Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ: Tòa án tối cao bị lật tẩy bưng bít hồ sơ...

TQ: Tòa án tối cao bị lật tẩy bưng bít hồ sơ “bốc hơi” bí ẩn, Trung Nam Hải giáng đòn chưa từng thấy

Trung Quốc vừa có động thái hiếm thấy khi lập nhóm điều tra cấp cao nhằm vào vụ mất hồ sơ pháp lý đầy bí ẩn tại Tòa án nhân dân tối cao nước này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc Chu Cường (giữa) và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc Tào Kiến Minh (trái) sau lễ bế mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, tháng 3/2015 (Ảnh: Feng Li/Getty Images AsiaPac)

Hồ sơ biến mất bí ẩn khỏi Tòa án nhân dân tối cao

Ủy ban chính pháp trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan lãnh đạo của ĐCSTQ trong lĩnh vực tư pháp, thông báo vào tối 8/1 rằng đơn vị này sẽ lãnh đạo một nhóm liên ngành gồm đại diện từ cơ quan chống tham nhũng, cơ quan kiểm sát, và cảnh sát để điều tra vụ việc làm chấn động ngành tư pháp.

“Một kênh liên kết đã được thiết lập để điều tra vụ việc trên cơ sở luật pháp và kỷ luật [đảng],” thông cáo của Ủy ban chính pháp cho biết. “Các chi tiết liên quan sẽ được công khai sớm sau khi xác nhận.”

Vào tháng 12/2018, trong dư luận Trung Quốc nổi lên thông tin rằng các tài liệu quan trọng đã biến mất khỏi văn phòng của thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Vương Lâm Thanh vào năm 2016. Đây là các tài liệu liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu một mỏ quặng tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc giữa một đơn vị tư nhân và nhà nước.

Thẩm phán Vương ra phán quyết có lợi cho công ty tư nhân của doanh nhân Triệu Phát Kỳ, chống lại đơn vị nhà nước là Viện thăm dò địa chất và khoáng sản Tây An. Theo đó, ông Triệu nhận được khoản bồi thường 13.7 triệu nhân dân tệ (khoảng 2 triệu USD). Tuy nhiên vụ “bốc hơi” các tài liệu khỏi văn phòng ông Vương khiến tiến độ thi hành phán quyết này bị ngưng trệ.

Vào tháng 11/2016, ngay khi ông Vương chuẩn bị trao phán quyết cho công ty Kechley của doanh nhân họ Triệu, thì tất cả số tài liệu liên quan đã mất tích khỏi văn phòng của ông.

Việc Ủy ban chính pháp lập tổ điều tra liên ngành cho thấy ban lãnh đạo Trung Quốc quyết định can thiệp vào cuộc điều tra nội bộ do Tòa án nhân dân tự tiến hành.

Trước đó, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc bác bỏ thông tin về những bất ổn trong cơ quan tư pháp hàng đầu này, cho đến khi Thôi Vĩnh Nguyên – MC nổi tiếng, ủy viên Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc – đăng tải bằng chứng gây chấn động trên mạng xã hội nước này.

Trong một video do ông Thôi đăng tải ngày 30/12/2018, người đàn ông được cho là thẩm phán Vương Lâm Thanh cho biết đã lưu trữ các tài liệu pháp lý trong văn phòng, và đề cập khả năng camera giám sát (CCTV) tại đây bị phá hoại vào thời điểm các tài liệu biến mất.

Vụ bê bối nhanh chóng làm dấy lên làn sóng tranh luận ở Trung Quốc, và nghi vấn về việc những tài liệu quan trọng có thể dễ dàng biến mất giữa hàng loạt biện pháp an ninh nghiêm ngặt của Tòa tối cao, và có hay không một vụ cố ý phá hoại?

Theo SCMP, hồi tháng trước Tòa tối cao Trung Quốc tỏ ra chần chừ trong việc cho đơn vị kỷ luật nội bộ rà soát vụ mất hồ sơ bí ẩn, và chỉ vào cuộc khi dư luận sôi sục trước việc Tòa chối bỏ vụ việc cùng với những bằng chứng do Thôi Vĩnh Nguyên tung ra.

Thông cáo do Tòa tối cao công bố tháng trước nói rằng cuộc điều tra nội bộ sẽ tập trung vào “những vi phạm kỷ luật”, nhưng không đề cập các bê bối pháp lý khác.

Sau khi Ủy ban chính pháp thông báo quyết định lập tổ điều tra hôm 8/1, Tòa tối cao ngay lập tức khẳng định “hoàn toàn ủng hộ” cuộc điều tra mới.

Tổ điều tra chưa từng có tiền lệ

Wang Jiangyu, giáo sư luật tại Đại học quốc gia Singapore, đánh giá động thái của Ủy ban chính pháp Trung Quốc hôm 8/1 là bất thường và thể hiện quyết tâm của ban lãnh đạo nhằm dọn sạch bê bối.

“Động thái như vậy chắc chắn là chưa có tiền lệ,” ông Wang nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP). “Chỉ có Ban chấp hành trung ương đảng hoặc Ban thường vụ Bộ chính trị mới có thể đưa ra quyết định thiết lập tổ điều tra liên ngành như thế.”

Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc từng bị điều tra trong quá khứ, nhưng các cuộc điều tra trước đây chỉ tập trung vào những vụ tham nhũng và chỉ được tiến hành bởi các cơ quan chống tham nhũng.

Hai trong số các vụ điều tra đã khiến các cựu Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao là Hoàng Tùng Hữu và Hề Hiểu Minh bị “ngã ngựa” và kết án chung thân do tội danh tham nhũng vào các năm 2010, 2017.

Tổ công tác do Ủy ban chính pháp lãnh đạo quy tụ toàn bộ cơ quan chấp pháp của đảng và nhà nước Trung Quốc, chỉ trừ đại diện từ chính Tòa án tối cao – đối tượng của cuộc điều tra. Thông cáo ngày 8/1 còn bao gồm số điện thoại đường dây nóng để khích lệ những người tố giác hoặc cung cấp manh mối hỗ trợ điều tra.

Ông Trang Đức Thủy, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu chính phủ thuộc Đại học Bắc Kinh, tin rằng sự tham gia của cảnh sát và kiểm sát sẽ khiến vụ điều tra mở rộng.

“Kênh [điều tra] mới sẽ có thẩm quyền lớn hơn và có thể điều tra những vấn đề liên quan đến những quan chức cấp cao, bao gồm các thẩm phán cấp cao,” ông Trang nói. “[Tổ điều tra] có thể xem xét phạm vi các vấn đề rộng hơn, bao gồm những vụ việc về pháp lý như vi phạm nghĩa vụ và tham nhũng.”

Ông Trang cho rằng việc lãnh đạo ĐCSTQ phải lập tổ điều tra Tòa án nhân dân là “hiếm có và dường như là do sức ép công luận”. Nhà chức trách thường muốn giữ kín thông tin các nhân vật cấp cao bị điều tra nhằm tránh mất thể diện và bị dư luận chỉ trích.

“Lúc này cuộc điều tra hướng đến việc trao cho công chúng một câu trả lời thỏa đáng,” ông Trang bổ sung.

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại năm qua, chủ tịch Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao khác nhiều lần cam kết tăng cường bảo hộ pháp lý cho các doanh nghiệp tư nhân và tìm ra những phương án mới để hỗ trợ họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới