Sunday, January 19, 2025
Trang chủBiển nóngTQ tìm cách đánh lừa cộng đồng quốc tế liên quan môi...

TQ tìm cách đánh lừa cộng đồng quốc tế liên quan môi trường sinh thái ở Biển Đông

Theo đánh giá của giới chuyên gia, phần lớn môi trường sinh thái và các rạn san hô ở khu vực Biển Đông bị tàn phá là do các hoạt động phi pháp của Chính quyền và ngư dân Trung Quốc gây ra. Tuy nhiên, nhằm tránh bị cộng đồng quốc tế chỉ trích và lên án, Bắc Kinh đang tìm mọi cách đánh lừa về “nỗ lực” của Trung Quốc trong việc khôi phục môi trường sinh thái trong khu vực.

Cách Trung Quốc dối gạt cộng đồng quốc tế

Đầu tiên, Trung Quốc thông qua các cơ quan chính thống, giới chuyên gia, học giả và truyền thông trong nước tích cực tuyên truyền về việc Bắc Kinh đang “nỗ lực” bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái ở Biển Đông, nhất là các rạng san hô tại khu vực quần đảo Trường Sa. Gần đây nhất, Bộ Tài nguyên Trung Quốc (1/1) thông báo Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc khảo sát để xác định thêm các khu vực nơi san hô sẽ được bảo vệ và khôi phục sử dụng phương pháp “khôi phục tự nhiên” để giúp các rạn san hô tự hồi phục, được bổ trợ bằng các phương pháp nhân tạo và các kĩ thuật được phát triển đặc biệt cho Trường Sa. Theo đó, Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở bảo vệ và khôi phục san hô trên các bãi Đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, đồng thời khẳng định hoạt động trên bước đầu đã giúp khôi phục hệ sinh thái ở các vùng biển xung quanh Đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn. Ngoài ra, tại các hội thảo, diễn đàn quốc tế và khu vực, giới chuyên gia, học giả Bắc Kinh cũng đưa ra các đánh giá “khách quan” khi cho rằng “hoạt động cải tạo đảo, đá ở Biển Đông của Trung Quốc không đe dọa đến hệ sinh thái trong khu vực” và “Trung Quốc đã đánh giá khoa học, lựa chọn kỹ các biện pháp hút cát khi cải tạo đảo (phi pháp) phù hợp với các tiêu chuẩn của quốc tế”. Năm 2015, Cục Hải dương Quốc gia của Trung Quốc cho biết hoạt động xây cất không làm biến đổi sức khỏe của hệ sinh thái ở Quần đảo Trường Sa, nhưng họ đề nghị trồng, sửa chữa và cấy san hô sau khi thi công. Trong khi đó, giới truyền thông Trung Quốc cũng có các bài viết tuyên truyền về chủ trương, chính sách và hành động cụ thể của Trung Quốc đối với việc bảo vệ môi trường sinh thái ở Biển Đông, đồng thời tìm cách bao biện, lấp liếm cho hoạt động đánh bắt sản sản theo cách tận diệt của ngư dân, chỉ trích các nước liên quan “cố tình đổ lỗi cho Trung Quốc nhằm gia tăng sức ép và làm xấu hình ảnh của Bắc Kinh”.

Thứ hai, Trung Quốc thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường ở Biển Đông, có số vốn hơn 2,2 triệu USD và hoạt động trong 3 năm để thám hiểm hố sâu nhất thế giới tại Hoàng Sa của Việt Nam, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, phát triển phương pháp và thiết bị mới bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, giới chức Trung Quốc ngang nhiên cho rằng trong 4 năm qua Bắc Kinh đã chi hơn 30 triệu nhân dân tệ (khoảng 4,5 triệu USD) để “bảo vệ các rặng san hô” ở Biển Đông. Hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã còn nói Bắc Kinh đã nhiều lần thả các loài cá, rùa biển quay lại môi trường tự nhiên, đồng thời “trấn áp các hoạt động săn bắn chim biển bất hợp pháp”.

Thứ ba, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đều đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông.“Lệnh cấm đánh cá hàng năm” trên có phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough, đã bao trùm lên một phần vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc cho rằng với việc áp đặt (phi pháp) “Lệnh cấm đánh cá hàng năm” sẽ giúp hệ sinh vật ở Biển Đông có thời gian khôi phục.

Thứ tư, Trung Quốc cũng đưa ra các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát tệ nạn đánh trộm các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng và quản lý chặt ngư dân sử dụng các hình thức đánh bắt tận diệt, mang tính phá hủy môi trường của ngư dân. Đồng thời, Trung Quốc tìm cách nâng cao năng lực cho các lực lượng chấp pháp trên biển, gia tăng các hoạt động tuần tra, chấp pháp trong khu vực, bắt giữ ngư dân vi phạm luật pháp.

Phán quyết công tâm của Tòa Trọng tài

Phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý ở Biển Đông nêu rõ, Trung Quốc không hề có cơ sở pháp lý nào để đòi quyền lịch sử đối với cái gọi là “đường chín đoạn” tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông.

Tòa Trọng tài Quốc tế cũng chỉ trích các dự án tôn tạo và các công trình xây dựng các đảo nhân tạo tại 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa, đồng thời cho rằng, Trung Quốc đã “gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị hủy diệt”. Toà cho rằng, nhà chức trách Trung Quốc đã nhận thức được việc ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt các loài rùa biển, san hô và trai khổng lồ quý hiếm trên diện rộng ở Biển Đông (bằng các biện pháp gây ra tổn hại nghiêm trọng với môi trường rạn san hô) và đã không thực hiện các nghĩa vụ của nước này trong việc ngăn chặn và chấm dứt các hoạt động này. Toà nhận thấy rằng việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển, xây dựng một đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và phá huỷ các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông mà là một phần của tranh chấp giữa các bên.

Để đi đến kết luận trên, Tòa Trọng tài đã có sự trợ giúp của ba chuyên gia độc lập về sinh học của rặng san hô được chỉ định để đánh giá các chứng cứ khoa học có được và các báo cáo của chuyên gia của Philippines. Tòa Trọng tài xác định rằng việc Trung Quốc cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo gần đây tại bảy cấu trúc tại Trường Sa đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hô và Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Điều 192 và 194 của Công ước trong việc bảo tồn và bảo vệ môi trường biển đối với các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sinh sống của các loài động vật bị đe dọa, sắp cạn kiệt. Đồng thời Tòa Trọng tài cũng xác định rằng ngư dân Trung Quốc đã thực hiện việc khai thác động vật bị đe dọa như rùa biển, san hô và trai khổng lồ ở quy mô lớn tại Biển Đông, sử dụng các biện pháp gây hủy hoại nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hộ. Tòa Trọng tài xác định rằng chính quyền Trung Quốc đã nhận thức được các hành vi này và không thực hiện nghĩa vụ cẩn trọng theo Công ước để ngăn chặn.

Tuy nhiên, sau khi phán quyết từ tòa PCA được công bố, bằng ngôn từ “bất chấp”, Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải ” của nước này ở các vùng biển sẽ không bị ảnh hưởng.

Trung Quốc mới chính là nước phá hủy môi trường sinh thái ở Biển Đông

Trên thực tế, tất cả các hành động, chủ trương, chính sách trên của Trung Quốc không phải phục vụ mục đích bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn hải sản ở Biển Đông mà chỉ nhằm phục vụ âm mưu độc chiếm Biển Đông. Thông qua các hành động trên để Trung Quốc từng bước khẳng định yêu sách “chủ quyền” đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo các giới chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế, nguyên nhân chính dẫn đến môi trường sinh thái ở Biển Đông bị phá hủy là do hoạt động phi pháp của Bắc Kinh gây ra.

Tại hội thảo khoa học quốc tế “An ninh Môi trường và Hàng hải vì một Biển Đông xanh”, Giáo sư John W.MacManus, Trường Đại học tổng hợp Miami (Mỹ) cho rằng môi trường Biển Đông đang bị tàn phá nặng nề, nhất là do các hoạt động của Trung Quốc. Theo đó, các tàu cá Trung Quốc đào bới, nạo vét để tìm ngao, sò khổng lồ và quá trình xây dựng đảo nhân tạo ở các rạn san hô gần như phá hủy hoàn toàn môi trường sinh thái biển, đồng thời nhấn mạnh tác động của các quốc gia khác chưa bằng 1/100 những hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Giáo sư John W.MacManus lấy dẫn chứng cho biết, ở bãi cạn Scarborough (bãi cạn Trung Quốc giành quyền kiểm soát từ Philippines hồi năm 2012), Trung Quốc chẳng những cho tàu quây kín không cho ngư dân Philippines đánh bắt cá mà nước này còn cho các tàu có các lưỡi cắt để đào sâu xuống đáy biển nhằm khai thác loài trai khổng lồ. Những rạn san hô ở Biển Đông đẹp như những vườn hoa, có thể nói là đẹp nhất trên thế giới. Nhưng khi tàu của Trung Quốc đến đây để đánh bắt loài trai khổng lồ thì họ đã tạo nên những rặng núi hình vòng cung từ cát và san hô. Theo giáo sư Mc Manus, những khu vực rạn san hô sống gần đó sớm muộn cũng sẽ bị chết khi cát và bùn từ các hoạt động nạo vét và công trình xây dựng bao phủ chúng. Phải mất cả nghìn năm để các rạn san hô làm việc tạo ra một mét sỏi, cát và bùn quanh chúng và vì vậy những nơi mà cát, sỏi, bùn và san hô bị nạo vét đi sẽ bị thay đổi vĩnh viễn. Theo ước tính của giáo sư Mc Manus, các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông đã gây thiệt hại cho khoảng 159/162 km2 san hô tại vùng biển này. Trong đó hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 14/15 km2; hoạt động nạo vét của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 39/40 km2; hoạt động nạo vét làm bến đỗ, kênh rạch cho tàu thuyền đi lại của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 2/3 km2; hoạt động khai thác trai khổng lồ của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 104/104 km2. Giáo sư McManus cho rằng, những thiệt hại từ các hoạt động khai thác trai khổng lồ cùng với hoạt động đánh bắt tận diệt tại Biển Đông còn làm suy sảm số loài thủy sản và gây ra nguy cơ tuyệt chủng đối với một số loài. Điều này có nghĩa là nguồn cá để nuôi sống một bộ phận dân số các nước ven Biển Đông sẽ thiếu hụt, do đó làm gia tăng nguy cơ về an ninh lương thực.

Đáng chú ý, Đại học Hawaii (Mỹ) đã công bố một báo cáo nghiên cứu về các rạn san hô tại bảy địa điểm: Cuarteron (đá Châu Viên), Fiery Cross (đá Chữ Thập), Gaven (đá Gaven), Hughes (đá Tư Nghĩa), Johnsons South (đá Gạc Ma), Mischief (đá Vành Khăn), Subi (đá Xu Bi). Nghiên cứu của đại học Hawaii khẳng định Trung Quốc đã bồi đắp khoảng 10,7km² tại khu vực này từ tháng 2/2014 đến tháng 5/2015, cùng lúc đó diện tích san hô bị giảm là 11,6 km², tương đương 26,9% diện tích; cho biết, san hô tại Trường Sa không chỉ là nạn nhân của việc mở rộng, bồi đắp trực tiếp nói trên, mà còn đe dọa bị hủy diệt hàng loạt do việc nạo vét lòng biển bằng phương thức hút. Hoạt động này để lại vô số các trầm tích, trùm lên các rạn san hô, khiến chúng rất khó lòng hồi sinh. Ông Camilo Mora, người phụ trách của nhóm nghiên cứu cho biết, đây là một trong những hoạt động gây tổn hại nghiêm trọng nhất cho san hô, đồng thời khẳng định những người chủ trương bồi đắp như vậy không hiểu rằng, về mặt sinh thái, khi nạo vét lòng biển để bồi đắp đảo nhân tạo, với việc san hô bị phá hủy, họ đã tấn công vào chính nền móng của “đảo”, việc bồi đắp sẽ phải tiến hành liên tục sau đó, để tránh cho đảo nhân tạo bị chìm.

Cũng bày tỏ sự nuối tiếc về môi trường của Biển Đông đang bị hủy hoại, Tiến sĩ Annette Junio Menne, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học biển, Đại học Tổng hợp Philippines khẳng định ở Biển Đông có một tam giác san hô với hơn 500 loài san hô khác nhau. Đây là ngôi nhà của 3.000 loài sinh vật. Tuy nhiên việc xây dựng, bồi đắp biển các bãi đá thành đảo nhân tạo của Trung Quốc là quá thô bạo, vượt quá các tiêu chuẩn. Nhiều khu vực của rạn san hô và bãi trầm tích đã bị mất vĩnh viễn. Điều đó gây tổn thất lớn về lâu dài cho môi trường. Về khía cạnh kinh tế, Tiến sĩ Annette Junio Menne cho biết mỗi năm thế giới mất ít nhất 4 tỉ USD vì các hoạt động khai thác bừa bãi ở rạn san hô trên Biển Đông của Trung Quốc, khẳng định điều đó không chỉ vi phạm hòa bình mà còn cả sự thịnh vượng của các quốc gia trên Biển Đông nữa.

Giới học giả quốc tế đề xuất một số biện pháp giúp khắc phục môi trường sinh thái ở Biển Đông

Theo các học giả, mỗi quốc gia đều phải có nghĩa vụ bảo vệ tài nguyên biển, tuân thủ các quy định và phán quyết quốc tế. Trong đó phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines và Trung Quốc là rất đúng đắn và cần thiết. Tiến sĩ Masanori Muto, đại diện Viện nghiên cứu Mitsubishi, Đại học Tổng hợp Tokyo, Nhật Bản cho biết: “Phán quyết của Tòa là một tiền đề cơ bản cho những thảo thuận, hành động tiếp theo. Chúng ta cần phải hiểu rằng vấn đề trên biển rất phức tạp, cần có sự tiếp cận liên ngành, liên giới. Có rất nhiều vấn đề như an ninh, khai thác, chủ quyền… nên sẽ rất khó để có tiếng nói toàn diện. Nhưng hãy bắt đầu từ 1 phương diện cụ thể nào đó, ví dụ như vấn đề môi trường. Dần dần chúng ta sẽ có tiếng nói chung, chia sẻ thông tin với nhau và tiến tới thỏa thuận cơ chế đặc biệt. Một bức tranh tổng thể về Biển Đông cần có nhiều nét vẽ.” Tiến sĩ Masanori Muto cũng nhận định, Trung Quốc vẫn đang đẩy mạnh xây dựng trái phép trên Biển Đông và không ngăn chặn ngư dân của họ tận diệt tài nguyên biển, các nước rất khó ngăn cản Trung Quốc chấm dứt các hành vi phi pháp trên, chỉ trừ khi Bắc thấy được lợi ích của việc bảo vệ môi trường. Trong khi đó, Tiến sĩ Michael Parsons nhấn mạnh: “Trung Quốc vi phạm luật quốc tế, điều đó sẽ gây bất lợi cho họ sau này. Kinh tế vận tải biển của Trung Quốc cũng đang suy giảm, nhiều tàu đã không còn cập cảng của họ nữa. Nội bộ Trung Quốc cũng đang có mâu thuẫn về Biển Đông, người dân Trung Quốc biết quá ít thông tin về việc này. Họ sẽ thắc mắc tại sao đất nước họ lại đối đầu với tất cả ở Biển Đông”.

Cựu Giám đốc chương trình Địa Chính trị của Viện nghiên cứu Scott Polar (Anh), ông Paul Berkman cho rằng “an ninh môi trường” cần là ưu tiên trong chiến lược an ninh quốc gia của các nước ven biển bên cạnh sự ổn định chính trị hay an ninh quốc phòng. Theo ông Paul Berkman, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thực phẩm đang tới gần, nhu cầu cân đối giữa các lợi ích về an ninh, quân sự với các lợi ích kinh tế từ biển đòi hỏi các nhà khoa học phải khẩn trương phối hợp để đưa ra các giải pháp, đặc biệt trong việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển. Riêng việc bảo vệ san hô tại Biển Đông, ông đề nghị thành lập một Mạng lưới Hành động vì San hô (Reef Action Network Coral), tương tự với mạng lưới bảo vệ rừng trên đất liền. Các chuyên gia xuất sắc nhất về đa dạng sinh thái và phát triển bền vững thuộc các nước có tranh chấp tại Biển Đông cần tập hợp lại tại một diễn đàn về chính sách, khoa học biển. Một ủy ban khoa học nghiên cứu Biển Đông cũng cần được thành lập để hướng các nước ASEAN đến hợp tác trong việc quản lý biển.

Giáo sư McManus thì cho rằng “một nước đánh bắt quá nhiều thì đương nhiên sẽ làm ảnh hưởng đến các nước khác. Nó cũng giống như trong cuộc sống hàng ngày, khi cơ hội trao cho bạn nhiều hơn thì cơ hội dành cho người khác sẽ ít đi. Vì thế nên cách tốt nhất ở đây là phải dừng ngay những tuyên bố chủ quyền phi lý. Nếu không muốn nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt, các nước liên quan cần phải ngồi lại với nhau để tính toán lại, phối hợp xây dựng kế hoạch đánh bắt ở Biển Đông. Chúng ta cần một thỏa thuận hòa bình, có thể kéo dài 30 năm rồi gia hạn và tiến tới thỏa thuận quản lý Biển Đông về nguồn lợi thủy sản.

Phản ứng của Việt Nam

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa, một phần quần đảo Trường Sa, tự ý cải tạo (phi pháp) 7 đảo nhân tạo ở Biển Đông, phá hủy hệ sinh thái Biển Đông… mà chưa được phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông; đi ngược lại các quy định luật pháp quốc tê hiện hành như Hiến chương LHQ, UNCLOS… Hành động trên cũng đi ngược lại Tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước Việt Nam – Trung Quốc về việc hạn chế các hành vi gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Kết luận:

Trung Quốc một mặt tìm cách tuyên truyền, tô vẽ cho các hoạt động phi pháp của nước này ở Biển Đông nhằm đánh lừa cộng đồng quốc tế để tránh bị lên án, chỉ trích, từ đó phục vụ âm mưu thôn tính khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã phá hủy gần như toàn bộ hệ sinh thái ở Biển Đông để phục vụ việc xây đảo nhân tạo (phi pháp) và đánh bắt trộm các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Hành động của Trung Quốc là đáng lên án, các nước liên quan cần gia tăng các biện pháp theo dõi, giám sát và trừng phạt thích đáng để Bắc Kinh chấm dứt các hành động trên.

RELATED ARTICLES

Tin mới