Tuesday, November 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiChính sách Bắc cực của TQ: Tham vọng độc chiếm tài nguyên...

Chính sách Bắc cực của TQ: Tham vọng độc chiếm tài nguyên ở vùng cực trái đất

Trung Quốc (1/2018) lần đầu tiên công bố Sách Trắng “Chính sách Bắc Cực của Trung Quốc”, chính thức đánh dấu tham vọng của Bắc Kinh trong việc kiểm soát vị trí địa chiến lược, nguồn tài nguyên khoáng sản, dầu mỏ và hải sản ở Bắc Cực. Trên thực tế, Trung Quốc sớm đã triển khai các hoạt động thực tiễn tại khu vực này.

Về Sách Trắng “Chính sách Bắc Cực của Trung Quốc”

Sách Trắng đã trình bày lập trường cơ bản của Trung Quốc trong vấn đề Bắc Cực, nhấn mạnh Trung Quốc nguyện cùng các bên hữu quan nắm bắt cơ hội lịch sử phát triển Bắc Cực, tích cực ứng phó với thách thức mang lại đối với biến đổi Bắc Cực. Con số chứng tỏ, 10 năm qua, tốc độ ấm lên của khí hậu Bắc Cực cơ bản gấp đôi so với các khu vực khác trên thế giới; trong 30 năm qua, diện tích băng trên bề mặt Bắc Băng Dương đã giảm một nửa… Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, nhất thể hóa khu vực không ngừng phát triển vào chiều sâu, giá trị của Bắc Cực về nhiều mặt chiến lược, kinh tế, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường… không ngừng nâng cao, trở thành tiêu điểm quan tâm của các bên.

Sách Trắng trên cho rằng hòa bình và ổn định ở Bắc Cực là sự đảm bảo quan trọng cho tất cả các hoạt động tại khu vực này, đồng thời phục vụ những lợi ích cơ bản của tất cả các quốc gia, trong đó có Trung Quốc; nhấn mạnh Bắc Kinh đã cam kết khai thác hòa bình Bắc Cực cũng như duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực này; khẳng định Trung Quốc ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp về quyền trên biển và lãnh thổ cũng như lợi ích của tất cả các bên phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và luật pháp quốc tế nói chung, đồng thời ủng hộ những nỗ lực đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực. Theo Sách Trắng, Trung Quốc cố gắng tăng cường hợp tác với các nước ở Bắc Cực trong hoạt động tìm kiếm – giải cứu trên biển và trên không, cảnh báo sớm trên biển, phản ứng khẩn cấp, chia sẻ thông tin nhằm giải quyết thỏa đáng các thách thức an ninh như tai nạn trên biển, ô nhiễm môi trường và tội phạm trên biển. Đáng chú ý, Sách Trắng đưa ra 03 lý do biện minh cho rằng Trung Quốc có lợi ích ở Bắc Cực. Theo đó, Trung Quốc tuy không giáp ranh với khu vực Bắc Cực nhưng ở gần nên không thể không có lợi ích ở đó; Trung Quốc là quốc gia bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trái đất nên không thể không quan tâm tới khu vực Bắc Cực; Trung Quốc cho tới nay đã có những hoạt động ở Bắc Cực và có liên quan đến Bắc Cực như tổ chức đoàn thám hiểm, tham gia các đoàn thám hiểm và đầu tư vào nghiên cứu Bắc Cực ở những đối tác giáp ranh với khu vực Bắc Cực.

Là nước bên ngoài khu vực, Trung Quốc tham gia công việc Bắc Cực với định vị tư cách là bên liên quan lợi ích quan trọng của công việc Bắc Cực, không những là một trong những nước trên đất liền gần vòng Bắc Cực nhất, cũng quan hệ mật thiết với vấn đề xuyên khu vực và mang tính toàn cầu của Bắc Cực. Sách Trắng cho biết, mục tiêu chính sách Bắc Cực của Trung Quốc là: Nhận thức Bắc Cực, bảo vệ Bắc Cực, sử dụng Bắc Cực và tham gia quản trị Bắc Cực, giữ gìn lợi ích chung của các nước và cộng đồng quốc tế tại Bắc Cực, thúc đẩy phát triển bền vững Bắc Cực. Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc tham gia công biệc Bắc Cực thể theo nguyên tắc “tôn trọng, hợp tác, cùng thắng và bền vững”. Mặc dù thái độ của Trung Quốc rõ ràng như vậy, nhưng những năm gần đây cũng có không ít “những lời nói cảnh báo” trên quốc tế, lo ngại Trung Quốc có cái gọi là “ý đồ chiến lược và quân sự trên chính sách Bắc Cực”.

Sách Trắng còn xác định rõ chủ trương chính sách của Trung Quốc về mặt tham gia tuyến đường hàng hải ở Bắc Cực và khai thác sử dụng dầu khí, nhấn mạnh Trung Quốc tôn trọng việc các nước Bắc Cực thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các khu vực thuộc thẩm quyền của họ theo luật pháp, chủ trương các nước Bắc Cực quản lý tuyến đường hàng hải ở Bắc Cực theo luật quốc tế, đảm bảo đầy đủ quyền lợi và tự do của các nước sử dụng tuyến đường hàng hải ở Bắc Cực theo luật. Trung Quốc nguyện dựa vào sự phát triển và sử dụng tuyến đường hàng hải ở Bắc Cực, cùng các bên cùng xây dựng “Con đường Tơ lụa trên băng”. Về mặt khai thác và sừ dụng dầu khí, tài nguyên khoáng sản, yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ luật pháp của các nước liên quan và triển khai đánh giá rủi ro khai thác tài nguyên, tham gia vào việc khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản ở Bắc Cực dưới tiền đề bảo vệ môi trường sinh thái Bắc Cực.

Nhận định của giới chuyên gia về Chính sách Bắc Cực của Trung Quốc

Giới chuyên gia và truyền thông quốc tế nhận định, với việc công bố “Sách trắng về chính sách đối với Bắc Cực”,  Trung Quốc tạo tiền lệ mới cả về chính trị thế giới lẫn pháp lý quốc tế. Bắc Kinh ở cách xa Bắc Cực nhưng lại đã chính thức xác lập quyền và lợi ích ở khu vực Bắc Cực trong khuôn khổ ý tưởng về “Con đường tơ lụa đến và xuyên Bắc Cực”. Sách trắng này đánh dấu sự chuyển biến của Trung Quốc từ thầm lặng tiếp cận đến công khai chinh phục khu vực Bắc Cực.

Theo National Post, chính sách này vốn được lấy cảm hứng từ sáng kiến “Vành đai Con đường” với những nỗ lực mở ra hành lang thương mại, đường giao thông và các thỏa thuận hợp tác Á-Âu. Với việc Trung Quốc cam kết đầu tư hơn 1 nghìn tỷ USD, đây được coi là một trong những chủ trương kinh tế lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Giống như Trung Quốc, các quốc gia không gần cực như Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp cũng phát hành chính sách Bắc Cực chính thức. Tuy nhiên, chính sách của Trung Quốc gây chú ý hơn cả khi táo bạo đề nghị có quyền tự do hoạt động ở Bắc Cực tương tự như Na Uy, Canada và Mỹ. Trong đó, Bắc Kinh nhấn mạnh đến sự phát triển bền vững, quyền bản địa, bảo vệ động vật hoang dã và sự tôn trọng của luật pháp quốc tế. Trong đó sự hiện diện của Trung Quốc ở Bắc Cực sẽ chào đón sự “chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên”.

Theo Joël Plouffe – học giả tại viện Các vấn đề Toàn Cầu ở Canada, tài liệu được viết bằng ngôn ngữ hòa nhã, khiêm tốn của Trung Quốc cho thấy nước này đang cố gắng thể hiện mình là một quốc gia có trách nhiệm trong khu vực và không ham hố tài nguyên. Tuy nhiên, ông lưu ý vài trang tài liệu là chưa đủ để hiểu về động cơ thực sự của Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng chính sách Bắc Cực của quốc gia tỷ dân vẫn còn “nhiều mục đích và tham vọng hơn”.

Trong khi đó, giới chuyên gia Nhật Bản cho rằng Chính sách Bắc Cực của Trung Quốc có 3 trụ cột, đó là tôn trọng, hợp tác và “cùng thắng”. Trước hết, Trung Quốc phải tôn trọng quyền lợi của luật pháp quốc tế dành cho các nước Bắc Cực. Điều này có nghĩa là Trung Quốc thừa nhận chủ quyền, quyền lợi chủ quyền và quyền tài phán của các nước Bắc Cực theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Để trao đổi, Trung Quốc tìm cách để cộng đồng quốc tế thừa nhận quyền lợi của họ ở Bắc Cực dựa trên luật pháp quốc tế. Chẳng hạn Trung Quốc được hưởng quyền tự do đi lại, nghiên cứu và đánh bắt cá ở vùng biển quốc tế ở các vùng biển cực địa. Trung Quốc đã cho biết không có ý định thách thức chế độ quản lý Bắc Cực hiện có. Trung Quốc hy vọng tham gia quy hoạch quản lý Bắc Cực để có lợi cho mình. Điều này được chứng minh thông qua việc Trung Quốc lấy tư cách quan sát viên để tham gia Hội đồng Bắc Cực. Thứ hai, Trung Quốc hy vọng tham gia hợp tác khai thác Bắc Cực và chia sẻ thành quả của mối quan hệ đối tác này. Trung Quốc tái khẳng định, vấn đề Bắc Cực là toàn diện, nhiều cấp độ và có liên hệ lẫn nhau. Vì vậy, họ chủ trương từ hợp tác nghiên cứu khoa học mở rộng đến tất cả các vấn đề của Bắc Cực chẳng hạn môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, giao lưu văn hóa và nguồn nhân lực. Đồng thời điều đáng chỉ ra là Trung Quốc cho rằng có thể xác lập một hệ thống chế độ tốt hơn, thông qua hợp tác đa dạng để thúc đẩy phát triển bền vững khu vực Bắc Cực. Thứ ba, Trung Quốc hiện có vốn, công nghệ và thị trường để các nước Bắc Cực quan tâm. Trung Quốc còn là nước sử dụng tiềm năng của tuyến đường hàng hải ở Bắc Cực, tuyến đường này kết nối từ eo biển Karas phía tây đến eo biển Bering phía đông nước Nga, trong đó có nhiều tuyến đường hàng hải. Trong đó, Trung Quốc đã đứng ra tổ chức Đại hội đại biểu những người nuôi tuần lộc thế giới. Điều này đã cho thấy đầy đủ Trung Quốc đang tìm cách rút ngắn khoảng cách giữa ngành nghề truyền thống Bắc Cực với thị trường rộng lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, muốn tiếp tục có thành tựu trên nền tảng này thì phải tăng cường lòng tin chính trị và tôn trọng lẫn nhau, thực hiện hợp tác thương mại cùng thắng giữa Trung Quốc với các nước Bắc Cực. Mặc dù Trung Quốc có chính sách Bắc Cực rõ ràng (nhưng không thành văn), song họ vẫn đang nâng cao khả năng để tránh chỉ đóng vai trò mang tính tượng trưng trong các vấn đề của Bắc Cực. Đến nay, Trung Quốc chỉ có một trạm quan trắc Bắc Cực ở quần đảo Svalbard của Na Uy. Trong khi đó, Trung Quốc có 4 trạm khảo sát khoa học ở Nam Cực, trạm thứ năm đang xây dựng. Trong quá trình quyết sách có liên quan đến Bắc Cực, chẳng hạn thông qua “Quy tắc quốc tế về hoạt động tàu thuyền ở vùng biển cực địa” ở Tổ chức hàng hải quốc tế và đàm phán liên quan đến các biện pháp giám sát, quản lý nghề cá ở phần vùng biển quốc tế của Trung tâm Bắc Băng Dương hiện nay, về tổng thể, Trung Quốc thể hiện thái độ bình tĩnh, phối hợp. Trung Quốc hiện rất ít gây khó khăn trong đàm phán. Tương tự, ở khu vực Bắc Cực, Trung Quốc có thể sẽ là một đối tác có tinh thần hợp tác. Mục tiêu chủ yếu trong chính sách Bắc Cực của Trung Quốc là không bỏ lại phía sau trong quản lý khu vực giàu tài nguyên Bắc Cực.

Trung Quốc đã từ lâu đầu tư vào khu vực này để chen chân vào khu vực. Theo Trung tâm Phân tích Hàng hải (Center for Naval Analysis) ở Washington (Mỹ), trong thời gian từ 2005 đến 2017, Trung Quốc đã đầu tư 89 tỷ USD vào 8 thành viên của Hội đồng Bắc Cực để tham gia nghiên cứu, khảo sát Bắc Cực. Hội đồng này được thành lập năm 1996 ở Ottawa (Canada) bao gồm 8 thành viên là Mỹ, Nga, Canada, Phần Lan, Na uy, Iceland, Đan Mạch và Thuỵ Điển. Năm 2013, Trung Quốc tham gia hội đồng này với tư cách là quan sát viên (hiện là một trong số 6 quan sát viên) không có quyền biểu quyết. Để được tham gia vào Hội đồng này, Trung Quốc đã “tấn công” mạnh trong chiến dịch mua chuộc Canada. Theo Naval War College Review, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada và là quốc gia có nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ bảy vào Canada với tổng vốn 20 tỉ USD. Chỉ riêng lĩnh vực dầu khí, hai tập đoàn Trung Quốc Sinopec và CNOOC đã đầu tư hơn 16 tỉ USD vào công nghiệp năng lượng Canada. Không chỉ Canada, Trung Quốc còn “đánh mạnh” vào Iceland. Từ năm 2008, khi kinh tế Iceland sụp đổ, Trung Quốc đã liên tục rót vốn vào nước này, đặc biệt sau chuyến công du của Thủ tướng Ôn Gia Bảo vào tháng 4/2012. Khoản đầu tư này rất đáng nể so với mức độ đầu tư của chính 8 thành viên nói trên. Theo tờ nhật báo Thế giới của Đức, trong thời gian từ 2012 đến 2017, mức độ đầu tư của một số thành viên hội đồng vào các hoạt động liên quan đến khu vực này như sau: Nga 194,4 tỷ USD, Mỹ 189,7 tỷ USD, Canada 47,3 tỷ USD, Na uy 2,5 tỷ USD, Đan Mạch 2 tỷ USD và Iceland 1,2 tỷ USD.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, Trung Quốc có ý đồ “chia chác” tài nguyên ở Bắc Cực

Khu vực Bắc Cực bao gồm lục địa Bắc Cực rộng khoảng 8 triệu km2 và biển Bắc Cực rộng khoảng 12 triệu km2. Trung Quốc không giáp ranh với lục địa Bắc Cực nên không thể và không dám tranh chấp gì với những bên giáp ranh. Nhưng Trung Quốc cho rằng mình có quyền tiếp cận, sử dụng và khai thác khu vực biển Bắc Cực. So với khu vực Biển Đông, bản chất ý đồ chiến lược của Trung Quốc ở đây không khác mà chỉ có cách tiếp cận khác.

Trung Quốc nhằm vào nguồn tài nguyên thiên nhiên ở khu vực Bắc Cực, vào những tuyến đường vận tải biển trước viễn cảnh băng giá ở khu vực Bắc Cực không còn vĩnh cửu nữa và vào vị thế chính trị thế giới, cũng như địa chiến lược của quốc gia vừa có đủ khả năng chinh phục Bắc Cực vừa cắm chân bám rễ ở khu vực Bắc Cực. Cơ quan khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS) từng đánh giá Bắc cực chứa khoảng 30% trữ lượng khí thế giới chưa được khai thác, cùng 13% dầu hỏa; chưa kể nhiều loại khoáng chất như than, uranium, vàng, đồng, đất hiếm, đá quí… Xét riêng hàng hải, Tuyến hải trình Đông Bắc (còn gọi là Tuyến Biển Bắc-NSR) gần khu vực Bắc cực sẽ giúp cắt ngắn lộ trình từ Thượng Hải đến Hamburg còn 5.185 km, ngắn hơn 15% so với việc vòng qua eo Malacca và 22% so với ngả kênh đào Suez. Năm 2010, chỉ có bốn con tàu sử dụng tuyến NSR và năm 2012, con số này tăng lên 46 chiếc với 1,2 triệu tấn hàng hóa. Tháng 8/2012, Tuyết Long – con tàu phá băng không sử dụng năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới (do hãng Kherson của Ucraina đóng) cũng đã trở thành chiếc tàu Trung Quốc đầu tiên băng qua NSR…

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng Trung Quốc tìm cách kiểm soát, hiện diện ở Bắc Cực nhằm tham gia vào các dự án phát triển các tuyến đường hàng hải ở cực bắc địa cầu và các tuyến đường đó gồm ba ngả “”Đông Bắc”, “Tây Bắc” và “Trung Tâm”. Trong bối cảnh trái đất đang bị hâm nóng gây hiện tượng băng tan, giao thương hàng hải qua Bắc Băng Dương đang trở thành những cửa ngõ quan trọng đối với mậu dịch quốc tế. Thêm vào đó Bắc Kinh nói rõ là sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia vào các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, mở ra những trục giao thương và khám phá những hành trình du lịch mới. Ngoài ra, Trung Quốc quan tâm là các nguồn hải sản phong phú của Bắc Băng Dương được Bắc Kinh coi là “đầy tiềm năng trong tương lai”. Sau cùng Bắc Cực còn là một mảnh đất màu mỡ để mở rộng các hoạt động du lịch.

RELATED ARTICLES

Tin mới