính trị chỉ việc hai tổ chức không chính thức của Đại Lục và Đài Loan là Hiệp hội quan hệ hai bên Eo biển và Quỹ giao lưu Eo biển gặp gỡ tại Hongkong, cùng nhau thỏa thuận miệng “Đại Lục và Đài Loan cùng thuộc một nước Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới