Wednesday, November 27, 2024
Trang chủBiển nóngBiển Đông trên bàn cờ địa chính trị của Ấn Độ và...

Biển Đông trên bàn cờ địa chính trị của Ấn Độ và tác động đối với Việt Nam

Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ thời thủ tướng Narenda Modi, vai trò của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông ngày càng được đề cao. Ấn Độ đã từng bước tăng cường can dự vào vấn đề Biển Đông đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia khu vực trong lĩnh vực hàng hải. Mặc dù còn tồn tại những hạn chế trong cách tiếp cận, sự can dự của Ấn Độ góp phần làm đa dạng hóa lựa chọn hợp tác cho các quốc gia yêu sách nhỏ ở khu vực trong vấn đề Biển Đông.

Tàu Cảnh sát Biển Việt Nam và Ấn Độ diễn tập trên Biển Đông

 Biển Đông có vai trò quan trọng đối với Ấn Độ

Mặc dù là quốc gia Nam Á và không thuộc khu vực Biển Đông, nhưng Ấn Độ có lợi ích cả về kinh tế và an ninh – chính trị ở Biển Đông.

Về kinh tế: Biển Đông là một trong số 10 tuyến đường hàng hải lớn nhất thế giới. Giao thông ở khu vực Biển Đông nhộn nhịp đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Địa Trung Hải. Hàng ngày, có khoảng 200 – 300 tàu từ 5.000 tấn trở lên qua lại, chưa kể đến các tàu dưới 5.000 tấn, chiếm 1/4 lưu lượng tàu hoạt động trên biển của thế giới. Khu vực Biển Đông án ngữ các tuyến đường hàng hải và hàng không huyết mạch của các nền kinh tế quan trọng ở khu vực và thế giới, chuyên chở 1/2 sản lượng dầu thô và các sản phẩm thương mại khác của toàn cầu. Ngoài ra Biển Đông cũng sở hữu nhiều nguồn tài nguyên quý hiếm, đặc biệt là nguồn tài nguyên dầu hỏa và khí đốt. Đây cũng là một trong những nhân tố dẫn đến tình trạng tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở một số vùng biển đảo, đồng thời một số nước lớn muốn gây phạm vi ảnh hưởng ở khu vực Biển Đông.

Nền kinh tế Ấn Độ có mối liên kết chặt chẽ với khu vực. Biển Đông là vùng biển nửa kín và là đường kết nối tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trên 55% hoạt động thương mại Ấn Độ đi qua vùng biển này. Mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và các quốc gia ASEAN ngày càng phát triển mạnh mẽ.  Quan hệ giữa Ấn Độ và các quốc gia ASEAN đóng vai trò như chất xúc tác và là động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Thương mại song phương đã tăng từ 2,4 tỉ USD năm 1990 lên tới 58,6 tỉ USD năm 2015, chiếm khoảng 2,6 % tổng kim ngạch thương mại của ASEAN, trở thành  đối tác thương mại lớn thứ 8 của ASEAN. Bên cạnh lợi ích giao thương biển, lợi ích của Ấn Độ còn được thể hiện qua hoạt động khai thác tài nguyên dầu khí, đặc biệt là với Việt Nam. Ấn Độ đã tiến hành các dự án khai thác chung năng lượng xa bờ ở Biển Đông với Việt Nam từ cuối thập niên 80. Tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước ONGC Videsh Limited (OVL) đã hợp tác với PetroVietnam và British Petroleum, bắt đầu khai thác ở Biển Đông vào năm 1992 và 1993, phát hiện được mỏ khí Lan Đỏ và Lan Tây, ước tính có trữ lượng khoảng 58 tỉ mét khối, và có thể khai thác khoảng 3 tỉ mét khối khí đốt một năm. Hiện tại, hai nước đang tiếp tục các dự án khai thác tài nguyên dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam khi quyết định gia hạn hợp đồng khai thác dầu khí ở Biển Đông. Việt Nam đã gia hạn quyền khai thác dầu khí giữa Petrovietnam và công ty ONGC Videsh của Ấn Độ tại lô 128 ở Biển Đông thêm 2 năm và cho phép khai thác ở một lô khác. 

Về an ninh, địa chính trị: Biển Đông là điểm nóng quan trọng của khu vực, nơi tập trung nhiều lớp mâu thuẫn cả về chính trị lẫn kinh tế, quốc phòng – an ninh. Thực tế cho thấy, Biển Đông đã diễn ra các tranh chấp về chủ quyền biển đảo quyết liệt, phức tạp nhất của thế giới và khu vực, những tranh chấp đó khó giải quyết do còn tồn tại những bất đồng, mâu thuẫn giữa các quốc gia hữu quan về chủ quyền và cách thức giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, vị trí của Biển Đông có liên quan đến nền kinh tế, quốc phòng của nhiều quốc gia, kể cả nước có chủ quyền và không có chủ quyền, cũng như các nước trong và ngoài khu vực.

Khi lợi ích kinh tế ở khu vực ngày càng mở rộng, các hoạt động an ninh của Ấn Độ ở Biển Đông buộc phải bắt kịp để bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình tại đây. Mục tiêu về an ninh của Ấn Độ là duy trì một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, hàng không, thương mại không bị cản trở. Điều này được các quan chức cấp cao Ấn Độ liên tục khẳng định tại các diễn đàn song phương, đa phương, tuyên bố song phương cũng như trong Thông cáo báo chí của Ấn Độ về Phán quyết Tòa Trọng tài về Biển Đông. Thông cáo khẳng định:“Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở, dựa trên các nguyên tắc luật quốc tế như đã được nêu trong UNCLOS….Giao thương đường biển qua Biển Đông là điều thiết yếu đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển. Là Bên tham gia UNCLOS, Ấn Độ kêu gọi tất cả các bên thể hiện tinh thần tuân thủ tuyệt đối UNCLOS, Công ước thiết lập nên trật tự pháp lý quốc tế cho các vùng biển và đại dương”. Trên khía cạnh cạnh tranh địa chiến lược, trong tính toán của Ấn Độ, Ấn Độ Dương và Biển Đông có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca (một số đảo của Ấn Độ chỉ cách eo biển Malacca khoảng 145km). Do đó, việc Biển Đông nằm dưới sự kiểm soát của bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ gây ra những mối lo ngại lớn cho Ấn Độ.

Lợi ích địa chính trị và địa kinh tế của Biển Đông đối với Ấn Độ thể hiện rõ qua sự can dự của Ấn Độ ở Biển Đông trên hai khía cạnh sau:

Thứ nhất, giống như các bên khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, lợi ích chiến lược căn bản của Ấn Độ ở Biển Đông là địa chính trị, trong đó có liên quan đến an ninh hàng hải. Theo quan điểm này, việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với các đảo và vùng lãnh thổ ở Biển Đông đã đe dọa trực tiếp đối với tự do hàng hải và hoạt động khai thác tài nguyên của các quốc gia có chủ quyền khác trong khu vực. Ngoài ra, các hành động của Trung Quốc trực tiếp thách thức nguyên trạng, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định của khu vực. Do lợi ích địa chính trị của Ấn Độ liên quan tới vùng biển trải dài giữa Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, nên việc đi lại an toàn qua các vùng biển ở Biển Đông nằm giữa hai khu vực này trở thành lợi ích chiến lược quan trọng đối với Ấn Độ. Bởi vậy, sự can dự lớn hơn của Ấn Độ ở Biển Đông là cách thức ngăn chặn sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Thứ hai, Biển Đông chiếm vị trí trung tâm trong lợi ích địa kinh tế của Ấn Độ, dựa trên các lợi ích chiến lược hai mặt của Ấn Độ: (i) Thương mại của Ấn Độ với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước Đông Á; (ii) Nguồn cung năng lượng cho Ấn Độ như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ các mỏ nằm ở Biển Đông. Cả hai yếu tố này đóng vai trò chiến lược trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Có tới gần 92-95% hàng hóa thương mại của Ấn Độ đi qua Ấn Độ Dương, khoảng 55% đi qua eo biển Malacca. Hơn nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao, Ấn Độ đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng năng lượng của nước này. 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Ấn Độ được vận chuyển bằng đường biển. Vì vậy, Biển Đông đã trở thành một phần không thể tách rời của vành đai an ninh của Ấn Độ, đóng vai trò quyết định đối với ngoại thương, năng lượng và lợi ích quốc gia.

Chủ trương, chính sách của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông

Để đảm bảo những lợi ích của mình tại Biển Đông, mục tiêu bao trùm của Ấn Độ là tự do hàng hải và hàng không, giao thương không bị cản trở; giải quyết hòa bình tranh chấp, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, duy trì hòa bình, ổn định khu vực; và tôn trọng luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Để thực hiện mục tiêu này, Ấn Độ trước mắt sẽ  muốn ngăn chặn sự hung hăng cũng như những hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông của Trung Quốc. Mối quan ngại này chủ yếu xuất phát từ việc Trung Quốc gia tăng hành vi cải tạo đảo cũng như hoạt động tuần tra trên biển ngày càng quyết đoán. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng hy vọng Mỹ và các đồng minh Đông Á sử dụng đến những chiến lược quân sự ôn hòa hơn trong việc đối đầu với Trung Quốc. Đây có lẽ là lý do Ấn Độ không tham gia hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ, tập trận song phương, đa phương có sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông. Ấn Độ mong muốn tất cả các bên giải quyết hòa bình tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, tuân thủ Tuyên bố Ứng xử DOC, tiến tới hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử COC mang tính ràng buộc pháp lý.

Trong trung và dài hạn, Ấn Độ hợp tác tăng cường khả năng hoạt động trên biển cho các nước Đông Nam Á để cân bằng sức mạnh, tăng cường hiện diện và phát biểu tại các diễn đàn đa phương khu vực, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với ba quốc gia chủ chốt là Mỹ, Nhật Bản và Australia. Điều này sẽ giúp Ấn Độ phục vụ mục tiêu lớn hơn là tạo sự ổn định, cân bằng ở Biển Đông nói riêng và hệ thống chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương nói chung. Đối với khu vực, trên cơ sở chính sách “Hành động hướng Đông”, Ấn Độ chủ động tăng cường các mối quan hệ hợp tác về kinh tế, chính trị, quốc phòng; tham gia các cơ chế đa phương khu vực.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích ở Biển Đông, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ cũng tính đến các yếu tố quan trọng khác liên quan đến nhân tố Trung Quốc như vị trí địa lý (có đường biên giới chung gần 3.500km), mối quan hệ thương mại (Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Ấn Độ) cũng như truyền thống trong chính sách đối ngoại (độc lập, không liên minh, liên kết). Vì vậy, cách tiếp cận của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông tương đối mềm mỏng, gián tiếp, tránh đối đầu trực diện với Trung Quốc. Theo đó, trên cơ sở Chính sách Hành động Hướng Đông, Ấn Độ chủ yếu phối hợp, hợp tác với các quốc gia khu vực, đặc biệt là với Việt Nam, Indonesia, tích cực nêu vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn song phương và đa phương. Lĩnh vực hợp tác chính là nâng cao năng lực biển, tăng cường năng lực cho các quốc gia, tuần tra chung, tập trận chung (ở các khu vực khác như eo biển Malaccar), phối hợp phát biểu trên các diễn đàn đa phương, và các dự án kết nối cơ sở hạ tầng.

Trong những năm qua, Ấn Độ đã có nhiều hoạt động thực tiễn can dự vào vấn đề Biển Đông. Trong lĩnh vực biển, tất cả các quốc gia có biển ở khu vực đều là những đối tác để Ấn Độ tăng cường hợp tác.

Đối với Việt Nam, Ấn Độ đang giúp đỡ Việt Nam xây dựng năng lực sửa chữa và bảo dưỡng các phương tiện quốc phòng. Từ năm 2011, Hà Nội đã đề nghị New Delhi huấn luyện cho các thủy thủ tàu chiến, tàu ngầm và cho các phi công của mình về cách vận hành máy bay Sukhoi 30, và chuyển giao các tàu chiến hải quân cỡ vừa và tên lửa hành trình. Ấn Độ đã phản ứng tích cực. Hải quân Ấn Độ hiện đang huấn luyện khoảng 500 thủy thủ Việt Nam về tác chiến toàn diện dưới mặt nước tại cơ sở tàu ngầm INS Satavaham của nước này, trong khi Không quân Ấn Độ tiến hành huấn luyện chuyển đổi cho phi công thuộc Không quân Việt Nam. Hai bên đã đồng ý xúc tiến thực hiện gói tín dụng 100 triệu USD đóng tàu tuần tra cao tốc cho Biên phòng Việt Nam và kêu gọi sớm ký thỏa thuận khung gói tín dụng 500 triệu USD cho công nghiệp quốc phòng. Ngoài ra, hàng năm, hải quân Ấn Độ cũng thường xuyên thực hiện các chuyến thăm tàu quân sự tới Việt Nam. Đồng thời, lực lượng vũ trang 2 nước đã bắt đầu hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin và đào tạo tiếng Anh cho quân nhân Việt Nam.  Hợp tác chiến lược giữa hai bên ở Biển Đông còn được thể hiện qua hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông. Ấn Độ đã hợp tác trong lĩnh vực dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông và bảo vệ quyết định của mình, bất chấp việc Trung Quốc thách thức tính hợp pháp về sự hiện diện của Ấn Độ. Điểm nổi bật là sự quyết liệt của New Delhi trong việc chống đối với Trung Quốc, điều này trái ngược với trước kia khi mà New Delhi vốn thường thích đứng ở bên lề và tránh về phe với bất kỳ quốc gia nào.

Đối với Indonesia. Từ 2002, Hải quân Ấn Độ và Hải quân Indonesia đã tham gia tuần tra phối hợp chung (CORPAT) 2 lần/năm gần đường ranh giới biển quốc tế. Mục đích là nhằm hướng tới việc cùng thúc đẩy và tăng cường năng lực về tìm kiềm cứu nạn, kiểm soát môi trường, đảm bảo an toàn vận tải biển và thương mại quốc tế ở Ấn Độ Dương. Trong chuyến thăm Indonesia ngày 30/5/2018, hai bên đã ký kết hai văn bản quan trọng: (i) Nâng cấp mối quan hệ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện; và (ii) Tầm nhìn chung của Ấn Độ và Indonesia: Hợp tác Hàng hải ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo đó hai bên sẽ tăng cường hợp tác, thúc đẩy an ninh và an toàn hàng hải. Đánh giá về Tầm nhìn chung, tại cuộc họp báo về chuyến thăm, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ (đặc trách phương Đông) Smt. Preeti Saran cho rằng đây là lần đầu tiên Ấn Độ đưa ra một văn bản tầm nhìn chung với một quốc gia khu vực, trong đó tập trung vào các lĩnh vực mang tính bao quát về hợp tác biển, phát triển kinh tế xanh, cơ sở hạ tầng trong đó có cơ sở hạ tầng cảng biển và cấu trúc an ninh Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. Trong chuyến thăm, hai bên cũng ký một số văn bản, gồm một văn bản hợp tác quốc phòng, thỏa thuận về không gian, lực lượng đặc biệt chung để phát triển cơ sở hạ tầng càng biển tại Sabang (khu vực gần phía đông nhất đảo Andaman và Nicobar, khoảng 90 hải lý, theo đó đóng vai trò rất quan trọng về mặt kết nối) và hợp tác về xây dựng kết nối với Andaman và tỉnh Aceh của Indonesia.

Đối với Singapore: Từ năm 1994, Hải quân Ấn Độ và Singapore đã tổ chức các cuộc tập trận chung tại Biển Đông (SIMBEX). Mục tiêu cuộc tập trận chung là nhằm tăng cường năng lực tương tác giữa hải quân hai nước. SIMBEX ban đầu chỉ có trọng tâm là các hoạt động chống tàu ngầm, nhưng gần đây đã được nâng cấp về phạm vi và chất lượng. Cuộc tập trận 2017 cho thấy hai bên đã mở rộng hoạt động tập trận, bao gồm tập trận tác chiến hải quân, phòng không, và bắn đạn thật. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ tới Singapore ngày 1/6/2018, hai bên đã ký MoU về thực hiện thỏa thuận giữa hải quân hai nước về Điều phối Chung, Hỗ trợ Hậu cần và Dịch vụ cho tàu Hải quân, tàu ngầm và máy bay hải quân trong các chuyến thăm của hải quân hai nước. 

Đối với Philippines: Hàng năm, Ấn Độ vẫn tiến hành các cuộc viếng thăm tàu quân sự tới Philippines. Đáng chú ý, tháng 10/2017, hai tàu chiến Ấn Độ đã thăm Philippines nhân kỷ niệm 25 năm đối tác đối thoại Ấn Độ-ASEAN và nhấn mạnh mong muốn thắt chắt mối quan hệ hơn nữa mối quan hệ hợp tác trên biển giữa hai nước. Trong Hội nghị Thượng Ấn Độ-ASEAN, Ấn Độ và Philippines đã ký MoU về hợp tác và hậu cần quốc phòng. Mục đích của MoU là tạo ra khuôn khổ thúc đẩy và tăng cường hợp tác, tăng cường điều phối giữa Bộ Quốc phòng hai nước nhằm hợp tác chung về dịch vụ và hỗ trợ hậu cần, và về phát triển, sản xuất, mua sắm thiết bị quốc phòng. Trong vụ kiện giữa Philippines – Trung Quốc ở Biển Đông năm 2016, Ấn Độ cũng đã thể hiện sự ủng hộ đối với Phán quyết khi “ghi nhận” và “kêu gọi tất cả các bên thể hiện tinh thần tuân thủ tuyệt đối UNCLOS”.

Đối với Malaysia: Vào tháng 7/2016, trong chuyến thăm Ấn Độ của Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Malaysia, hai bên đã quyết định tăng cường mở rộng hợp tác biển giữa Ấn Độ và Malaysia. Một năm sau, trong chuyến thăm của Thủ tướng khi đó là ông Najib Razak tới Ấn Độ, Công ty phát triển Cảng Adani và Đặc khu kinh tế (APSEZ)  (công ty điều hành và phát triển cảng biển lớn nhất Ấn Độ) đã đề xuất hợp tác với đối tác Malaysia phát triển cảng Carey gần Kuala Lumpur. Trong khi đó, hải quân Ấn Độ vẫn đều đặn thực hiện các chuyến viếng thăm tàu quân sự tới Malaysia. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nazia tới Ấn Độ hồi tháng 4/2017, Thủ tướng Ấn Độ đã tái khẳng định mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước trên các lĩnh vực: Huấn luyện và nâng cao năng lực; bảo dưỡng trang thiết bị quân sự; an ninh biển;) đối phó với thảm họa thiên nhiên.

Đối với ASEAN: Bên cạnh  hợp tác song phương với các quốc gia ASEAN, Ấn Độ cũng tập trung đẩy mạnh hợp tác biển đa phương với ASEAN. Các hợp tác này thể hiện trên 3 lĩnh vực chính là: an ninh hàng hải, phát triển kinh tế xanh dương, và kết nối biển. Phát biểu của Thủ tướng Modi tại Shangri – La năm 2018, cho rằng vấn đề an toàn và an ninh biển là hết sức quan trọng và các quốc gia cần hợp tác để đối phó với các thách thức, trong đó điểm tựa là các cơ chế do ASEAN dẫn dắt tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mối quan tâm về lợi ích biển, cả về kinh tế và địa chính trị, của Ấn Độ ngày càng được chú trọng đã tạo không gian và động lực cho lĩnh vực biển trong AEP. Trong bối cảnh đó, vai trò của Hải quân và Cảnh sát biển rất đáng chú ý. Hải quân Ấn Độ vẫn đều đặn tham gia tuần tra và tập trận hải quân chung, hoạt động chống cướp biển, cứu trợ thảm họa, tìm kiếm cứu nạn. Các hoạt động này diễn ra theo cả hai chiều: các hoạt động do Ấn Độ tổ chức và hoạt động do ASEAN tổ chức. Tập trận MILAN do Hải quân Ấn Độ tổ chức theo định kỳ 2 năm/lần có sự tham gia đa số các quốc gia ASEAN. Tháng 2/2016, Ấn Độ đã thực hiện Diễn tập Đội hình Quốc tế với sự tham gia của 12 tàu từ các quốc gia EAS, trong đó có 5 tàu từ 6 quốc gia thành viên ASEAN. Với các hoạt động do ASEAN chủ trì, Ấn Độ cũng tích cực tham gia. Hải quân Ấn Độ vẫn đều đặn tham gia các cuộc tập trận do các quốc gia thuộc hội nghị ADMM+ tổ chức cũng như hàng năm vẫn thường xuyên thực hiện các chuyến viếng thăm tàu hải quân tới các quốc gia EAS. Hàng năm, các quan chức cấp cao Ấn Độ vẫn tham dự Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF), một diễn đàn ngoại giao kênh 1.5 tập trung thảo luận về các vấn đề quan tâm chung trên biển.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang tích cực đẩy mạnh hợp tác và gắn kết với khu vực thông qua phát triển tổng thể về kinh tế xanh dương (blue economy). Điểm đặc biệt của kinh tế xanh dương là việc khai thác nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. Cả Ấn Độ và ASEAN đều có chung tầm nhìn và mong muốn cùng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 11, Thủ tướng Ấn Độ đã đề xuất chia sẻ kinh nghiệm của Ấn Độ và thiết lập đối tác bảo vệ nguồn tài nguyên biển, tận dụng tiềm năng mà nền kinh tế xanh mang lại. Hiện tại, Ấn Độ và ASEAN đã tổ chức được hai hội thảo về kinh tế xanh dương ASEAN – Ấn Độ, lần đầu vào năm 2017 tại Việt Nam và lần thứ hai năm 2018 tại Ấn Độ.

Vai trò của Biển Đông trong chính sách Hành động Hướng Đông

Dưới chính quyền mới của Thủ tướng Narendra Modi, Chính sách hướng Đông vốn có từ lâu của Ấn Độ với 10 nước thành viên ASEAN đã phát triển thành Chính sách Hành động Hướng Đông và mang tính chủ động hơn. Chính sách này được tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Myanmar tháng 5/2014. Chính sách này vạch kế hoạch thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai cực tăng trưởng của một châu Á năng động. Trong khuôn khổ Hành động hướng Đông, quan hệ đa chiều giữa Ấn Độ với ASEAN đã được tiếp thêm sức mạnh và động lực lớn hơn. Điều này đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh có những thay đổi nhanh chóng về địa chính trị: sự nổi lên nhanh chóng và mạnh mẽ của Trung Quốc trên bàn cờ chính trị thế giới và việc Bắc Kinh tăng cường cạnh tranh với Mỹ và Nhật Bản, dẫn tới sự thay đổi lớn về cấu trúc chính trị ở châu Á – Thái Bình Dương. Chiến lược của Mỹ về tái cân bằng tại châu Á, Chiến lược Chuỗi kim cương an ninh dân chủ của Nhật Bản, và Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc, tất cả đều mang tham vọng chính trị và chiến lược lớn nhằm định hình cấu trúc khu vực theo cách riêng của họ. Trong bối cảnh đó, sự tham gia của Ấn Độ trong việc ổn định cấu trúc an ninh khu vực đóng vai trò then chốt. Một trong những thay đổi chính trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ được phản ánh trong vấn đề Biển Đông. Nghĩa là, với yêu sách gây tranh cãi của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông, Ấn Độ đã khẳng định rõ ràng lập trường nguyên tắc của mình về tự do hàng hải, an ninh hàng hải, và giải quyết nhanh chóng các tranh chấp theo quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, phát triển một bộ quy tắc ứng xử, và giải quyết tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển đảo thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình. Vì những lợi ích chiến lược này, việc bảo vệ an ninh hàng hải và bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông có tầm quan trọng lớn đối với Ấn Độ. Ổn định ở Biển Đông được đề cập trực tiếp trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ, Đối thoại Shangri-La lần thứ 17, với bài phát biểu dẫn đề của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi về tầm nhìn cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Lần đầu tiên phát biểu tại Diễn đàn này, Thủ tướng Ấn Độ thể hiện chủ trương nhất quán Hành động Hướng Đông và chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mà quốc gia này đang theo đuổi. Trước các nhà hoạch định chính sách an ninh khu vực, đặc biệt là Bộ trưởng Quốc phòng các nước, Thủ tướng Narenda Modi đã đưa ra tầm nhìn của Ấn Độ về cấu trúc an ninh khu vực, theo đó thúc đẩy đối thoại để giải quyết các thách thức an ninh đang nổi lên. Cụ thể Thủ tướng Modi khẳng định rõ vai trò của Ấn Độ tại các diễn đàn quan trọng như Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ, Diễn đàn Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN và Cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Việc mời Thủ tướng Ấn Độ phát biểu dẫn đề Đối thoại Shangri-La năm nay được cho là một lựa chọn mang tính chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia lớn thời gian qua liên tục nhấn mạnh đến tầm nhìn chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Có thể nói kể từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã có những bước đi tích cực nhằm gia tăng vai trò an ninh và chính trị của nước này tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương,  khi từng bước mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chiến lược thông qua chính sách Hành động hướng Đông.

Trong định hướng chung gia tăng sự can dự với các nước ở Đông Á và Đông Nam Á, các mục tiêu chiến lược của Ấn Độ là đóng vai trò cường quốc bên ngoài khu vực Đông Nam Á dựa trên mục tiêu kép: Tham vọng của Ấn Độ trở thành cường quốc nổi bật ở Đông Bắc Ấn Độ Dương, tập trung vào Vịnh Bengal và Biển Andaman, tại đây Ấn Độ đóng vai trò nhân tố phòng vệ chủ chốt nhằm chống các mối đe dọa tiềm tàng ở quần đảo Đông Nam Á; Mục tiêu lớn hơn là nhằm đảm nhận vai trò chiến lược lớn hơn trong khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Lợi ích này chủ yếu xuất phát từ nhu cầu cấp thiết nhằm cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Đông Nam Á, cũng như mong muốn của Ấn Độ về mở rộng không gian chiến lược của nước này. 

Ấn Độ cam kết tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh và tự do hàng hải, cũng như sự an toàn của các tuyến giao thông đường biển đối với tự do thương mại, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS. Về khía cạnh này, mối quan ngại lớn của Ấn Độ là Biển Đông – khu vực nằm ở cửa ngõ của Ấn Độ, do vậy, đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định của khu vực. Căn cứ vào mối quan ngại này, Ấn Độ có lợi ích an ninh hợp pháp đối với sự ổn định tại Biển Đông, bởi vì bất kỳ sự bất ổn nào trong khu vực này đều gây ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh quốc gia của Ấn Độ. Lợi ích quan trọng nhất là tự do lưu thông hàng hải qua Biển Đông vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động buôn bán và thương mại bằng đường biển, cũng như đối với việc đảm bảo an ninh cho nguồn cung năng lượng từ khu vực Sakhalin của Nga. Lợi ích kinh tế của Ấn Độ ở Biển Đông liên quan tới quyền thăm dò các nguồn dầu khí trong khu vực này của Công ty ONGC Videsh (OVL) – Công ty dầu khí đa quốc gia của Ấn Độ. Do vậy, động thái cứng rắn ngày càng tăng của Trung Quốc buộc Ấn Độ phải duy trì quyền lợi và bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực này.

Tác động đối với Việt Nam

Trong trung và dài hạn, Biển Đông sẽ vẫn là vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng cường hiện diện, tiến tới kiểm soát hiệu quả khu vực này. Do đó, Ấn Độ sẽ tiếp tục can dự, tăng cường hiện diện ở Biển Đông, tạo ra những cơ hội thuận lợi cho Việt Nam trong vấn đề Biển Đông cũng như hợp tác song phương giữa hai nước. (i) Góp phần tăng cường hợp tác quốc phòng, nâng cao năng lực biển cho Việt Nam. Với cách tiếp cận ôn hòa, mềm mỏng, việc Ấn Độ can dự vào Biển Đông nói chung, tăng cường hợp tác với Việt Nam nói riêng sẽ hạn chế được những phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc. Điều này giúp mở rộng không gian hợp tác trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng như mua sắm vũ khí, huấn luyện, nâng cấp trang thiết bị, hỗ trợ tín dụng, tập trận chung trên biển, tăng cường năng lực cho lực lượng chấp pháp biển của Việt Nam, tăng cường các chuyến thăm viếng của các tàu quân sự… (ii) Tăng cường hợp tác về kinh tế.  Hoạt động hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam, đặc biệt là tại các lô nằm trong phạm vi đường 9 đoạn, vừa đóng vai trò hợp tác kinh tế vừa mang ý nghĩa chính trị. Trong tháng 7/2017, Việt Nam đã gia hạn  quyền khai thác dầu khí của Ấn Độ (công ty ONGC) ở Biển Đông thêm 2 năm và đã bắt đầu cho phép khoan ở các khu vực khác mặc dù Trung Quốc phản đối. Những hoạt động như vậy vừa thúc đẩy lòng tin chính trị giữa hai nước đồng thời bảo đảm sự hiện diện và khẳng định chủ quyền của Việt Nam. (iii) Tăng cường hợp tác về chính trị. Việt Nam chiếm vị trí quan trọng trong Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ. Cả Ấn Độ và Việt Nam đều có nhiều điểm tương đồng trong mối quan hệ với Trung Quốc: tranh chấp lãnh thổ, xung đột quân sự trong quá khứ. Do đó, đây là cơ hội tốt để hai bên tăng cường hơn nữa mối quan hệ, tăng cường phối hợp và hỗ trợ trong vấn đề Biển Đông trên thực địa cũng như tại các diễn đàn song phương và đa phương. (iv) Duy trì sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Biển Đông. Gần đây, cộng đồng quốc tế có xu hướng giảm quan tâm đến vấn đề Biển Đông: Singapore và đặc biệt là Philippines thay đổi cách tiếp cận theo hướng thỏa hiệp hơn; ASEAN không có bước chuyển mới, thậm chí bị Trung Quốc thao túng gần như hoàn toàn trong năm Chủ tịch của Philippines; Mỹ quá tập trung vào vấn đề Triều Tiên. Vì vậy, vấn đề Biển Đông ít nhận được sự chú ý hơn so với trước đây. Ấn Độ là cường quốc đang nổi, có vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Mỹ dẫn dắt, tiếng nói có trọng lượng trên trường quốc tế, đồng thời có mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Do đó, việc Ấn Độ quan tâm, lên tiếng và can dự vào vấn đề Biển Đông nhằm kiềm chế hành vi và ý định của Trung Quốc là điều hết sức cần thiết.

Nhìn chung,Trong bối cảnh diễn ra những thay đổi chiến lược, vai trò chủ động của Ấn Độ ở Biển Đông không phải là một ngoại lệ. Lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông ngày càng trở nên rõ ràng, đặc biệt là trong bối cảnh nước này đẩy mạnh thực hiện Chính sách Hành động Hướng Đông. Để đảm bảo và tăng cường lợi ích của mình tại khu vực, Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia trong và ngoài khu vực, nhằm bảo vệ tự do hàng hải và hàng không, giao thương không bị cản trở, giải quyết hòa bình tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế, hòa bình và phát triển ở Biển Đông nói riêng cũng như ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung. Dù có những hạn chế nhất định trong cách tiếp cận, chính sách hoạt động của Ấn Độ mang lại những tác động tích cực cả về chính trị, an ninh và kinh tế đối với khu vực.

Mối quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chính sách của Ấn Độ về Biển Đông. Quan hệ Ấn Độ – Việt Nam là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Do vậy, Biển Đông là vấn đề bao trùm lên chương trình chiến lược của Ấn Độ trong quan hệ với Việt Nam. Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam và Ấn Độ đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới