Đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc trong tuần với một số thông tin khả quan, nhưng một thỏa thuận thì dường như vẫn ngoài tầm với.
Theo đài BBC, thực tế là cuộc đàm phán không đạt được bất kỳ kết quả chi tiết nào cho thấy Trung Quốc và Mỹ đang rất khó khăn để giải quyết những vấn đề phức tạp nhất giữa hai bên. Đó là sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và tiếp cận thị trường, cộng với tham vọng ngành công nghệ cao của Trung Quốc.
Trừ khi Trung Quốc thay đổi cơ bản cấu trúc nền kinh tế, nếu không hai quốc gia sẽ không thể giải quyết khác biệt về những vấn đề này.
1. Tài sản trí tuệ
Mỹ cáo buộc Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ và bắt các doanh nghiệp phải chuyển giao công nghệ, ngầm coi đây như là một điều kiện để làm ăn tại thị trường lớn thứ 2 thế giới.
Các công ty Mỹ cho rằng ngành tư pháp Trung Quốc không công bằng và gần như luôn phán quyết có lợi cho doanh nghiệp trong nước khi xảy ra tranh chấp. Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc trên.
Theo ông Wang Huiyao, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một tổ chức cố vấn cho Chính phủ Trung Quốc, nói: “Không có luật nào ở Trung Quốc nói rằng bạn phải chuyển giao tài sản trí tuệ của mình cho doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc biết quan điểm của phía Mỹ và sẽ trừng phạt những hành vi vi phạm kiểu đó, nếu những hành vi này thực sự xảy ra”.
Để giải quyết lo ngại của Mỹ, Trung Quốc đã thành lập một tòa án xử các vụ liên quan tài sản trí tuệ và đang soạn một dự luật ngăn các quan chức Trung Quốc đề nghị doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nghị sĩ Mỹ cho rằng cơ quan tư pháp Trung Quốc chịu ảnh hưởng đường lối chung và các quyết định pháp lý thường có lợi cho phía Trung Quốc, nhất là khi liên quan tới doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.
2. Tiếp cận thị trường
Thành công kinh tế của Trung Quốc đã được xây dựng dựa trên cách tiếp cận mục tiêu, kế hoạch tập trung dành cho các công ty nhà nước. Cách này trái ngược với cách công ty Mỹ hoạt động.
Mỹ cho rằng Trung Quốc gây bất công khi trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước, giúp các doanh nghiệp này có các khoản vay lãi suất thấp và hỗ trợ họ cạnh tranh ở nước ngoài trong những ngành như không gian vũ trụ, sản xuất chip điện tử và ôtô điện. Nhờ đó các doanh nghiệp Trung Quốc có thể cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ.
Thậm chí các công ty tư nhân Trung Quốc cũng có lợi thế vì các công ty nước ngoài tìm cách cạnh tranh với công ty tư nhân ở Trung Quốc không có mối quan hệ. Hoặc khi muốn làm ăn quy mô ở thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp nước ngoài cần đối tác địa phương để hoạt động.
Trung Quốc đã cam kết mở cửa nhiều lĩnh vực của nền kinh tế cho cạnh tranh nước ngoài.
Tuy nhiên, theo BBC, điều này sẽ không thể làm hài lòng Mỹ một khi các công ty Trung Quốc vẫn chưa hoạt động độc lập.
3. Kế hoạch “Made in China 2025”
Lộ trình công nghiệp của Trung Quốc có thể là cản trở lớn nhất giữa hai quốc gia.
Kế hoạch “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025) đã khiến Mỹ lo lắng. Mỹ coi đây là thách thức trực tiếp với vị thế tối thượng của Mỹ trong các lĩnh vực chủ chốt như không gian vũ trụ, sản xuất chất bán dẫn và mạng 5G.
Trung Quốc gần đây đã giảm quy mô chương trình Made in China 2025 nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ ngừng chương trình này. Tham vọng của Bắc Kinh chính là tâm điểm vấn đề tồn tại giữa hai bên khi mà Mỹ không muốn bị Trung Quốc vượt mặt.
Ông Christopher Balding, cựu giáo sư trường Đại học Peking, nói: “Điều Mỹ muốn là thay đổi cơ bản cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc. Mỹ muốn Trung Quốc là nước có định hướng thị trường bình thường nhưng Trung Quốc không muốn điều đó”.
Cả hai nước đều đang bị tổn hại trong cuộc chiến thương mại và dự báo tăng trưởng toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã nói vì lợi ích của hai bên mà hai đối thủ cần phải đạt được một thỏa thuận có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng cho dù hai bên có đạt được thỏa thuận thì cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung sẽ không bao giờ kết thúc.