Trong tâm thức của người Việt Nam, Trung Quốc mới chỉ tạm chiếm quần đảo này, đến một lúc nào đó, quần đảo Hoàng Sa sẽ trở về với chủ nhân đích thực của nó.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng và biến thành trung tâm hành chính phi pháp
Hoàng Sa là quần đảo nằm trên Biển Đông, trải rộng từ 15o45′ đến 17o15′ vĩ độ Bắc và 111o00′ đến 113o00′ độ kinh Đông, từ Tây sang Đông dài khoảng 222km, từ Bắc xuống Nam khoảng 160km, cách Đà Nẵng của Việt Nam khoảng 350km về phía Đông, bao gồm hơn 30 hòn đảo, bãi san hô, đá ngầm trên một diện tích khoảng 30.000km2. Trong đó, tổng diện tích phần nổi của các đảo khoảng 10km2, chia thành 2 cụm đảo gồm: Cụm đảo phía Đông có 12 đảo, lớn nhất là các đảo Phú Lâm và Linh Côn (mỗi đảo rộng khoảng 1,5km2); cụm đảo phía Tây gồm nhiều đảo xếp thành hình vòng cung, trong đó có các đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa, Duy Mộng, Cam Tuyền, Chim Yến, Tri Tôn… Theo các thư tịch cổ của Việt Nam còn lưu lại, như “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá tự Công Đạo, “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn,… ít nhất từ thế kỷ 17, nhà nước phong kiến Việt Nam là quốc gia đầu tiên phát hiện, chiếm hữu và làm chủ một cách liên tục và hòa bình đối với quần đảo Hoàng Sa. Từ năm 1884, với tư cách là nước bảo hộ, thực dân Pháp tiếp tục thay mặt nhà nước Việt Nam thực thi chủ quyền và tiến hành quản lý, khai thác đối với quần đảo Hoàng Sa, cho đến cuối thế kỷ 19, không có quốc gia nào, kể cả Trung Quốc, có phản ứng dưới bất kỳ hình thức nào đối với việc Việt Nam thực hiện chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.
Việc tranh chấp và đặt ra yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa chỉ thể hiện từ những năm đầu thế kỷ 20. Năm 1909, nhà cầm quyền phong kiến Trung Quốc ở Lưỡng Quảng phái 2 pháo thuyền nhỏ đến một vài đảo của quần đảo trong thời gian 1 ngày đêm. Tiếp đó, đến năm 1946, đưa quân ra chiếm đóng một bộ phận của quần đảo rồi rút. Năm 1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, nhưng mãi đến ngày 15/8/1951, Trung Quốc mới chính thức nêu yêu sách về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua lời tuyên bố của Ngoại trưởng Chu Ân Lai, cùng với việc trước đó họ cho xuất bản tấm bản đồ “Trung Hoa Nhân dân Cộng hòa quốc phân tỉnh tỉnh đồ”. Trong tấm bản đồ trên, họ quy thuộc cả 3 quần đảo ở Biển Đông mà họ gọi là Nam Hải gồm Hoàng Sa, Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield vào chủ quyền của mình và đặt tên lần lượt cho chúng là Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. Dựa vào đó, đầu năm 1956, lợi dụng lúc thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam nhưng quân đội Việt Nam Cộng hòa chưa kịp ra thay thế để quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã cho quân chiếm giữ bất hợp pháp 2 đảo phía Tây quần đảo là Phú Lâm và Linh Côn. Sau đó, tìm cách tạo dựng chứng cứ và tiến hành các hoạt động ngoại giao, tuyên truyền nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo này. Cũng trong thời gian này, đêm 20 rạng sáng ngày 21/2/1956, binh lính Trung Quốc cải trang làm ngư dân hoạt động khiêu khích, thăm dò cụm đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa nhưng bị các đơn vị của quân đội Việt Nam Cộng hòa đồn trú ở đây ngăn chặn, bắt giữ toàn bộ đưa về Đà Nẵng và sau đó trao trả lại cho phía Trung Quốc. Đến đầu năm 1974, lợi dụng tình hình nhân dân Việt Nam đang tập trung cao độ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; trong lúc quân đội Việt Nam Cộng hòa suy yếu và nhất là chính quyền Mỹ không có chủ trương can thiệp trở lại cuộc chiến tranh Đông Dương, Trung Quốc có kế hoạch đánh chiếm cụm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Ngày 11/1/1974, lấy cớ chính quyền Sài Gòn sáp nhập quần đảo Trường Sa vào địa phận quận Đất Đỏ thuộc tỉnh Phước Tuy (nay là tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam), Trung Quốc ra tuyên bố phản đối, sau đó đưa hàng chục tàu chiến đến vùng biển quần đảo Hoàng Sa, khiêu khích lực lượng hải quân của quân đội Việt Nam Cộng hòa đang làm nhiệm vụ tuần tra xung quanh quần đảo, đồng thời bí mật cho quân đổ bộ lên các đảo không có lực lượng đồn trú. Ngày 15/1/1974, Trung Quốc cho quân đổ bộ lên các đảo Cam Tuyền, Duy Mộng, Quang Ảnh… của cụm đảo phía Tây quần đảo đang do quân đội Việt Nam Cộng hòa chốt giữ. Ngày 19/1/1974, xảy ra đọ súng giữa quân đội Trung Quốc với lực lượng hải quân quân đội Việt Nam Cộng hòa vừa được tăng cường ra bảo vệ đảo. Với ưu thế hơn hẳn về lực lượng và trang bị, ngày 20/1/1974, quân Trung Quốc được sự yểm trợ của máy bay, tàu chiến đã đổ bộ đánh chiếm các đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật và Quang Ảnh, sau đó mở rộng đánh chiếm các đảo còn lại của quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù quân đội Việt Nam Cộng hòa cố gắng tổ chức chống trả, nhưng tương quan lực lượng quá nhỏ nhoi so với quân Trung Quốc nên Hoàng Sa cuối cùng rơi vào tay quân Trung Quốc.
Ngay sau khi sự kiện trên xảy ra, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc và xác định lập trường 3 điểm của Việt Nam. Trong đó nêu rõ vấn đề chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng đối với mỗi quốc gia, dân tộc; việc giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa các nước láng giềng thường có sự tranh chấp do lịch sử để lại. Vì vậy, các nước có liên quan cần nỗ lực xem xét vấn đề này theo tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị, láng giềng tốt và giải quyết bằng biện pháp hòa bình.
Từ năm 1974 đến nay, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nay là nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã liên tục khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và thực thi các biện pháp pháp lý thể hiện chủ quyền. Việt Nam không những nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc để yêu cầu họ trao trả quần đảo trên, mà còn áp dụng các biện pháp hòa bình thông qua luật pháp quốc tế và cộng đồng quốc tế, nhất là tổ chức Liên hợp quốc để đòi lại chủ quyền. Ngày 12/5/1977 và ngày 12/11/1982, Chính phủ Việt Nam đã ra Tuyên bố về đường cơ sở, cùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Tháng 4/2007, Việt Nam điều chỉnh tổ chức hành chính cấp huyện ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, triển khai thực hiện Nghị quyết Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 được thông qua ngày 24/1/2007. Ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển và được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố ngày 2/7/2012. Việc thông qua Luật Biển là một hoạt động luật pháp bình thường trong kế hoạch phát triển của Việt Nam. Luật Biển hoàn toàn phù hợp với Luật quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như hệ thống pháp luật của Việt Nam. Việt Nam cũng là nước cuối cùng trong số các nước có tranh chấp trên Biển Đông thông qua Luật Biển riêng của mình và đó là hành động hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Trong các nghị quyết, tuyên bố và luật trên, Hoàng Sa là quần đảo không thể tách rời của tổ quốc Việt Nam.
Hơn 45 năm đã trôi qua, sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam không hề bị quên lãng. Cho đến nay, nó vẫn là tâm điểm khiến cho tranh chấp trên Biển Đông chưa có ngày nào lắng dịu, thậm chí còn đang có xu hướng trở thành “con bài” để các nước lớn đấu tranh, mặc cả “lợi ích” với nhau trong môi trường cạnh tranh địa chiến lược ngày càng gia tăng tại Châu Á – Thái Bình Dương.
Nhìn lại tất cả những gì xảy ra xung quanh sự kiện Trung Quốc đưa quân đánh chiếm Hoàng Sa, giành quyền kiểm soát quần đảo này từ tay chính quyền Việt Nam là hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định của khu vực và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Sự chiếm đóng trái phép trên không bao giờ được cộng đồng quốc tế, nhân dân các nước Đông Nam Á và nhân dân Việt Nam công nhận. Quần đảo Hoàng Sa mãi mãi là của Việt Nam. Và trong tâm thức của người Việt Nam, Trung Quốc mới chỉ tạm chiếm quần đảo này, đến một lúc nào đó, quần đảo Hoàng Sa sẽ trở về với chủ nhân đích thực của nó.