Thursday, November 28, 2024
Trang chủBiển nóngMột số nhìn nhận chủ quyền và bảo vệ chủ quyền của...

Một số nhìn nhận chủ quyền và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa

Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động sử dụng vũ lực để xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là phi pháp, vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương LHQ.

Một số điểm nổi bật trong việc xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa

Từ thế kỷ 17, người Việt đã dong thuyền ra đánh bắt hải sản và khai thác yến sào trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Công cuộc khai thác, chiếm hữu này được thực hiện liên tục, sau này được tổ chức ngày càng chính quy hơn. Chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã lập ra đội Hoàng Sa, hằng năm cử đội này ra Hoàng Sa thăm dò, đo đạc hải trình, khai thác yến sào trên đảo và thu nhặt vũ khí, vàng bạc, hàng hóa… từ các con tàu đắm của nước ngoài khi đi ngang qua vùng biển này.

Từ nửa sau thế kỷ 18, ngoài đội Hoàng Sa, chúa Nguyễn còn lập thêm đội Bắc Hải trực thuộc đội Hoàng Sa. Hằng năm từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, chính quyền sai cử hai đội này ra Hoàng Sa và Trường Sa để khai thác sản vật, kiêm thêm công vụ kiểm tra, kiểm soát, thực thi chủ quyền ở khu vực này. Các đội Hoàng Sa và Bắc Hải được tổ chức có hệ thống, hoạt động ổn định, chuyên nghiệp và kéo dài đến tận cuối thế kỷ 18. Công việc này không hề gặp bất kỳ một sự phản ứng hay tranh chấp nào từ các quốc gia lân cận.

Sau khi lên ngôi, năm 1803, vua Gia Long đã ra chỉ dụ củng cố các đội Hoàng Sa, Bắc Hải và đặt các đội này vào trong cơ cấu tổ chức chung của các đội Trường Đà, có chức năng khai thác và quản lý toàn bộ khu vực Biển Đông. Năm 1816, vua Gia Long đã sai đội Hoàng Sa phối hợp cùng với thủy quân của triều đình ra thăm dò, đo đạc thủy trình và cắm cờ xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Việc này được người phương Tây đương thời ghi nhận, coi đây là hoạt động chiếm hữu chính thức đối với quần đảo Hoàng Sa. Các triều đại nhà Nguyễn sau đó tiếp tục tiến hành các hoạt động thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa một cách liên tục và triệt để. Thời vua Minh Mạng đã sai thủy quân ra đồn trú tại đây để thu thuế và bảo trợ ngư dân đánh bắt cá, đều đặn đi vãng thám, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ. Năm 1834, Minh Mạng chỉ thị cho Bộ Công phái người ra Hoàng Sa cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền.

Từ sau khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và thiết lập chế độ bảo hộ, bối cảnh Việt Nam, Đông Dương, quốc tế đã có nhiều biến đổi và theo đó, việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng có những yếu tố mới. Chính quyền Pháp đại diện cho nhà nước Việt Nam trực tiếp quản lý Hoàng Sa (1885 – 1950). Ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Ngày 7/9/1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Bảo Đại long trọng tuyên bố rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Tuyên bố này được ghi vào văn kiện của Hội nghị San Francisco (1951) với đa số tán thành và không có bất kỳ một phản ứng chống đối hay một yêu sách nào của tất cả các quốc gia tham dự. Từ năm 1951 đến 1955, trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa không còn quân đội nước ngoài chiếm đóng, ngoài lực lượng trú phòng của Chính phủ Quốc gia Việt Nam.

Sau khi Hiệp định Genève 1954 được ký kết, quân Pháp buộc phải rút khỏi Đông Dương. Trong lúc chuyển giao quyền lực, lợi dụng sơ hở, Trung Quốc cho quân đổ bộ lên chiếm đóng nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa (năm 1956). Năm 1974, một lần nữa, lợi dụng lúc Chính phủ Việt Nam Cộng hòa suy yếu, Trung Quốc đã đưa quân đánh chiếm toàn bộ nhóm đảo phía Tây thuộc quần đảo Hoàng Sa. Lực lượng đồn trú của quân đội Việt Nam Cộng hòa trên đảo cùng với hải quân được tăng cường từ đất liền đã giao chiến quyết liệt với quân Trung Quốc, nhưng do tương quan lực lượng không cân xứng nên Hoàng Sa đã rơi vào tay quân Trung Quốc. Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng trái phép quần đảo này cho đến hiện nay. Đây là hành động phi pháp, đi ngược lại công lý và luật pháp quốc tế. Đây cũng là bi kịch của lịch sử vì bạo lực phi nghĩa vẫn còn hiện diện và giành được ưu thế trong thế giới văn minh.

Một số suy nghĩ về các biện pháp thiết thực nhằm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông

Sau khi nước nhà thống nhất năm 1975, Việt Nam đã có nhiều Tuyên bố và làm nhiều việc để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Hiến pháp Việt Nam năm 1980 đã hiến định vùng biển và hải đảo, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Biển Việt Nam năm 2013 là những văn bản pháp lý quan trọng đặt nền móng cho việc quản lý, khai thác, phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đảo. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới của tình hình quốc tế và Biển Đông hiện nay, cần tăng cường các thiết chế pháp lý, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động quản lý nhà nước nhằm thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Đầu tiên, Việt Nam cần tiếp tục khẳng định chủ quyền của đối với quần đảo Hoàng Sa. Việc tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trước hết, trên hết và chủ yếu là sự thể hiện thông qua vai trò, hành động cụ thể của Nhà nước và hoạt động quản lý nhà nước đối với vùng lãnh thổ đặc biệt quan trọng này. Theo quy định tại Điều 121 của Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) năm 1982 về quy chế pháp lý của đảo, quần đảo có vùng biển riêng, việc quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa không chỉ được hiểu là quản lý phần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam mà còn phải quản lý các vùng nước xung quanh quần đảo này. Nhà nước phải tổ chức thực hiện việc quản lý các vùng nước này, một mặt nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các quyền lợi của Việt Nam trên biển, mặt khác giữ nguyên hiện trạng phần lãnh thổ (các đảo) đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, bảo vệ các vùng biển, ngăn chặn mở rộng tranh chấp ra các vùng nước xung quanh. Do đặc điểm hết sức đặc biệt đó, việc quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa vừa là hoạt động đối nội về hành chính, chính trị nhằm huy động sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển, vừa là hoạt động đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, thực thi luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hiệp Quốc và UNCLOS, nhằm bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, giữ gìn hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển trên Biển Đông.

Thứ hai, Việt Nam cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện các thể chế pháp lý về quản lý nhà nước đặc thù liên quan đến quần đảo Hoàng Sa. Do cơ chế quản lý về biển, đảo theo ngành, lĩnh vực trong điều kiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển, đảo của nước ta còn thiếu đồng bộ và chồng chéo nên hiệu lực thi hành pháp luật yếu, tổ chức triển khai thiếu phối hợp giữa các ngành, các cấp, kể cả việc quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa. Do vậy, cần khẩn trương rà soát, xây dựng, ban hành các thể chế đặc thù, điều chỉnh riêng đối với các vấn đề liên quan đến các hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, như: Quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy tài nguyên biển, nhất là khai thác khoáng sản, dầu khí, thủy sản; các hoạt động vận tải biển, hàng hải, hoạt động du lịch, nghiên cứu khoa học biển…; Các hoạt động tự quản nhằm bảo vệ ngư dân, hoạt động bán vũ trang, bảo vệ trật tự an toàn, tự do hàng hải và bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; Các thể chế kêu gọi hợp tác quốc tế về kinh tế, quốc phòng an ninh, ngăn ngừa các nguy cơ cướp biển, xâm hại môi trường; hoạt động cứu hộ cứu nạn, cứu trợ nhân đạo và các hiểm họa phi truyền thống khác.

Trong điều kiện thể chế chính trị nước ta hiện nay, cần có quy chế phối hợp cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin, giải quyết các vấn đề về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông giữa cơ quan Đảng và cơ quan Nhà nước, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan này.

Thứ ba, hoàn thiện thực thể cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương trong thực hiện quyền quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa, vừa phục vụ công tác quản lý, điều hành kinh tế – xã hội, vừa hiện diện, đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở địa phương. Huyện Hoàng Sa là cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện thuộc thành phố Đà Nẵng, được thành lập theo Nghị định số 194/HĐBT ngày 11/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng (trước đây). Tuy nhiên, đây chỉ là một thực thể hành chính không đầy đủ, chủ yếu thể hiện vai trò biểu trưng, bởi vì huyện không có đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách, không có hệ thống chính trị và bộ máy hành chính đầy đủ, hầu như không có kinh phí và không hoạt động thường xuyên. Do đặc thù lãnh thổ bị chiếm đóng, nên huyện Hoàng Sa hiện cũng không có dân cư. Từ khi thành lập đến nay, hầu như không có một văn bản chỉ đạo cụ thể nào của Chính phủ và các bộ ngành trung ương đối với huyện Hoàng Sa.

Để đảm bảo tính pháp lý của huyện Hoàng Sa như là một đơn vị hành chính nhà nước cấp huyện đầy đủ, vừa thực thi vai trò quản lý nhà nước về lãnh thổ, vừa làm cơ sở để đấu tranh chính trị và ngoại giao, cần phải tổ chức lại thực thể hành chính này theo hướng có đủ cả 3 yếu tố cấu thành là diện tích tự nhiên, dân số và bộ máy quản lý nhà nước. Muốn vậy, phải: Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hoàng Sa trên cơ sở sáp nhập toàn bộ quần đảo Hoàng Sa hiện nay và một số phường thuộc quận Sơn Trà (có thể là 02 phường Thọ Quang và Nại Hiên Đông) để hình thành huyện đảo Hoàng Sa mới (có dân số bao gồm số dân hiện có của các phường này); Hình thành bộ máy của hệ thống chính trị, gồm các cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể và cơ quan quản lý nhà nước theo quy định hiện hành của Luật Tổ chức HĐND và UBND, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Trên cơ sở đó điều chỉnh, tiến tới hình thành huyện đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính đặc biệt (theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương về mô hình chính quyền ở hải đảo) chuyên về hợp tác, phát triển kinh tế biển và hợp tác quốc phòng, gắn với đấu tranh bảo vệ chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa và chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Biên soạn giáo trình thống nhất, đưa nội dung cơ bản về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vào sách giáo khoa và chương trình giảng dạy ở các cấp, bậc học. Đồng thời, biên soạn tài liệu phổ biến những kiến thức cơ bản về lịch sử chủ quyền, thực trạng chủ quyền, chủ trương, giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa để tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Phổ biến, cung cấp tài liệu để các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, các cá nhân và tổ chức, nhất là sinh viên và người Việt Nam ở nước ngoài tuyên truyền trong cộng đồng các quốc gia và quốc tế về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và trên Biển Đông. Mỗi người Việt Nam phải là một tuyên truyền viên, một đại sứ nhân dân trong việc tuyên truyền bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Khuyến khích trí thức, học giả, chuyên gia Việt Nam trong và ngoài nước đầu tư nghiên cứu khoa học, sưu tầm tài liệu, công bố các kết quả nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa trên các tạp chí uy tín của thế giới; tham gia vào hoạt động của các tổ chức quốc tế, phi chính phủ nhằm góp phần vào công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia ở ngoài nước. Tập trung nâng cao số lượng, đổi mới nội dung và đẩy mạnh tuyên truyền qua mạng, xem đây là giải pháp quan trọng trong công tác tuyên truyền trong thời gian đến.

Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động khai thác, phát huy tiềm năng kinh tế biển, hỗ trợ và bảo vệ ngư dân bám biển Hoàng Sa gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông. Cần xác định việc bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân trên vùng biển Hoàng Sa trước hết và chủ yếu là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng thực thi pháp luật của nhà nước trên biển. Do đó, cần đổi mới chính sách hỗ trợ ngư dân theo hướng hình thành các biên đội hậu cần nghề cá mạnh thông qua các tập đoàn, công ty nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần, có sự tham gia hoặc hỗ trợ vốn, chính sách của nhà nước làm chỗ dựa cho ngư dân ngay chính trên ngư trường đánh bắt của mình. Các doanh nghiệp vừa cung ứng vật tư, nhiên liệu, vừa giải quyết bài toán kinh tế là bao tiêu sản phẩm, gắn với chính sách hỗ trợ đầu ra của sản phẩm, đồng thời là cơ sở để xác định và hỗ trợ nhiên liệu theo thực tế đối với ngư dân tham gia đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, đặc biệt vừa làm “tiền đồn” để kết hợp kinh tế với quốc phòng trên biển nhằm bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Hoàng Sa.

Thứ sáu, tăng cường năng lực các lực lượng hỗ trợ, thực thi pháp luật và dân quân tự vệ trên vùng biển Hoàng Sa. Từ kinh nghiệm đấu tranh chống Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam vào tháng 5/2014, cần đầu tư trang bị phương tiện, củng cố lực lượng thực thi pháp luật trên biển để duy trì thường xuyên các hoạt động bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển, bảo vệ ngư dân, duy trì trật tự pháp luật trên biển, bảo vệ các tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp, như hoạt động vận tải biển, thăm dò, khai thác dầu khí, điều tra nghiên cứu khoa học biển…. Mặt khác, cần tổ chức lại lực lượng dân quân tự vệ trên biển linh hoạt và chuyên nghiệp hơn, phiên chế theo khu vực đánh bắt thay vì theo tàu và địa bàn thường trú của chủ tàu như hiện nay. Tổ chức quản lý thông qua thiết bị công nghệ thu phát sóng hiện đại được trang bị cho các tàu cá, được kết nối và hỗ trợ bởi các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và Hải quân nhằm tăng cường tính chủ động, linh hoạt, kịp thời, thu hẹp khoảng cách địa lý, tăng cường tần suất tuần tra trên từng vùng biển của các lực lượng chức năng, phối hợp tác chiến hiệu quả trong ứng phó với các tình huống, sự cố trên biển của ngư dân, đặc biệt là các tình huống bị tàu Trung Quốc hay cướp biển tấn công, hoặc khi tàu bị tai nạn, sự cố kỹ thuật…

Thứ bảy, xây dựng huyện đảo Hoàng Sa thành “vành đai” hợp tác phát triển kinh tế và duy trì an ninh – quốc phòng trên biển nhằm ngăn chặn các hành vi đơn phương đe dọa, sử dụng vũ lực, xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa; ngăn chặn các hành vi thay đổi hiện trạng và duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên Biển Đông.

Hợp tác phát triển kinh tế biển vừa huy động nguồn lực bên ngoài để phát triển quy mô, chuyển giao và đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh ngành thủy sản, vận tải biển và công nghiệp đóng tàu, đồng thời và quan trọng hơn là kêu gọi, thu hút các đối tác là các cường quốc, quốc gia có thế mạnh về hàng hải, thủy sản, vừa có tuyên bố lợi ích trên Biển Đông, nhất là các quốc gia là đối tác đối thoại ngoài ASEAN, như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia…

Hợp tác quốc phòng là kênh hợp tác đặc biệt nhằm tăng cường giao lưu hoạt động quốc phòng, tăng cường xây dựng sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, giúp củng cố năng lực quốc phòng và khả năng hợp tác quốc phòng giữa các bên. Hợp tác quốc phòng cần được tiến hành có lộ trình, từ hợp tác giao lưu đến hợp tác kỹ thuật, dịch vụ hậu cần, tiến đến những hoạt động hợp tác chiều sâu. Hợp tác quốc phòng được tính đến và thu hút sự tham gia của các cường quốc có lợi ích từ tự do hàng hải, hàng không và lợi ích chiến lược trên Biển Đông, như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia.

Nỗ lực hợp tác phát triển kinh tế biển và hợp tác quốc phòng trên địa bàn huyện Hoàng Sa dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, lợi ích chính trị là chính, lấy lợi ích của đối tác tại Việt Nam làm trọng nhưng không phương hại lợi ích quốc gia. Mục đích cuối cùng của hợp tác kinh tế – quốc phòng trên địa bàn huyện Hoàng Sa là thực hiện đường lối đối ngoại đa phương và mục tiêu quốc tế hóa tranh chấp trên Biển Đông, đồng thời mở rộng và thúc đẩy gia tăng mâu thuẫn lợi ích và cán cân chiến lược giữa Trung Quốc với các quốc gia khác ngoài Việt Nam và ASEAN, chi phối và kìm hãm sức mạnh của Trung Quốc ngày càng gia tăng trên Biển Đông, tạo sức ép thúc đẩy nỗ lực quốc tế hóa vấn đề tranh chấp trên Biển Đông để sớm tiến đến một thỏa thuận quốc tế nhằm điều chỉnh hành vi, chuẩn mực ứng xử, giải quyết các vấn đề trên Biển Đông.

Thứ tám, tiếp tục hoàn thiện các luận cứ khoa học, chuẩn bị nguồn lực trong vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông liên quan đến quần đảo Hoàng Sa bằng các giải pháp pháp lý. Giải pháp pháp lý, trực tiếp là việc lựa chọn Tòa án quốc tế về Luật biển là phương thức giải quyết tranh chấp bắt buộc, vừa là quyền và cũng là nghĩa vụ của các quốc gia thành viên UNCLOS 1982. Theo đó, cần khẩn trương chuẩn bị nguồn lực, bao gồm cả nhân lực chuyên gia, tài liệu, nguồn lực vật chất khác, kinh nghiệm và các mối liên hệ với tổ chức quốc tế liên quan để chuẩn bị hành trang đầy đủ, tối ưu cho việc sẵn sàng lựa chọn giải pháp pháp lý trong tương lai. Có chính sách thu hút, đào tạo, cử tuyển nhân tài trên lĩnh vực luật quốc tế, luật biển để tham gia vào chương trình đào tạo chuyên sâu, các diễn đàn học thuật, các diễn đàn tranh tụng pháp lý quốc tế, tăng cường chính sách hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu trong và ngoài nước về các lĩnh vực liên quan đến biển, trước hết là luật biển và quan hệ quốc tế để chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho quốc gia.

Có kế hoạch tổng rà soát, sưu tầm, tập hợp, hệ thống hóa và phân tích, đánh giá hệ thống tư liệu trong và ngoài nước liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và trên Biển Đông. Giao cho một đầu mối cơ quan nhà nước thống nhất việc tập hợp, hệ thống hóa, khai thác, đánh giá giá trị, đồng thời có kế hoạch sưu tầm, tập hợp, bảo quản nguồn tư liệu về chủ quyền cả ở trong và ngoài nước, phục vụ việc nghiên cứu và đấu tranh lâu dài.

Thứ chín đẩy mạnh các hoạt động của Nhà nước trong vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông liên quan đến quần đảo Hoàng Sa bằng các giải pháp pháp lý. Giải pháp pháp lý là cách thức để giải quyết một vấn đề dựa trên các quy định pháp luật, theo đó, giải pháp pháp lý bao gồm các hệ giải pháp về đàm phán, thương lượng, điều tra, trung gian, môi giới, hòa giải, tòa án và trọng tài…. Trong đó, việc sử dụng các thiết chế tài phán quốc tế, như tòa án, trọng tài… được coi là những giải pháp mang tính thuần pháp lý, bên cạnh đàm phán, thương lượng; trung gian, môi giới, hòa giải mang tính “lưỡng cực” chính trị – ngoại giao và pháp lý.

Hiện nay, Trung Quốc không chấp nhận bất cứ một yêu sách nào nhằm giải quyết tranh chấp đối với quần đảo Hoàng Sa. Do đó, việc tiếp cận và sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp thông qua các thiết chế tài phán quốc tế và tổ chức quốc tế – khi các giải pháp ngoại giao đang dần đi vào bế tắc – là lựa chọn đúng hướng và thật sự cần thiết. Hơn nữa, trước cục diện tranh chấp hiện nay, trong tổng thể các phương thức giải quyết tranh chấp, với tương quan lực lượng chênh lệch giữa Việt Nam và các bên tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc, đấu tranh pháp lý trên cơ sở luật pháp quốc tế thông qua các thiết chế tài phán quốc tế, tổ chức quốc tế, bao gồm Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS), Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS 1982; Tòa Trọng tài thường trực La Haye (PCA), Liên Hiệp Quốc, ASEAN… là cách thức phù hợp và hữu hiệu nhất để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Việc giải quyết tranh chấp thông qua các thiết chế tài phán quốc tế, tổ chức quốc tế đòi hỏi phải có quyết tâm cao và sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thủ tục, nội dung, nguồn lực và các điều kiện đảm bảo khác. Sự kiện ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye (PCA) ra phán quyết phủ nhận “quyền lịch sử” và cái gọi là “đường 9 đoạn” phi lý, mơ hồ, vô căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông đã khơi thông tiền lệ pháp lý để Việt Nam có thể đẩy mạnh việc chuẩn bị các kịch bản pháp lý và giải pháp pháp lý trong việc giải quyết vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động bổ trợ cho các giải pháp pháp lý như giao lưu, trao đổi học thuật về Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa. Tập trung đầu tư nguồn lực để tạo dựng một diễn đàn học thuật có uy tín và mang tầm vóc khu vực, quốc tế, có sức hút mạnh mẽ đối với giới học thuật và chính khách quốc tế về Biển Đông để thúc đẩy các nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, đàm phán, thương lượng và thông qua Tòa án quốc tế. Đồng thời, trên cơ sở diễn đàn này, chủ động và nỗ lực thu hút các quốc gia có tranh chấp, các cường quốc có lợi ích trên biển và các đối tác đối thoại tiến đến một định chế ứng xử trên Biển Đông nhằm thiết chế hóa, điều chỉnh quan hệ và hành vi các bên trên Biển Đông phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới