Tuesday, January 7, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiXuất hiện bằng chứng thép: Bà Mạnh Vãn Chu và Huawei nói...

Xuất hiện bằng chứng thép: Bà Mạnh Vãn Chu và Huawei nói dối về hoạt động ở Iran ra sao?

Báo cáo độc quyền của Reuters ngày 9/1 cho rằng CFO Mạnh Vãn Chu và Huawei đã nhiều lần nói dối về quan hệ giữa tập đoàn này với hai “công ty bình phong”.

Vụ điều tra của Mỹ nhằm vào giám đốc tài chính (CFO) tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu – người bị bắt giữ tại Canada đầu tháng 12/2018 – tập trung vào nghi vấn Huawei có liên hệ đáng ngờ với hai công ty: Một là nhà cung cấp thiết bị viễn thông Skycom Tech Co Ltd hoạt động ở Tehran, Iran; thứ hai là một công ty cổ phần Canicula Holdings Ltd được đăng ký tại quốc gia Đông Phi Mauritius, đồng thời là công ty mẹ của Skycom.

Nhà chức trách Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Chu lừa dối các ngân hàng quốc tế trong giao dịch với Iran bằng cách khẳng định hai công ty nói trên hoạt động độc lập với Huawei, trong khi thực tế Huawei nắm quyền kiểm soát cả Skycom và Canicula.

Những hồ sơ mà Reuters thu thập được từ Iran và Syria cho thấy Huawei – nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới – có liên kết chặt chẽ với Skycom và Canicula hơn những gì được biết đến trước đây.

Tài liệu hé lộ một nhà điều hành cấp cao của Huawei đã được chỉ định làm quản lý Skycom Iran. Ngoài ra, ít nhất ba cá nhân “có tên tiếng Hoa” đã đứng ra ký tên trên các tài khoản ngân hàng của cả Huawei và Skycom ở Iran. Reuters còn phát hiện một luật sư Trung Đông từng nói Huawei vận hành hoạt động của họ tại Syria thông qua công ty Canicula.

Theo đánh giá của giới chức Mỹ, Huawei thông qua Skycom để bán trang thiết bị viễn thông cho Iran và chuyển tiền ra nước ngoài bằng hệ thống ngân hàng quốc tế. Điều này khiến các ngân hàng vô tình “làm sạch” hàng trăm triệu USD giao dịch tiềm ẩn khả năng vi phạm các lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt với Tehran.

Bà Mạnh Vãn Chu không phản hồi đề nghị bình luận của Reuters. Bà hiện được tại ngoại ở Vancouver, Canada sau khi đóng 10 triệu CAD (khoảng 7.5 triệu USD) tiền bảo lãnh hôm 11/12 năm ngoái. Mỹ vẫn đang nỗ lực xúc tiến thủ tục để dẫn độ bà này.

Phát ngôn viên Bộ tư pháp Mỹ cũng từ chối bình luận về thông tin mới của Reuters.

Hồi tháng trước, Huawei lên tiếng rằng họ nhận được rất ít thông tin về các cáo buộc của Mỹ và “không xác định được bất kỳ hành vi sai trái nào của bà Mạnh”. Công ty cũng mô tả quan hệ với Skycom là “đối tác mậu dịch thông thường”. Huawei khẳng định đã tuân thủ đầy đủ luật và các quy định, cũng như yêu cầu Skycom tuân thủ như vậy.

Vụ Canada bắt giữ bà Mạnh theo đề nghị từ phía Mỹ đã làm dấy lên làn sóng giận dữ tại Trung Quốc, giữa bối cảnh căng thẳng thương mại và quân sự giữa Washington-Bắc Kinh tiếp diễn, và tình báo Mỹ lo ngại trang thiết bị viễn thông do Huawei bán có thể chứa những phần mềm “backdoor” phục vụ hoạt động gián điệp của Trung Quốc.

Trong khi Huawei bác bỏ mọi cáo buộc, tập đoàn này gần dây đã bị Australia và New Zealand cấm tham gia dự án xây dựng mạng điện thoại thế hệ tiếp theo. Giới chức ở Anh cũng bày tỏ những lo ngại tương tự.

Huawei đề nghị bán hàng cấm vận cho Iran?

Các báo cáo của Reuters vào năm 2012 và 2013 liên quan đến Huawei, Skycom và bà Mạnh Vãn Chu nói rằng Skycom đã đề nghị bán lô máy tính Hewlett-Packard (HP) bị cấm vận [với Iran], trị giá ít nhất 1.3 tỉ euro, cho nhà mạng lớn nhất Iran vào năm 2010. Ít nhất 13 trang của bản chào hàng này được đóng dấu “Huawei mật” và có logo của Huawei. Huawei cho biết cả hãng này lẫn Skycom đều không cung cấp thiết bị của Mỹ.

Reuters cũng báo cáo về nhiều liên hệ tài chính và nhân sự giữa Huawei-Skycom, bao gồm việc bà Mạnh Vãn Chu có vị trí trong ban giám đốc Skycom giai đoạn tháng 2/2008 đến tháng 4/2009. Một số ngân hàng đã chất vấn Huawei về các thông tin từ Reuters.

Nhà điều tra Mỹ cáo buộc rằng trong khi làm việc với các ngân hàng (không nêu tên), bà Mạnh cùng nhân viên Huawei “nhiều lần nói dối” về quan hệ của Huawei với Skycom và che giấu thực tế “Skycom hoàn toàn do Huawei kiểm soát”.

Nhà chức trách Mỹ còn cho biết trong cuộc gặp riêng với một nhà điều hành ngân hàng và khoảng tháng 8/2013, bà Mạnh Vãn Chu nói Huawei đã bán cổ phần tại Skycom nhưng không tiết lộ rằng bên mua số cổ phần này lại là “một công ty cũng do Huawei kiểm soát”.

Tài liệu trình tòa của nhà chức trách Canada trong vụ điều trần tại ngoại của bà Mạnh ở Vancouver tháng trước thể hiện Huawei nói với ngân hàng kể trên rằng họ đã bán cổ phần tại Skycom vào năm 2009 – cùng năm bà Mạnh Vãn Chu rút khỏi ban lãnh đạo Skycom. Nhưng tài liệu của Canada không xác định bên mua cổ phần Skycom.

Nhưng một ký lục hồ sơ của Skycom tại Hồng Kông – nơi công ty này đăng ký – cho thấy họ đã chuyển giao cổ phần cho Canicula vào tháng 11/2007. Canicula, đăng ký ở Mauriutus năm 2006, tiếp tục nắm giữ cổ phần Skycom trong khoảng một thập niên.

Những nhân sự đáng ngờ

Bản “Tóm tắt thực tế” do phía Mỹ cung cấp trong vụ xin tại ngoại của bà Mạnh có nêu: “Các tài liệu và ký lục email cho thấy những cá nhân được nêu là ‘giám đốc điều hành’ của Skycom chính là nhân sự Huawei.” Không có cá nhân nào được nêu tên cụ thể trong Tóm tắt.

Reuters cho hay, một hồ sơ của Skycom nộp tại Iran vào tháng 12/2011 ghi nhận nhân vật có tên Shi Yaohong được bầu làm giám đốc chi nhánh Skycom Iran trong nhiệm kỳ 2 năm. Trong khi đó, Huawei cũng có một nhân sự điều hành có tên phiên âm là Shi Yaohong.

Theo lý lịch trên LinkedIn, Shi được bổ nhiệm làm “Chủ tịch khu vực Trung Đông” của Huawei vào tháng 6/2012. Vào tháng 11/2010, một bản tin của hãng Emirates News nêu tên Shi Yaohong là “Chủ tịch Huawei Etisalat Key Account”. Etisalat là một tập đoàn viễn thông lớn ở Trung Đông và là đối tác của Huawei.

Ông Shi, hiện là lãnh đạo đơn vị kinh doanh phần mềm của Huawei, đã cúp máy khi phóng viên Reuters hỏi về quan hệ của ông này với Skycom.

Nhiều hồ sơ lưu trữ danh sách chữ ký tài khoản ngân hàng của Skycom của Iran xuất hiện những cái tên được cho là người Hoa, trong đó ít nhất 3 cá nhân nắm quyền ký tài khoản ngân hàng của cả Skycom lẫn Huawei. Tài liệu của Mỹ gửi tòa án ở Canada nêu các nhân sự Huawei đã có chữ ký lưu tại tài khoản ngân hàng của Skycom trong giai đoạn 2007-2013.

Ủy ban dịch vụ tài chính Mauritius từ chối cung cấp cho Reuters bất kỳ hồ sơ nào liên quan đến Canicula với lý do đây là những thông tin bảo mật.

Liên hệ với Syria

Cho đến hai năm trước, Canicula vẫn duy trì một văn phòng tại Syria – quốc gia cũng bị Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) áp đặt cấm vận với chính quyền tổng thống Bashar al-Assad.

Tháng 5/2014, trang web thương mại ở Trung Đông Aliqtisadi.com đăng tải thông tin giải thể một công ty con của Huawei trong lĩnh vực trang thiết bị máy ATM tại Syria. Osama Karawani, luật sư phụ trách vụ thanh lý công ty này, còn viết một lá thư gửi website trên để yêu cầu đính chính bởi nội dung tin tức do Aliqtisadi.com đưa ra được cho là gây “thiệt hại nghiêm trọng” cho Huawei.

Theo Karawani, bài báo của website này ám chỉ rằng chính Huawei đã bị giải thể chứ không chỉ là công ty con về thiết bị ATM. Trong thư, ông khẳng định Huawei vẫn vận hành bình thường.

“Huawei chưa bao giờ giải thể,” ông viết, bổ sung rằng tập đoàn này “đã và đang vận hành tại Syria thông qua một số công ty, gồm Huawei Technologies Ltd và Canicula Holdings Ltd.” Huawei Technologies là một trong số công ty con vận hành chủ chốt dưới trướng Huawei.

Karawani không phản hồi email của Reuters đề nghị bình luận về công ty Canicula.

Các nhà điều tra Mỹ đã chú ý đến liên hệ của Canicula tại Syria. Công ty này có văn phòng ở thủ đô Damascus và hoạt động đại diện cho Huawei – nguồn tin thân cạn với cuộc điều tra tiết lộ cho Reuters.

Nguồn tin cho hay, khách hàng của Canicula gồm ba công ty viễn thông lớn: MTN Syria – do công ty MTN Group của Nam Phi kiểm soát, hoạt động ở Syria và Iran. MTN cũng có một công ty liên danh với Iran là MTN Irancell – một khách hàng của Huawei.

MTN đã tư vấn cho Huawei trong việc thiết lập văn phòng của Skycom tại Iran – theo một nguồn tin khác của Reuters. Theo người này, “Skycom chỉ là bình phong” của Huawei.

Một quan chức ở MTN cho biết không có nhân sự nào của công ty bình luận về thông tin trên.

Tháng 12/2017, một thông cáo được đăng tải trên báo chí Syria bởi “Tổng giám đốc chi nhánh công ty Canicula”, tuyên bố Canicula “hoàn toàn chấm dứt vận hành” tại Syria vào hai tháng trước đó. Tên của giám đốc này không được đề cập, và Canicula không đưa ra thêm giải thích nào.

RELATED ARTICLES

Tin mới