Saturday, April 20, 2024
Trang chủĐàm luận“Vùng xám”, chiến lược mập mờ của TQ

“Vùng xám”, chiến lược mập mờ của TQ

Trong mấy năm trở lại đây, sự trỗi dậy của lực lượng cảnh sát biển cũng như dân quân biển Trung Quốc, nhất là tại các vùng biển tranh chấp, cho thấy nước này đang áp dụng một cách tiếp cận mới trong vấn đề tranh chấp hàng hải.

Trung Quốc đang chuyển đổi tư duy chiến lược với mong muốn trở thành cường quốc biển thực thụ ở khu vực. Điều đó thể hiện qua các hành vi gây hấn ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông nói chung và bên trong chuỗi đảo thứ nhất nói riêng.

Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế khiến cho Trung Quốc không thể phá vỡ hoàn toàn cấu trúc an ninh truyền thống ở khu vực. Điều đó sẽ khiến cho mục tiêu quan trọng của Trung Quốc hướng tới một môi trường hòa bình để phát triển sẽ bị đe dọa. Bởi phát triển thịnh vượng trong một môi trường thuận lợi luôn là mục tiêu đối ngoại hàng đầu.

Bản thân Trung Quốc nhận rõ sức mạnh về mặt quân sự của mình, đặc biệt là về hải quân, chưa thể so sánh với Mỹ. Đối đầu trực diện với Mỹ về hải quân sẽ là một lựa chọn chiến lược sai lầm. Hải quân Trung Quốc trong trước mắt vẫn dựa trên học thuyết phi đối xứng và phòng thủ chủ động. Đi kèm với đó là một chương trình hiện đại hóa tương xứng nhưng tham vọng.

Như vậy Trung Quốc một mặt mong muốn từng bước thay thế Mỹ như một cường quốc biển ở Tây Thái Bình Dương, mặt khác không muốn sự trỗi dậy của mình phá vỡ hệ thống trật tự quốc tế. Bởi hệ thống này đã giúp Trung Quốc trở nên thịnh vượng trong suốt 40 năm qua.

Làm như thế nào để có thể kiểm soát một cách hiệu quả các khu vực biển trong Chuỗi đảo thứ nhất (biển Đông và Hoa Đông) mà không gây leo thang căng thẳng tới mức xung đột có thể xảy ra? Câu trả lời là thực thi chính sách “Vùng xám”.

Nghĩa đen của “Vùng xám” vốn “mập mờ”. Một số tính chất của hệ thống chính sách này có thể được đề cập bao gồm: một là, sử dụng các lực lượng phi quân sự nhằm duy trì căng thẳng ở một mức độ nhất định, khống chế để căng thẳng không biến thành xung đột; hai là, các chính sách được tiến hành từ từ, tiệm tiến và không vội vàng; ba là, tổng hòa của nhiều hệ thống chính sách khác nhau, từ kinh tế, chính trị, pháp lý cho tới quân sự.

Có thể nói, hệ thống chính sách “Vùng xám” mà Bắc Kinh áp dụng hiện nay có thể được gọi với cái tên “chiến lược tiệm tiến cưỡng bức” và là một cách tiếp cận tổng thể nhằm giúp nước Trung Quốc kiểm soát hiệu quả lãnh thổ với mức độ tổn thất thấp nhất có thể tới vị thế, hệ thống trật tự khu vực và sự phát triển kinh tế của nước này.

Các công cụ mà Trung Quốc sử dụng để thực hiện hóa chính sách này, kể từ năm 2009 cho tới nay nổi bật nhất là tuyên bố đường lưỡi bò nhưng lại chưa bao giờ công khai hoặc đưa ra tuyên bố chính thức nào về tính pháp lý của “cái lưỡi” này. Đó là một sự mơ hồ khiến các quốc gia liên quan khó tìm ra cách đối phó phù hợp.

Cũng từ năm 2009 Trung Quốc cũng đã phát động một “chiến dịch” lớn nhằm tìm mọi cách đưa ra các bằng chứng lịch sử để bảo vệ tính chính danh của đường lưỡi bò.

Cùng với việc đưa ra cách diễn giải riêng về lịch sử và pháp lý, Trung Quốc tăng cường hiện diện trên thực địa thông qua xây dựng hạm đội hải cảnh, cùng với một lực lượng dân quân biển đông đảo. Các lực lượng bán quân sự như trên rất phù hợp với triết lý của “Vùng xám”. Nó gây ra đủ thứ căng thẳng, bảo vệ được sự hiện diện của Trung Quốc nhưng lại không đẩy căng thẳng lên mức độ xung đột nóng.

Bắc Kinh đã tận dụng được sự mập mờ và chậm chạp trong đối phó về mặt pháp lý lẫn chính sách của cả Mỹ và các bên tranh chấp để tạo dựng lợi thế riêng của mình tại biển Đông. Trong đó rõ nhất là việc Trung Quốc tiến hành mở rộng và cải tạo các điểm đảo, bãi đá mà nước này chiếm đóng trái phép tại Hoàng Sa. Hành động này đã được thực hiện mà không có bất cứ sự can thiệp thực chất nào trên thực địa.

Bản chất của chiến lược “Vùng xám” có thể gói gọn trong hai thành tố: Tiệm tiến và cưỡng bức.

Vấn đề là ở chỗ, Việt Nam có thể làm gì? Đó là ngăn chặn Trung Quốc đạt được mục tiêu gặm nhấm và kiểm soát lãnh thổ một cách tiệm tiến thông qua nhiều biện pháp khác nhau. Việc cần làm đầu tiên là tăng cường năng lực kiểm soát các vùng biển chủ quyền thông qua tăng cường xây dựng lực lượng cảnh sát biển của riêng Việt Nam, đồng thời với đó là tăng cường hiện đại hóa hải quân. Hai là, không thể đứng một mình. Việt Nam đã và đang triển khai hiệu quả chiến lược cân bằng chủ động thông qua tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với các cường quốc khu vực nhất là Mỹ. Cùng với đó là các cố gắng của Việt Nam nhằm gia tăng đoàn kết nội khối trong ASEAN. Cuối cùng chính là tăng cường nội lực để có đủ tiềm lực kinh tế và tài chính, đáp ứng yêu cầu quốc phòng.

 

 

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới